Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận về quản lý đường giao thông nông thôn
2.1.4. Nội dung nghiên cứu về quản lý đường giao thông nông thôn
2.1.4.1. Quản lý quy hoạch đường giao thông nông thôn
Quy hoạch giao thông nông thôn đáp ứng các yêu cầu sau (Quốc hội, 2008): + Đảm bảo định hướng cho việc quyết định đầu tư vào chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn, thực hiện đầu tư bền vững, lâu dài.
+ Xác định phương hướng phát triển đường giao thông nông thôn trong từng giai đoạn; cân đối nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch từng năm và dài hạn.
+ Quy hoạch đường giao thông nông thôn phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
+ Quy hoạch giao thông nông thôn phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo quỹ đất để xây dựng những tuyến mới, đảm bảo hành lang của các tuyến hiện tại không bị lấn chiếm để nâng cấp, mở rộng khi cần thiết hoặc đảm bảo chính điều kiện khai thác vận hành. Quy hoạch giao thông nông thôn phải thường xuyên được rà soát điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
2.1.4.2. Quản lý đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn
Quản lý đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn được thực hiện theo nguyên tắc từ quy hoạch phát triển lập kế hoạch đầu tư xây dựng theo từng cấp (Quốc hội, 2008).
+ Đối với cấp tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch của tỉnh hướng dẫn cấp huyện tổng hợp, đề xuất kế hoạch phát triển GTNT và nhu cầu vốn hàng năm và 5 năm để trình UBND tỉnh phân bổ vốn hỗ trợ cho xây dựng hệ thống đường GTNT của các huyện.
+ Đối với cấp huyện: xác định kế hoạch xây dựng các tuyến đường do huyện quản lý; kế hoạch hỗ trợ xây dựng các tuyến đường xã. Kế hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn cấp huyện được thông qua HĐND cấp huyện.
+ Đối với cấp xã: xác định kế hoạch xây dựng các tuyến đường xã, đường thôn, xóm và đường trục chính nội đồng.
Từ kế hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn được xác định và phê duyệt hàng năm, các xã (đơn vị được giao làm chủ đầu tư ) tiến hành trình tự đầu tư xây dựng như sau: tổ chức lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để quản lý đầu tư xây dựng; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng để ký kết hợp đồng xây dựng; triển khai thi công xây dựng công trình, tổ chức giám sát, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng; quyết toán công trình hoàn thành.
2.1.4.3. Quản lý khai thác sử dụng đường giao thông nông thôn
Quản lý khai thác đường giao thông nông thôn là tập hợp các hoạt động nhằm duy trì trạng thái bình thường và đảm bảo sử dụng an toàn cho công trình, bao gồm: bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn và sửa chữa đột xuất.
Quản lý khai thác hệ thống đường giao thông nông thôn mang tính đa mục tiêu: phúc lợi, an sinh xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, văn hoá, môi trường… và vì lợi ích của cộng đồng.
Đường giao thông nông thôn được thiết kế nhằm đảm bảo cho các phương tiện cơ giới loại trung, nhẹ và xe thô sơ qua lại, kết cấu mặt đường được thiết kế không phức tạp, sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương do đó loại đường này dễ bị xuống cấp. Công tác quản lý khai thác cần phát huy nội lực của dân cư nông thôn, dựa vào đặc thù của địa phương, trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống đường giao thông nông thôn.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 11/2010/NĐ- CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc quản lý trong quá trình khai thác đường giao thông nông thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định; thẩm quyền phân loại và điều chỉnh hệ thống đường GTNT do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định sau khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh đồng ý.
Quản lý việc bảo trì các tuyến đường xã gồm quản lý số liệu hệ thống đường GTNT trên địa bàn xã; giám sát, theo dõi khai thác đường: đánh giá đúng tình trạng đường, tổ chức khắc phục hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Tổ chức, hướng dẫn bảo vệ an toàn công trình giao thông: hạn chế tải trọng, kiểm soát tốc độ, quản lý loại phương tiện hoạt động trên các tuyến đường do xã quản lý và hệ thống biển báo hiệu an toàn.
Bảo dưỡng thường xuyên là công việc làm hàng ngày, hàng tháng, hàng quý nhằm khắc phục kịp thời những hư hỏng nhỏ do tác động bên ngoài ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ngăn chặn hư hỏng phát sinh, duy trì tình trạng công trình cầu đường bình thường để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Sửa chữa định kỳ là sửa chữa hư hỏng công trình theo thời hạn quy định kết hợp khắc phục một số khiếm khuyết của công trình xuất hiện trong quá trình khai thác, nhằm khôi phục tình trạng kỹ thuật và cải thiện điều kiện khai thác của công trình. Sửa chữa định kỳ bao gồm: Sửa chữa vừa và sửa chữa lớn; giữa 02 kỳ sửa chữa lớn có ít nhất một lần sửa chữa vừa.
Sửa chữa vừa là công việc sửa chữa những hư hỏng, khắc phục những biểu hiện xuống cấp của bộ phận, kết cấu công trình có thể ảnh hưởng đến chất lượng khai thác đường bộ và gây mất an toàn giao thông.
Sửa chữa lớn là công việc sửa chữa tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận cầu, đường nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của cầu đường.
Thời hạn sửa chữa vừa, sửa chữa lớn được quy định theo kết cấu mặt đường và lưu lượng xe tính toán thiết kế mặt đường theo điểm a khoản 3 Điều 6 của Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông vận tải. Sửa chữa đột xuất là sửa chữa các sự cố hư hỏng cầu đường không định trước được do thiên tai mưa, lũ, bão hoặc những sự cố bất thường khác gây ra. Cơ quan quản lý công trình đường huyện, đường xã phải chủ động, tích cực huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để tổ chức đảm bảo giao thông và hướng dẫn phân luồng xe; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên; kịp thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi cầu, đường bị hư hỏng nặng.
2.1.4.4. Kết quả quản lý đường giao thông nông thôn
Kết quả quản lý đường giao thông nông thôn được đánh giá trên các nội dung chính như sau:
- Về quản lý quy hoạch đường giao thông nông thôn: Xây dựng quy hoạch phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn địa phương mình, phù hợp với chiến lược tổng thể của quốc gia, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Xây dựng và triển khai từng bước quy hoạch hệ thống bến xe, bến bãi tập kết hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chiến lược phát triển giao thông nông thôn đã xác định rõ lộ trình kết quả phải đạt được, đồng thời phân kỳ thực hiện các chương trình, dự án để huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giao thông nông thôn. Công tác quy hoạch đường giao thông nông thôn phải được thực hiện đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế kinh tế - xã hội các địa phương để phát huy hiệu quả đầu tư xã hội, lồng ghép các chương trình dự án, tránh dàn trải, manh mún.
Mạng lưới đường giao thông nông thôn được đầu tư theo quy hoạch đảm bảo tính kết nối, nâng cao năng lực vận tải thông suốt từ hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn.
Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại đường trong hệ thống đường giao thông nông thôn được xác định thống nhất trong từng địa phương, cơ bản dựa trên hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải đã tạo nên mạng lưới giao thông nông thôn tương đối đồng bộ, đảm bảo cho các loại hình phương tiện vận tải, máy nông cụ lưu thông thuận lợi, thông suốt.
- Về quản lý đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn:
Để thống nhất trong quản lý đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011, Quyết định 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường GTNT phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020. Đồng thời đã xây dựng và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư như: Định hướng cấp hạng áp dụng cho đường bộ nông thôn; định hướng tải trọng công trình đường bộ nông thôn; thiết kế định hình các loại dầm cầu; nghiên cứu các loại kết cấu mặt đường phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền...
Thống nhất đơn vị đầu mối trong đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn, cấp huyện quản lý đầu tư các công trình đường huyện, cấp xã quản lý đầu tư các công trình đường xã, đường trục thôn, đường ra đồng…nên đã huy động
được nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển đường giao thông nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ các xã nghèo, đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, tránh trùng lắp, dàn trải.
Quản lý đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn được thực hiện theo quy trình quản lý đầu tư xây dựng có gắn với đặc thù của địa phương và được hướng dẫn thống nhất trong toàn tỉnh, đã tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia xây dựng: chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, tổ chức quản lý và thanh toán vốn hoàn tất các thủ tục đầu tư. Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nông thôn ngoài những tổ chức chuyên trách còn có sự tham gia của cộng đồng, trực tiếp giám sát đã góp phần tích cực công khai minh bạch, hạn chế thất thoát vốn đầu tư xây dựng.
- Về quản lý khai thác và bảo trì đường giao thông nông thôn:
Các cấp quản lý đã ban hành các quy định, phân cấp trách nhiệm quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn từ trung ương, tỉnh, huyện, xã.
Quản lý khai thác và bảo trì đường giao thông nông thôn là một công việc rất quan trọng nhằm mục đích đảm bảo cho việc khai thác hoạt động bình thường theo chức năng của tuyến đường, duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường trong thời gian khai thác, kéo dài thời gian khai thác.
Quản lý khai thác đường giao thông nông thôn bao gồm nhiều công việc khác nhau như: lưu trữ và quản lý khai thác hồ sơ hoàn công công trình đường giao thông nông thôn sau khi kết thúc đầu tư xây dựng làm mới, nâng cấp cải tạo công trình; tiến hành sửa chữa đột xuất, sửa chữa định kỳ; tổ chức quản lý hành lang bảo vệ công trình đường giao thông nông thôn.
Các nội dung này đòi hỏi phải được phối hợp với nhau chặt chẽ trong một hệ thống nhằm phát huy hiệu quả cao nhất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phục vụ tốt hơn lợi ích của cộng đồng. Công tác quản lý khai thác và bảo trì có vai trò rất quan trọng trong phát huy hiệu quả đầu tư đường giao thông nông thôn vì khi đầu tư xây dựng công trình thì các cơ quan chuyên môn, chuyên nghiệp tham gia dưới sự quản lý giám sát chặt chẽ và diễn ra trong thời gian ngắn còn công tác quản lý khai thác và bảo trì diễn ra trên toàn bộ tuyến đường, trong thời gian dài với sự tham gia khai thác của cả cộng đồng.
sau khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cho nên cần tập trung xác định đối tượng thực hiện công tác quản lý khai thác bảo trì công trình ngay từ khi có kế hoạch đầu tư xây dựng và dựa vào các nguồn lực của địa phương là chính.