Nghệ thuật xây dựng hành động kịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 84 - 88)

1.2.4 .Những đóng góp đổi mới thể loại kịch của Doãn Hoàng Giang

3.3. Nghệ thuật xây dựng hành động kịch

3.3.1. Hành động kịch gắn liền với hành động nhân vật

Theo Phạm Thị Chiên, “xung đột kịch còn là phương tiện nghệ thuật trình bày hành động kịch. Nói cách khác, xung đột không chỉ đơn thuần là nội dung vở kịch mà còn hiện diện như là một hình thái nghệ thuật của kịch, là một dạng ngôn ngữ kịch – ngôn ngữ xung đột” [2, tr.68]. Muốn tạo được xung đột kịch hấp dẫn thì càng cần phải chú trọng vào vai trò của hành động kịch và ngôn ngữ kịch.

Để tạo được những xung đột kịch gay gắt mang giá trị cao, Doãn Hoàng Giang đã khéo léo xây dựng những hành động kịch. Tác giả đã khéo léo sắp xếp, tổ chức các tình tiết sự kiện, biến cố trong cốt truyện của kịch bản để truyền tải mâu thuẫn của xung đột kịch. Chẳng hạn trong vở Oan khuất một thời, trình tự sắp xếp các cảnh: từ cảnh 1 trong cung hoàng hậu

NguyễnThị Anh mâu thuẫn đã được hình thành khi các quan nịnh thần cùng thầy phù thủy phát hiện ra sự “nguy hiểm” vì cái thai thiên tử của Ngọc Dao. Cảnh hai tiếp tục xoay quanh dinh thự của Nguyễn Trãi khi Ngọc Dao đến xin Nguyễn Trãi cưu mang mẹ con mình. Cảnh ba chuyển sang điện Kính Thiên, khi vua và các quan trong triều cùng nhau duyệt lễ nhạc, Nguyễn Trãi nhận ra thời thế không còn phù hợp với mình xin về ở ẩn tại Côn Sơn. Cảnh bốn là khi Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn mà lòng vẫn không nguôi lo lắng cho dân cho nước, kết thúc cảnh bốn là khi vua Thái Tông đưa Thị Lộ về cung với mong muốn Nguyễn Trãi quay trở lại triều đình. Cảnh năm là giữa đêm tại Lệ Chi viên, Thái Tông đột ngột qua đời sau khi uống rượu cùng Thị Lộ. Cảnh sáu là khi Nguyễn Trãi biết tin mình mang nỗi oan giết vua cùng Thị Lộ, Nguyễn Trãi uống hết chín vò rượu mà giãy bày tâm sự của mình. Cảnh bảy là khi lũ gian thần cùng bà Nguyễn Thị Anh xử phiên tòa kết tội Nguyễn Trãi. Cảnh tám là hình ảnh Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi bị kết án tử hình, và vua Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi. Mỗi một cảnh,đều chứa đựng những hành động kịch có lô – gic với nhau tạo thành một vở kịch lịch sử có sự liên kết mạch lạc trong bố cục, sự kiện lịch sử.

Hành động kịch trong Cao Bá Quát cũng được tổ chức một cách lô – gic qua từng cảnh: Cao Bá Quát làm nghề dạy học – Cao Bá Quát sửa chữa bài thi cho thí sinh – Cao Bá Quát phải vào ngục tù – Cao Bá Quát được tự do nhưng vẫn buồn bã trước thế sự - Cao Bá Quát lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa nhưng thất bại và tự đón nhận cái chết hiên ngang. Tổ chức hành động kịch gắn liền với hành động của nhân vật, khiến hình ảnh Cao Bá Quát hiện lên sáng ngời hình tượng người kẻ sĩ.

Trong Nguyễn Công Trứ, hành động kịch cũng được sắp xếp theo từng cảnh, mở đầu là cảnh “dẹp loạn” trong dân lành, tiếp đến là sự giác ngộ của Nguyễn Công Trứ rằng dân không phải là giặc, mà giặc chính là những quan lại thối nát đang bòn rút của nhân dân đó thôi, vì thế Nguyễn Công Trứ quyết

tâm đứng về phía nhân dân, quai đê lấn biển để dân có được ấm no. Thế nhưng giấc mơ đó không thành, ông bị bắt bớ lên vùng biên ải mà vẫn không một tiếng kêu than, không một lời oán hận buồn bã, đến khi phục dựng chức quyền vẫn chẳng ham vinh hoa. Hành động kịch vì thế không chỉ góp phần tạo nên xung đột kịch mà cũng được tác giả xây dựng theo nhân vật, tô điểm cho nhân vật. Với Vương Nữ Mê Linh, Tình sử ngàn năm và Kẻ sĩ Thăng Long, hành động kịch cũng không nằm ngoài quy luật này. Khi nói về văn học kịch, Hegel có nhận định: “Trong các thể loại văn học ngôn từ, văn học kịch là sự thống nhất giữa hai nguyên tắc khách quan của sử thi và chủ quan của thơ trữ tình. Vì có thể nói, kịch lấy biểu hiện tình tiết, hành động của toàn bộ bản thân làm hiện thực trực tiếp bày ra trước mắt người xem. Những hành động này bắt nguồn từ đời sống nội tâm, tính cách nhân vật, kết quả của nó được quyết định bởi tính chân thực của các loại mục đích liên quan, bởi nhân vật cá biệt và sự thay thế của các xung đột. Doãn Hoàng Giang đã sáng tác các vở kịch trên dựa trên quan điểm này, gắn hành động kịch với nhân vật, từ những thay đổi trong đời sống nội tâm, trong quan điểm sống đến những hành động có tính quyết liệt để thể hiện được xung đột kịch.

Riêng với Tiếng đàn vùng Mê Thảo, hành động kịch xoay quanh hành trình đi tìm lại tiếng hát và tiếng đàn của nhân vật Bá Nhỡ. Ban đầu là cuộc gặp gỡ với nàng Thị Tơ với ông chủ ấp Mê Thảo, sau khi nàng rời đi, ông chủ đổ bệnh, Bá Nhỡ chỉ là một anh gia nhân đã đi tìm phó Chánh và Thị Tơ ở khắp nơi. Đến khi gặp được rồi, hành trình tìm nghệ thuật tưởng chừng đã thành công nhưng không phải. Hành động kịch trở nên kịch tính, khi đặt nhân vật vào lựa chọn giữa cái sống và cái chết: sống mà không được nghe tiếng đàn hát của Thị Tơ thì chẳng thà Bá Nhỡ chọn lời nguyền, chọn cái chết để hi sinh, để người đời vẫn mãi mãi được nghe Thị Tơ cất tiếng hát, tiếng đàn. Hành động kịch vì vậy không chỉ hấp dẫn ở cuộc truy tìm Thị Tơ mà còn khiến người đọc phải hồi hộp trước giây phút Bá Nhỡ chọn cái chết vì nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Tháp Đoạn Hồn cũng là tác phẩm có hành động kịch mang tính kịch tính cao. Hành động kịch chủ yếu xoay quanh bí ẩn vụ án giết người ở Tháp Đoạn Hồn mỗi buổi sáng, rồi những nút thắt mới liên tục mở ra, đến cuối bí ẩn được khám phá, kẻ giết người phải đền tội ác là mất đi người thân và đau đớn tước đi mạng sống của chính mình. Kịch tính, hấp dẫn là những gì người đọc và người xem khám phá được nhờ sự chuyển thể sáng tạo và dí dỏm của Doãn Hoàng Giang trên các phương diện: hành động và ngôn ngữ kịch.

3.3.2. Xây dựng hành động kịch theo kết cấu nhân – quả

Hành động kịch còn được Doãn Hoàng Giang xây dựng theo kết cấu nhân – quả gắn liền với hành động của nhân vật. Vì muốn thoát khỏi ách đô hộ của Tô Định, Sầm Đan, vì muốn trả thù trước cái chết của Thi Sách mà Trưng Trắc, Trưng Nhị đã đứng lên khởi nghĩa thành công. Tư tưởng đến nợ nước, trả thù nhà trong chính sử, trong dân gian được Doãn Hoàng Giang lựa chọn làm xương sống cho vở kịch nhưng tư tưởng ấy chỉ được sử dụng như chủ để nền tảng, chi phối các chủ đề khác còn cuộc sống của các nhân vật, số phận từng người, đời sống nhân dân cũng được chú ý thể hiện. Vì không thể làm ngơ trước tình cảnh vua quan sa đọa, bóc lột dân lành, mà Cao Bá Quát đã lãnh đạo dân nổi dậy. Vì biết quan lại mới thực sự là “loạn” trong dân, nên Nguyễn Công Trứ mới quyết định cùng dân quai đê lấn biển để khai hoang, lập nghiệp, đem lại cuộc sống yên bình cho dân. Ông hiểu việc dân nổi dậy chống lại sự hà khắc của triều đình chỉ là cực chẳng đã, bởi chính quyền, quan lại chính là những kẻ bức dân làm phản. Chủ đề này đã lý giải rõ hơn cuộc đời và nỗi đau đời cũng như vì sao người dân nghe theo ông, xây sinh từ thờ ông ngay cả khi ông còn đang tại thế. Vì chữ hiếu với cha mà Lý Thường Kiệt mới từ bỏ tình yêu và lời ước hẹn để đầu quân và sau lập lên những chiến thắng lẫy lừng. Vì không thể để đất nước loạn lạc dưới tay Dương Nhật Lễ, nên những kẻ sĩ Thăng Long mới nổi dậy, mà Trần Thặng mới phải đóng vai

“kẻ ác” để nghĩa quân thắng lợi. Hành động kịch được xây dựng theo hành động nhân vật là kết cấu thường gặp trong kịch nói, vừa giúp nổi bật hình ảnh nhân vật, vừa tạo điểm nhấn cho xung đột kịch.

Trong bài viết Nghệ thuật kịch nói đứng đâu trong cuộc sống hôm nay, tác giả Ngọc Anh – Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có viết: “Sự tác động mạnh mẽ gây được ấn tượng sâu sắc nhất của kịch đối với khán giả có lẽ là ở tính chất khác lạ của nó mà người ta chưa từng thấy trong cuộc sống thường ngày. Đó là những sự việc, những hành động phi thường, độc đáo của nhân vật kịch. (Đương nhiên là với quan điểm của chúng ta về kịch hiện thực, những cái phi thường, độc đáo đó phải mang tính chất chân thực và có ý nghĩa điển hình). Đây là một trong những yếu tố khá quan trọng quyết định sự hấp dẫn của kịch đối với công chúng.” Doãn Hoàng Giang đã xây dựng nhân vật kịch gắn liền với hành động kịch, để lột tả xung đột sâu sắc, khiến những vở kịch lịch sử của ông không chỉ mang giá trị nội dung, mà còn mang giá trị nghệ thuật – sân khấu cao, thu hút sự quan tâm của người đọc, người xem và sự phê bình, đánh giá của người nghiên cứu kịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)