Kinh nghiệm trong nước về phát triển nông nghiệp đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 41 - 44)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Kinh nghiệm trong nước về phát triển nông nghiệp đô thị

Hiện nay, quá trình ĐTH ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, diện tích đất NNĐT đang bị thu hẹp dần do sự cạnh tranh sử dụng đất để xây nhà hay nhiều mục đích khác, nhưng nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm ngày càng tăng với số lượng lớn. Trong bối cảnh quá trình ĐTH đang diễn ra hết sức nhanh và mạnh, thì việc quan tâm phát triển NNĐT được xem như một hướng đi tối ưu và có tính khả thi cao giúp giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm chất lượng cao.

Ở nước ta, NNĐT tuy chưa định hình và chưa có định hướng phát triển cụ thể, nhưng nó vẫn diễn ra nhanh chóng ở các đô thị. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Biên Hòa, Tp.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, v.v… đều đã phát triển loại hình NNĐT và tự phát theo điều kiện tự nhiên, KT - XH đặc thù riêng. Đà Lạt đang phát triển NNĐT tập trung vào hoa, cây cảnh, rau cận nhiệt đới và nhiệt đới, v.v... Các loại cây cảnh và hoa thì TP.HCM nhập từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp về tu sửa, chăm sóc cung cấp cho nhu cầu người dân thành phố.

Theo các chuyên gia, trình độ sản xuất của NNĐT tại Việt Nam còn lạc hậu, manh mún, chủ yếu canh tác theo tập quán. Do chưa có định hướng cụ thể cho phát triển NNĐT từng thành phố và vùng ven nên chưa có sự liên kết trong xây dựng và phát triển những đặc thù riêng. Vì thế cả một thời gian dài các đô thị

tại Việt Nam chưa có quy hoạch về phát triển NNĐT. Một số đô thị điển hình ở Việt Nam về phát triển NNĐT.

2.2.2.1. Kinh nghiệm của Thành phố Hà Nội

Với việc mở rộng diện tích thành phố năm 2008, Hà Nội đã và đang ưu tiên phát triển nông nghiệp cả ở nội thị và ngoại thị.

Có một xu thế đang diễn ra rất mạnh hiện nay là nhiều gia đình ở Hà Nội cũng bắt đầu trồng rau để phục vụ bữa ăn gia đình. Để có rau sạch, nhiều hộ đã trồng rau vào chậu cảnh, hộp xốp, thậm chí cải tạo cả tầng thượng thành một vườn rau, tận dụng mọi góc ngõ để các chậu rau, một số hộ bắt đầu trồng rau theo phương pháp thủy canh trên ban công và sân thượng. Các loại rau được trồng đa phần đều dễ chăm sóc như rau muống, rau lang, cải cúc kèm với rau ăn sống như xà lách, rau diếp, rau má, tía tô, mùi tàu, v.v…

Tại một số khu công nghiệp, nhiều hộ công nhân đã rời bỏ căn hộ chung cư nhiều tầng để tạo lập nhà ở có vườn trồng rau và chăn nuôi nhằm bổ sung thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Ngành thủy sản vẫn phát triển, nhiều hồ, nhiều ngư dân còn kiếm sống trên các đoạn sông chảy qua thành phố.

Cùng với khôi phục giống cây đặc sản truyền thống, Hoài Đức mạnh dạn đưa vào phát triển những giống cây trồng mới. Trên địa bàn phường đã hình thành vùng chuyên canh trồng cây phật thủ, loại cây có giá trị kinh tế cao được tiêu thụ mạnh vào dịp lễ, Tết.

Nhìn chung, Phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với du lịch tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được những vùng sản xuất chuyên canh khác nhau. Nhiều mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình Nông trại giáo dục tại huyện Thường Tín; phát triển đồi chè gắn với du lịch tại Ba Vì, Quốc Oai... với thế mạnh của Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản với số lượng lớn. Nhưng thay vì sản xuất quy mô nông hộ, Hà Nội nên xây dựng thị trường, liên kết với nông dân, hình thành các chuỗi sản xuất và tập trung vào các sản phẩm chính như cây ăn quả, hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt và lợn thương phẩm… mới cho hiệu quả (Phạm Sỹ Liêm, 2009).

2.2.2.2. Kinh nghiệm của Bình Dương

Là một trong những tỉnh có tốc độ ĐTH cao nhất nước. Chính vì thế, NNĐT sớm được tỉnh quan tâm, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng

cao. Có thể lấy thành phố Thủ Dầu Một làm ví dụ điển hình cho những bước phát triển mạnh mẽ của NNĐT. Do quá trình ĐTH, diện tích đất nông nghiệp của thành phố chỉ còn khoảng 2.655 ha, chiếm 22% diện tích đất tự nhiên và chỉ còn 4.118 lao động phục vụ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị nông - lâm - thủy sản của thành phố đạt 50,6 tỷ đồng, giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha canh tác/năm đạt đến 69,4 triệu đồng. Đây là nỗ lực chuyển dịch từ cây có giá trị kinh tế thấp (như cây lúa, mía, vườn tạp) chuyển sang cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với sản xuất NNĐT như trồng rau màu, hoa lan, cây cảnh, vườn cây ăn quả, v.v... Các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với mô hình lớn hơn ở hộ gia đình và trang trại (phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp) (Phước Minh Hiệp và Bùi Thanh Xuân, 2016).

2.2.2.3. Kinh nghiệm của Hưng Yên

Là một trong những địa phương có những mô hình NNĐT khá độc đáo. Mấy năm gần đây, nhất là khi chỉ thị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hưng yên kích thích chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Thành quả đáng kể nhất là nghề làm nấm ăn phát triển nhanh, nông dân không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn có cơ hội làm giàu. Cũng từ đây, hàng trăm nông dân tiếp cận với nghề trồng hoa, cây cảnh. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo mở hàng chục lớp tập huấn kĩ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, mô hình trồng hoa cây ăn quả (ổi, cam, quýt, bưởi...) phát triển rất nhanh. Hiện phường nào cũng có sản phẩm đặc biệt như cam, Khoái Châu, nhãn lồng Hưng Yên, quýt – Văn Giang.... Có hộ trồng tới hàng ha, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài nghề trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, việc sản xuất rau xanh phục vụ cho Tỉnh cũng được ưu tiên phát triển và mang lại hiệu quả cao (Mai Ngoan, 2015).

2.2.2.4. Kinh nghiệm của Đà Lạt

Không chỉ mang lại lợi ích xã hội, NNĐT còn mang lại lợi ích kinh tế khá lớn. Ở vị trí cửa ngõ thành phố Đà Lạt, xã Hiệp An có lợi thế về giao thông thuỷ lợi, đất đai phì nhiêu, v.v… Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2004, xã Hiệp An được tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới. Hàng trăm hécta đất trồng lúa của xã trước đây đã được chuyển sang trồng rau, hoa. Có những hộ chuyên trồng các loại hoa cao cấp như layơn, hồng, đồng tiền, địa lan, v.v… thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Trước đây, chủ yếu trồng rau để bán cho thị trường nội địa, nhưng nay đã có rau thương phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu (Đức Hưng, 2014).

Tóm lại: Thực trạng phát triển Nông nghiệp đô thị ở nước ta trong thời gian qua vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh thấp... Để phát triển nông nghiệp đô thị cần hạn chế đô thị hóa vùng ngoại ô. Đặc biệt là, tập trung sản xuất những sản phẩm đặc thù của từng vùng và yêu cầu của thị trường với chất lượng cao. Muốn vậy, cần phải đặt ra một số vấn đề cấp bách thu hút các nguồn lực xã hội đểtăng cường thu hút đầu tư vốn; đa dạng mô hình, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước và chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…Bên cạnh đó phát triển Nông nghiệp đô thị là nông nghiệp công nghệ cao cần thiết phải có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nâng cao chuỗi giá trị, nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trước mắt là những chính sách ưu tiên phát triển rau, hoa, quả, cây cảnh với tư cách là những mặt hàng chủ lực trong nông nghiệp phụ vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận long biên, thành phố hà nội (Trang 41 - 44)