Nhu cầu xuất phát từ nhận thức về dân chủ và pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 137 - 140)

Chương 3: HOÀN THIỆN MỐI QUAN HỆ GIỮA DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

3.1.4 Nhu cầu xuất phát từ nhận thức về dân chủ và pháp luật

Thứ nhất, nhu cầu hoàn thiện do sự nhận thức chưa đầu đủ về mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong lịch sử. Nhu cầu hoàn thiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật xuất phát từ thực trạng về nhận thức mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật mà thể hiện trong tư tưởng giáo điều về dân chủ vô sản và chuyên chính vô sản cũng như mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật cũng như sự chối bỏ phần lớn các giá trị dân chủ và pháp luật tư sản. Chủ nghĩa giáo điều chỉ nhìn nhận xã hội trong trạng thái mâu thuẫn đối kháng và do vậy, hệ luận tất yếu là phương thức giải quyết các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ về giai cấp, quan hệ về quyền lực bằng phương thức bạo lực, chuyên chính. Trên thực tế, xã hội không chỉ chia rẽ mà nó cũng là sự thống nhất, hợp tác và quan hệ về quyền lực không chỉ là sự tranh giành mà đôi khi phải là chia xẻ, thỏa hiệp trong một trật tự thống nhất cùng tồn tại và

phát triển. Hơn nữa, quan hệ giai cấp trong xã hội không chỉ có hai thành phần chính là giai cấp thống trị, bị trị và cũng không chỉ có một loại quan hệ là mâu thuẫn và phương thức giải quyết mâu thuẫn bằng chuyên chính. Trong những xã hội trình độ phát triển chưa cao, cơ cấu giai cấp đa dạng, quan hệ giai cấp, tầng lớp phức tạp, chỉ thực hiện chuyên chính vô sản là chưa phù hợp. Thực chất, cơ sở cho nền dân chủ hiện đại đã mở rộng hơn. Nó không chỉ duy nhất là giai cấp thống trị mà còn có thể là liên minh các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Chính vì xã hội đa dạng các tầng lớp nên vẫn cần việc hạn chế quyền lực của những người cầm quyền

Xuất phát từ việc nhìn nhận xã hội trên cơ sở mâu thuẫn giai cấp đối kháng, phương thức giải quyết luôn là chuyên chính vô sản, chuyên chính với giai cấp bóc lột. Vì vậy, dân chủ phải là dân chủ vô sản mà quyền lực này không chịu bất cứ một hạn chế nào, kể cả bằng pháp luật bởi vì một lý do rất đơn giản là quyền lực thuộc về đa số nhân dân lao động không thể bị lạm dụng và không cần phải chế ngự nó. Đối với đa số nhân dân lao động, hình thức dân chủ phổ biến là dân chủ gián tiếp mà chưa đặt ra hình thức dân chủ giám sát và thách thức quyền lực nhà nước.

Có lẽ, quan điểm về pháp luật và dân chủ của Lê-nin như: pháp luật chỉ là “ý

chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật” [59, tr.64] “Chính quyền không bị một pháp luật nào hạn chế cả” [48, tr.279] đã dẫn đến việc hiểu chưa đúng và có thể là giáo điều về dân chủ và pháp luật. Vì cho rằng: pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị, chứ không phải là ý chí chung của toàn bộ xã hội và phải phản ánh các quy luật khách quan cho nên pháp luật chỉ được xem là công cụ của dân chủ vô sản và chuyên chính vô sản để trấn áp giai cấp mà thôi. Thậm chí, pháp luật cũng chưa được coi trọng để quản lý xã hội vì nếu quản lý xã hội bằng pháp luật nhà nước phải tôn trọng tính ổn định, tính minh bạch và tính công bằng điều mà trên thực tế đôi khi cản trở sự thực hiện chuyên chính vô sản. Nhận thức như trên có thể được coi là đúng trong trường hợp đất nước có chiến tranh cần có sự quản lý thống nhất, tập trung, nhưng cũng chưa có một khảo cứu nào cho thấy đây là một phương pháp duy nhất đúng và không thể có lựa chọn khác.

Thực tế xã hội Việt Nam cho đến trước năm 1992 giai cấp tư sản chưa thực sự phát triển, giai cấp công nhân chưa chiếm đa số trong xã hội và chưa phải là giai cấp sản xuất trong điều kiện khoa học kỹ thuật và trình độ tiên tiến nhất trong khi

giai cấp chiếm đa số lại là nông dân với trình độ phát triển kinh tế còn lạc hậu. Như vậy, mâu thuẫn giai cấp đối kháng trong xã hội không phải là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, ngược lại, các giai cấp lại có quan hệ thống nhất về lợi ích trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và càng cần phải thống nhất chứ không phải là mâu thuẫn trong điều kiện toàn cầu hóa để nâng cao vị thế dân tộc trong quá trình hội nhập. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế hàng hóa thị trường và dù là nền kinh tế hàng hóa thị trường mang định hướng gì đi nữa nó trước tiên phải tuân theo quy luật của nền kinh tế hàng hóa thị trường nói chung. Do vậy, sự biến đổi của nền kinh tế tất yếu biến đổi xã hội. Chúng ta phải thừa nhận và bảo vệ sự tồn tại của những lợi ích khác nhau và những giai cấp mới trong xã hội.

Truyền thống nhận thức và văn hóa chính trị pháp lý đã được hình thành nhưng vẫn còn nhiều ảnh hưởng của xã hội cũ. Ví dụ, truyền thống đức trị, nhân trị ảnh hưởng đến nhận thức về dân chủ và pháp luật với tư cách là công cụ cai trị mà không chế ngự quyền lực cai trị. John Gillespie cho rằng, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của Việt Nam là sự pha trộn giữa tư tưởng Nho giáo được cải biến trong xã hội mới và tư tưởng Nhà nước pháp quyền du nhập từ quá trình “Đổi mới” của Liên xô cũ và thực hiện có chọn lọc “pháp quyền” theo từng lĩnh vực, chủ yếu là kinh tế [133, tr.146-172.]. Tuy những phân tích này có thể chưa toàn diện, nhưng có một sự thật là tư tưởng Nho giáo và nhận thức chưa đúng về quan điểm Mácxit có ảnh hưởng nhất định đến nhận thức về dân chủ và pháp luật. Với sự chuyển đổi về kinh tế và xã hội, nhận thức giáo điều như trên về dân chủ và pháp luật cần thiết phải có sự thay đổi cơ bản. Nói cách khác, thực trạng nhận thức đòi hỏi phải nhận thức lại và hoàn thiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Thứ hai, Dân chủ và pháp quyền đã là cam kết của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân. Động lực thực hiện dân chủ từ trên xuống rất rõ ràng và được cam kết thực hiện. Ví dụ, trong Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010 và được cụ thể trong Hiến pháp 1992 sửa đổi đã xác định việc xây

dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều 2 Hiến pháp 1992 sửa đổi

cũng đã ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.”. Điều quan trọng hơn là dân

chủ không chỉ cho nông dân tập thể, công nhân và trí thức xã hội chủ nghĩa đồng thời thực hiện chuyên chính với giai cấp tư sản như Hiến pháp 1980 mà dân chủ đã mở rộng hơn rất nhiều trong Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Động lực từ dưới lên cũng đã rõ ràng hơn trong việc thực hiện dân chủ. Dù chưa có nhiều khảo sát về thái độ với dân chủ và thị trường ở Việt Nam, nhưng Chương trình Điều tra Giá trị Thế giới năm 2002 cho thấy thái độ tích cực “một cách đáng ngạc nhiên” so với các nước trong khu vực, dù đây là một trong những khảo sát đầu tiên và được thực hiện từ bên ngoài. Ví dụ, theo kết quả khảo sát, mức độ ủng hộ cho dân chủ ở Philipin là 40%, Indonesia là 56% trong khi Việt Nam là 60% [107, tr1-15]. Theo báo cáo “Công chúng Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp” được tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Con người Hà nội và Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ thuộc Đại học California: 90% tin tưởng vào Chính phủ, Quốc hội, 54% ủng hộ việc thay đổi xã hội, 97% hài lòng với việc bổ sung khái niệm dân chủ công bằng văn minh vào Hiến pháp và 72% cho rằng dù có những hạn chế nhưng dân chủ tốt hơn bất cứ thể chế nào khác [101, tr.1-24]. Nhân loại không từ chối quyền dân chủ và nhân dân Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ. Tóm lại, thực hiện dân chủ và hoàn thiện pháp luật cũng như mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật đã là những mong muốn, những lợi ích thiết thực của Đảng Cộng Sản Việt Nam, của nhân dân Việt Nam và nó đã trở thành động lực cho việc hoàn thiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 137 - 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)