CHƢƠNG 2 TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN
2.2. Thực trạng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại làng cổ PhướcTích
2.2.5. Thực trạng CSVC kỹ thuật và vệ sinh môi trường phục vụ du lịch
2.2.5.1. Cơ sở lưu trú (homestay)
Qua quá trình khảo sát, vì homestay được hoạt động trên chính ngôi nhà rường truyền thống dưới sự quản lý của chủ ngôi nhà nên một số hạng mục tại các cơ sở homestay chưa được đồng bộ chẳng hạn như nhà vệ sinh. Một số cơ sở lưu trú trang bị nhà vệ sinh theo hướng hiện đại với đầy đủ các tiện nghi sang trọng quá mức cần thiết nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của gia đình cũng như du khách nhưng có lẽ nó không phù hợp với tiêu chuẩn của ngôi nhà rường cổ và làm mất đi không gian sinh hoạt truyền thống ở làng quê. Và cũng có nhiều cơ sở lại không trùng tu, sửa sang nhà vệ sinh nên rất dễ tạo cảm giác không hài lòng cho khách lưu trú, từ đó ảnh hưởng đến sự đánh giá về chất lượng của loại hình này.
2.2.5.2. Nhà tiếp đón du khách
Hiện nay, nhà tiếp đón khách đang hoạt động rất tốt và được sự quản lý bởi BQL làng cổ Phước Tích. Nhưng dường như những hình ảnh, hiện vật, tư liệu hay sản phẩm thủ công của làng thì vẫn chưa được chú trọng quảng bá và không được trang trí nhiều ở bên trong, thậm chí nhiều tủ gương còn để trống không được sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục như bàn, ghế, nhà vệ sinh, cảnh quan trong sân cũng đã xuống cấp, nhất là sau trận lũ vào cuối tháng 10/2020 gần đây đã ảnh hưởng
rất nhiều đến cảnh quan của làng và trong đó có nhà tiếp đón khiến công trình này bị xáo trộn rất nhiều.
2.2.5.3. Hệ thống giao thông
Năm 2007, được sự tư vấn của Hội kiến trúc sư Việt Nam UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư lát gạch con đường làng dài 2,5 km với tổng kinh phí 1,505 tỷ đồng. Việc đầu tư lát gạch đã làm cho làng cổ thêm sạch sẽ, tươm tất phần nào tăng tính tiện lợi cho du khách lẫn người dân địa phương, gạch được lát theo phong cách cổ điển nên không làm mất đi nét cổ kính, bình yên của ngôi làng.
Nhìn chung, các tuyến đường giao thông chính bao quanh làng hiện nay đang bị xuống cấp, nhiều nơi khá nghiêm trọng. Vào mùa mưa, nhiều khu vực làng cổ bị ngập úp nên các tuyến ngõ này trở nên trơn, nguy hiểm đến người dân và KDL. Hơn nữa việc sử dụng vật liệu bê tông không phù hợp với cảnh quan làng cổ cần phải cải tạo lại.
2.2.5.4. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải
Qua quá trình khảo sát thực tế, hiện nay tại làng chưa có hệ thống hạ tầng thoát nước thải. Trong làng hiện mới chỉ có rãnh thoát nước ở tuyến đường bê tông ven phía đông làng (đường bê tông mới làm năm 2013); ở các tuyến đường gạch hiện chỉ có cống gom nước thải. Nước mưa, nước thải ngấm vào đất vườn, thoát tự nhiên ra sông Ô Lâu, đã gây ra các hiện tượng úng ngập cục bộ và có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường nước của hệ thống sông và hồ lớn trong làng. Đồng thời, làng cũng chưa có hệ thống thoát nước mưa. Nước mưa được chảy theo các hướng dốc tự nhiên ra sông Ô Lâu và hồ Sen trung tâm làng.
Trong quá trình nâng cấp hạ tầng làng chưa có các giải pháp đồng bộ. Đường bê tông ven sông mới được xây dựng (2013) có cốt cao hơn các đường đất trong làng, hiện không có cống thoát từ các đường ngõ ra sông. Vào mùa mưa, nước mặt không thoát được ra sông dồn vào các con đường đất trũng trong làng, gây úng ngập, chủ yếu ở 2 tuyến đường đất: một ở khu vực xóm Cầu, nối từ đường 49B, qua hồ sen, ra đường bê tông gần khu nhà đón tiếp; một ở xóm Hội, nối đường bê tông với đường lớn giữa làng. Đường khu vực này vào mùa mưa ngập sâu và đầy bùn đất, không nhìn thấy đáy, đã gây nhiều bất lợi, thậm chí nguy hiểm cho việc đi lại.
Rác thải ở Phước Tích chủ yếu từ các nguồn: rác thải sinh hoạt, rác thải từ hoạt động DL (du khách, điểm kinh doanh DL), bao gồm các loại bao bì thực phẩm (chai, lọ nhựa, thủy tinh, túi nilon), vỏ hoa quả, lá cây. Việc thu gom rác thải trong làng được tiến hành 2 lần/tuần vào thứ 2 và thứ 5, tập trung ở bãi rác cuối làng. Đến thứ 3 và thứ 6, xe gom rác do UBND xã Phong Hòa hợp đồng với Hợp tác xã Môi trường Phong Điền sẽ vận chuyển rác về bãi chôn lấp rác của huyện tại xã Phong Thu.
Đến nay, rác thải đã được phân loại. Người dân trong làng cho rác vào túi nilon, đem ra cổng Kiệt để vào Thùng rác cố định hoặc di dộng, rác được thu gom vào điểm tập trung rác. Bãi tập kết rác cuối mới được xây dựng đạt chuẩn về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên hình thức, kết cấu điểm tập trung rác cần phù hợp với cảnh quan chung của làng cổ. Đặc biệt hơn, quá trình khảo sát cho thấy nhiều điểm tập kết rác tuy được phân loại rác Vô cơ và Hữu cơ nhưng với thiết kế là chất liệu gỗ và khoảng cách giữa những thanh gỗ là khá xa nên rất bất tiện trong việc chứa rác. Thậm chí một số địa điểm, mặt đế phía dưới đựng rác chỉ là những khoảng trống mà không có dàn thanh gỗ để chứa.
Bên cạnh việc thi công tu bổ nhà rường được che chắn, hạn chế ảnh hưởng môi trường, thì một số hoạt động xây dựng, sửa chữa của các hộ dân chưa được quản lý tốt, người dân tập kết vật liệu xây dựng ven sông, rác thải xây dựng vương vãi, bụi không che chắn gây ảnh hưởng môi trường.
2.2.5.6. Môi trường du lịch
Hiện nay, làng chỉ có 1 số điểm dịch vụ (2 điểm dịch vụ ăn uống thường xuyên, 4 điểm dịch vụ homestay, 4 điểm ẩm thực trong nhà rường phục vụ khách đặt trước, 2 điểm làm bánh), số khách vào ngày thường không nhiều (trung bình 2000 lượt/năm), các hộ dân cũng khá thưa người, do vậy việc lưu rác hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến môi trường, tuy nhiên sẽ là nguy cơ gây ô nhiễm trong tương lai gần.
BQL đã lắp đặt hệ thống bảng biển, chỉ dẫn các điểm tham quan, nhà rường, di tích (2014), tuy nhiên hệ thống bảng biển còn khá sơ sài, chỉ dẫn chưa cụ thể, hình thức chưa phù hợp cảnh quan môi trường di tích. Trong làng cũng đã bố trí nhiều ghế đá để phục vụ người dân địa phương cũng như KDL nhưng nhìn chung chất lượng ghế đã xuống cấp cần được thay mới và một số ghế đá lại đặt ở những nơi không phù hợp với cảnh quan làng cổ.
Trong năm 2017, Viện Bảo tồn di tích đã tiến hành bàn giao hệ thống biểu, bảng chỉ dẫn, sơ đồ DL làng cổ và 40 thùng rác, 03 xe vận chuyển thu gom rác phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân làng cổ Phước Tích và KDL, tổ chức Hội thảo “Xây dựng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo sự tồn tại, sinh trưởng của cây Thị di sản, làng cổ Phước Tích” tổ chức chăm sóc và bảo vệ cây Thị đã xử lý các cây
bám ký sinh trên cây Thị với tổng mức dự án là 03 tỷ đồng [8].
Vào các dịp Hội làng truyền thống (16/6 âm lịch, tập trung dân cư, người xa quê và dân cư lân cận, ước tính khoảng 500-700 người); lễ hội Hương xưa làng cổ (khoảng 1000-2000 lượt khách/3 ngày lễ hội, đặc biệt năm 2018 lượt khách tăng đột biến, 50.000 lượt khách/3 ngày lễ hội), lượng rác ùn ứ tăng nhiều, tuy nhiên Phước Tích vẫn chưa có biện pháp tăng cường xe vận chuyển rác từ bãi tập trung rác của làng đến bãi chôn lấp rác của huyện.
2.2.5.7. Hệ thống cấp điện – nước và nhà vệ sinh công cộng
Qua quá trình khảo sát, nhiều công trình, hệ thống, cột điện đang dần xuống cấp bởi sự khắc nghiệt của thời gian và không phù hợp với cảnh quan của làng cổ. Điều này làm mất cảnh quan chung của làng và đồng thời ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như dễ dẫn đến những tai nạn ngoài ý muốn.
Mặc dù hệ thống đường ống cấp nước sạch được bố trí ngầm dưới lòng đường
chính bao làng, sau đó chia nhánh vào các hộ dân trong các kiệt nhưng tại một số khu vực các nhánh bố trí không phù hợp với cảnh quan chung của làng.
Theo quan sát, trong làng hiện nay có tất cả 05 nhà vệ sinh và đều có biển báo. Tuy nhiên những biển báo này lại đặt không theo vị trí cố định cũng như không được gia cố chắc chắn làm ảnh hưởng đến cảnh quan thẩm mỹ của làng. Đồng thời kết cấu xây dựng không phù hợp với với cảnh quan của làng cổ, nhiều nhà vệ sinh công cộng bố trí ở những nơi chưa hợp lí.