Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trong hôn nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 83 - 87)

7. Kết cấu của luận án

3.1. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trên lĩnh vực phong tục tập quán

3.1.1. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trong hôn nhân

Hôn nhân truyền thống luôn coi trọng sự thỏa mãn quyền lợi của gia tộc, gia đình, làng xã, thể hiện ở tục nộp cheo. Sau cùng mới đến tình cảm cá nhân của đôi trai gái. Vì thế, “...lịch sử truyền thống của hôn nhân Việt Nam luôn là lịch sử hôn nhân vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng”[132, tr.293]. Trước đây, hôn nhân thường hướng nội, chỉ “đóng khung” trong làng xã, ít mở rộng ra bên ngoài, do đó, trai gái thường lấy nhau trong nội bộ làng, rộng hơn thì cũng chỉ lấy người trong xã, thậm chí “lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ”.

Khi kinh tế thị trường phát triển và cùng với nó là quá trình đô thị hóa không chỉ làm thay đổi mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, mà tác động mạnh mẽ đến các vấn đề xã hội, trong đó có quan niệm về hôn nhân. Đô thị hóa góp phần mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương, tạo ra các mối quan hệ rộng rãi giữa lớp trẻ và nhiều cơ hội để lựa chọn bạn đời. Vì vậy, nguyên tắc “Trâu ta ăn cỏ đồng ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” và “ruộng giữa đồng, chồng giữa làng” không còn là nguyên tắc tích cực và duy nhất trong quan hệ hôn nhân hiện nay. Theo làn sóng đô thị, quan niệm về tình yêu và hôn nhân cũng đang dần thay thế quan niệm truyền thống. Hôn nhân hiện tại chú trọng nhiều nhất tới tình cảm, hạnh phúc của bản thân đôi trẻ, không phải vì gia đình, dòng họ hay vì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Tuy nhiên, trong bối cảnh giao thoa văn hóa, quá trình đô thị hóa chưa hoàn toàn và điển hình nên hôn nhân tại các làng xã vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay chưa phải đã tiếp nhận hoàn toàn xu hướng này, sự biến đổi so với truyền thống được xem là tất yếu.

Theo khảo sát điều tra, thanh niên ở làng xã hiện nay có xu hướng “hướng ngoại”, thích kết hôn với người ngoài làng thay vì chỉ kết hôn với người trong làng như trước. Nguyên nhân chính là “...trước đây dân làng chuyên sống bằng nông nghiệp nên con người ít năng động. Sau khi lên xã phường, đất nông nghiệp không còn, lớp trẻ đi các nơi khác tìm việc làm, có điều kiện giao lưu, tìm bạn nên xu hướng

chung hiện nay là lấy vợ lấy chồng ngoài làng”[163, tr.259]. Trong phỏng vấn sâu tại Đông Anh, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi) cho biết: “Mấy năm gần đây, thanh niên làng này toàn đi lấy vợ xa thôi, không như trước, toàn lấy vợ trong làng. Như con trai cô đấy, chúng nó học nghề với nhau, quen nhau rồi lấy nhau, nhà vợ nó tận Cao Bằng đấy” [PVS]. Điều đó cho thấy, các khu đô thị và công nghiệp dịch vụ đã và đang mở rộng không gian làng, môi trường gặp gỡ của thanh niên không chỉ bó hẹp trong không gian làng, họ gặp nhau ở trường học, cơ quan, khu công nghiệp, trong mối quan hệ làm ăn buôn bán, trong các hoạt động tổ chức tập thể,... thúc đẩy giao lưu và tạo cho thanh niên trong độ tuổi kết hôn có nhiều cơ hội và mở rộng phạm vi tìm bạn đời. Như vậy, tính hướng nội, khép kín làng xã trong quan hệ hôn nhân đã có những thay đổi cơ bản, chuyện dựng vợ, gả chồng xa cũng là bình thường, thậm chí nhiều trường hợp kết hôn với người nước ngoài.

Đô thị hóa cũng làm thay đổi hẳn lối sống của cư dân làng, do sự thay đổi điều kiện sống và quá trình lao động, sản xuất. Những chuẩn mực, giá trị mới, thích ứng với môi trường hiện đại nảy sinh. Một trong những giá trị đó là sự thóat khỏi những ràng buộc cổ hủ, lạc hậu của lệ làng để tiến tới hôn nhân tự do. Tự do cá nhân của lớp trẻ trong hôn nhân được đề cao và đối tượng kết hôn thay đổi. [kết quả PVS, Bà Hà Thị Son, 49 tuổi, Bắc Ninh]. Sự thay đổi nhận thức của lớp trẻ trong việc tìm đối tượng kết hôn ngoài làng và tự bảo vệ quyền lựa chọn hạnh phúc lứa đôi thể hiện tinh thần tự chủ và khẳng định tính cá nhân của văn minh công nghiệp qua quá trình đô thị hóa.

Sự tự do và tinh thần bình đẳng còn từng bước phá vỡ tính “hướng nội” trong các nghi lễ tổ chức hôn nhân. Những quy định bắt buộc về sự có mặt của quan viên hai họ, sự chứng kiến của cộng đồng làng xã với nhiều tầng bậc trong nghi lễ kết hôn dần được nới lỏng, thay vào đó là những nghi lễ trang trọng của đám cưới hiện đại.Trong hôn lễ truyền thống, sự chứng kiến, tham gia của dòng họ, cộng đồng làng vô cùng cấp thiết. Bởi, trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, người dân cả đời chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng thì cộng đồng lớn nhất mà họ giao tiếp chính là những người dân trong làng. Nhưng hiện nay xuất hiện các khu công nghiệp, đô thị, mối quan hệ đó đã được mở rộng. Họ không chỉ bó hẹp trong phạm vi cộng đồng làng mà còn có các quan hệ bạn bè, đồng nghiệp từ những tỉnh, thành khác nhau. Thậm chí có những người đi làm ăn xa, mối quan hệ của họ còn rộng mở hơn rất

nhiều. Do đó, vai trò của cộng đồng làng trong hôn lễ không phải là duy nhất và được nới rộng phạm vi khách mời tham dự.

Do đời sống kinh tế được nâng cao và mối quan hệ xã hội rộng mở nên người dân nông thôn đã có điều kiện tốt hơn trong việc chuẩn bị chu đáo cho sự kiện trọng đại của đời mình. Từ việc sửa sang nhà cửa, mua sắm giường chiếu, mùng màn, y phục cưới cho cô dâu, chú rể, đến trang trí phông màn, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, quay phim, chụp ảnh, đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Lực lượng tham gia giúp đỡ trong quy trình hôn lễ có nhiều trường hợp không phải do làng xóm mà do bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp hoặc được thuê trọn gói dịch vụ. Cùng với việc sử dụng dịch vụ trọn gói là sự mờ nhạt của các hình thức trợ giúp từ cộng đồng làng xóm. Khi được hỏi về việc tổ chức đám cưới, bà Nguyễn Thị Hà, 50 tuổi, Hải Dương cho biết: “Bây giờ cái gì cũng tiện. Ít gia đình hò nhau ra nấu cỗ lắm, ngại lắm, nhà ai cũng bận cả. Thuê hết cho nhanh gọn, sạch sẽ mà lại đẹp nữa cháu ạ. Bây giờ chỉ lo tiếp khách, nói chuyện thôi chứ không ai vất vả cơm nước như trước nữa” [PVS]. Thực tế, về mặt hình thức đám cưới ở nông thôn bây giờ ngày càng đẹp và sang trọng hơn. Trong đám cưới người ta coi trọng khách, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, bất cứ ai đến đều được đón tiếp niềm nở, chu đáo theo quan niệm “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Một số thủ tục tổ chức hôn lễ theo phong cách châu Âu như rót rượu, cắt bánh, váy đầm nhiều tầng cùng complet... cũng không còn xa lạ với người nông dân đồng bằng sông Hồng.

Trong xã hội truyền thống, nền kinh tế tiểu nông mang tính chất thời vụ đòi hỏi mỗi gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường và phải có nhiều lao động, “đông con, nhiều của”, vì “...sự phát triển của sức sản xuất trong các chế độ tiền tư bản chủ nghĩa không phải biểu hiện ở chỗ luôn luôn cải tiến công cụ và kỹ thuật mà chủ yếu là sức lao động ngày càng gia tăng. Đó là yêu cầu nội tại của tiểu nông cá thể, yêu cầu tái sản xuất nhân khẩu thường xuyên (...). Để bù đắp lại sự hao hụt và để đáp ứng đòi hỏi nhiều sức lao động, khắc phục những khó khăn trở ngại trong hoàn cảnh địa lý phức tạp, khí hậu khốc liệt của nước ta, đặc biệt ở các vùng đồng bằng sông Hồng”[20, tr.51]. Hiện nay, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, nhất định có con trai cũng không còn là áp lực nặng nề đối với các gia đình trẻ. Người phụ nữ không phải chỉ sinh đẻ, bếp núc, chăm chồng chăm con mà còn có thể thành công ở ngoài xã hội, theo nghề nghiệp của mình. Bản thân người phụ nữ hiện nay đang dần khẳng định vai

trò của mình không chỉ trong gia đình, dòng họ, làng xã mà cả với xã hội do sự phát triển của đô thị hóa gắn liền với sự phát triển kinh tế và xã hội tạo điều kiện tăng thu nhập và trình độ học vấn của người phụ nữ tăng lên, không còn sống phụ thuộc vào nam giới như trước. Tình trạng “...người tiểu nông đã tận dụng lao động trẻ em, phụ nữ, người già; mặt khác dùng biện pháp tảo hôn, rút ngắn thời gian tái sản xuất nhân khẩu, nhiều gia đình dựng vợ gả chồng sớm cho con với mục đích là tăng thêm nhân lực, hoặc tăng cường sinh đẻ” [20, tr.51-52] đã không còn nặng nề.

Bên cạnh những yếu tố mới, những thay đổi tích cực, thì việc cưới xin ở các thôn làng vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện xu hướng quá đà, phát sinh một số hủ tục mới. Tuy chưa đến mức độ như đám cưới ở thành thị, nhưng việc cưới xin ở các làng quê cũng đang có xu hướng tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém không cần thiết và có xu hướng đua ganh. Vì trình độ dân trí còn hạn chế, nếp nghĩ cũ kỹ mà người ta còn nặng tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”. Có người do làm ăn phát đạt nên tổ chức cưới thật to, coi đám cưới như một dịp để khoe sự phát đạt, giàu sang của mình; có người hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn nhưng cũng cố làm cho bằng người mới vừa lòng. Với nguồn thu nhập hạn hẹp ở nông thôn, có những gia đình sau khi tổ chức đám cưới, phải còng lưng trả nợ nhiều năm chưa xong.

Hơn nữa, trước đây người ta coi trọng sự công nhận của làng xã đối với hôn nhân thì nay, do có sự giao thoa văn hóa và điều kiện sống được nâng cao, các dịch vụ phát triển, đã làm “...vai trò của cộng đồng làng xã trong quy trình tổ chức hôn lễ đang biến đổi theo xu hướng ngày càng mờ nhạt” [78, tr.221]. Một hiện tượng cũng rất đáng phê phán trong các đám cưới thôn làng vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay là sự phục hồi và công khai hóa của tệ nạn cờ bạc. Lấy cớ chia vui với gia chủ, những người đam mê cờ bạc tụ tập sát phạt nhau suốt ngày đêm, kể cả trước và sau đám cưới, thậm chí trong đó có cả chú rể.

Từ sau khi có Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang, lễ hội được ban hành, những biểu hiện lệch lạc trong việc tổ chức đám cưới đã phần nào được chấn chỉnh. Vai trò của vợ chồng trẻ được đề cao, song vị thế của quan hệ gia đình, dòng họ, làng xã không hoàn toàn mất đi. Việc thách cưới cũng không còn nặng nề như xưa, phần lớn chỉ mang tính chất hình thức, chủ yếu là chúc phúc cho hạnh phúc của đôi vợ chồng. Tuy nhiên, mức độ chuyển biến

chưa thực sự thay đổi hoàn toàn. Qua thực tế ở các địa phương, có thể nhận thấy, hiện nay đang tồn tại một nghịch lý: nhiều đám cưới của gia đình cán bộ, công chức ở địa phương nông thôn tổ chức ăn uống linh đình, khoe mẽ hoặc có biểu hiện trục lợi. Cũng không khó để nhận thấy có một thực tế là tình trạng ly hôn, ly thân cũng chịu ảnh hưởng của môi trường sống và sự phát triển của đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa làm tăng cơ hội việc làm và mức thu nhập, trình độ học vấn giữa nam và nữ bình đẳng hơn, do đó sự phụ thuộc của nữ giới vào nam giới ít hơn, tính độc lập của nữ giới ngày càng cao làm tỷ lệ ly hôn, ly thân ngày càng tăng. Xu hướng này có thể làm tăng các vấn đề xã hội như: nạn mại dâm, giáo dục con trẻ, vấn đề tâm lý,...

Tuy việc cưới xin ở thôn làng vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay còn tồn tại một số biểu hiện đáng phê phán nhưng nhìn chung nó đang chuyển hướng lành mạnh hóa, những mặt trái chỉ là thứ yếu. Tính cộng đồng, tính hướng nội trong hoạt động văn hóa này mặc dù bắt đầu ít nhiều thay đổi từ quan niệm, đối tượng kết hôn, đối tượng tham dự cũng như nghi lễ tổ chức, vai trò của dòng họ, đặc biệt là vai trò của làng xã không còn như xưa, nhưng phong tục cưới xin của cư dân nông nghiệp vẫn còn rất đậm nét.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)