Tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm quản lý về giao thông nông thôn ở một số địa phương có điều kiện địa lý, tự nhiên tương tự trong khu vực.
2.2.1.1. Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
Sau 5 năm (2011- 2015) xây dựng, phát triển hệ thống giao thông nông thôn đã đầu tư đưa vào sử dụng gần 170 km đường và nhiều hạng mục công trình...Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn khá nhiều tồn tại xung quanh việc triển khai xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn ở huyện thuần nông này. Đến nay tất cả các thôn trong huyện làm được đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng. Đối với các tuyến đường liên thôn, liên xã do nhiều năm sử dụng, mật độ phương tiện đi lại nhiều nên bị xuống cấp. Riêng đường tỉnh lộ mới có 12km đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, còn lại đa phần là cấp IV đồng bằng đang bị xuống cấp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội và đi lại của nhân dân.
Trước thực tế đó đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên hầu hết các dự án đều được triển khai với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong khi đó thu nhập của nhân dân đa phần chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy việc huy động vốn rất khó khăn. Trong 5 năm qua với những nỗ lực hết mình, toàn huyện đã bê tông hoá được 169,64 km, rải nhựa được 25,7 km; xây 988 chiếc cống...với tổng kinh phí đầu tư 130 tỷ 450 triệu đồng, trong đó 34 tỷ 031 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã, 77 tỷ 183 triệu đồng vốn của dân;15,8 tỷ đồng vốn tỉnh hỗ trợ; 2 tỷ 776 triệu đồng huyện hỗ trợ đầu tư và gần 660 triệu đồng thu từ quỹ giao thông nông thôn (UBND huyện Nghĩa Hưng, 2016).
Đến nay, huyện Nghĩa Hưng là một trong 02 huyện của tỉnh Nam Định được tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, về cơ bản kết cấu hạ tâng đường giao thông nông thôn được hoàn thiện theo các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này ngoài sự tập trung nguồn lực đầu tư của tỉnh, địa phương cũng đã tích cực và sáng tạo trong việc vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, tự giải phóng mặt bằng, hiến đất mở rộng đường, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trong quá trình thực hiện.
2.2.1.2. Huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương
Huyện Ninh Giang là huyện phía nam tỉnh Hải Dương bao gồm 1 thị trấn và 27 xã. Đến hết năm 2016, toàn huyện có 8 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã cơ bản hoàn thiện 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 6 xã đạt từ 14 đến 16 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 11-13 tiêu chí.
Thực hiện đề án xây dựng và phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015 trên địa tỉnh Hải Dương, huyện đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng đường GTNT theo quy hoạch được phê duyệt. Để thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, ngày 9/4/2012, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng đường GTNT, mặt đường bê tông xi măng cho các địa phương. Theo đó, các địa phương xây dựng đường được hỗ trợ bằng xi măng Phúc Sơn PCB30. Mỗi km đường bê tông xi măng đạt tiêu chuẩn, mặt đường rộng 3,5 m, dày 18 cm, mác bê tông đạt 250, tỉnh hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng, tương đương 250 tấn xi măng. Với những xã thực sự khó khăn sẽ có mức hỗ trợ cao hơn. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương làm đường rộng hơn quy định và hỗ trợ 20% cho phần đường mở rộng đó. Hỗ trợ theo phương thức, tiến độ thi công đến đâu, đáp ứng nhu cầu xi măng đến đó. UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Công ty Xi măng Phúc Sơn ký hợp đồng với các địa phương, tổ chức lực lượng vận tải cung ứng xi măng kịp thời đến tận chân công trình. Tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Ninh Giang đã vận động, tranh thủ sức đóng góp của nhân dân và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Nhân dân ở nhiều xã, thôn trong huyện đã đồng lòng tự nguyện tháo dỡ cổng dậu, nhà ở, công trình phụ trị giá hàng trăm triệu đồng để giải phóng mặt bằng làm đường thôn, xóm.
Toàn huyện đã huy động hơn 1.370 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới và dồn điền đổi thửa, trong đó vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã trên 450 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 531 tỷ đồng, vốn huy động xã hội hóa và các nguồn vốn khác gần 390 tỷ đồng. Sau 5 năm (2011- 2015) xây dựng, phát triển hệ thống giao thông nông thôn đã đầu tư đưa vào sử dụng gần 450 km đường và nhiều hạng mục công trình... Tuy nhiên nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường GTNT phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương là rất lớn, việc hỗ trợ các nguồn lực từ cấp trên chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu. Chính vì vậy việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường GTNT còn hạn chế, mặc dù đây là địa phương có nhiều nỗ lực, sáng tạo và đã đạt được những thành tựu nhất định (Sở GTVT Hải Dương, 2016).
2.2.1.3. Tỉnh Quảng Bình
Tỉnh Quảng Bình đã xác định phát triển hệ thống giao thông là một nhu cầu cấp thiết và là bước đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Hàng năm, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương đều coi giao thông nông thôn là một nội dung quan trọng cần ưu tiên. Nhiều huyện đã xây dựng được quy hoạch hệ thống giao thông cho địa phương mình theo từng giai đoạn cụ thể. Lệ Thủy và Quảng Ninh là 2 huyện vùng chiêm trũng, địa hình bị cắt thành nhiều vùng khác biệt. Hàng năm đến mùa mưa lũ, hệ thống giao thông bị ngập nước dài ngày nên ách tắc và hư hỏng nhiều. Do đó đã chủ động đầu tư có trọng điểm một số tuyến đường quan trọng theo hướng bền vững và vận động sức dân để bê tông hóa đường làng ngõ xóm, đường liên thôn. Đây là 2 huyện có phong trào làm đường giao thông bê tông mạnh nhất tỉnh.
Huyện Lệ Thủy đã đưa phong trào bê tông hóa đường thôn xóm vào Nghị quyết về phát triển nông nghiệp - nông thôn. Nghị quyết được cụ thể hóa bằng đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giúp các xã thực hiện theo quy trình kỹ thuật chung. Đến nay, toàn huyện đã làm được trên 35 km đường bê tông trong các thôn xóm bằng vốn do nhân dân đóng góp. Huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm mới và nâng cấp 20 tuyến đường dài 40 km, nhân dân đóng góp thêm 01 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để tu sửa, cấp phối 32 tuyến đường nội đồng, nội thôn. Các huyện đã đề ra giải pháp là tập trung và huy động mọi nguồn lực, nhất là tranh thủ nguồn vốn từ các dự án. Trong 5 năm qua, các địa phương này đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng, sửa chữa cầu cống, nâng cấp các tuyến đường và làm mới nhiều tuyến đường liên xã. Nhiều xã đã huy động một cách có hiệu quả công lao động của người dân để làm đường giao thông trên địa bàn.
Đến nay, mạng lưới đường bộ ở Quảng Bình phát triển, phân bố khá hợp lý, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội và dân sinh. Đi qua tỉnh có 5 tuyến quốc lộ với chiều dài 714 km, 15 tuyến tỉnh lộ dài 346 km, 138 tuyến đường do huyện, thành phố quản lý dài 892 km, gần 2000 km đường liên xã do xã, thị trấn quản lý và đường thôn bản. Trong tổng số 595 cầu các loại với tổng chiều dài 25.796 m, chỉ còn 25% là cầu tạm, dầm thép xây dựng từ năm 1985 - 1987 chỉ chịu được xe ô tô trọng tải nhẹ (Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, 2016).
Có thể nói, ngoài hệ thống giao thông có tính chất xương sống đã và đang được đầu tư, phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã thúc đẩy sự phát
triển của hệ thống giao thông nông thôn một cách tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
2.2.1.4. Tổng quan về tình hình quản lý đường GTNT ở Việt Nam
Phát triển bền vững GTNT đã trở thành một nội dung quan tâm hàng đầu của nhà nước nói chung và của nhiều tỉnh nói riêng. Theo dự kiến hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ cho 75,6% dân số hiện tại và khoảng gần 60% dân số trong tương lai. Sau thời gian dài tập trung đầu tư phát triển mạng lưới, đến nay hệ thống đường giao thông nông thôn đã đến được hầu hết trung tâm các xã, đường thôn xóm và đường ra đồng cũng được đầu tư cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì mạng lưới đường giao thông nông thôn đã cơ bản phủ kín, rộng khắp thôn xóm nên hiện nay nhiều địa phương xu hướng làm mới đường giảm, chuyển dần sang nâng cao chất lượng đường hiện có trên các mặt: cải tạo yếu tố hình học của tuyến đường, ưu tiên mở rộng bán kính các đường cong, mở rộng nền mặt đường để các phương tiện lưu thông được thuận lợi và an toàn; tăng cường kết cấu mặt đường, tăng khả năng chịu lực dưới tác động của tải trọng phương tiện, đảm bảo bền vững tăng tuổi thọ công trình.
Trong giai đoạn 2010 – 2015, thực hiện các chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành với chính quyền các địa phương, phong trào xây dựng GTNT đã được đồng bào cả nước nhiệt tình hưởng ứng với nhiều đóng góp về nguồn lực để xây dựng, cải tạo, nâng cấp do đó mạng lưới GTNT đã có bước phát triển vượt bậc, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Chất lượng trên hệ thống đường GTNT ngày càng nâng cao, công tác nhựa hóa, bê tông xi măng hóa mặt đường đã được phát triển. Phong trào xây dựng GTNT đã có bước phát triển vượt bậc, thu được những kết quả to lớn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội tại các vùng nông thôn và giữa các vùng nông thôn với các khu vực khác.
Theo số liệu thống kê từ năm 2010 đến năm 2015, cả nước đã xây dựng mới được 492.892 km, trong đó đường huyện tăng 10.875 km, đường xã tăng và đường thôn xóm tăng 100.558 km, đường trục nội đồng đạt 108.597km. Chất lượng đường cũng đã được nâng cao hơn trước với 58,11% mặt đường được rải nhựa, thấm nhập nhựa hoặc bê tông xi măng. Tổng vốn đầu tư cho GTNT (xây mới, nâng cấp cải tạo và bảo trì) trong giai đoạn 2010-2015 khoảng 186.194 tỉ
đồng, tương ứng trung bình khoảng 37.238,8 tỉ đồng/năm. Nguồn vốn do NSNN (trung ương, tỉnh, huyện, xã) chiếm 71,2%; vốn ODA trực tiếp tại các địa phương tương đương 3,2%, vốn nhân dân đóng góp tương đương 15,4%, vốn huy động xã hội 2,7% và vốn khác khoảng 7,4%.
Theo số liệu thống kê đến năm 2015 cả nước có khoảng 492.892km đường GTNT chiếm 86,4% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ, trong đó đường huyện 58.437 km, đường xã 144.670km, đường thôn xóm 181.188km, đường trục nội đồng 108.597km (Bộ Giao thông vận tải, 2016).
Hình 2.2. Các cấp quản lý hệ thống đường GTNT
Đối với cấp trung ương là cấp Bộ, Tổng cục quản lý hệ thống GTNT chung của cả nước. Đối với các cấp địa phương là UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải quản lý chung hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh; Uỷ ban nhân dân huyện, xã thì quản lý trong phạm vi đường huyện và đường xã.
Tuy nhiên việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn còn nhiều bất cập. Vấn đề số một được Bộ Giao thông vận tải đặt ra là sự hạn hẹp về nguồn vốn so với nhu cầu phát triển giao thông nông thôn. Mạng lưới giao thông nông thôn còn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo chất lượng và còn xa mới đáp ứng nhu cầu.
Theo số liệu khảo sát đến cuối năm 2015 vẫn còn 65/9.111 xã chưa có đường cho ô tô tới trung tâm. Chất lượng đường còn rất thấp: trên 70% đường huyện, hơn 80% đường xã được đánh giá là xấu hoặc rất xấu; 72% đường thôn xóm còn là đường cấp phối và đất.
Việc đầu tư phát triển đường GTNT phân bố không đều giữa các vùng. Tính riêng đường huyện và đường xã toàn quốc, tỷ lệ rải mặt nhựa, bê tông xi măng mới đạt 58,11%, cụ thể như biểu đồ 2.1.
Biểu đồ 2.1. Tỉ lệ rải mặt đường GTNT đường huyện, xã theo các vùng
Nguồn: Bộ Giao thông vận tải (2015)