Cắt nghĩa lịch sử theo nhãn quan hiện đại của Doãn Hoàng Giang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 65 - 68)

1.2.4 .Những đóng góp đổi mới thể loại kịch của Doãn Hoàng Giang

2.3. Tái hiện hay cắt nghĩa lịch sử của Doãn Hoàng Giang

2.3.2. Cắt nghĩa lịch sử theo nhãn quan hiện đại của Doãn Hoàng Giang

Theo giáo sư Trần Đình Sử, cắt nghĩa lịch sử là khi tác giả thể hiện quan điểm lịch sử của riêng bản thân mình đối với vấn đề và nhân vật lịch sử. Doãn Hoàng Giang đã sử dụng nhãn quan hiện đại làm điểm nhìn để đánh giá về quá khứ.

Đối với Doãn Hoàng Giang, lịch sử không phải là những điều có sẵn trong sử sách một cách máy móc, giáo điều; mà lịch sử là những gì con người hôm nay nhìn nhận, soi xét lại quá khứ. Chính vì lẽ đó, trong vở kịch Oan khuất một thời, Doãn Hoàng Giang vẫn bỏ lửng câu hỏi vì sao Nguyễn Trãi bị oan, ai mới thực sự là kẻ gây ra cái chết của vua? Cùng một sự kiện lịch sử nhưng Doãn Hoàng Giang lại đưa ra một quan điểm khác buộc người đọc phải suy nghĩ đâu mới thật sự là nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi? Đồng thời, khi các nhà sử học vẫn còn bỏ ngỏ về đêm mà vua Lê Thái Tông băng hà, thì Doãn Hoàng Giang lại khai thác lịch sử theo yếu tố hư cấu: vua chết là bởi vì uống rượu quá nhiều, định chiếm đoạt thân xác của bà Nguyễn Thị Lộ thì bỗng nhiên đột tử. Đây chính là một cách để tác giả lý giải lịch sử hoàn toàn khác với những điều đã được ghim sẵn trong sử sách.

Trong sử sách có nói đến việc Cao Bá Quát sửa chữa bài thi để cứu những sĩ tử tài năng bị phạm húy nhưng không hề có chi tiết gánh hát của Cao Bá Quát vào diễn trò trong dinh thự của quan Đỗ Tính. Nhưng Doãn Hoàng Giang đã hướng sự việc theo hướng khác, hư cấu những sự kiện lịch sử này

trong kịch Cao Bá Quát, để ca ngợi phẩm chất của nhân vật lịch sử mà không hề phải tuân theo những điều sử sách đã ghi. Với tác giả, lịch sử không nhất thiết phải đóng khung trong những điều có sẵn, lịch sử cũng không phải là những gì đã biết, không phải không còn nhiều điều „tồn nghi‟ ngay ở cả chính những điều tưởng chừng đã sáng rõ. Đây là khoảng trống để cho sự sáng tạo của ông bay bổng. Ông phục dựng là để cắt nghĩa, lý giải chứ không phải để chứng minh. Và ở đây, cảm quan thế sự và cảm quan lịch sử ở ông hòa quyện vào nhau, soi vào nhau làm nổi bật số phận cá nhân và những vấn đề của lịch sử.

Quai đê, lấn biển cũng chỉ là một việc không phải là chủ yếu trong cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Trứ. Nó chỉ là một phần-phần cuối sau khi đã ngộ ra những đúng sai, hơn thiệt, trung quân, ái quốc và những trải nghiệm cay đắng của chính mình. Chúng ta biết đến Nguyễn Công Trứ là một vị quan, một nhà thơ “ngông” với trời đất, với thú vui ca hát, ả đào. Trong vở kịch Nguyễn Công Trứ, hình ảnh nhân vật không phải là một vị chăn dân truyền thống mà là một vị chăn dân luôn đặt nhân dân lên hàng đầu, chán nản trước thời đại, có ý thức muốn giúp dân, giúp nước, tự lãnh đạo dân quai đê, lấn biển. Đây cũng chính là sự “cắt nghĩa” lịch sử riêng của Doãn Hoàng Giang. Để tái hiện nhân vật, ông đã hư cấu những cuộc đối thoại của Nguyễn Công Trứ với những kẻ bị coi “làm loạn”, với nàng hát ả đào, với lính tráng… Thông qua đó, Doãn Hoàng Giang đã vẽ lên chân dung Nguyễn Công Trứ giản dị, gần gũi, khác với một quan Thượng Trứ Doanh điến sứ trong sử sách.

Tình sử ngàn năm là câu chuyện về cuộc đời của Lý Thường Kiệt. Sử sách đem lại cho chúng ta những hiểu biết về một Lý Thường Kiệt- nhà chính trị, quân sự tài ba ở thời đại nhà Lý với chiến thắng nổi tiếng trên sông Như Nguyệt. Trong vở kịch, Doãn Hoàng Giang không đi sâu làm rõ những chiến thắng của ông với từng chiến công quân sự như thế nào, không thể hiện cách diễu binh, chiến đấu hào hùng của quan quân, mà ngược lại vừa đi vào đời tư, vừa khắc họa một Lý Thường Kiệt anh hùng nhưng cũng đầy thương yêu. Từ

cảnh một cho đến cảnh cuối là khi chàng trai Lý Thường Kiệt mới 18 tuổi cho đến khi chiến thắng dẹp tan quân xâm lược tuổi đã tứ tuần, vẫn không quên được mối tình với nàng Thuận Khanh. Tình sử ngàn năm phục dựng Lý Thường Kiệt theo một cách khác với lịch sử, đây còn là con người hiếu thảo với di nguyện của cha, vì đất nước mà quên đi tình riêng của mình. Vì vậy, kịch không phải là “thước phim” diễn lại lịch sử, kịch là những lát cắt đồng hiện theo chủ đích của người cầm bút.

Để cắt nghĩa lịch sử, Doãn Hoàng Giang sử dụng những chi tiết hư cấu trong kịch. Lời thoại các nhân vật trong kịch lịch sử hoàn toàn là lời lẽ hư cấu. Bên cạnh đó, Doãn Hoàng Giang còn sử dụng hư cấu chi tiết, sự kiện lịch sử. Trong vở Kẻ sĩ Thăng Long, tác giả hư cấu toàn bộ lớp trí thức của Thăng Long xưa cũ để thể hiện quan điểm của mình đối với thời đại. Chính hư cấu trong bi kịch của Trần Thặng lại là bước đệm để tác giả buộc người đọc phải trả lời những câu hỏi: “Ai mới thực sự là kẻ sĩ Thăng Long?”. Người kẻ sĩ không phải là người cố chấp, quyết không khuất phục như Doãn Thường, mà là người biết đứng dậy đấu tranh âm thầm để cứu được đất nước và nhân dân.

Vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo được Doãn Hoàng Giang hư cấu toàn bộ để trình bày mối quan hệ giữa nghệ thuật và thời đại. Thực chất chẳng có lời nguyền nào trên cây đàn nhưng tác giả đã chọn lựa chi tiết hư cấu đắt giá này để tạo nên điểm cuốn hút nhất trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo. Người biết hi sinh vì nghệ thuật cũng là người có được nghệ thuật chân chính mãi mãi.

Những hình ảnh Trưng Trắc, Trưng Nhị, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi… cũng được xây dựng bằng các chi tiết hư cấu nghệ thuật để thể hiện quan điểm lịch sử của tác giả. Chẳng có chiến thắng nào của hai bà Trưng, cũng chẳng có chuyện Cao Bá Quát sửa bài thi cho thí sinh, hay Nguyễn Công Trứ chống lại triều đình vì nhân dân, Lý Thường Kiệt cũng không có mối tình với nàng Thuận Khanh… nhưng tất cả được Doãn Hoàng Giang hư cấu không chỉ làm nhân vật gần gũi với độc giả, mà còn khiến họ

mang tầm vóc của một con người bình dị với những cảm xúc và hành động chân thực. Tác giả không vẽ lên những tượng đài bất di bất dịch mà ngược lại, tái hiện nhân vật lịch sử theo xu hướng “con người hóa” để nhân vật cũng là một con người biết yêu thương, biết đau đớn, biết đấu tranh vì lẽ phải. Điều này khiến kịch lịch sử không còn mang tính chất giáo điều, câu lệ trong sử sách mà trở nên đời thực hơn, cuốn hút hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)