Quan niệm về làng và văn hóa làng Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 38 - 47)

7. Kết cấu của luận án

2.1. Quan niệm về văn hóa làng và văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng

2.1.1. Quan niệm về làng và văn hóa làng Việt

* Làng Việt Nam

Trong lịch sử phát triển của Việt Nam, làng có một vị trí hết sức đặc biệt đối với sự trưởng thành của mỗi cá nhân và cả dân tộc. Ở mỗi khu vực, làng Việt có sự đa dạng về lịch sử, đặc điểm, bối cảnh văn hóa xã hội. Khái niệm “làng” đã ăn sâu vào tình cảm, suy nghĩ, tập quán của người Việt. Trong xã hội hiện đại, những ấn tượng sâu sắc về làng vẫn in đậm trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam thông qua những biểu tượng gần gũi, như cây đa, giếng nước, sân đình... Chính trong làng, con người gắn bó chặt chẽ với nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, và sợi dây gắn kết con người trong cộng đồng làng chính là văn hóa.

Theo “Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam”, làng là tiếng cổ dùng để chỉ đơn vị tụ cư của người Việt. Thuật ngữ này có sự phân biệt với thuật ngữ xã. Xã là từ Hán Việt dùng để chỉ đơn vị hành chính thấp nhất ở nông thôn trong lịch sử xã hội Việt Nam, xã có thể gồm một hoặc nhiều làng. Về mặt ngôn ngữ, từ “làng” cũng chưa rõ có từ bao giờ. Đối chiếu với chữ Hán, làng cũng có thể hiểu là thôn, là lý, là hương, là xã. Ngoài ra cũng có nhiều từ được dùng để chỉ một khái niệm tương đương, đồng nhất hoặc gần gũi với làng như: trang, xá, kẻ, phường, thôn. Tuy nhiên, các địa phương hiểu những khái niệm này không giống nhau, bản thân các nhà nghiên cứu cũng có những quan điểm khác nhau về thuật ngữ này. Song, cho dù cách gọi có khác nhau, nhưng thuật ngữ nào cũng chứa đựng ý nghĩa về bản chất của làng.

Làng là đơn vị cơ bản của xã hội nông thôn truyền thống. Quá trình lập làng, tách làng diễn ra trong lịch sử khá phức tạp, song dù trong một đơn vị hành chính lớn hơn hay nhỏ hơn làng, thì làng vẫn có tính độc lập tương đối với tính cách là một thực thể văn hóa, một cộng đồng tự quản, từ đó tạo cho làng có diện mạo với những đường nét riêng khác biệt và tương đối ổn định. Vì vậy, theo tác giả Phan Thanh Tá, ở Việt Nam có cộng đồng văn hóa làng nhưng rất khó có cộng đồng văn hóa xã vì “làng có nguồn gốc bản địa sâu xa và bền vững nên trong lịch sử, xã có

thể bị thu hẹp hay phình to tuỳ theo các quyết định hành chính, nhưng làng là đơn vị khá ổn định, không dễ thay đổi”[44, tr.8].

Làng ở Việt Nam không hoàn toàn giống với làng ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Trung Quốc. Làng Việt không phải là sự dập khuôn làng của Trung Quốc. Làng ở Trung Quốc trước hết là một tổ chức hành chính và không có đình, không có tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng (ở Trung Quốc, Thành Hoàng được thờ ở thành thị và không phổ biến), trong khi đó làng của người Việt trước hết là một tổ chức xã hội - văn hóa, sau đó mới là một tổ chức hành chính và dưới hành chính, đình và Thành Hoàng làng là một yếu tố không thể thiếu của làng Việt

Quá trình chiếm lĩnh và làm chủ vùng đồng bằng, phát triển nghề trồng lúa nước, người Việt đã lấy làng làm chỗ dựa. Ở giai đoạn đầu tiên, làng là giai đoạn làng - công xã thị tộc và được tổ chức dựa trên cơ sở huyết thống. Sau đó, để phù hợp với sự phát triển của xã hội và lịch sử, làng được tổ chức không chỉ dựa trên quan hệ huyết thống mà dựa trên quan hệ địa vực, đó là giai đoạn công xã nông thôn. Từ thế kỷ thứ X trở đi, làng Việt dần dần bị phong kiến hóa. Cùng với thời gian, làng trở thành một cơ cấu tổ chức khá hoàn thiện, là nơi lưu giữ truyền thống dân tộc, đảm bảo sự thích nghi và sinh tồn của con người trong một không gian ổn định tương đối. Làng chứa đựng những giá trị cốt lõi và là cái nôi của văn hóa dân tộc Việt. Trong những điều kiện lịch sử khác nhau, dẫu làng có thay đổi về cơ cấu kinh tế, xã hội thì giá trị văn hóa ấy vẫn cứ tồn tại.

Như vậy, có thể hiểu, “làng” là tổ chức quần cư tự nhiên của cư dân Việt, là nơi họ cùng chung sống và đoàn kết với nhau chống lại thiên tai, địch hoạ, cùng lao động sản xuất và tổ chức đời sống văn hóa tinh thần. Làng là nơi thoả mãn những nhu cầu cơ bản của mỗi người dân, làng có giới hạn lãnh thổ và môi trường văn hóa tín ngưỡng xác định. Làng vừa là đơn vị hành chính cơ sở của nhà nước đồng thời là một tổ chức tự quản hoạt động theo các quy ước của làng. Theo tác giả, làng là một đơn vị tụ cư truyền thống của người Việt, có địa vực riêng, có cơ cấu kinh tế và cơ sở hạ tầng riêng, có phong tục, tập quán, tâm lý, tính cách, “thổ ngữ” (tiếng làng) riêng, được hình thành, phát triển qua các thời kỳ lịch sử và tương đối ổn định, gắn với đặc thù của sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, từ khi Nhà nước ra đời, làng là một đơn vị hành chính cơ sở của nhà nước và là một tổ chức tự quản, quân sự và văn hóa khá hoàn chỉnh. Làng là đơn vị cơ bản hình thành nên quốc gia dân tộc. Quốc gia là kết quả của sự liên kết các làng,

là liên làng, siêu làng. Làng xã có vai trò trung gian gắn kết giữa cá nhân, gia đình, làng xã và tổ quốc. Làng không chỉ là “cái nôi” nuôi nấng văn hóa Việt, mà còn là thành trì vững chắc chống lại các cuộc xâm lăng và đồng hóa văn hóa. Làng Việt có thể hình thành bằng nhiều cách thức khác nhau nhưng dù bằng cách nào đi nữa, bao giờ các tên gọi của làng cũng mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc và có một số đặc trưng cơ bản khác hẳn với đô thị:

Thứ nhất, làng trước hết là một cộng đồng có địa vực riêng. Đây là không gian

sinh tồn, là tài sản chung của cộng đồng làng, là ranh giới phân định giữa các làng được thể hiện trong hương ước làng. Các gia đình quần tụ với nhau theo quan hệ họ hàng và quan hệ “tối lửa tắt đèn có nhau”. Khác so với làng, đô thị là một vùng lãnh thổ xác định được ghi cụ thể trong các văn bản hành chính về địa giới, có sự tập trung và phát triển thiên về công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, giáo dục, khoa học - công nghệ, có mật độ dân số cao hơn so với các khu vực khác. Các gia đình quần tụ với nhau theo quan hệ láng giềng nhưng mối quan hệ này không khăng khít và chặt chẽ như quan hệ trong làng mà chủ yếu là theo kiểu “đèn nhà nào nhà ấy rạng”.

Thứ hai, làng cổ truyền là một cộng đồng kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc, chủ

yếu gồm ba yếu tố căn bản: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp, trong đó nông nghiệp là hoạt động kinh tế cơ bản và nổi bật. Vì lẽ đó, phạm vi sinh sống, làm ăn của cư dân thường chỉ “gói gọn” trong một làng, không phức tạp. Ngược lại, ở đô thị, đại bộ phận dân cư sinh sống gắn liền với các hoạt động phi nông nghiệp và sự tập trung chuyên môn hóa. Kinh tế hàng hóa phát triển với nhiều ngành nghề đa dạng và phong phú.

Thứ ba, làng có tính biệt lập về xã hội và tính độc lập tương đối về chính trị

theo kiểu dân chủ làng xã. Kết cấu xã hội trong làng phân tầng theo chức tước, theo khoa mục, theo tuổi tác, theo trật tự thân tộc và được quản lý một cách chặt chẽ. Làng với tư cách là một đơn vị hành chính cấp cơ sở, có nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng ngoài nghĩa vụ đó, mỗi làng đều có một cơ chế tự quản lý công việc làng thông qua hương ước và các thiết chế xã hội của làng. Khác so với làng, đô thị là địa bàn được quản lý theo đơn vị hành chính, hoạt động theo những văn bản pháp quy và chịu sự quản lý trực tiếp từ các cơ quan Nhà nước. Các mối quan hệ thân tộc, các thiết chế gia đình, dòng họ, hương ước không phải là những yếu tố cơ bản để quản lý đô thị.

Thứ tư, làng là một cộng đồng về phong tục - tín ngưỡng, tâm lý, tính cách

nơi sinh sống suốt đời của người nông dân, nó đã trở thành môi trường duy trì và phát triển tâm lý cộng đồng làng. Sự phát triển tâm lý cộng đồng làng khiến cho tâm lý xã hội của làng và tâm lý cá nhân mỗi người dân trong làng gần như là trùng khít. Người dân trong làng có chung một phong cách và phân biệt với các làng khác qua dáng đi, giọng nói, điệu bộ, thái độ giao tiếp, ứng xử... và dù tính cách tiêu cực hay tích cực thì đều mang bản sắc riêng của từng làng. Nhưng đô thị là điểm đến của quá trình di dân, do đó, đây là nơi tập hợp của nhiều thói quen, tập quán, hành vi biểu thị những đặc điểm lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội và nhân văn của cộng đồng trong các giai đoạn phát triển. Như vậy, đô thị là một cộng đồng có tính tổ chức cao, ở đó, có những thể chế quy định các khía cạnh hoạt động sống khác nhau của con người đồng thời còn là một cộng đồng có sự phong phú, đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng, về tâm lý, tính cách và ngôn ngữ.

Những đặc trưng của làng như đã nêu ở trên cho thấy có sự khác biệt giữa làng với thành thị. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, sự phân tách giữa chúng đang ngày càng bị rút ngắn. Miền giao thoa giữa thành thị và làng nông thôn ngày càng lan rộng trong quá trình đô thị hóa.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa trên nền tảng của một xã hội mà cư dân nông thôn, nông nghiệp chiếm một tỷ lệ lớn. Vậy nên, đặc trưng của đô thị Việt Nam là chưa cắt đứt hoàn toàn với mô hình văn hóa nông thôn, nông nghiệp. Đó là sự đan xen hòa trộn giữa nông thôn, thành thị ở mọi phương diện (không gian địa lý, cơ sở hạ tầng, dân cư, tôn giáo, văn hóa cũng như các hoạt động kinh tế). Thành phần cư dân nông thôn hoạt động nông nghiệp với phong cách làng xã truyền thống Việt Nam hiện diện ngay trong hầu hết các đô thị Việt Nam, các đơn vị hành chính đô thị lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Đây là một trong những nét độc đáo của đô thị Việt Nam, nơi mà như C.Mác nói, lịch sử là một thể thống nhất không thể phân chia rạch ròi giữa thành thị và nông thôn.

* Văn hóa làng

Văn hóa là một hiện tượng xã hội thẩm thấm vào mọi mặt của đời sống, hoạt động xã hội và quan hệ con người. Sự đa dạng của đời sống xã hội được phản ánh trong sự phong phú của khái niệm “văn hóa”. Để hiểu được bản chất của văn hóa phải tiếp cận nó dưới nhiều góc độ, lát cắt khác nhau. Cũng chính vì thế có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, song các định nghĩa ấy đều thống nhất với nhau

khi cho rằng văn hóa chỉ có ở loài người, là sản phẩm sáng tạo của con người trong quá trình hoạt động, là cái đặc hữu của con người, do con người và vì con người, là sự thể hiện và thúc đẩy “các lực lượng bản chất người của con người”. Vì vậy, khi bàn về văn hóa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với

những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.” [64; 431].

Là sản phẩm đặc trưng của con người, văn hóa là sự sáng tạo của con người, là sự biến đổi tự nhiên của từng cộng đồng người. Đó là sự phản ứng, sự chế ngự, lối ứng xử của một cộng đồng người trước những thách thức của tự nhiên. Văn hóa là “... lối sống của một cộng đồng người, một xã hội, của các thành viên về phương diện nhận thức, quan niệm, chuẩn mực, biểu tượng và hệ thống các giá trị”[100, tr.26]. Như vậy, văn hóa không phải do tự nhiên sinh ra hay do bất cứ một thế lực siêu nhiên nào, nó là kết quả sáng tạo của con người, do con người và vì con người. Bất cứ dân tộc nào, không phân biệt trình độ cao hay thấp, lạc hậu hay văn minh cũng đều có khả năng sáng tạo ra các giá trị văn hóa nhất định. Song, văn hóa “... không phải là một cái gì cứng nhắc, khép kín, mà là những giá trị lao động vật chất và tinh thần của từng cộng đồng người nên nó luôn luôn có sự biến đổi, vay mượn, tiếp thu, ảnh hưởng lẫn nhau”[100, tr.27]. Văn hóa có hai dạng tổng quát: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau.

Văn hóa gắn với con người. Nó là toàn bộ vốn kinh nghiệm sống được tích lũy vào một cá thể, làm cho cá thể ấy trở thành một nhân cách văn hóa, nhân cách ấy phát triển tới mức nào đó thì được gọi là danh nhân văn hóa. Người ta gọi đó là “văn hóa cá nhân”. Tuy nhiên, văn hóa còn gắn với cộng đồng xã hội, nó sinh ra từ trong cộng đồng, được kết tinh thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, trở thành chất keo tinh thần kết dính các thành viên trong cộng đồng, làm thành một khối vững chắc thống nhất hành động. Văn hóa gia đình, văn hóa nhà trường, văn hóa làng, văn hóa tộc người... là những dạng văn hóa cộng đồng trong xã hội.

Văn hóa làng là một dạng của văn hóa cộng đồng, nó là văn hóa của một nhóm

cộng đồng được thể hiện thành văn hóa. Do đặc thù của sản xuất, thói quen, lối nghĩ và địa vực, văn hóa làng là văn hóa của một cộng đồng và mang tính chất cộng đồng. Văn hóa làng không phải là số cộng giản đơn của văn hóa cá nhân trong làng, mà nó là toàn bộ những giá trị và chuẩn mực xã hội, những truyền thống và thị hiếu biểu hiện trong lối sống mà các thành viên trong làng chấp nhận và tự giác thực hiện.

Văn hóa làng không phải là thứ văn hóa chung chung, trừu tượng và tự nhiên mà có. Tập thể làng chính là tác giả, là chủ thể tạo dựng và người sáng lập ra nền

văn hóa ấy. Làng với tư cách là một cộng đồng, được xác định không chỉ bởi địa

bàn cư trú, hoạt động nghề nghiệp, lịch sử hình thành, kết cấu kinh tế, quan hệ xã hội mà với tư cách là một nền văn hóa với bản sắc riêng. Không phải một cá nhân hay một tầng lớp quan lại, một nho sĩ hay một nhóm hào lý trong bộ máy hành chính có thể xây dựng một nền văn hóa cho làng này hay làng khác. Cũng không phải một thế hệ người thuộc một thời đại nào đó trong suốt tiến trình lịch sử của làng đã khai sinh cho một nền văn hóa làng và nó cứ thế tồn tại mãi cho đến tận ngày hôm nay. Người sáng tạo ra nền văn hóa làng chính là những thành viên trong

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 38 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)