Xây dựng những chuẩn mực của lối sống đô thị hiện đại,

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 144 - 148)

7. Kết cấu của luận án

4.2. Một số giải pháp chủ yếu định hướng sự biến đổi văn hóa làng

4.2.4. Xây dựng những chuẩn mực của lối sống đô thị hiện đại,

các quan hệ xã hội và quan hệ gia đình

Trong công cuộc đổi mới của đất nước, lối sống trở thành vấn đề rất quan trọng trong việc hình thành con người mới ở hoàn cảnh mới. Đô thị hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân đồng bằng sông Hồng tiếp xúc với nền văn minh toàn thế giới, tiếp xúc với lối sống hiện đại. Tuy nhiên, từ thực trạng lối sống, phong tục, tập quán của người dân hiện nay, không phải cứ tiếp thu cái mới, cái hiện đại thì sẽ hình thành nên nếp sống của cư dân đô thị mới.

Chúng ta phải vừa tiếp thu những tinh hoa truyền thống trong ứng xử, giao tiếp của văn hóa dân tộc, hạn chế sự "xâm nhập" thô bạo, tự phát trong mặt tiêu cực của lối sống tiểu nông, như tính bảo thủ, tầm nhìn hẹp, chuộng kinh nghiệm hơn tri thức, ngại cái mới, ngại đầu tư, làm việc tuỳ hứng, tự do tản mạn. Đồng thời, từ đó, góp sức đề kháng ngăn chặn những "rác rưởi, bọt bèo" của văn hóa ngoại lai, đồi truỵ, phản động, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Việc ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống tiểu nông trong xã hội đô thị là một vấn đề hết sức khó khăn đối với các quốc gia nông nghiệp nói chung, khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng. Điều đó có liên quan tới những vấn đề rộng lớn từ chính trị, kinh tế, tới văn hóa xã hội và giáo dục. Trước hết, không thể chiến thắng được tư tưởng và lối sống tiểu nông nếu chúng ta không xoá bỏ được những cơ sở kinh tế xã hội đã làm nảy sinh lối sống đó. Việc ngăn chặn lối sống tiểu nông chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở của sự phát triển công nghiệp hóa, hướng tới những mối quan hệ mới giữa con người với con người theo những nguyên tắc mới của xã hội công nghiệp.

Dù là khó khăn nhưng vẫn phải khắc phục dần lối sống tiểu nông ở khu vực nông thôn ngoại thành, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chúng ta cần phải xây dựng được các nguyên tắc chặt chẽ để giám sát và điều tiết hành vi của các cá nhân và các nhóm xã hội. Rất tiếc công việc này cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cần phải tăng cường các biện pháp hướng dẫn giáo dục các thế hệ cư dân những nguyên tắc cơ bản trong cách ứng xử và giao tiếp, tạo được một bầu không khí lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, những thói quen mới về tâm lý phù hợp với cuộc sống hiện đại. Cần có những biện pháp mạnh mẽ cả

về luật pháp và hành chính lẫn đạo lý để trừng phạt những hành vi không lành mạnh, những việc làm có hại tới lối sống chung, hướng tới việc xây dựng những chuẩn mực xã hội và định hướng giá trị mới. Vậy thì, chúng ta xác định xây dựng một lối sống như thế nào cho phù hợp mục tiêu phát triển của đất nước?

Lối sống mà đất nước ta hướng vào xây dựng đó là lối sống dân tộc - hiện đại mà đặc trưng điển hình của nó là văn minh, lành mạnh, lịch thiệp và năng động. Bản chất của lối sống văn minh là lối sống theo khoa học: ăn, ở có vệ sinh, lao động hợp lý và có năng suất, giao tiếp đúng mức, dân chủ, trân trọng mọi giá trị. Lối sống theo khoa học làm thay đổi các tập tính tình cảm, cải tạo phong tục, tập quán cũ, làm cho nhịp sống nhanh hơn và mạch lạc hơn. Tuy nhiên, khi khoa học đi vào đời sống, cải tạo được các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời nó cũng để trên môi trường sống rất nhiều mặt tiêu cực. Vì thế, khi xây dựng lối sống văn minh, chúng ta cần phải quan tâm tới quan điểm toàn diện. Cần phải có một chiến lược giáo dục, một chính sách tổng thể về quan niệm toàn diện trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay. Lối sống văn minh cơ bản cũng gắn với cái đúng của pháp luật. Không có văn hóa pháp luật thì không thể điều hoà các quyền lợi, nghĩa vụ và các hoạt động sống ở vùng ngoại thành đang trong quá trình thay đổi nhanh chóng với những con người và tính cách, cá tính khác nhau.

Các giá trị tốt đẹp của văn hóa làng thì phải bảo lưu, tinh hoa nhân loại thì phải tiếp thu. Lối sống văn minh về bản chất phải là lối sống lành mạnh. Và yếu tố lành mạnh trong lối sống thực chất là yếu tố đạo đức. Đạo đức là nhân tố quan trọng của ý thức xã hội, là cơ chế tự điều hành tự giác, lối sống thuỷ chung, tình nghĩa, yêu nước của người dân vùng đồng bằng sông Hồng. Cái thiện, chính nghĩa, lương tâm, danh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến diện mạo sống, các quan hệ sống gần nghìn năm lịch sử.

Quá trình đô thị hóa với nền kinh tế thị trường sẽ nhanh chóng làm nảy sinh lối sống thực dụng ở nông thôn đồng bằng sông Hồng. Lối sống thực dụng phá vỡ quan hệ đạo đức đã hình thành cả ngàn năm, nó làm suy thóai mối quan hệ bền chặt huyết thống trong quan hệ họ hàng. Lối sống thực dụng cũng có hai mặt, một mặt nó gắn chặt với năng suất lao động, với sự giải phóng cá nhân, với sự sáng tạo mạnh mẽ, mặt khác nó làm suy thóai rất nhiều quan hệ tình nghĩa trong gia đình và ngoài xã hội. Để lành mạnh hóa lối sống nơi đây nhất thiết phải giáo dục chủ nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh lối sống văn minh, thanh lịch, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nông thôn ngoại thành cũng đòi hỏi người dân phải xây dựng được lối sống năng động, ở đó, các nhân cách phải được phát triển cả sự thông minh của nhà triết học, tài năng sáng tạo của nghệ sĩ, lòng dũng cảm của người lính và sự khôn khéo của một thương nhân. Lối sống năng động chính là lối sống toàn diện biết đặt cái lợi trên cơ sở của cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Lối sống đó khác xa với lối sống chụp giật và lừa đảo. Năng động là sự trưởng thành của nhân cách biết tự phát triển mình trong sự phát triển chung của cộng đồng.

Ngăn chặn, khắc phục những tệ nạn xã hội - nguy cơ lớn đối với đất nước nói chung và đồng bằng sông Hồng trong quá trình đô thị hóa - muốn có kết quả, cần có sự tự giác, tính tích cực của các gia đình. Trong thời mở cửa tính cách con người có thể biến đổi, giao tiếp rộng cởi mở, nhịp sống nhanh, dễ hoà nhập vào thế giới, chính vì vậy, phải coi trọng đạo lý dân tộc, tôn ti trật tự, gia phong gia giáo của gia đình, phải có niềm tin vào lý tưởng sống và lý tưởng nghề nghiệp, chống sự sùng bái bên ngoài một cánh mù quáng.

Rất nhiều người cho rằng lối sống, đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay xuống cấp nhanh chóng, và có người đã đổ lỗi cho quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa mang cả những cái tốt và cái xấu tác động đến đời sống của người dân nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho quá trình đô thị hóa. Chúng ta phải thấy rằng nguyên nhân quan trọng hàng đầu là sự giáo dục gia đình và vai trò của gia đình bị mai một, có khá nhiều khiếm khuyết. Điều này càng trở nên cấp thiết đối với các gia đình trong quá trình biến chuyển của cơ chế thị trường. Các gia đình cần phải làm cho con cái họ hiểu rằng: ngày nay với cơ chế mới, lấy hiệu quả lao động làm thước đo giá trị, xã hội chỉ chấp nhận những người có thực lực, có phẩm chất cá nhân tốt; việc học tập là điều kiện, hành trang cần có để tìm công ăn, việc làm, tìm chỗ đứng trong xã hội, khẳng định bản thân. Cha mẹ rèn luyện cho con em mình tính tự lập, tự chủ, có bản lĩnh vững vàng, lối sống tình nghĩa, tràn đầy lòng nhân ái. Mặt khác, cũng cần cho các em nhìn thấy được mặt trái của nền kinh tế thị trường, hiểu rằng lối sống thực dụng là lối sống đáng bị lên án vì nó làm suy thóai nhân cách con người. Đồng tiền chỉ là phương tiện, không phải là mục đích, nhu cầu tinh thần là yếu tố quan trọng nhất, vì vậy, cần phải chăm lo, hoàn thiện bản thân về mặt trí tuệ, tình cảm.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị trong quá trình đô thị hóa. Việc phấn đấu đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa gắn bó chặt chẽ với nhau, đều là kết quả phấn đấu của từng gia đình và của cả cộng đồng dân cư. Hai hoạt động này cần có sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự quản lý hỗ trợ của chính quyền xã thôn, sự tham gia tích cực của các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Trong trách nhiệm của mình, cấp chính quyền từ huyện tới xã thôn cần đi sâu nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, kịp thời giúp các khu dân cư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức đời sống, bảo đảm trật tự trị an, xây dựng nếp sống văn hóa. Hơn nữa, các phong trào trên sau khi được phát động, phải có kiểm tra, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, phát triển để phù hợp với tình hình mới; có khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, gia đình đạt danh hiệu "người tốt, việc tốt", "gia đình văn hóa",.. để các hoạt động này không còn mang tính hình thức, thành tích.

Văn hóa gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong sự chuyển đổi hiện nay. Sự chuyển đổi từ một gia đình nông thôn truyền thống sang một gia đình có nếp sống đô thị là một quá trình rất khó khăn, phải chuyển đổi toàn diện từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Việc ăn, ở, mặc, đi lại, học hành phải thay đổi lại cho phù hợp với nếp sống đô thị. Phải từ "ăn no, mặc lành" hay "ăn no, mặc ấm" để đi tới mức cao hơn là "ăn ngon, mặc đẹp" hợp vệ sinh, nhà cửa phải sạch đẹp, khang trang.

Sau việc ăn, ở, mặc của cư dân đồng bằng sông Hồng, cần nâng cao mặt bằng dân trí của xã hội, hạn chế được những tiêu cực xảy ra trong gia đình và xã hội. Ngoài ra, phải quan tâm đổi mới một số phương diện như: giáo dục, sinh đẻ có kế hoạch, cách làm ăn kinh tế, phương thức tiêu dùng,… Đặc biệt là lối sống, nếp sống, cách ứng xử từ một gia đình nông thôn sang một gia đình thành thị, phải có sự thay đổi về chất để làm sao cho mọi thành viên trong gia đình làm quen với nếp sống văn minh, thanh lịch. Đời sống văn hóa tinh thần của gia đình cũng phải được đổi mới, làm cho văn hóa gia đình phản ánh rõ sự phát triển của xã hội.

Trong việc xây dựng đời sống mới ở đồng bằng sông Hồng, cũng không thể không kể đến vai trò của người phụ nữ. Hiện nay, những việc làm của phụ nữ đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực; trong nhiều trường hợp, sự đóng góp của chị em là thu nhập chính trong ngân sách gia đình; có nhiều phụ nữ đạt thành tích cao không thua kém gì nam giới. Tuy nhiên, muốn phát huy vai trò của người phụ nữ phải thay

đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ. Qua điều tra cho thấy, bên cạnh những người phụ nữ năng động, tích cực luôn nỗ lực vươn lên, hoàn thiện chính mình, tham gia vào các công việc của gia đình cũng như xã hội, hiện nay, còn rất nhiều phụ nữ nông thôn mang tâm lý tự ti, mặc cảm bản thân, mang nặng tư tưởng an phận thủ thường, cam chịu và thụ động. Do ảnh hưởng của tư tưởng bất bình đẳng giới, đa số phụ nữ vẫn chưa phát huy được hết vai trò, khả năng của mình trong sản xuất, trong phát triển kinh tế gia đình. Trong việc ra quyết định một vấn đề quan trọng của gia đình, người phụ nữ thường ở vị thế phụ thuộc, vai trò của họ chưa được đánh giá đúng mức, vì vậy, ở nhiều gia đình, công việc chủ yếu của người phụ nữ vẫn là nuôi dưỡng, chăm sóc dạy dỗ, con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình, tiến hành các công việc nội trợ, giặt giũ, lau chùi nhà cửa…

Đặc biệt, khi làn sóng đô thị hóa làm thay đổi những giá trị, chuẩn mực gia đình, vai trò của người phụ nữ càng trở nên lớn hơn bao giờ hết, nhất là trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. Do vậy, cần có sự quan tâm hơn nữa tới vấn đề bình đẳng giới của các cấp bộ Đảng, chính quyền xã thôn, Hội phụ nữ của xã thôn... Phải trao quyền tự chủ trong tiếp cận, kiểm soát, quản lý và sử dụng các nguồn lực phát triển cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng, xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 144 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)