Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 34 - 36)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp đô thị

2.1.4.1. Nhóm các yếu tố về tự nhiên

- Địa hình, đất đai: Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu, là cơ sở để tiến hành trồng trọt, chăn nuôi. Không thể có sản xuất nông nghiệp nếu không có đất đai. Quỹ đất, cơ cấu sử dụng đất, các loại đất, độ phì của đất có ảnh hưởng rất lớn đến quy mô và phương thức sản xuất, cơ cấu và sự phân bố cây trồng. Mặc dù đất đai các đô thị đã được cải tạo nhiều dưới tác động của con người. Tuy nhiên, yếu tố tự nhiên này vẫn tác động đến sản xuất và phân bố nông nghiệp đô thị.

- Khí hậu: Mặc dù có nhiều cải tiến trong sản xuất nông nghiệp tại đô thị nhằm hạn chế bớt sự tác động của các yếu tố tự nhiên. Tuy nhiên, khí hậu với các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm, chế độ gió và cả những bất thường của thời tiết như hạn hán, bão lũ, gió nóng, .... có ảnh hưởng tới việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh những yếu tố trên thì còn một số yếu tố tự nhiên khác như sinh vật, địa hình.., tác động đến phát triển nông nghiệp đô thị.

2.1.4.2. Nhóm các yếu tố kinh tế - xã hội

Theo Vũ Đình Thắng (2006), các yếu tố - kinh tế xã hội bao gồm 6 yếu tố là dân số và lao động, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, khoa học – công nghệ, công nghiệp hóa và đô thị hóa, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, thể chế chính sách nông nghiệp nó có ảnh hưởng quyết định với đối sự phát triển và phân bố nông nghiệp đô thị.

- Dân cư và nguồn lao động: ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp đô thị dưới hai góc độ đó là lực lượng sản xuất trực tiếp và là nguồn tiêu thụ các nông sản.

+ Dưới góc độ là lực lượng sản xuất trực tiếp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, nguồn lao động được coi là yếu tố quan trọng để phát triển nông nghiệp theo chiều rộng (mở rộng diện tích, cải tạo đất) và theo chiều sâu (thâm canh, tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật). Tuy nhiên, nguồn lao động không chỉ được xem xét về mặt số lượng mà còn cả về mặt chất lượng như trình độ học vấn, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp, tình trạng thể lực của người lao động. Nếu nguồn lao động đông và tăng nhanh, trình độ học vấn và tay nghề thấp, thiếu việc làm sẽ trở thành gánh nặng cho nền nông nghiệp nói chung và nông nghiệp tại các đô thị nói riêng.

+ Dưới góc độ là nguồn tiêu thụ: thói quen tiêu dùng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp đô thị.

- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nông nghiệp (CSHT - CSVCKT): Đây là yếu tố tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự hoàn thiện của CSHT và CSVCKT tạo tiền đề thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Khoa học – công nghệ: Đây thật sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp đô thị. Nhờ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, con người hạn chế được những ảnh hưởng tự nhiên, chủ động hơn trong các hoạt động nông nghiệp, tạo ra nhiều giống cây, giống con mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện hình thành các khu vực chuyên canh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo hướng công nghiệp hóa.

- Chính sách nông nghiệp: Các chính sách về nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hay hạn chế sự phát triển nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, các chính sách nông nghiệp ảnh hướng đến các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp cũng như các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị.

- Thị trường: Đây là yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu với mọi ngành nghề sản xuất vật chất, trong đó có nông nghiệp đô thị. Sự phát triển của thị trường cả trong và ngoài nước không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp đô thị và giá cả nông sản mà còn có tác dụng điều tiết đối với sự hình thành và phát triển các loại hình sản xuất và các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp tại các đô thị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 34 - 36)