Xung đột cá nhân và vấn đề số phận con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 77 - 80)

1.2.4 .Những đóng góp đổi mới thể loại kịch của Doãn Hoàng Giang

3.1. Từ những vấn đề lịch sử xã hội đến những xung đột kịch

3.1.3. Xung đột cá nhân và vấn đề số phận con người

Doãn Hoàng Giang đã xây dựng xung đột trong chính bản thể nhân vật, điều này được thể hiện rõ ở sự giằng xé nội tâm và hành động nhân vật. Tình sử ngàn năm là vở kịch được xây dựng dựa trên xung đột trong bản thân Lý Thường Kiệt sâu sắc. Ở những cảnh đầu tiên của vở kịch, Lý Thường Kiệt đứng trước mâu thuẫn giữa việc cưới Thuần Khanh hay đầu quân theo lời dặn của cha và lời dạy của bác? Cuối cùng, chàng trai trẻ ước hẹn với Thuận Khanh rằng ba năm sau sẽ quay trở lại cưới nàng làm vợ. Nhưng vì Thuận

Khanh bị bắt vào cung vua, Lý Thường Kiệt lại vì tình yêu mà quyết định trở thành thái giám, để rồi suốt 24 năm ngồi thổi sáo bên hiên phòng cho Thuận Khanh nghe. Mặc dù bị cướp mất người con gái mình yêu, nhưng Lý Thường Kiệt vẫn một lòng phò tá vua, lập nhiều chiến công. Cho đến khi về già, mặc dù vẫn chung thủy với mối tình của mình, nhưng Thuận Khanh đã quy y cửa Phật, Lý Thường Kiệt vẫn ngồi đó, nghe âm thanh văng thẳng của câu hát tuổi 18 năm xưa. Họ vĩnh viễn không có được nhau, nhưng tình yêu ấy vẫn còn lại dư âm lớn trong lòng độc giả. Trong nhân vật Lý Thường Kiệt được xây dựng bằng vô vàn mâu thuẫn giữa tình yêu hay vận nước. Xung đột kịch đã khắc họa Lý Thường Kiệt ở một góc nhìn khác, không phải là sự kì vĩ của nhân vật lịch sử, mà là một con người với tình yêu mãnh liệt. Nhân vật ấy được tái hiện bởi chữ “tình”, bởi những cảm xúc của con người.

Trong vở Oan khuất một thời, Doãn Hoàng Giang còn xây dựng xung đột trong chính bản thân Nguyễn Trãi: giữa lý tưởng và hiện thực. Nguyễn Trãi muốn phò tá chính sự, trung với vua, hiếu với nước, trăn trở trước những biến động trong đời sống nhân dân, nhưng triều đình nhiễu loạn, vua quan không màng triều chính,chỉ mải ăn chơi phè phỡnkhiến ông chán nản từ quan về Côn Sơn ở ẩn. Xung đột giữa hiện thực và lý tưởng cá nhân cũng đẩy Nguyễn Trãi vào bi kịch, không chỉ là sự từ chối dung nạp người tài của hiện thực xã hội, mà còn đẩy ông vào nỗi oan giết vua. Số phận của Nguyễn Trãi được tái hiện lên bởi những mâu thuẫn giằng xé, bởi những đau đớn tinh thần. Điều này được khắc họa rõ nét qua 9 vò rượu mà Nguyễn Trãi uống trước khi đón nhận cái chết. Mỗi một vò rượu là một lần Nguyễn Trãi bộc lộ tâm trạng: uống để tạ ơn bậc sinh thành, uống để cảm tạ những người thầy, uống cho những người cùng ông phò vua cứu nước, uống vì nhân dân… Số phận, con người và nỗi oan của Nguyễn Trãi đã được thể hiện sâu sắc qua những mâu thuẫn của ông với hiện thực xã hội.

Trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo, tác giả đã xây dựng kịch bằng xung đột giữa sự giàu có, tiền bạc và hạnh phúc, xung đột giữa sự sống và cái chết, giữa cái nhất thời với cái vĩnh hằng. Ông chủ ấp Mê Thảo là người giàu có nhưng lại không hạnh phúc, luôn trong tâm trạng u uất vì không được thưởng trà, nghe tiếng đàn hát của nàng Thị Tơ. Bá Nhỡ đã cùng một người hầu lên đường tìm Thị Tơ để cứu chủ. Xung đột được đẩy lên cao trào khi Bá Nhỡ phải lựa chọn giữa sự sống hay cái chết. Trước lời nguyền từ cây đàn của ông Chánh, Bá Nhỡ cũng không ngại ngần lựa chọn cái chết vì khao khát muốn Thị Tơ cất tiếng hát cho đời, muốn Thị Tơ cứu chủ thoát ra khỏi tâm trạng u uất, buồn bã. Giây phút Bá Nhỡ gục xuống chết đem lại sự ám ảnh cho người đọc, người xem. Xung đột ấy đã truyền tải tư tưởng của Doãn Hoàng Giang, cái đẹp thực sự mới là hạnh phúc của con người, đi tìm cái đẹp, đi tìm nghệ thuật chân chính là sẵn sàng đánh đổi. Nét đẹp tinh thần và nghệ thuật chân chính của con người mới là thứ trường tồn vĩnh viễn.

Riêng trong vở Tháp Đoạn Hồn, tác giả xây dựng xung đột chủ yếu trong khát vọng cá nhân. Hoàng hậu Ma – gơ – rít muốn thỏa mãn dục vọng nhưng lại không muốn ai phát hiện ra địa vị của mình nên sau mỗi cuộc truy hoan, bà ta đã tìm cách giết những chàng trai trẻ. Bun – đa – ri vì muốn có chức tể tướng mà bất ngờ khám phá ra cái chết của đứa con trai. Từ đó, bí mật về cái chết bên tháp Đoạn Hồn và con người, quá khứ của hoàng hậu Ma – gơ – rít mới được khám phá.

Xung đột kịch là những mâu thuẫn được tái hiện trong vở kịch. Doãn Hoàng Giang vừa thể hiện xung đột trong chính nhân vật về nội tâm, xung đột giữa tính cách nhân vật và hoàn cảnh xã hội. Đặc biệt, những vở kịch gây được ảnh hưởng lớn thường mang mâu thuẫn xoay quanh những “tính cách mang những quan niệm và đại diện cho những lực lượng khác nhau trong cuộc sống” như Oan khuất một thời, Kẻ sĩ Thăng Long, Cao Bá Quát,

NguyễnCông Trứ đều mang mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và người kẻ sĩ, người làm quan chân chính.

Ngoài ra, xung đột kịch cần phản ánh những mâu thuẫn cơ bản của xã hội và thời đại, do đó bản chất của xung đột kịch luôn mang tính lịch sử cụ thể.Trong kịch Doãn Hoàng Giang, xung đột kịch xoay quanh những vấn đề của lịch sử: như mối quan hệ giữa vua chúa – quan lại, xung đột trong chính khát vọng cá nhân. Tuy nhiên, những xung đột này đều được đặt trong mối quan hệ của đời sống khiến tác giả truyền tải sâu sắc nội dung vở kịch và những mâu thuẫn lịch sử được thể hiện trong đó. Chính nhờ xung đột kịch mới lạ, mà Doãn Hoàng Giang đã có thể đưa ra những triết luận về lịch sử, đối thoại với lịch sử mà không cần phải tái hiện vở kịch theo đúng những gì sử sách đã ghi. Xung đột chính là cốt lõi, là linh hồn khiến kịch lịch sử của Doãn Hoàng Giang đi sâu vào lòng người đọc, người xem như thế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)