Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nông nghiệp đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 36 - 41)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nông nghiệp đô thị

Trong quá trình đô thị hóa của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển và đang phát triển việc phát triển nông nghiệp đô thị chính giải pháp cần thiết bởi vì nó không những đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm mà còn tạo ra không gian xanh cho các đô thị và mang lại nguồn thu nhập.

Từ cuối thế kỷ XX, nông nghiệp đô thị đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Theo báo cáo hằng năm của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), năm 2008 “Gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị trên thế giới là từ nông nghiệp đô thị, 25 - 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị” (Báo cáo của FAO: Tổng quan tình hình lương thực thế giới 2008). Rất nhiều đô thị nổi tiếng trên thế giới phát triển mạnh về nông nghiệp đô thị. Ở Matxcơva (Nga) 65% gia đình có mô hình VAC đô thị, ở Dactxalam là 68%, Maputo 37%,... Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở Niu Oóc (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu..., nông nghiệp đô thị, ven đô cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt trứng của người dân. Theo Tổ chức Làm vườn quốc gia Hoa Kỳ, năm 2007, người dân Hoa Kỳ chi khoảng 1,4 tỷ USD cho việc trồng cây rau, quả tại nhà, tăng 25% so với năm 2006. (Võ Hữu Hòa, 2011). Sau đây là một số quốc gia điển hình về phát triển nông nghiệp đô thị như sau:

2.2.1.1. Kinh nghiệm của Cuba

Năm 1989, hơn 57% lượng calo hấp thụ của Cuba đến từ lương thực nhập khẩu từ Liên Xô. Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Cuba đột nhiên trở thành đơn độc trong việc cung ứng thức ăn cho dân số của mình - trong đó có 2,2 triệu dân ở Havana (thành phố lớn nhất vùng Caribe). Không chỉ mất đi nguồn lương thực nhập khẩu, Cuba còn phải chịu lệnh cấm vận của Mỹ, khiến cho việc vận tải lương thực từ nông thôn ra thành thị gặp khó khăn do tình trạng thiếu xăng dầu. Lượng nhập khẩu lương thực của Cuba giảm 70% từ năm 1989 đến năm 1993. Một thảm họa thực sự.

Nhìn vào Havana những năm 90, khi việc thiếu lương thực trên diện rộng diễn ra, cư dân ở đây đã phải làm điều duy nhất có thể - tự nuôi miệng ăn bằng đôi bàn tay của mình.

Trên ban công, trên mái nhà, ở sân sau...người ta trồng đậu, cà chua và chuối - bất cứ thứ gì, và bất cứ nơi đâu có thể. Người Havana bắt đầu với sự thiếu thốn đủ thứ: đất trồng, dụng cụ, cây giống, kiến thức... Tìm ra không gian để trồng trọt trong đô thị chật chội không hề dễ dàng. Havana cũng thiếu nước để trồng trọt vào mùa khô, từ tháng 4 tới tháng 11. Lớp đất mặt của Havana cũng không thể nói là giàu dinh dưỡng, cần nhiều thời gian cải tạo. Vậy mà chỉ trong vòng 2 năm, vườn tược và nông trại mọc lên trong mọi khu ở của Havana.

Bộ Nông nghiệp Cuba và chính quyền thành phố Havana ủng hộ phong trào này, và cùng nhau thành lập Sở nông nghiệp đô thị vào năm 1994. Sở này ban đầu tập trung vào việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho các nhà nông ở thành thị này và giao đất không thu phí cho tất cả cư dân muốn trồng trọt trong thành phố. Tuy nhiên đất vẫn thuộc sở hữu của nhà nước và sẽ bị thu hồi nếu việc sử dụng không hiệu quả. Hiện nay Sở còn có chức năng khuyến nông: cung cấp và phổ biến kiến thức nông nghiệp, lập các trung tâm hướng dẫn, các câu lạc bộ nông nghiệp và cung cấp cây giống. Có tới 12 trung tâm phân phối giống và thiết bị sản xuất nông nghiệp được lập ra ở Havana: cung cấp giống cây trồng, phân bón, nông cụ... Không thể không kể tới những câu lạc bộ nông nghiệp tự phát, với nhu cầu cấp thiết và chính đáng, đã tự mình giải quyết nhiều khó khăn cho nhà nông ở Havana.

Có thể thấy rằng ngay một nước bị cấm vận như Cu Ba thiếu thốn về mọi mặt với mục đích sản xuất chỉ trống đói vậy mà qua từng bước phát triển Cu Ba đã tìm ra cho mình với hướng đi phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp mang lại nhiều kết quả cao. Nền nông rất đa dạng: từ các khu vườn tư nhân (tiếng địa phương là huertos privados) cho tới những khu vườn nghiên cứu của nhà nước (organicponicos), trong đó loại hình vườn phổ thông (huertos populares) là thường thấy nhất. Các diện tích được tận dụng tối đa như các công trình bỏ hoang, các sân bê tông, từ diện tích mấy mét vuông cho đến vài ha cũng được tận dụng để sản xuất nông nghiệp. .. sự tự nhiên của phát triển nông nghiệp đô thị, gắn liền với đô thị được nhà nông ở Havana tô điểm màu xanh trong bức tranh của đô thị.

Ngoài ra sự thích nghi, sự nhanh nhạy của người dân Cu Ba trong quá trình sản xuất đó là chi phí thấp, tính sẵn sàng cao mà không phá hủy môi trường, lựa chọn canh tác phong phú trên nhu cầu của thị trường và các hộ gia đình, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đặc biệt sử dụng các chất thải của

gia súc, gia cầm và gia đình biến thành phân hữu cơ sử dụng cho sản xuất nông nghiệp tận dụng chất thải, giảm chi phí, thân thiện với môi trường, và chất lượng nông sản đảm bảo.

Các học giả phương Tây vẫn đang tìm đến Havana như một hình mẫu thành công của nông nghiệp đô thị và một câu chuyện thú vị bậc nhất trong lĩnh vực quản lý đô thị của thế giới.

Giới học giả cũng đã rút ra những nhận định chung về sự thành công của Havana. Trong đó cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ là hết sức thiết yếu cho sự thành công của hệ thống sản xuất lương thực đô thị. Việc phổ biến kiến thức cũng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển nông nghiệp đô thị ở đây. Sau cùng, việc trao cho người dân vai trò kiểm soát chuỗi cung lương thực có thể thay đổi sâu sắc cộng đồng theo hướng tích cực, nâng cao chất lương cuộc sống một cách rõ nét. Khi mà thế giới đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, đất nông nghiệp thì suy giảm, sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu xăng dầu ngày càng tăng, tình trạng thay đổi khí hậu... câu hỏi làm thế nào để chúng ta nuôi được hàng tỉ miệng ăn trong đô thị không còn là ý nghĩ trong đầu nữa - đó là một thực tiễn cấp bách ( Vũ Minh Nhật, 2012).

2.1.1.2. Kinh nghiệm của Đài Loan

Đặt vấn đề xây dựng nền nông nghiệp đô thị không riêng ở Việt Nam mà các nuớc khác cũng vậy, là yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài nhằm xây dựng một môi trường sống hài hòa, thân thiện với con người. Bài học này Đài Loan đã trải quan và phải trả một cái giá khá đắt, vì phá hoại môi trường, ô nhiễm do phát triển công nghiệp trước đây.

Trong sản xuất nông nghiệp ở các đô thị lớn, không nên duy trì chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi càng xa thành phố càng tốt, khai thác các lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, thời tiết, khí hậu, đồng cỏ, nguồn nguyên liệu,…Về trồng trọt, ở thành phố Hồ Chí Minh nên tập trung nghề trồng hoa, cây cảnh, cây rau. Trong đó chú ý khai thác lợi thế tiếp cận thị trường là cây hoa, cây cảnh.

Về dịch vụ nông nghiệp sinh thái, Đài Loan rất chú trọng phát triển và gọi là “hưu nhàn nông nghiệp” tức là nông nghiệp nghỉ ngơi, thư giãn là rất cần thiết, nhưng không nên xây dựng cơ ngơi đồ sộ, cao tầng theo kiểu kiến trúc đô thị. Xây dựng các cơ sở nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn phải tôn trọng thiên nhiên, hài hòa thiên nhiên và kiến trúc phù hợp với đặc điểm văn hóa, thẩm mỹ ở từng vùng, cho dù có thiếu chút ít tiện nghi cũng là bình thường. Tại Đài Loan, các điạ

phương và nhà đầu tư đề xuất chính phủ sau khi duyệt đề án có thể cho vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền, quảng bá.

Về sản xuất giống và cung cấp các dịch vụ đầu vào, giải quyết tiêu thụ sản phẩm là cần thiết. Nhưng không nên ôm đồm, tản mạn nhiều loại sản phẩm. Cần tập trung chọn tạo, nhân giống, xây dựng thương hiệu một số cây giống, con giống mà đô thị có ưu thế, có thể là các giống hoa, cây kiểng, các cảnh, phù hợp với trình độ tay nghề, khí hậu, thổ nhưỡng và những đặc điểm sinh học để tránh lai tạp. Đài Loan rất chú trọng sản xuất máy móc, công nghệ (dây chuyền), các công cụ chuyên dùng, các loại dinh dưỡng, bảo vệ thực vật,…. nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và thiếu nguồn lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành hoa kiểng nói riêng. Trong lĩnh vực thu hoạch, bảo quản, sơ chế, vận chuyển cũng vậy, cần đi vào chuyên môn hóa và tranh thủ thời gian một cách tối đa, nhất là việc tổ chức tiêu thụ các loại hoa cắt cành (lily, cúc, hồng, lay ơn,….).

Đài Loan có khoảng 13.000 ha trồng các loại hoa, cây cảnh, tổng doanh thu ước đạt 500 triệu USD; do điều kiện sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu thưởng ngoạn hoa, cây kiểng, du lịch sinh thái ngày càng tăng lên, nên các sản phẩm từ hoa, cây kiểng có đến 90% là tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ khoảng 50 triệu USD chủ yếu là hoa lan và một số loại hoa cắt cành. Đài Loan có nhiều trung tâm, chợ đầu mối do chính phủ đầu tư, xây dựng cơ sở ban đầu và giao cho các tổ chức trong hiệp hội hoa khai thác dưới hình thức công ty cổ phần. Chợ hoa Đài Bắc rộng 4,6 ha, là một doanh nghiệp cổ phần. Cổ đông bao gồm các nhà kinh doanh (60%), các nhà vườn, cơ sở sản xuất (40%) và kích thích tiêu thụ nhiều sản phẩm bằng chính sách ưu đãi cho người bán buôn, các nhà phân phối lớn. Nhờ tác động của hoạt động kinh doanh, dịch vụ mà ngành hoa kiểng Đài Loan phát triển bền vững và ngày càng đi vào năng suất, chất lượng, hiệu quả cao (Trương Hoàng, 2008).

2.1.1.3. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Theo Nguyễn Hồng Thư (2011), Nhật Bản là một trường hợp khá độc đáo khi nói đến NNĐT. Mặc dù là một quốc gia CNH cao nhưng NNĐT vẫn được ưu tiên phát triển. Theo số liệu năm 2010 từ 3 Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), lĩnh vực sản xuất NNĐT mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với nông thôn. Về doanh thu lợi nhuận trên mỗi nông dân, NNĐT cao gấp hai lần so với nông nghiệp nông thôn. Ngay cả ở Tokyo, một trong những thành phố lớn nhất và đông đúc nhất trên thế giới, với các mạng lưới

phức tạp của đường sắt, đường giao thông, các tòa nhà và dây điện; NNĐT vẫn sản xuất đủ rau để cung cấp cho gần 700.000 cư dân thành phố NNĐT ở Nhật Bản được ưu tiên phát triển vì nó mang lại những lợi ích sau:

- Nguồn gốc của sản phẩm tươi sống và an toàn đang ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thành thị.

- Tạo cơ hội cho người dân đô thị tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, cả trực tiếp và thông qua trao đổi giữa người sản xuất và người tiêu dùng với doanh số bán hàng của các sản phẩm nông nghiệp tại nông trại địa phương.

- Không gian mở cho quản lý thiên tai, bao gồm cả công tác phòng chống cháy lan, không gian di tản cho động đất và không gian mở trong trường hợp thiên tai khác.

- Đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí của con người, bao gồm cả không gian xanh cho giải trí cá nhân và thoải mái tinh thần.

- Giáo dục và nâng cao nhận thức để cải thiện sự hiểu biết của người dân đô thị và các vấn đề nông nghiệp, thực phẩm.

2.1.1.4. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Tại hai thành phố lớn nhất Trung Quốc, nông nghiệp ven đô đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lương thực sạch cho những người dân. Trong năm 2015, tỷ lệ rau cung cấp cho thành phố Bắc Kinh là 77,15% và Thượng Hải là 65,24%. Do khoảng cách vận chuyển ngắn cũng làm giảm chi phí sản xuất lương thực. Giá rau được vận chuyển đến Bắc Kinh từ khu vực phía Nam Trung Quốc rất cao do giá dầu cao. Đồng thời, giảm vận chuyển sẽ làm giảm phát thải COR2R. Khi có thảm họa, việc tự cung cấp lương thực sạch rất quan trọng. Những không gian mở ở đô thị như đất nông nghiệp có thể được sử dụng làm nơi cấp cứu như điểm định cư tạm thời. Mỗi năm, có khoảng 3,6 triệu người dân di cư ở Bắc Kinh. Trong số những người dân này, hơn 600.000 (khoảng 17%) người được tham gia vào các hoạt động liên quan đến NNĐT. (Võ Hữu Hòa, 2011). Các công việc này đã thu hút nhiều những dân di cư, họ là những nông dân có kinh nghiệm và bằng việc sử dụng các kĩ thuật tiên tiến như nhà kính, họ có thể kiếm nhiều tiền hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình của họ ở nông thôn.

Tấm gương mà cả thế giới khen ngợi là vành đai nông nghiệp của thành phố Thâm Quyến Trung Quốc. Thâm Quyến là thành phố phát triển rất nhanh,

cần nhiều thực phẩm. Do đó, thành phố đã đầu tư cho vùng nông nghiệp cách xa đô thị chừng hơn chục cây số. Tại đây họ tổ chức sản xuất những thứ mà thành phố tiêu thụ. Vành đai 1 gần trung tâm hơn, tập trung sản xuất rau xanh, còn vành đai 2 sản xuất rau củ như khoai tây, cà rốt, hành. Do áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất tốt nên thu nhập của nông dân cũng cao không thua kém dân đô thị.

Giải thích cho xu hướng phát triển của NNĐT, GS.TS. Mangstl, người phụ trách chiến lược thông tin và an toàn thực phẩm toàn cầu trên tạp chí nông nghiệp của FAO cho rằng: “Giá cả lương thực tăng tạo ra những sự thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, việc phát triển NNĐT là chìa khóa mở ra con đường phát triển bền vững thực chất cho các đô thị sinh thái trong tương lai, là yếu tố chính thúc đẩy mô hình NNĐT phát triển”. Từ các thực tế rất thiết thực đó có thể khẳng định phát triển NNĐT, nhất là nông nghiệp ven đô có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của các đô thị trong quá trình ĐTH.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 36 - 41)