Một số nhận xét về đặc điểm tự nhiên của quận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 54 - 56)

3.1.3.1. Ưu điểm

- Về vị trí địa lý: quận Long Biên có 1 vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Nội và đất nước, là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông đối ngoại quan trọng với nhiều đường giao thông lớn và quan trọng. Đặc biệt với lợi thế vị trí cửa ngõ của Hà Nội, nối liền với trục tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, đồng thời cũng là trục kinh tế sôi động hội nhập nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Đó là những yếu tố cơ bản thuận lợi tạo ra những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng.

- Diện tích đất: đất thuộc loại đất phù sa được bồi đắp hàng năm, chất đất tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

- Về điều kiện khí hậu, thủy văn: quận Long Biên nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc điểm đặc trưng của khí hậu vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, lượng mưa trung bình từ 1.600mm – 1.800mm/năm; độ ẩm trung bình 78-87%. Về cơ bản, quận Long Biên thuộc vùng ít chịu tác động của bão, tương đối điều hoà, ít có thiên tai là điều kiện tốt hoạt động sản xuất nông nghiệp của quận.

- Về tăng trưởng kinh tế: quận Long Biên đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra.

- Tình hình dân số và lao động của quận: Nguồn lao động ở Quận Long Biên tương đối dồi dào do dân số trẻ và trình độ ngày càng tăng.

- Cơ cấu kinh tế đô thị: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đô thị sinh thái đã được hình thành với tốc độ chuyển dịch nhanh so với dự kiến. Sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nhờ đó, đã hình thành và mở rộng thêm nhiều vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao; xây dựng thương hiệu gắn với quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm như ổi, chuối, rau sạch. Ngoài ra, trên địa bàn quận cũng đã hình thành 21 trang trại với mô hình phát triển kinh tế gắn với dịch vụ giáo dục qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của nhân dân.

- Văn hóa – chính trị: Văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển tiến bộ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng được củng cố và tăng cường. Hệ thống chính trị được kiện toàn, sức mạnh tổng hợp được phát huy. Năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền được nâng lên.

3.1.3.2. Nhược điểm

- Điều kiện khí hậu, thủy văn: Khí hậu về mùa khô, lượng mưa thấp gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt, cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra càng nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nói chung và hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng.

- Diện tích đất dần bị thu hẹp: do quá trình đô thị hóa gây áp lực rất lớn cho quỹ đất sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Có thể thấy quỹ đất là vấn đề lớn nhất trong việc phát triển nông nghiệp đô thị. Trong bối cảnh hiện tại, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp do quá trình ĐTH là một trong những bất lợi cho phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận.

- Trình độ lực lượng lao động: Quy mô các hộ sản xuất ở đây chủ yếu không có chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp. Điều này gây không ít khó khăn và hạn chế đến việc đạt hiệu quả cao từ việc canh tác nông nghiệp. Một trong những vấn đề hay gặp phải là sử dụng phân bón như thế nào để đạt hiệu quả cao, cách nhận biết các loại giống chất lượng hay xử lý với các giống không cho kết quả sau một thời gian dài.

- Tình hình cơ sở vật chất – công nghệ: Hiện, hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất phổ biến ở nông thôn, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã có nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

- Chính sách hỗ trợ của quận: Chưa có nhiều chính sách hấp dẫn nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bởi việc tiếp cận đất đai, liên kết với nông dân trong sản xuất còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số quy hoạch, đề án và cơ chế chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đã có, nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là nguồn lực thực hiện và thủ tục hỗ trợ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 54 - 56)