Chương 3: HOÀN THIỆN MỐI QUAN HỆ GIỮA DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM
3.3.1 Đổi mới nhận thức về mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật
Mọi hoạt động xã hội của con người có tính ý chí và là kết quả của nhận thức. Việc hoàn thiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật càng đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn về mối quan hệ này. Trước hết, cần kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc nhận thức mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật như tư tưởng về đại đoàn kết, tư tưởng về xây dựng đạo đức con người cách mạng. Thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật khá toàn diện và tích cực trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong điều kiện Việt Nam xây dựng nền kinh tế hàng hóa trị trường với sự đa dạng về kinh tế dẫn đến sự đa dạng về lợi ích, ý chí trong xã hội, nguyên tắc
chung sống hòa bình, cùng tồn tại và phát triển trong một đất nước thống nhất và thống nhất để có sức mạnh tổng hợp cho quá trình hội nhập quốc tế phải được coi là nguyên tắc quan trọng nhất. Mặt khác, nhận thức về sự thống nhất trên cơ sở hòa hợp xã hội, cùng tồn tại hòa bình, hạn chế bạo lực cũng là một thước đo của sự phát triển xã hội. Nói một cách đơn giản là chỉ nhìn nhận xã hội là chia rẽ và xung đột sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ giải quyết các quan hệ xung đột bằng bạo lực và nuôi dưỡng sự hận thù, không dung thứ trong xã hội. Cách nhìn nhận về thế giới và con người là nền tảng nhận thức căn bản để tiếp tục nhân thức về dân chủ và pháp luật cũng như mối quan hệ giữa chúng.
Thay đổi nhận thức không có nghĩa là thay đổi hệ tư tưởng này bằng hệ tư tưởng khác mà là thay đổi thái độ dung thứ hơn với những tư tưởng phi Mác xít về dân chủ và về pháp luật và thay đổi sự nhận thức giáo điều về chủ nghĩa Mác bằng sự nhận thức khách quan và khoa học hơn. Những quan điểm, lý thuyết về Nhà nước và pháp luật phi Mácxít cần được nghiên cứu một cách toàn diện hơn và khắc phục những hạn chế của quan điểm Mác xít. Nếu dựa trên quan điểm Mácxít làm chuẩn mực để đánh giá và phán xét các tư tưởng, quan điểm khác là chưa thật sự khoa học vì mỗi quan điểm là một phương thức tiếp cận và giải quyết vấn đề theo những cách thức khác nhau nhưng đều là giá trị nhận thức chung của nhân loại. Về mặt khoa học, không nên xác nhận một hệ tư tưởng hay quan điểm nào được độc quyền về sự đúng đắn.
Trước yêu cầu của quá trình đổi mới, nhận thức về pháp luật cần có sự thay đổi nhất định. Thứ nhất, pháp luật phải là sự phản ánh các quy luật khách quan chứ không chỉ là ý chí chủ quan của con người. Thứ hai, tính chủ quan của pháp luật phải là ý chí chủ quan của toàn thể nhân dân chứ không phải là ý chí của bất cứ một ai dù là đa số. Thứ ba, pháp luật là phương tiện quan trọng nhất để quản lý xã hội trong điều kiện hội nhập. Cuối cùng, cần phải nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm ra một con đường khách quan và dân chủ, giải quyết sự xung đột giữa tính khách quan và chủ quan nếu có.
Nhận thức thực tế hơn và đầy đủ hơn về dân chủ. Một là, dân chủ không chỉ là dân chủ cho đa số mà phải là dân chủ cho toàn thể nhân dân, trong đó mọi người đều bình đẳng (dân chủ cho đa số và dân chủ cho nhân dân đã được trình bày ở
trang 13 đoạn 1). Hai là, dân chủ phải đảm bảo tối thiểu có những hình thức và mức độ sau: dân chủ là tập hợp quyền của con người, quyền công dân và trách nhiệm thực hiện là nhà nước; dân chủ là giám sát và chế ngự quyền lực nhà nước; phải có hình thức dân chủ trực tiếp, ít nhất là phúc quyết toàn dân với hiến pháp và những vấn đề đặc biệt quan trọng khác. Ba là, dân chủ cũng là những giá trị, phương thức tổ chức và quản lý xã hội khác mà chúng cần những điều kiện nhất định để tồn tại và phát triển. Nói cách khác, khái niệm dân chủ phải được cụ thể hóa chứ không chỉ chung chung là của dân, do dân và vì dân. Thay đổi nhận thức về dân chủ chính là thay đổi về việc xác định mục đích, động lực thực hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật. Mục đích trước tiên là ngăn chặn lạm quyền; kiến tạo hệ thống báo động cho những thảm họa; cuối cùng là tạo điều kiện cho sự phát triển.
Trên cơ sở nhận thức đúng về dân chủ và pháp luật như trên, cần nhận thức đúng và đủ về vai trò và sự tương tác qua lại giữa dân chủ và pháp luật, tránh tình trạng cực đoan quá chú trọng dân chủ hoặc quá nhấn mạnh pháp luật. Từ đó, nhìn nhận sự tương tác quan lại giữa dân chủ và pháp luật phải có giá trị tích cực. Hơn nữa, cần nhìn nhận mối quan hệ này có tính chất biện chứng và gắn với sự phát triển của xã hội bởi vì xu hướng phân công lao động đã chia rẽ các nhà chính trị học và các luật gia nhưng trên thực tế, những sự kiện không thể phân biệt tính pháp lý hay chính trị của nó.
Muốn nhận thức đúng về mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật phải có sự giáo dục về dân chủ và pháp luật của nhà nước và của toàn bộ xã hội. Sự giáo dục hiệu quả nhất là thực hiện dân chủ ngay trên thực tế. Đối với quyền lực nhà nước, không tạo ra sự tôn thờ, sùng bái, tin tưởng tuyệt đối vì đây là khả năng xuất hiện sự lạm dụng quyền lực. Vì vậy, những học thuyết có nội dung chế ngự quyền lực nhà nước, thực hiện dân chủ trực tiếp…cần được nghiên cứu và phổ biến trong xã hội để bổ sung và hoàn thiện cho sự nhận thức của chúng ta về nhà nước và pháp luật. Sự mở rộng tìm hiểu và phổ biến những học thuyết chính trị pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng là tạo điều kiện để nhân dân có thể so sánh các học thuyết khác nhau để thất rõ những điểm tiến bộ của chủ nghĩa Mác về dân chủ và về pháp luật cũng như tạo dư luận và sự ủng hộ một các tự nguyện của toàn bộ xã hội đối với hệ tư tưởng đã lựa chọn và thể hiện sự lựa chọn hệ tư tưởng là do chính nhân dân chứ không
phải bị áp đặt. Sự cạnh tranh về tư tưởng là thuốc thử để kiểm tra và củng cố tính ưu việt của hệ tư tưởng chính thống. Ngược lại, độc quyền về nhận thức và sự đúng đắn, không phải là hình mẫu của xã hội hiện đại.
Lưu ý là dân chủ và pháp luật không phải là những gì hoàn hảo và là sự thịnh vượng vì với tư cách là các phương thức tổ chức và quản lý xã hội, dân chủ và pháp luật chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển. Nói như vậy để chúng ta không tạo sự sùng bái thái quá về dân chủ, kỳ vọng quá nhiều về dân chủ cũng như pháp luật. Nhưng cũng không nên hy sinh dân chủ, pháp quyền để thực hiện một mục đích nào đó. Giải pháp ở đây là, nếu có sự mâu thuẫn giữa dân chủ và phát triển mà phải hy sinh một cái gì đó, trước hết phải để chính nhân dân lựa chọn và quyết định.
Động lực thực hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật chính là việc nhận thức về lợi ích thực hiện mối quan hệ này. Nhận thức về lợi ích của mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật phải được hình thành từ hai phía. Thực hiện mối quan hệ vừa là lợi ích cho giai cấp bị trị nhưng cũng chính là lợi ích cho giai cấp thống trị. Lợi ích với giai cấp bị trị đã rõ, với giai cấp thống trị nó giúp việc ra quyết định khách quan hơn nhờ trí tuệ đa số và hiệu quả thực hiện các quyết định cao hơn và chia xẻ trách nhiệm do có sự tham gia của nhân dân. Chính nhờ sự chia xẻ này, giai cấp thống trị không phải đối đầu với toàn thể xã hội cũng như hạn chế sử dụng bạo lực trong việc giải quyết những bất đồng, xung đột trong xã hội.