Chương 3: HOÀN THIỆN MỐI QUAN HỆ GIỮA DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM
3.2.2 Thực hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật phải gắn với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia
tộc, chủ quyền quốc gia
Không có khái niệm dân chủ chung chung, dân chủ phải gắn với một điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Khái niệm nhân dân có tính xác định vì nhân dân phải là nhân dân của nhà nước, quốc gia, dân tộc nào đó. Dân chủ phải gắn với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Mọi sự can thiệp vì mục đính nhân quyền có tính nhạy cảm rất cao vì nó có khả năng vi phạm nguyên tắc quan trọng nhất của dân chủ - nguyên tắc chủ quyền và độc lập dân tộc và rất nguy hiểm khi nó không vì mục đích dân chủ, nhân quyền. Sự độc lập của dân tộc và chủ quyền quốc gia là một yêu cầu quan trọng nhất để đảm bảo thực hiện dân chủ. Không thể có dân chủ nếu như bị phụ thuộc, bị nô lệ vì ở đó không phải quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân quyết định mà chủ thể bên ngoài quyết định. Cũng còn quá sớm để nói về một nền dân chủ toàn cầu. Thậm chí, cấu trúc quyền lực của Liên hiệp quốc hiện nay chỉ là đảm bảo lợi ích quốc gia hơn là của các cá nhân và thành viên của nó chỉ là nhà nước chứ không phải là nhân dân thế giới. Thậm chí các nhà nước trong Liên Hiệp quốc cũng không bình đẳng với nhau chứ đừng nói đến các công dân của xã hội toàn cầu. Vì vậy, sự độc lập, không có sự can thiệp phi dân chủ từ bên ngoài như một điều kiện quan trọng mà các học giả đã nêu ra và được phân tích ở trên càng củng cố
thêm vai trò của nguyên tắc này. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì những nước nhỏ, yếu dễ bị chi phối bởi sức mạnh kinh tế, chính trị từ bên ngoài.
Độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia phải được thực hiện trên cơ sở luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế. Pháp luật nói chung là hình thức thể hiện và là phương tiện để thực hiện độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Trong điều kiện quốc tế hóa, toàn cầu hóa như hiện nay, giữa vững độc lập chủ quyền với tư cách làm một nội dung của dân chủ có mối liên hệ chặt chẽ với pháp luật và bằng pháp luật. Vì vậy, việc xác định rõ nguyên tắc này và xem nó như là một nguyên tắc tiên quyết có ý nghĩa lịch sử và hiện đại đối Việt Nam trong quá trình hòan thiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.
Xét về mặt lịch sử, chủ quyền và độc lập dân tộc còn là một yếu tố mang tính truyền thống của Việt Nam, mọi sự thay đổi trong xã hội và bộ máy nhà nước phải đảm bảo tính liên tục của lịch sử và của dân tộc. Vì vậy, chủ quyền và độc lập có tác động rất lớn đến mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.