Nâng cao nhận thức của tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 134 - 137)

7. Kết cấu của luận án

4.2. Một số giải pháp chủ yếu định hướng sự biến đổi văn hóa làng

4.2.1. Nâng cao nhận thức của tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân

sông Hồng về xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng làng hiện nay

Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Nó đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa làng trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng đời sống văn hóa mới ở đồng bằng sông Hồng không thể thiếu sự quan tâm đồng bộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể. Sự thờ ơ, buông lỏng, thiếu trách nhiệm hay sự "khóan trắng" cho các hội phụ nữ, hội cựu

chiến binh, đoàn thanh niên… trong công tác vận động xây dựng đời sống văn hóa mới đều dẫn đến kết quả không tốt. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân ý thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của đời sống văn hóa thì quá trình đô thị hóa phát huy mặt tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Khó khăn trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới cho cư dân đồng bằng sông Hồng trước làn sóng đô thị hóa hiện nay, không chỉ ở vấn đề tài chính mà còn ở vấn đề tư tưởng chiến lược và con người thực hiện. Nếu như mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành đều có thể tự mình hiểu được có thể và cần phải làm gì, làm như thế nào để xây dựng và phát triển đời sống của bản thân mình thì sẽ không còn những hành vi tự phát, nhỏ lẻ, rời rạc và hình thức, thay vào đó là sự kết hợp tự giác, thống nhất làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cả cộng đồng.

Vốn xuất thân từ xã hội nông nghiệp, người dân quen với lối sống đơn giản, tập quán cũ, lưu giữ cả những tập tục lạc hậu, nay tiếp cận với lối sống đô thị công nghiệp, sự thay đổi về lối sống, nếp sống, về cách ứng xử giao tiếp, về giữ gìn vệ sinh môi trường,làm người dân khó thích ứng kịp. Những thói quen cũ, lạc hậu trở thành vật cản trong quá trình xây dựng xã hội mới, con người mới. Có những người vì lợi ích trước mắt của cá nhân đã phản ứng với quá trình đô thị hóa, tuyệt đối hóa đời sống văn hóa tinh thần truyền thống. Họ lo sợ các chính sách mới sẽ làm mất đi quyền lợi của mình. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của công tác tuyên truyền, giáo dục là vận động người dân thay đổi nhận thức vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong cuộc sống hiện đại. Từ đó, mọi công dân, mọi gia đình tự giác chấp hành, thực hiện tốt chính sách, chủ trương của chính quyền, đoàn thể. Hiện nay, công tác tuyên truyền ở nông thôn đồng bằng sông Hồng thông qua các hoạt động văn hóa, các biểu trưng, khẩu ngữ, pano khá tốt. Ngoài ra, cũng cần phải chú trọng biểu dương những tấm gương điển hình người tốt, việc tốt tạo ra phong trào làm việc tốt của mọi người. Phân tích vai trò quan trọng của việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, để người dân tạo cho mình một lối sống mới phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.

Riêng đối với những người lãnh đạo, quản lý, những người có thẩm quyền, cần phải hiểu rất rõ vai trò của mình cũng như công việc mà họ đang thực hiện. Bởi họ là những người tuyên truyền, giáo dục quan trọng nhất. Bản thân cán bộ huyện, xã, thôn làng cũng vẫn còn tâm lý tiểu nông tạo nên tính thụ động, trông chờ, thói quen ỷ

lại, thiếu tính sáng tạo, óc sáng kiến trong công việc của họ. Người dân không thể tích cực chủ động, hưởng ứng các cuộc vận động của chính quyền khi bản thân những cán bộ hoạt động trên lĩnh vực đó không am hiểu hoặc thờ ơ với công việc. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với nền kinh tế thị trường vừa là cơ hội, vừa là sự thử thách đối với trình độ của cán bộ xã thôn. Nếu nhận thức chưa đúng, chưa đủ về mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa mới thì không thể có ý thức và năng lực để đưa được những yêu cầu, những tiêu chí văn hóa vào nội dung chính sách xây dựng và phát triển của các ngành, cấp mình. Cần hiểu rằng, muốn làm cho đời sống văn hóa mới thấm sâu vào từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng, từng địa bàn dân cư thì trước hết nó phải thấm sâu vào đội ngũ lãnh đạo và quản lý ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đoàn thể trên địa bàn các huyện cũng như toàn thành phố, qua đó, thẩm thấu hòa quyện nhuần nhuyễn vào mọi chương trình và dự án xây dựng và phát triển mà các địa phương nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng hoạch định.

Nếu coi nhẹ việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, tách rời nhiệm vụ này với phát triển kinh tế thì sẽ dẫn tới hậu quả là các cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, bảo tàng sẽ không thể phát triển nhanh bằng nhà hàng, vũ trường, sân gôn…Thực tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các huyện ngoại thành có số lượng hàng nghìn công nhân làm việc trong các nhà xưởng hiện đại nhưng lại không có khu vui chơi giải trí và sinh hoạt văn hóa. Ở đây, tính năng động của kinh tế thị trường phát huy tác dụng, tư nhân lập tức nhảy vào kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường vui chơi giải trí bỏ ngỏ này. Họ nhanh chóng xây dựng xung quanh khu công nghiệp này đủ loại quán: càphê, karaokê, bar… và trong quán này có đủ mọi thứ để giải trí, thưởng thức. Có nơi nhân dân rất hào hứng hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới nhưng những người có trách nhiệm thì dường như thờ ơ.

Xây dựng đời sống văn hóa mới ở đồng bằng sông Hồng trước làn sóng đô thị hóa thực chất là tạo ra những tiền đề, điều kiện đảm bảo đời sống văn hóa vận động và phát triển đúng hướng, vững chắc. Do đó, cũng cần đào tạo và xây dựng một đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, có lối sống lành mạnh để làm gương cho mọi người noi theo. Cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội hàng ngày thường tiếp xúc với nhân dân, cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến của dân, có khả năng thuyết phục, năng động, sáng tạo trong công tác.

Mặt khác, nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng làng xã cũng cần đặc biệt chú ý tới các nhóm cư dân có nghề nghiệp, độ tuổi cũng như học vấn khác nhau để có những biện pháp và cách thức phù hợp. Bởi ở mỗi nhóm này, do đặc điểm nghề nghiệp, lối sống, tâm sinh lý, trạng thái của các mối quan hệ xã hội mà việc tiếp thu yếu tố văn hóa mới, hiện đại của đô thị và lưu giữ những yếu tố văn hóa truyền thống của làng không giống nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 134 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)