Bi kịch lịch sử và số phận cá nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 70 - 74)

1.2.4 .Những đóng góp đổi mới thể loại kịch của Doãn Hoàng Giang

2.4. Lịch sử và bi kịch lịch sử gắn liền với những số phận cá nhân

2.4.2. Bi kịch lịch sử và số phận cá nhân

Theo Luận án Tiến sĩ Bi kịch trong văn học Việt Nam hiện đại: Qua một số tác phẩm tiêu biểu của Phạm Thị Chiên có viết: “Thể loại bi kịch cũng có những đặc trưng thi pháp thể loại giống với các loại kịch chủng khác về xung đột, hành động, nhân vật, ngôn ngữ; ngoài ra, bi kịch có những đặc điểm riêng biệt mang đậm dấu ấn thể loại như: lỗi lầm bi kịch, sự nhận biết, sự thanh lọc… Đây là những yếu tố cơ bản làm nên chỉnh thể cấu trúc của một tác phẩm bi kịch. Nếu một vở kịch đạt được tất cả hoặc hầu hết các yếu tố thì đó là bi kịch đích thực, còn một vở kịch chỉ đạt được một hoặc một số ít các yếu tố trên thì không phải bi kịch hiểu theo nghĩa chặt chẽ khái niệm thể loại này, trường hợp này ta gọi đó là các vở kịch có các yếu tố bi kịch”[2, tr.45]. Vì vậy, có thể khẳng định được rằng, kịch lịch sử của Doãn Hoàng Giang được coi là các vở kịch có yếu tố bi kịch, cụ thể là bi kịch cá nhân của nhân vật.

Trong vở Oan khuất một thời, bi kịch lịch sử gắn liền với hình ảnh Nguyễn Trãi. Đó là khi Nguyễn Trãi không có cách nào hóa giải, minh oan cho chính bản thân mình và phải chấp nhận cái chết.Trong vở Cao Bá Quát, bi kịch của nhân vật Cao Bá Quát là khát vọng tìm nhân tài thật sự cho đất nước nhưng không được như ý nguyện. Trong vở Nguyễn Công Trứ, hình ảnh Nguyễn Công Trứ cũng là nhân vật bi kịch bởi lí tưởng của Nguyễn Công Trứ là “phải có danh gì với núi sông”, thế nhưng khi làm quan giúp đời, giúp nước, giúp nhân dân ông chịu sức ép của bộ máy chính trị không đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, trong các vở kịch Oan khuất một thời, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ còn tồn tại bi kịch lịch sử khi những người tài giỏi như Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ… không được thời đại dung nạp. Lịch sử không tiếp nhận được những người tài sẽ dẫn tới bi kịch của thời đại. Bi kịch của Lý Thường Kiệt trong Tình sử ngàn năm

là khi ông phải hi sinh mối tình của tuổi trẻ, nhìn Thuận Khanh vào cung vua mà bất lực không thể làm điều gì hơn. Bi kịch của Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo là khi ông chủ có trong tay sự giàu có, trù phú của ấp Mê Thảo, nhưng chẳng thể nào đánh đổi được tiếng hát của nàng Thị Tơ, vì thế khi đón nhận cái chết để cứu chủ, Bá Nhỡ mới cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Bi kịch của Trần Thặng trong Kẻ sĩ Thăng Long là khi ông phải giấu đi tư tưởng của mình bằng cách phá vỡ mối tình của con gái khiến Trình Nguyên phát điên rồi tự vẫn. Đó là bi kịch đau đớn của người cha vì nghiệp nước mà mất đi đứa con duy nhất của mình. Bi kịch trong Tháp Đoạn Hồn là khi nhân vật Ma – gơ – rít và Bu – ri – đan đều đau đớn nhận ra đứa con của mình đã chết chỉ vì sự dâm dục của vị hoàng hậu và cuối cùng cũng đón nhận cái chết để trả giá cho những lầm lỗi của mình. Xây dựng yếu tố bi kịch trong tác phẩm của mình, Doãn Hoàng Giang vừa góp phần làm nổi bật số phận của nhân vật, vừa giúp đẩy hành động kịch lên tới đỉnh điểm.

Nhắc đến những tác phẩm bi kịch, chúng ta không thể không kể đến vở

Kim tiền của Vi Huyền Đắc – “vị trí mở đầu của thể nghiệm bi kịch”, Yêu ly

của Lưu Quang Thuận – “bi kịch của sự lựa chọn giá trị đối nghịch”, Vũ Như của Nguyễn Huy Tưởng – “đỉnh cao của nghệ thuật bi kịch”, Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ – “bi kịch muôn đời”. Thế nhưng, kịch Doãn Hoàng Giang không đi vào bi kịch theo thể loại mà chỉ vận dụng một vài yếu tố bi kịch cá nhân của nhân vật để làm nổi bật rõ hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Giống như quan điểm của G.N. Pospelov cho rằng “bi kịch chỉ xảy ra đối với những con người có sự phát triển về đạo đức, có năng lực xúc động… Con người hèn hạ, không có phẩm chất đạo đức, thì không thể trở thành chủ thể bi kịch”.

Tiểu kết

Kịch lịch sử của Doãn Hoàng Giang được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa cảm hứng thế sự, cảm hứng lịch sử trên cơ sở quan điểm tái hiện lịch sử là để cắt nghĩa lịch sử theo nhãn quan hiện đại của ông. Doãn Hoàng Giang sáng tác kịch lịch sử không vụ lịch sử mà sáng tạo, phục dựng lịch sử theo quan điểm của ông. Ông tìm cách lý giải những con người và số phận của lịch sử từ nhãn quan một nhà nghiên cứu và một nghệ sĩ, luôn muốn làm sáng tỏ những góc mờ, góc tối với cảm quan tôn trọng nhưng không sùng phục một cách đơn giản, xuôi chiều. Hiện tại chính là điểm xuất phát và cũng là cảm hứng trực tiếp đan cài với cảm hứng lịch sử để soi xét và đánh giá lại nhiều sự kiện, nhân vật trong quá khứ.

Đan cài cảm hứng thế sự vào trong sáng tác của mình, kịch Doãn Hoàng Giang đặt nhân vật vào nhiều mối quan hệ xã hội: quan hệ vua – tôi, thầy – trò, vợ - chồng, quan hệ giữa nhân vật với quần chúng nhân dân… để đưa độc giả tới những góc khuất trong nội tâm nhân vật lịch sử. Họ không còn là những tượng đài mà là những số phận...Ông không làm cho người xem, người đọc hôm nay nhận thức khác về lịch sử mà hiểu rõ hơn vì sao lịch sử lại có những bước đi và số phận như thế. Cảm hứng thế sự còn được thể hiện trong hành động, ngôn ngữ kịch đầy chất suy ngẫm, đối thoại để thúc đẩy xung đột kịch lên đến cao trào, để nhân vật lịch sử sống dậy như những con người có thật trong cuộc sống.

Doãn Hoàng Giang chỉ vận dụng một vài chi tiết tái hiện lịch sử như Nguyễn Trãi làm quan dưới triều Lê, từng sống ở Côn Sơn và vụ án Lệ Chi Viên, Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược, Cao Bá Quát dạy học… còn lại ông hoàn toàn hư cấu về nhân vật khiến lịch sử hiện lên hoàn toàn không khô khan mà trở nên mới lạ vì điểm chú ý lớn nhất trong các vở kịch của ông là ông chú ý nhiều nhất đến kể số phận chứ không kể sự kiện. Đó

chính là sự kết hợp giữa tái hiện lịch sử và cắt nghĩa lịch sử theo quan điểm của người sáng tác.

Thông qua những chi tiết bi kịch: cái chết của Nguyễn Trãi và nỗi oan “chu di tam tộc”, sự thất bại và lựa chọn cái chết của Cao Bá Quát, Trần Thặng đau đớn vì cái chết của con gái, rồi trong giây phút chiến thắng khi nghĩa quân tiến vào thành Thăng Long cũng chết bởi lưỡi đao của kẻ thù, Bá Nhỡ chết vì muốn phá vỡ lời nguyền quanh tiếng đàn và tiếng hát của Thị Tơ… đều thể hiện những mâu thuẫn, xung đột kịch đắt giá khiến nội dung vở kịch lên tới đỉnh điểm của cao trào.

Chính nhờ sự kết hợp giữa cảm hứng lịch sử, cảm hứng thế sự và cảm quan lịch sử của Doãn Hoàng Giang mà lịch sử trở nên mới lạ và hấp dẫn đối với người đọc, người xem.

Chƣơng 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TRONG KỊCH LỊCH SỬ CỦA DOÃN HOÀNG GIANG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kịch lịch sử của doãn hoàng giang (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)