7. Kết cấu của luận án
3.1. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trên lĩnh vực phong tục tập quán
3.1.2. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trong tang ma
Trong xã hội nông thôn truyền thống, phong tục tang ma thường coi trọng tính cộng đồng của làng xã, với những tập tục tổ chức tang ma của cư dân trồng lúa nước rất nhiều nghi thức. Do nhu cầu nương tựa vào nhau của sản xuất nông nghiệp, nên các quan hệ cộng đồng, làng xóm trong tang ma rất được đề cao, thậm chí, trong những trường hợp đặc biệt, còn hơn quan hệ trong gia đình. Vì vậy mà một trong những nguyên tắc ứng xử của cư dân nông thôn là “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Hơn nữa, trong hoàn cảnh kinh tế chung còn khó khăn, khi có việc làng, ngoài anh em họ mạc, bà con làng xóm còn chung tay trợ giúp. Ngoài việc lo các nghi thức lễ tang, người ta còn giúp nhau tiền gạo để tang chủ đỡ lúng túng, vất vả. Song, tang ma xưa cũng có nhiều hủ tục rườm rà, lạc hậu không hợp vệ sinh như để quan tài tại nhà quá lâu, mời pháp sư về cúng lễ, yểm bùa, đốt vàng mã, chọn ngày giờ, chống gậy lăn đường, lăn hố, ăn uống linh đình, cúng vái nhiều ngày.
Bước sang giai đoạn đổi mới, phong trào xây dựng nếp sống mới, bài trừ tàn dư của xã hội cũ, việc tang ma có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt quá trình đô thị hóa, với những ảnh hưởng của lối sống đô thị nên dù các giá trị cộng đồng, dòng họ, gia đình ít thay đổi nhưng xu hướng đơn giản hóa trong các nghi thức và tập tục
tang ma thì đã thay đổi nhiều để phù hợp với thời đại. Trong bối cảnh, các gia đình hiện nay không chỉ làm nông nghiệp mà còn rất nhiều nghề khác nhau mang tính chất thương mại cao, điều này dẫn đến họ có nhiều mối quan hệ khác nhau ở trong và ngoài làng. Do vậy, thành phần tham dự đám tang rất đa dạng buộc gia chủ phải thay đổi hình thức tổ chức tang lễ. Một số nghi thức trong tang ma đã được gia chủ thuê các dịch vụ, nên dù là tổ chức đám tang tại gia nhưng quy trình cũng không khác gì đám tang được thực hiện tại nhà tang lễ. Tất nhiên, những thủ tục cuối cùng cho người đã khuất vẫn do những người thân hoặc một người có kinh nghiệm trong họ làm.
Hơn nữa, không còn sự phân biệt quá rạch ròi vai trò, trách nhiệm của các thành viên như trong gia đình truyền thống. Các thành viên trong gia đình bình đẳng với nhau hơn, cùng chia sẻ trách nhiệm. Đó là công việc không chỉ của người con trai mà còn có thể là con gái và thậm chí là con dâu, con rể trong nhà (nếu con trai, con gái vắng mặt) cùng sắp xếp, cùng nhau chia sẻ những lo toan, góp phần tăng cường mối liên kết ruột thịt mà nhiều khi, do cơn lốc của cuộc sống đô thị hóa nhanh, họ có vẻ như sao nhãng. Điều này có “...nguyên nhân từ sự khẳng định ngày một rõ ràng hơn vai trò của người phụ nữ với gia đình nhà chồng. Thân phận con dâu bị hắt hủi không còn phổ biến nữa” [54, tr.101]. Như vậy, “...so với các biểu hiện khác, giá trị cộng đồng gia đình, dòng họ trong tang ma ít biến đổi. Sợi dây gắn bó tình cảm gia đình vẫn mang vai trò điều chỉnh quan trọng. Những thay đổi của nó mang nhiều nét tích cực, quy trình tổ chức tang lễ vẫn duy trì trên cơ sở truyền thống, có lược bớt những thủ tục quá nặng nề và mang tính hình thức” [54, tr.103]. Những thay đổi tích cực đó cũng thể hiện ở chỗ các gia đình hiện nay ít con nhưng lại được bù đắp bằng tình cảm và ý thức trách nhiệm của tất cả các thành viên, không phân biệt nội, ngoại, dâu, rể. Nguyên nhân dẫn đến xu hướng coi trọng tính cộng đồng trong gia đình, họ mạc ít thay đổi là do “...mật độ tụ cư của mỗi họ ngày một giãn ra. Số lượng các họ ở khu vực này ngày một ít hơn do xu hướng xen cư xáo trộn. Trong một không gian vật chất hẹp hơn (...) quan hệ xóm giềng lại không chặt chẽ thì việc tăng cường quan hệ họ mạc trong những lúc cần nương tựa vào nhau là một điều tất yếu” [78, tr.226].
Ở phạm vi cộng đồng làng xã, giống như hoạt động hôn nhân, hoạt động tang ma của cư dân nông nghiệp cũng rất coi trọng sự hiện diện và đánh giá của cộng đồng làng bên cạnh sự có mặt của họ hàng, thân tộc [kết quả PVS, ông Nguyễn
Thanh Bình, 39 tuổi, Đông Anh]. Điều đó chứng tỏ tang ma cũng là một sinh hoạt thể hiện quan hệ xã hội của người mất cũng như gia đình một cách rõ rệt. Dù vậy, trong cơn lốc đô thị hóa diện tích sinh hoạt của các gia đình bị thu hẹp, thành phần và cơ cấu dân cư đa dạng nên quy trình thực hiện tang lễ cũng đã thay đổi. Đám tang có thể thực hiện trong phạm vi gia đình hoặc ở nhà tang lễ do mối quan hệ của gia chủ được mở rộng hơn, nhà cửa lại được xây tường bao cẩn thận nên để có không gian và diện tích tổ chức đám tang như trước không hề đơn giản. Do đó, họ hàng bạn bè và đặc biệt là cộng đồng làng (phần lớn là chỉ những người có quan hệ với người đã khuất hoặc với gia đình của họ) đến tiễn đưa chia buồn, không tham gia trực tiếp giúp đỡ như trước đây. Như vậy, vai trò cộng đồng làng xã trong tang ma cũng bắt đầu có biểu hiện giảm dần. Thay vào đó là sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể cùng sự hiện diện của bạn bè, đồng nghiệp và các quan hệ xã hội khác. Có thể thấy đám tang của cư dân đồng bằng sông Hồng trong thời kỳ đô thị hóa đã phản ảnh mối quan hệ đa dạng của người dân nơi đây.
Cùng với quá trình đô thị hóa, đời sống kinh tế khá lên thì việc tang ma lại có chiều hướng phát triển phức tạp trở lại và có nhiều biến tướng mới. Cái khái niệm “trả nợ miệng” tưởng chừng đã được loại trừ từ mấy chục năm qua, nay nhiều người lại nhắc tới. Một hủ tục cũ nữa gần đây được phục hồi mạnh, đó là tục đốt vàng mã và cúng bái triền miên. Bây giờ tại các đám tang, người ta không chỉ đốt vàng, tiền giấy mà còn đốt cả xe hơi, nhà lầu, ngoại tệ giả. Mỗi lần đốt, có thể tốn tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu. Việc làm quá đà này vừa làm góp phần hồi phục tệ mê tín dị đoan, vừa tổn hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hủ tục khóc mướn còn tồn tại ở các đám tang ở nông thôn cũng gây phản cảm với nhiều người. Mức độ nỉ non, ai oán của lời khóc mướn phụ thuộc vào số tiền thù lao chứ không phụ thuộc vào mức độ quan hệ, tình cảm giữa người sống và người chết, làm cho lời bày tỏ tình cảm của người sống trở thành sáo rỗng, vô nghĩa, giả tạo, trái với đạo lý truyền thống của nhân dân ta. Một số hủ tục mới cũng nảy sinh, chẳng hạn như lấy lý do mở rộng quan hệ giao lưu với làng xóm, người ta tham gia nhiều kiểu chơi “họ”, từ họ tiền, họ gạo, họ đồng niên, họ đồng môn đến họ đồng ngũ, đồng hương, để rồi phải có mặt trong các bữa cỗ hiếu hỷ của một trong gia đình thành viên trong “họ”, làm cho số người góp mặt trong các bữa ăn “đám” ngày một đông. Khi đến lượt mình, dù không muốn, người ta vẫn phải cố gắng lo cho bằng người kẻo mang tiếng với họ mạc, dân làng.
Trong quá trình đô thị hóa như hiện nay, hoạt động tang lễ cũng như hôn nhân đang theo xu hướng thu hẹp trong phạm vi họ mạc, làng xã, và mở rộng sang những quan hệ cộng đồng khác, những mối quan hệ trong công việc.Tính cộng đồng làng xã đang có xu hướng chuyển dần thành tính cộng đồng xã hội, tính hướng nội khép kín sau lũy tre làng đang bị quá trình đô thị hóa tác động mạnh mẽ, làm thay đổi ý thức của người dân nơi đây.