Hệ thống tổ chức quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 70 - 74)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thực trạng thực hiện các giải pháp quản lý công trình thủy lợi trên địa

4.1.2. Hệ thống tổ chức quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

4.1.2.1. Công tác quản lý nguồn nước

Công tác quản lý nguồn nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được giao cho ngành Tài nguyên và Môi trường đảm nhiệm trên cơ sở thực hiện công tác quản lý theo các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước với các đơn vị ngành dọc là các Phòng Tài nguyên - Môi trường thuộc các huyện, thành, thị. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 phòng Tài nguyên - Môi trường của 13 huyện, thành, thị thực hiện công tác quản lý nguồn nước trên địa bàn, gồm: các nguồn nước thuộc các sông, ngòi lớn; hiện tại Phú Thọ có 03 lưu vực sông lớn gồm: lưu vực sông Đà, sông Thao, sông Lô; 05 lưu vực sông nhỏ, ngòi lớn gồm: sông Chảy, sông Bứa, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me; Nguồn nước thuộc các hồ, đập do Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi và UBND các xã trực tiếp quản lý với 241 đơn vị HTXDV đảm nhận.

4.1.2.2. Công tác quản lý các công trình thủy lợi

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 mô hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, gồm Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác CTTL Phú Thọ và các HTX dịch vụ thủy lợi, cụ thể như sau:

a. Đối với Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ

Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ quản lý, vận hành các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, liên huyện, liên xã, gồm: 781 công trình (trong đó: 356 hồ, đập; 288 phai dâng; 137 trạm bơm tưới, tiêu và tưới tiêu kết hợp; đảm bảo phục vụ diện tích sản suất 40.124,46 ha).

Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ là Công ty có 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ nhưng chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ.

Công ty TNHH nhà nước một thành viên KTCT thuỷ lợi Phú Thọ được thành lập theo Quyết định số 1238/QĐ-UBND, ngày 29/4/2003 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc sáp nhập các Xí nghiệp, Công ty Quản lý - Khai thác công trình thuỷ lợi thuộc các huyện, thành thị và bộ phận dịch vụ tưới tiêu của Công ty khai thác và xây dựng thuỷ lợi Việt Trì thành Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Phú Thọ.

Năm 2006, Công ty đó chuyển đổi thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên KTCT thuỷ lợi Phú Thọ theo Quyết định số 3496/QĐ-UBND, ngày 22/12/2005 của UBND tỉnh Phú Thọ theo mô hình Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty, đại diện chủ sở hữu của Công ty là UBND tỉnh Phú Thọ.

Ngày 01/8/2014 Công ty được tăng hạng lên hạng 01 tại Quyết định số 1766/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ.

Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu: Công ty TNHH nhà nước một thành viên KTCT thuỷ lợi Phú Thọ là doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản phẩm công ích với chức năng nhiệm vụ được UBND tỉnh Phú Thọ giao là: Cung ứng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đảm bảo ổn định dân sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, thực hiện công tác phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai và hoạt động sản xuất kinh doanh khác (Tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công xây dựng các công trình thuỷ lợi, giao thông, điện, dân dụng…..) theo Giấy phép kinh doanh.

Công ty thành lập 13 Xí nghiệp thủy nông trên địa bàn tại 13 huyện, thành, thị; có những huyện do Xí nghiệp thủy nông phục vụ toàn bộ diện tích gieo cấy như huyện Đoan Hùng; Công ty hoạt động chủ yếu bằng nguồn kinh phí cấp bù, miễn thu thủy lợi phí.

+ Ưu điểm về mô hình quản lý của công ty: Công ty với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tương đối cao; Vì vậy, so với các hợp tác xã phần lớn các công trình do Công ty quản lý cơ bản phát huy hiệu quả trong công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

+ Hạn chế và tồn tại:

- Trong công tác phục vụ của Công ty nhiều lúc còn thụ động, trông chờ vào nước mưa nên công tác bơm cấp nước tưới đôi lúc còn chưa kịp thời tại những thời điểm hạn hán dẫn đến một số diện tích bị khô hạn, nứt nẻ khi các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành đi kiểm tra, phát hiện và đôn đốc Công ty mới tiến hành bơm nước.

- Nhiều công trình thủy lợi do công ty quản lý chưa được chú trọng duy tu, sửa chữa thường xuyên dẫn đến hư hỏng, xuống cấp cùng với đó là việc kiểm tra vi phạm lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi chưa được thường xuyên, liên tục nên một số công trình Công ty đang quản lý đã bị vi phạm lấn chiếm hành lang trong phạm vi bảo vệ công trình không kịp phát hiện ngay từ đầu; không báo cáo các cơ quan chức năng kịp thời để giải quyết.

- Đối với một số diện tích nằm trong vùng phục vụ của Công ty giao cho các Xí nghiệp thủy nông quản lý nhưng cán bộ và công nhân trực tiếp vận hành công trình nhiều khi chưa nắm và phân định rõ danh giới phần diện tích phục vụ của xí nghiệp thủy nông và các hợp tác xã, chưa có sự phối hợp tốt dẫn đến có sự tranh chấp.

- So với các Tổ chức hợp tác dùng nước mô hình Công ty hiện nay phần nào hạn chế sự tham gia giám sát trong quá trình phục vụ của cộng đồng dân cư và người dân do theo quy định tại Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11/4/2013 của Bộ Tài chính thì Bảng kê diện tích thủy lợi phí làm cơ sở Hợp đồng tưới tiêu, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng đối với các Hợp tác xã phải có các nhận của từng hộ dân trong khi đối với Công ty chỉ cần bảng kê danh sách các hộ dân có

xác nhận của đại biện các hộ dùng nước là các UBND xã, phường, thị trấn, hợp tác xã, tổ chức hợp tác dùng nước.

- Chưa có sự phân cấp đủ mạnh từ Công ty cho các Xí nghiệp nên thiếu sự chủ động từ các Xí nghiệp thành viên, khi các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra sản xuất và công trình phát hiện các vùng diện tích bị hạn hán, úng ngập công trình hư hỏng xuống cấp lập biên bản đề nghị khắc phục nhưng Xí nghiệp vẫn phải chờ để báo cáo Công ty nên đôi khi công tác khắc phục có lúc, có nơi chưa được xử lý kịp thời.

b. Đối với các hợp tác xã dịch vụ thủy lợi

Các hợp tác xã dịch vụ thủy lợi trực thuộc UBND huyện quản lý: Gồm 206 hợp tác xã quản lý vận hành các công trình trong địa bàn xã, gồm 1.508 công trình thủy lợi (trong đó: 881 hồ, đập; 359 phai dâng; 368 trạm bơm tưới, tiêu và kết hợp; đảm bảo phục vụ diện tích sản suất 43.294,46 ha).

Phòng Nông nghiệp và PTNT trực thuộc UBND các huyện, Phòng Kinh tế trực thuộc UBND thành, thị là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuỷ lợi cấp huyện. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu của các hợp tác xã dịch vụ thủy lợi là nguồn cấp bù, miễn thu thủy lợi phí.

+ Ưu điểm về mô hình quản lý của công ty: Các Hợp tác xã dịch vụ thủy lợi thường có cán bộ là người địa phương nên kịp thời đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp khi có yêu cầu.

+ Hạn chế và tồn tại:

- Các tổ chức quản lý thuỷ nông cơ sở hình thành chủ yếu theo khuôn mẫu thống nhất nên chưa phản ánh hết tính đặc thù của nông thôn Việt Nam với các đặc trưng khác nhau về sản xuất, văn hóa và lối sống ở từng vùng miền. Chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tổ chức thủy nông cơ sở nên chưa làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Nhà nước và nhân dân, giữa doanh nghiệp và người sử dụng nước, chưa khơi dậy được sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng và quản lý khai thác Công trình thủy lợi.

- Chất lượng của đội ngũ của các Hợp tác xã dịch vụ thủy lợi còn yếu kém, không có khả năng hoàn thiện chứng từ, sổ sách, thao tác trên máy tính dẫn đến nhiều đơn vị đã bị kiểm tra, thanh tra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 70 - 74)