Địa hình, thổ nhưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 52 - 53)

Phần 3 Phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

3.1.2. Địa hình, thổ nhưỡng

* Địa hình

Phú Thọ là tỉnh miền núi, diện tích rộng, điểm nổi bật là địa hình bị chia cắt tương đối mạnh vì nằm ở phía cuối dãy Hoàng Liên Sơn, nơi chuyển tiếp giữa miền núi cao và gò đồi, độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Căn cứ vào địa hình, chia Phú Thọ thành 3 vùng sau:

- Vùng đồng bằng: Gồm các cánh đồng ven sông Đà, sông Lô và sông Thao. Cao độ phổ biến từ +10m đến +18m. Tổng diện tích vùng đồng bằng chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (UBND tỉnh Phú Thọ, 2016).

- Vùng trung du: Dạng địa hình này khá phổ biến, chủ yếu là các đồi độc lập xen kẽ các đồi gò liên tiếp nhau có sườn thoải. Cao độ địa hình phổ biến từ +15m đến +25m nằm xen kẹp giữa đồi gò cao từ 50m đến 100m và tập trung ở các huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà, Thanh Ba, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thuỷ. Diện tích vùng trung du chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (UBND tỉnh Phú Thọ, 2016).

- Vùng miền núi: Bao gồm phần diện tích phía Tây, Tây Bắc và Tây Nam của tỉnh, phân bố ở các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hoà và một phần phía Tây Bắc huyện Đoan Hùng. Cao độ địa hình ở đây phổ biến từ +100m đến vài trăm mét, diện tích dạng địa hình này chiếm 50% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (UBND tỉnh Phú Thọ, 2016).

* Địa chất

- Cấu tạo địa tầng: Theo kết quả thăm dò của Đoàn địa chất 29 trước đây về cấu tạo địa tầng ở Phú Thọ có thể đánh giá như sau: Tuyệt đại bộ phận đất đai của Phú Thọ được hình thành bởi các đá mẹ cổ, đã bị biến chất mạnh. Riêng lũng sông Đà, sông Thao, sông Lô hình thành do bồi đắp phù sa kỷ đệ tứ (UBND tỉnh Phú Thọ, 2016).

- Cấu tạo địa chất: Địa chất tỉnh Phú Thọ được hình thành từ sản phẩm phong hóa của một số nhóm đá mẹ sau: Nhóm đá hỗn hợp (h); nhóm đá trầm tích và biến chất có kết cấu min (s); nhóm đá vôi và biến chất của đá vôi (v); nhóm đá

trầm tích và biến chất kết cấu hạt thô (q); nhóm đá Mácma axít (a) (UBND tỉnh Phú Thọ, 2016).

- Địa chất thuỷ văn: Theo khảo sát sơ bộ thấy rằng trữ nước dưới đất ở địa bàn tỉnh Phú Thọ khá phong phú, kết quả điều tra khảo sát ban đầu toàn tỉnh có trữ lượng khai thác cấp công nghiệp từ 71.000 đến 87.600 m3/ngày đêm. Độ khoáng hoá của nước ở cả 3 mức độ siêu nhạt (0,1g/lít), nhạt (0,1 - 1g/l) và lợ (1 - 3g/l). Đây là nguồn nước có thể dùng bổ sung cho nơi thiếu các nguồn nước mặt, tuy nhiên hiện còn gặp khó khăn về giải pháp và kinh phí đầu tư khi khai thác nguồn nước này (UBND tỉnh Phú Thọ, 2016).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 52 - 53)