7. Bố cục của Luận văn
2.1. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại an ninh quốcphòng của Australia
2.1.2.1. Liên minh với Mỹ
* Trong cuộc chiến chống khủng bố
Liên minh với Mỹ trong thế kỷ XXI là trụ cột trong chính sách an ninh và quốc phòng Australia và là sự bảo đảm chống lại một cuộc tấn công từ bên ngoài có thể đe dọa sự tồn tại của nước này. Theo quan điểm của Australia, sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là không thể thiếu được đối với sự ổn định của khu vực rộng lớn này và an ninh của chính họ. Với học thuyết an ninh và quốc phòng được sửa đổi sau các vụ tấn công 11/9/2001, Mỹ đã đặt đồng minh Australia vào thế buộc phải hành động và thể hiện rõ lập trường.
Theo quan điểm của Australia, từ sau cuộc tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9/2001, ngày càng khó tách biệt những thách thức khu vực và toàn cầu, trước hết là những nguy cơ khủng bố quốc tế, việc tiếp tục phổ biến vũ khí ABC – (Atomic, Biological and Chemical Weapons - vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học) và những hệ thống tên lửa vận chuyển, các quốc gia bị tan rã.
Thế giới đã và đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm mang tên “Chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Đó là những thế lực không thuộc quốc gia nào và cũng không có tên tuổi trong cán cân quyền lực của thế giới này, mà là những thế lực xuyên quốc gia, rao rảng những khái niệm về tôn giáo hòa bình, biện minh cho những ý đồ hiểm độc. Các tiến bộ khoa học công nghệ không được bảo mật tuyệt đối sẽ tạo điều kiện cho những nhóm khủng bố hoặc tổ chức khủng bố dễ dàng tiếp cận tiến hành các hoạt động hủy diệt hàng loạt, đó là các công nghệ cho phép chúng phát triển các vũ khí hóa học, sinh học giết hại hàng triệu người.
Mỹ đã phải xem xét và đánh giá lại kỹ lưỡng chính sách đối ngoại và an ninh của mình sau các vụ tấn công khủng bố. Chính phủ Australia thấy mình buộc phải thích ứng về chính trị và nhận thức với đối tác hùng mạnh và quan trọng bậc nhất của mình là Mỹ. Chính phủ Bush đưa cuộc chiến chống khủng bố quốc tế vào vị trí trung tâm trong chiến lược lớn của mình và bảo lưu
quyền lựa chọn gây tranh cãi quốc tế là khả năng “đánh đòn phủ đầu” về
quân sự.
Mỹ sắp xếp lại sự hiện diện về quân sự của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời đánh giá các đồng minh nhiều hơn trước về mức độ sẵn sàng và khả năng của các đồng minh trong việc tham gia giải quyết những vấn đề chính sách an ninh toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Australia phải tự nguyện đóng góp nhiều hơn vào trách nhiệm duy trì sự ổn định khu vực.
Các cuộc tấn công khủng bố trên đảo Bali - Indonesia tháng 12/2002 với 88 nạn nhân tử vong là người Australia, cũng như cuộc tấn công vào Đại sứ quán Australia ở Jakarta tháng 9/2004, và tháng 9/2005, một cuốn băng video của lực lượng Al-Qaeda đã coi Melbourne là mục tiêu chủ chốt trong các cuộc tấn công mới như là một hành động trừng phạt Australia đã ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống Iraq. Những sự kiện này đã hướng sự quan tâm của chính phủ Australia vào một thực tế là nguy cơ xuất phát từ những tên Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới sẽ tích tụ ở ngay những nước láng giềng.
Có thể nói sự xuất hiện của Chủ nghĩa khủng bố đã tạo điều kiện thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết trong liên minh Mỹ - Australia. Sau những vụ tấn công khủng bố ở New York và Bali, tháng 2/2003, Chính phủ Australia đã công bố Sách trắng về đối ngoại. Văn kiện “Thúc đẩy quyền lợi quốc gia”, đưa chủ nghĩa khủng bố quốc tế vào trọng tâm phân tích về mối đe dọa, cảnh báo trước những cuộc xung đột truyền thống thông thường ở châu Á - Thái
Bình Dương. Thêm vào đó, văn kiện chiến lược này đã đưa ra những lời chỉ trích rõ ràng đối với LHQ: Nếu như đứng trước mối đe dọa mới này, LHQ tỏ
ra không có khả năng phản ứng thì Australia sẽ tham gia “Liên minh những
người tình nguyện”. Ngoại trưởng Downer đã phát biểu: Chủ nghĩa đa
phương thường đồng nghĩa với một “chính sách không hiệu quả và ít hướng
tới mục tiêu” [21, tr.23].
Ưu thế của Mỹ trên chính trường quốc tế không bị thay đổi trong thời gian tới, vì vậy những quyền lợi quốc gia của Australia sẽ dễ dàng đạt được nhờ mối quan hệ chặt chẽ với đồng minh này. Trên thực tế, từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Canberra đã định hướng mạnh mẽ theo Mỹ về nhận thức cũng như trong hành động chính trị thực tiễn.
* Tham gia chiến tranh Iraq
Thủ tướng John Howard khi lên nắm quyền đã đảo ngược chính sách “cách ly Australia khỏi chính sách đối ngoại Mỹ” mà những người tiền nhiệm ông đã theo đuổi. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Ngoại trưởng Australia lúc đó là Bob Hawke đã cương quyết nhấn mạnh rằng ông sẽ không gửi quân sang vùng Vịnh để hỗ trợ Mỹ mà sẽ ủng hộ LHQ. Ngược lại, Chính phủ Howard rất nhiệt tình khi gửi quân Australia sang hỗ trợ lính Mỹ trong cuộc tấn công Iraq tháng 3/2003 mà không cần sự chấp thuận rõ ràng của LHQ. Không chỉ Iraq mà với Bắc Triều Tiên, Mỹ cũng muốn Australia tỏ thái độ cương quyết trong chính sách đối ngoại bằng việc phái lực lượng hải quân chặn các tàu của Bắc Triều Tiên bị tình nghi chở vũ khí trái phép. Ngày 9/7/2003, Ngoại trưởng Downer đã phát biểu tại một cuộc hội thảo an ninh khu vực rằng Chính phủ Australia đồng ý với quan điểm của Tổng thống Bush cho rằng: những hành động ngăn chặn như trên là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Howard đã từng lên tiếng chỉ trích cuộc thương thuyết căng thẳng tại Hội đồng bảo an LHQ về việc thông qua nghị quyết trừng phạt Iraq, ông đề nghị tìm kiếm giải pháp có thể loại bỏ được mối đe dọa của các loại vũ
khí huỷ diệt của Iraq mà không cần sử dụng sức mạnh. Ông nói: “Mối liên kết
quốc phòng giữa Australia và Mỹ là sự đảm bảo an ninh lớn nhất mà Australia từng có. Đây không chỉ là sự đảm bảo vì xét tới cùng tự phòng vệ là cách bảo vệ tốt nhất. Lợi ích quốc gia của Australia không bao giờ có được nếu ngoảnh mặt đi trước hiện thực quốc tế hoặc tách mình ra khỏi nhóm nước có cùng giá trị và quan điểm về cuộc sống” [15, tr. 11].
Như vậy, dưới chính quyền Howard, lợi ích chiến lược của Australia là sự đảm bảo an ninh tốt nhất. Thời điểm này, an ninh của Australia tốt nhất khi Australia hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Iraq. Australia là một trong những nước đầu tiên góp quân tham chiến ở Iraq. Australia đã gửi tới Iraq: 2.200 quân, bốn máy bay chiến đấu loại F/A – 18, hai máy bay do thám PC-3 Orion, máy bay vận tải loại C-130, hai tàu khu trục loại ANZAC cũng như những đơn vị của lực lượng đặc nhiệm [21, tr. 25].
Hoạt động tại Iraq không chỉ là một phần trong chính sách đối ngoại an ninh quốc phòng của Australia, mà nó cũng là vấn đề trong chính sách đối nội với Chính phủ của Thủ tướng John Howard. Giống như đồng minh Australia, Chính phủ của Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair khi đó phải chịu áp lực trước tình hình khó khăn tại Iraq. Mặc dù đa phần dân chúng Australia đã phản đối việc triển khai quân đội Australia tại Iraq, Đảng đối lập công khai lên tiếng đòi rút quân đội và ngay cả trong liên minh cầm quyền, sự hoài nghi cũng gia tăng. Dù vậy, Thủ tướng Howard vẫn kiên quyết bác bỏ việc rút quân, vì hệ thống phối hợp trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng Howard sẽ kiên trì gìn giữ đoàn kết trong liên minh với Washington.
* Hoạt động quân sự ở Afghanistan
Theo truyền thống, nền dân chủ tự do Australia định hướng về mặt chính sách an ninh theo Phương Tây và Mỹ, vì vậy có thể trở thành một hòn đá tảng trong liên minh mới của các nền dân chủ mang màu sắc phương Tây, một liên minh có thể cùng nhau quan tâm tới những nguy cơ rủi ro và nguy hại toàn cầu mới. Dưới thời Thủ tướng John Howard, lực lượng vũ trang Australia đã
hoạt động trong khuôn khổ Lực lượng hỗ trợ quốc tế (ISAF) ở Afghanistan và
tham gia vào các hoạt động quân sự ở Iraq, Đông Timor và quần đảo Salomon. Thêm vào đó, Chính phủ John Howard đã đưa ra một chương trình cực kỳ tham vọng về chuyển đổi lực lượng vũ trang, để cải thiện khả năng can thiệp khu vực và toàn cầu của lực lượng này. Australia cũng đang khao khát có một vai trò tích cực hơn trong chính sách an ninh và phòng thủ châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt ở Tây Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Vì vậy, sự ổn định và an ninh đường biển ở Đông Nam Á có ý nghĩa rất quan trọng.
Sau khi Howard cam kết ủng hộ chính trị đối với đồng minh Mỹ tháng 9/2001, giữa tháng 10/2001, ông tuyên bố Australia tham gia liên minh quốc tế chống khủng bố. Hoạt động đầu tiên của quân đội Australia chống chính
quyền Taliban diễn ra cuối năm 2001 trong khuôn khổ chiến dịch “Slipper”.
Australia gửi tới đây 200 nhân viên đặc nhiệm. Tháng 3/2006, lực lượng vũ trang Australia triển khai 2 máy bay lên thẳng vận tải Chinook và 110 người,
để bù đắp sự thiếu hụt của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO cầm đầu. Tháng 5/2006, Australia đưa thêm 240 người tham gia Đội
tái thiết tỉnh (PRT) do Hà Lan cầm đầu ở tỉnh Oruzgan, một địa phương nguy
hiểm ở miền Nam. Hoạt động này cũng thuộc về sứ mạng của ISAF. Do tình hình xấu đi, lực lượng này được tăng lên thành 400 người. Trong đó bộ phận bảo vệ gồm 120 lính bộ binh và 14 xe tuần tiễu bọc thép hiện đại loại
Bushmaster [21, tr. 25]. Chính phủ Howard cho rằng, việc tham gia hoạt động quân sự toàn cầu lâu dài là cần thiết.
* Mỹ - Australia cải thiện khả năng hoạt động cùng nhau
Ngay từ năm 2004, Australia và Mỹ tăng cường những hoạt động luyện tập chung. Mỹ rất chú ý đến lợi thế của căn cứ Australia đối với những hoạt động nhỏ hơn, giới hạn về thời gian. Canberra tiếp tục hợp tác chặt chẽ về vũ khí với lực lượng vũ trang Mỹ. Việc này tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Australia được ưu tiên thâm nhập vào công nghệ quân sự Mỹ. Vì vậy, từ năm 2001, trong hầu hết các dự án lớn về vũ khí, Australia đều quyết định mua các
sản phẩm Mỹ. Australia đã có kế hoạch mua máy bay chiến đấu Mỹ Joint
Strike Fighter (JSF),với ước tính 9 tỷ Euro là dự án vũ khí đắt nhất trong lịch
sử Australia. Australia còn mua của Mỹ 5 máy bay vận tải hàng không chiến
lược loại C-17 Globemaster, bắt đầu vận hành cuối năm 2006. Trong khuôn
khổ một kế hoạch 10 năm mua sắm vũ khí, dự kiến Australia sẽ mua thêm 6
hệ thống cảnh báo sớm từ trên không loại Boing 737 AWACS, tăng cường khả
năng chiến đấu cho máy bay chiến đấu loại F/A-18, cũng như mua 59 xe tăng
chiến đấu loại Abrams M1A1. Những máy bay chiến đấu Australia được trang bị tên lửa đất đối không hiện đại nhất của Mỹ, loại AGM- 158. Trong việc
mua sắm tàu và vũ khí, hải quân cũng định hướng theo tiêu chuẩn cùng có khả năng hoạt động với đồng minh Mỹ [21, tr.28].
Như vậy có thể thấy, lực lượng vũ trang Australia đã được gắn bó hơn với đồng minh Mỹ. Không có mối quan hệ an ninh song phương nào khác
mang lại cho Australia bằng những lợi thế chiến lược của ANZUS.