8. Cấu trúc luận văn
3.1. Đánh giá về quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Thoại Sơn gia
3.1.2. Những mặt còn hạn chế
Cơ cấu kinh tế toàn huyện tuy có sự chuyển dịch rõ nét nhưng còn chậm và chưa ổn định: Khu vực nông nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn còn chiếm tỉ lệ cao (hơn 50%), tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng chậm và chưa cân xứng với tiềm năng. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tuy có chuyển dịch nhưng vẫn còn chậm, trồng trọt vẫn là chủ yếu và cây lúa vẫn là cây trồng chủ yếu trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản chưa phát triển đúng với tiềm năng.
Tuy có nhiều thành tựu nhưng sản xuất nông nghiệp huyện Thoại Sơn vẫn thiếu tính ổn định, kém bền vững, còn mang nặng tính tự phát, các điều kiện an toàn thực phẩm chưa đảm bảo và bảo vệ môi trường chưa tốt, luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi thị trường có biến động. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm tuy có được nâng lên, nhưng chất lượng gạo cấp cao chưa cạnh tranh được với gạo Thái Lan và các nước trong khu vực; sản phẩm thủy sản nuôi trồng có chất lượng tiêu chuẩn quốc tế chỉ mới đạt 16% tổng sản lượng nuôi; các sản phẩm còn lại giá thành sản xuất còn cao, chất lượng còn thấp, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản còn kém.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp chậm, cho đến nay kinh tế của huyện chủ yếu vẫn là nông nghiệp nhưng lại chịu nhiều biến động của giá cả đã làm cho thu nhập của người dân đã rất thấp lại không ổn định làm cho độ chênh lệch về thu nhập bình quân giữa người lao động khu vực đô thị với nông thôn ngày càng tăng... một bộ phận nông dân chưa yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp,
không gắn bó với đồng ruộng. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, hiệu quả chưa cao...
Chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn chậm, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng, sản xuất chủ yếu dựa vào lao động thủ công, năng suất lao động thấp. Tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa chưa cao, diện tích sản xuất vừa tưới vừa tiêu bằng hệ thống trạm bơm điện chỉ đạt 33%; diện tích lúa thu hoạch bằng cơ giới đạt tỷ lệ 52,9% (số lượng máy gặt đập liên hoàn tại địa bàn huyện 186 máy).
Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, chưa tập trung, khả năng liên kết để mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ (đặc biệt là thị trường xuất khẩu) còn nhiều hạn chế. Lao động phần lớn chưa được đào tạo tại các trung tâm hay trường dạy nghề mà chỉ làm theo kinh nghiệm hoặc truyền nghề tại chỗ nên năng suất lao động chưa cao, ý thức kỹ thuật về an toàn lao động của người lao động còn thấp. Dù ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng mức đóng góp vào nền kinh tế của huyện nói riêng và ngành công nghiệp của tỉnh An Giang nói chung còn thấp.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển du lịch đã có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển du lịch còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu. Cơ sở dịch vụ du lịch phát triển tự phát, hoạt động đơn điệu thiếu đồng bộ; phương tiện vận chuyển còn hạn chế; đội ngũ nhân viên phục vụ chưa chuyên nghiệp. Kỹ thuật khai thác du lịch yếu kém, chủ yếu đi dạo quanh khu thắng cảnh tự nhiên, chưa thu hút lôi cuốn khách du lịch từ những loại hình dịch vụ hỗ trợ khác như trò chơi, giải trí, nghỉ dưỡng… Do đó thu hút chủ yếu là khách du lịch nội địa, chưa lôi cuốn được khách quốc tế đến thăm quan, tìm hiểu về một trong ba nền văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam đó là văn hóa Óc Eo. Thêm vào đó, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại hay các loại hình dịch vụ khác (chợ, bệnh viện…) còn non yếu, chưa tạo ra mũi nhọn làm động lực kích thích du lịch phát triển.