Kinh nghiệm quản lý công trình thủy lợi ở một số địa phương trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 46 - 48)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý các công trình thủy lợi

2.2. Cơ sở thực tiễn về quản lý các công trình thủy lợi

2.2.2. Kinh nghiệm quản lý công trình thủy lợi ở một số địa phương trong nước

2.2.2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình

Thái Bình là tỉnh đầu tiên thực hiện phân cấp quản lý trong hoạt động khai thác công trình thủy lợi. Ở đây, hệ thống thủy lợi đã được đã quy hoạch cơ bản hoàn chỉnh từ năm 1975. Từ đó cho đến trước 2006, mỗi huyện thị có 1 xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi (8 huyện thị có 8 xí nghiệp), toàn Tỉnh có 2 Công ty khai thác công trình thủy lợi là Công ty Khai thác thủy lợi Bắc Thái Bình và Công ty Khai thác thủy lợi Nam Thái Bình. Từ 2006, 8 xí nghiệp chuyển thành các đơn vị trực thuộc của 2 Công ty nói trên (Nguyễn Bá Tuyn, 1998).

Việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi được tiến hành thí điểm đầu tiên ở huyện Thái Thụy (trước khi có Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT). Trong thời gian từ 1994 đến 2002, huyện đã tiến hành bàn giao 37 trạm bơm quy mô 1 thôn, 1 xã (công trình nhỏ) do Xí nghiệp khai thác thủy lợi Huyện quản lý cho 31 HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý, sau khi đã tu bổ, sửa chữa hoặc cải tạo nâng cấp. Xí nghiệp thủy nông chỉ giữ lại 3 trạm bơm quy mô lớn phục vụ liên huyện, liên xã. Trong 3 năm đầu sau khi bàn giao, xí nghiệp thủy nông cử công nhân xuống giúp HTX vận hành (xí nghiệp vẫn trả lương), đồng thời hỗ trợ HTX đào tạo đội ngũ công nhân vận hành trạm bơm để thay thế. Hàng năm, doanh nghiệp thủy nông trích lại 10-15% thủy lợi phí góp với địa phương để cải tạo nâng cấp công trình (Nguyễn Bá Tuyn, 1998).

Kết quả cho thấy: nhờ việc phân cấp mà HTX chủ động hơn trong việc điều tiết nước, việc bảo vệ công trình cũng không còn phức tạp như trước đó vì do an ninh địa phương đảm nhận; đặc biệt lượng điện cho tưới tiêu nước của các trạm bơm giảm 20-30%; người dân địa phương hưởng lợi từ công trình có trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ, tu bổ, sửa chữa công trình.

2.2.2.2. Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh

Khu tưới Gia Bình thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, được xây dựng từ 50 năm trước nên hiện bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là hệ thống TLNĐ. Để giúp khắc phục những tồn tại trên, cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã trợ giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình “Hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu vực thí điểm Gia Bình” nhằm: Cải thiện công tác quản lý TLNĐ thông qua việc thành lập hoặc củng cố và nâng cao năng lực cho các HTXNN và Cải thiện quy trình ra quyết định để quản lý hiệu quả nguồn kinh phí

đầu tư tại khu tưới Gia Bình. Phương pháp “Dưới lên - Trên xuống” đã được áp dụng trong tất cả các bước của quy trình ra quyết định của chương trình. Ban phát triển thủy lợi địa phương, gồm 2 cấp xã và huyện, được thành lập nhằm: Tham mưu cho chính quyền trong xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất; kế hoạch phát triển và quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn phù hợp với thực tiễn; Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện kế hoạch sản xuất và phát triển thủy lợi; Quản lý quỹ đầu tư phát triển TLNĐ trên địa bàn thông qua việc lựa chọn các công trình cần đầu tư xây dựng cũng như ưu tiên củng cố tổ chức quản lý trên địa. Sau khi các HTXNN họp dân để đề xuất các công trình cần đầu tư, Ban phát triển thủy lợi các xã đã tiến hành họp để rà soát, đánh giá từ hơn 300 công trình để chọn ra 155 công trình với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng (cao gấp 1,6 lần kinh phí hiện có) để đề xuất lên cấp huyện. Sau khi tiếp nhận đề xuất, Ban huyện tổ chức họp và dựa trên nguồn kinh phí hiện có, hiệu quả đầu tư đã thống nhất sơ bộ lựa chọn 90 công trình có khả năng phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất (giảm khoảng 42%) (Nguyễn Bá Tuyn, 1998).

2.2.2.3. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi

Trạm quản lý thủy nông số 2 nhờ làm tốt công tác quản lý khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi nên không những đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất, làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng góp phần đáng kể trong việc thực hiện chuyển dịch mùa vụ và cơ cấu cây trồng mà còn đảm bảo nguồn lực tài chính để duy tu bảo dưỡng và nâng cấp các công trình thủy nông trên địa bàn (Nguyễn Bá Tuyn, 1998).

Trạm quản lý thủy nông số 2 là đơn vị trực thuộc Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, có nhiệm vụ quản lý và khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và thu thủy lợi phí trên 43 tuyến kênh cấp I, cấp II với tổng chiều dài hơn 185 km phục vụ nước tưới cho gần 10 nghìn ha đất canh tác mỗi năm. Mặc dù hầu hết hệ thống kênh mương trên địa bàn do trạm quản lý đã qua sử dụng nhiều năm và có phần xuống cấp, thế nhưng nhờ áp dụng giải pháp “ba bám”, bám dân, bám đất, bám công trình nên nhiều năm qua khả năng cung cấp nước tưới của hệ thống công trình thủy nông do trạm quản lý và khai thác không ngừng mở rộng, đảm bảo cung cấp kịp thời và ổn định nguồn nước cho sản xuất, tình trạng nợ thủy lợi phí cũng giảm. Để đạt được kết quả này, hàng năm trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch công ty giao, trạm thủy nông số 2 của huyện lập kế hoạch chi tiết giao khoán cho từng cụm sản xuất. Trong đó, các chỉ tiêu khoán cơ bản

là: khoán diện tích tưới, khoán thu thủy lợi phí, khoán quản lý kênh và bảo vệ công trình thủy lợi được đưa ra thảo luận công khai và có quy chế trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong đơn vị. Cơ chế khoán quỹ lương theo từng cụm sản xuất cũng được thực hiện theo phương châm “Máy có tên, kênh có chủ, thu có phần”, vừa khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy trong cán bộ công nhân viên, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý cũng như đối với từng công nhân viên chức và lao động, kích thích được yếu tố tích cực trong lao động sản xuất (Nguyễn Bá Tuyn, 1998).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 46 - 48)