Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trong tôn giáo, tín ngưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 90 - 95)

7. Kết cấu của luận án

3.1. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trên lĩnh vực phong tục tập quán

3.1.3. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trong tôn giáo, tín ngưỡng

Tôn giáo tín ngưỡng vùng đồng bằng sông Hồng thể hiện đậm nét văn hóa của một xã hội nông nghiệp. Nằm trong vùng văn hóa Á Đông đậm tính chất siêu linh, xã hội nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng truyền thống cũng như hiện tại đã sản sinh ra một loạt các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng. Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp cùng với truyền thống dựng nước và giữ nước gian khó nên tôn giáo, tín ngưỡng vùng đồng bằng sông Hồng chủ yếu thờ thần tự nhiên và nhân thần. Ngoài ra, từ ảnh hưởng của văn hóa truyền thống nên một số tín ngưỡng bản địa đã được tiếp biến trong quá trình giao lưu văn hóa cũng được phối thờ trong các cơ sở thờ tự. Những hoạt động tín ngưỡng là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu của làng xã vùng đồng bằng sông Hồng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn và tôn sùng những vị thần tự nhiên, những người có công với nước và các biểu trưng của văn hóa dân tộc. Nó thể hiện một niềm tin và sự hiện diện của các vị thần hộ mệnh cho cộng đồng, về sự phù hộ của họ trong các hoạt động lao động và sinh hoạt của cộng đồng. Cho đến nay, cúng đình và lễ hội vẫn là những sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng quan trọng nhất ở cộng đồng ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng. Người dân coi các dịp cúng lễ là thời điểm để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người.

Có thể nhận thấy lũy tre làng như là biểu tượng vô hình về tính cộng đồng và tính tự trị của làng quê đồng bằng sông Hồng, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như là điểm nhấn để nhận diện cho sự khu biệt ấy. Trong làng, cả cộng đồng luôn quần tụ và hướng về nơi thờ tự chung của làng. Tuy nhiên, khi tham gia sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thì yếu tố cầu lợi cá nhân là mục đích cơ bản của con người nên tính cộng đồng trở nên khó nhận diện hơn. Song, để giải tỏa được nhu cầu tâm linh cá nhân, các cá nhân này cũng tự tạo mối liên kết cộng đồng, tham gia vào cộng đồng và bị cộng đồng chi phối. Điều này thể hiện rõ thông qua việc người dân tự nguyện tham gia tu bổ các công trình tâm linh.

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã và đang phá vỡ hàng rào vô hình ngăn cách giữa các làng, tạo cho các làng có cơ hội mở rộng cổng làng, liên thông với nhau, từ đó, tính cộng đồng làng xã cũng bắt đầu lỏng lẻo hơn. Tuy nhiên, trong phong tục tôn giáo tín ngưỡng lại không hoàn toàn như vậy, dấu ấn cộng đồng làng thể hiện rất rõ qua sự chung sức xây dựng các thiết chế này. Gần như tất cả những người dân được hỏi đều cho biết họ rất chủ động, tự nguyện tham gia tích cực, đóng góp xây dựng các công trình này. Thậm chí đối với cả những người mới nhập cư cũng hoàn toàn tự nguyện trong những hoạt động này. Mong muốn hòa nhập cộng đồng của những người dân từ nơi khác chuyển đến bằng việc tham gia đóng góp xây dựng đình chùa cho thấy ý thức về tính cộng đồng vẫn còn giá trị, mặc dù “...chính những nơi mà tốc độ đô thị hóa đang mang đến sự đánh thức về giá trị cá nhân một cách mạnh mẽ nhất” [54, tr.55]. Sự chủ động và linh hoạt của người dân thể hiện rõ trong việc khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống đồng thời cũng có sự sáng tạo cho phù hợp với cuộc sống đương đại theo ý muốn của dân làng.

Về các thiết chế chùa, đền, miếu cũng như hiện tượng sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng trên, sinh hoạt tôn giáo tại chùa, đền, miếu, đã trở lại phát triển trong thời kỳ đổi mới, phản ánh các nhu cầu về tâm linh của người dân nông thôn là rất lớn. Một động thái nổi bật trong thời gian qua là do tác động của cơ chế thị trường, của quá trình đô thị hóa, của sự hình thành nhóm xã hội - thương nhân ở nông thôn mà sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng tại chùa, đền, miếu, có chiều hướng gia tăng. Tầng lớp thương nhân do những nhu cầu của nghề nghiệp nên thường hay cầu cúng tại nơi thờ các vị thần, thánh phù hộ cho việc buôn bán. Quá trình đô thị hóa khiến cho nhiều người dân đồng bằng sông Hồng dứt bỏ nghề nông, nhanh chóng thích ứng với ngành nghề mới, đem lại nguồn thu nhập cao nhưng bấp bênh, nhiều rủi ro. Khi được hỏi mong ước cầu may đầu năm, bà Nguyễn Hải Ba, 57 tuổi, Bắc Ninh cho biết: “cầu mong Ngài phù hộ cho buôn bán thuận lợi, năm nay bằng mười năm trước. Ngày trước thì cầu mùa màng tươi tốt, nhưng bây giờ đi buôn rồi, mình chỉ mong buôn may bán đắt thôi”.

Về ý nghĩa của các hình thức sinh hoạt tôn giáo, cư dân đồng bằng sông Hồng vẫn mang tâm thức văn hóa truyền thống nhưng bắt đầu xuất hiện xu hướng dân chủ hóa chủ thể hành lễ và xu hướng đơn giản hóa các nghi thức thực hành. Có thể do nhu cầu mưu sinh, người đàn ông phải đi làm xa nên người vợ, người mẹ có thể thay chồng thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó, trong điều kiện công nghiệp hiện đại,

không có nhiều thời gian nhàn rỗi nên việc đơn giản hóa các nghi lễ thực hành là điều đương nhiên. Sự tiếp thu những giá trị mới tiến bộ của lối sống đô thị, dần loại bỏ những thủ tục rườm rà trong đời sống nghi lễ đã giúp cho người dân nơi đây hòa nhập vào đời sống hiện đại, văn minh.

Quá trình đô thị hóa làm cho đời sống vật chất có nhiều thay đổi và tương ứng với nó là những nhu cầu về đời sống tinh thần, tâm linh cũng có nhiều thay đổi tích cực. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian qua là một minh chứng rõ nét. Tín ngưỡng Thành Hoàng làng, cúng đình và lễ hội là những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu, đậm nét của văn hóa làng xã đồng bằng sông Hồng. Có điều khác so với truyền thống, thiết chế đình không còn là nơi sinh hoạt gắn liền với giáp - một tổ chức được lập nên theo căn cứ vào giới tính, người phụ nữ cũng đã có quyền tham gia cúng tế tại đình và tham gia các công việc của đình. Phần lớn người dân coi đây là sự thể hiện lòng thành kính với các bậc bảo trợ cộng đồng, nghĩa là họ trọng lợi ích của làng hơn lợi ích của cá nhân, “...tất cả là vì mục đích thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, là để phục hồi văn hóa dòng họ và cũng là vì mục đích thể diện” [78, tr.199]. Như vậy, người nông dân ở vùng đồng bằng sông Hồng vẫn bảo lưu quan niệm truyền thống của họ, tìm thấy những giá trị tốt đẹp trong sinh hoạt này.

Là quy luật tất yếu, khách quan, quá trình đô thị hóa bên cạnh tác động tích cực cũng có không ít tác động tiêu cực, khiến các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Hiện tượng thương mại hóa các sinh hoạt tâm linh, lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, lừa đảo, tiến hành mê tín dị doan, gây nhiều phiền phức và có tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Một điều cũng dễ nhận thấy là do tác động của đô thị hóa với các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ đang làm biến mất, biến dạng và thu hẹp diện tích nhiều công trình văn hóa - thờ cúng từ hàng nghìn năm của các cộng đồng dân cư, rất nhiều chùa cũ bị phá bỏ để xây mới cho khang trang, bề thế, to đẹp hơn, chùa cổ còn rất ít. Việc liên tục xây mới, sửa chữa hoặc tu bổ cùng với năng lực quản lý và chuyên môn yếu kém đã làm cho quá trình trùng tu, phục chế ở một số di tích xảy ra sai sót, thậm chí làm giảm giá trị cổ kính, phá vỡ cảnh quan không gian của các quần thể kiến trúc. Nhiều công trình kiến trúc mang kiến trúc “nhập ngoại” không hoàn chỉnh, làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc tâm linh của cư dân đồng bằng sông Hồng.

Như vậy, màu sắc của một nền văn minh nông nghiệp trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đang có dấu hiệu phai nhạt, dấu ấn của một nền văn minh công nghiệp đang hình thành, nhưng bản chất tín ngưỡng của cư dân đồng bằng sông Hồng về cơ bản chưa có thay đổi hoặc biến mất hoàn toàn. Thờ cúng tổ tiên, thờ Thành Hoàng làng vẫn là cội rễ trong đời sống tâm linh người Việt, bên cạnh đó các tôn giáo khác cũng vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cư dân trong điều kiện mới. Chỉ có điều không thể không phủ nhận những tác động trái chiều từ đô thị hóa, yếu tố kinh tế và thương mại đang có dấu hiệu gia tăng. Đây không chỉ do các chính sách kinh tế của thời kỳ đô thị hóa mà còn do cả ý thức, nhận thức của người dân đồng bằng sông Hồng trước sự đổi mới của đất nước.

Tóm lại, mặc dù trong phong tục, tập quán của cư dân đồng bằng sông Hồng

đã có nhiều sự thay đổi nhưng trên bình diện chung, có thể nhận thấy dù sự biến động ấy thể hiện khá mạnh nhưng chúng vẫn thể hiện một giá trị cơ bản, đó là quan hệ cộng đồng. Năng lực tự quản cộng đồng ở nông thôn vẫn là một giá trị xã hội. Ý thức về cộng đồng, về tập thể vẫn còn sâu đậm trong đời sống tâm linh cũng như cuộc sống hàng ngày, thể hiện qua sự trường tồn của hội làng, tâm thức hướng về ông tổ của làng (Thành Hoàng). Tinh thần cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau trong các hoạt động tang ma, hiếu hỷ vẫn là một giá trị có tác động mạnh đến mọi thành viên trong làng, dù rằng cái tinh thần đó ít nhiều bị tàn phá bởi xu hướng cá thể hóa, bởi tác động của quan hệ hàng tiền trong xã hội thị trường, trong quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh với hàng loạt các quan hệ giao thương, dịch vụ như hiện nay. “Những dấu ấn của một nền văn minh công nghiệp hiện đại đang từng bước manh nha hình thành (...), đồ mã mà người dân dâng cúng còn có xu hướng tiếp cận với nền văn minh tin học: điện thoại di động, máy tính...” [78, tr.197]

Như vậy, nhìn từ góc độ cơ cấu, xã hội nông thôn đồng bằng sông Hồng là sự chồng xếp của các cơ cấu văn hóa truyền thống, văn hóa đang được hiện đại hóa mà trong hệ thống giá trị của xã hội đương đại đều phản ánh quá trình “trầm tích” trên.

Suy cho cùng, phong tục, tập quán ở đồng bằng sông Hồng đã thể hiện rất rõ nét tính cộng đồng, cộng thông, cộng cảm, cộng mệnh và hướng nội rất đặc trưng của văn hóa làng nơi đây. Tính cộng đồng thể hiện thông qua các hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng đó. Và sự khôi phục một số tổ chức xã hội truyền thống như ban tế tự của đình, hội vãi già, hội đồng niên, đồng môn đã tạo nên các mối

liên hệ cộng đồng theo những chiều tổ chức khác nhau. Có cái vì mục tiêu tế tự, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của làng, của giới, có cái để thỏa mãn nhu cầu cộng cảm, hợp tác, tương trợ lẫn nhau. Mỗi một xã hội sản sinh ra một hệ thống truyền tải văn hóa riêng của mình, ngoài các thiết chế văn hóa cơ bản còn có các tổ chức xã hội khác làm chức năng phổ biến cái văn hóa của xã hội đó cho mọi người. Thiết chế hay tổ chức văn hóa có chức năng là cầu nối giữa cá nhân và xã hội mà họ đang sinh sống. Nó sinh ra vì những nhu cầu sinh tồn về tinh thần, phản ánh những giá trị và chuẩn mực xã hội riêng và làm cho các giá trị xã hội, chuẩn mực đó được phổ biến và nhân rộng trong mỗi thành viên của xã hội. Quá trình đô thị hóa đã làm các thiết chế, tổ chức văn hóa nông thôn có những biến đổi ở mức độ khác nhau.

Trong xã hội nông thôn đương đại, giá trị trọng nông không còn như trước do sự đa dạng hóa nghề nghiệp, và nghề nông không phải là nghề mưu sinh duy nhất. Khi được hỏi về nghề nghiệp mưu sinh hiện nay, ông Cao Văn Hà, 60 tuổi, Gia Lâm cho biết: “Bây giờ làm nghề gì ra nhiều tiền là được, miễn là không phạm pháp. Chứ làm nông nghiệp mãi làm sao được, vất vả mà khổ cực lắm. Tôi cho hai thằng con đi học nghề bên Bắc Ninh, về có cái nghề trong tay, chả sợ đói, chỉ sợ chúng nó không chuyên tâm, chơi bời, đàn đúm theo bạn xấu thôi”. Điều đó cho thấy khả năng thăng tiến, thay đổi vị thế xã hội đã mở rộng hơn trước. Để ứng phó với việc mất đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa, cư dân đồng bằng sông Hồng đã nhanh chóng thay đổi sinh kế truyền thống, tận dụng tối đa thế mạnh về vị trí, đất đai, nghề truyền thống, sự mở rộng đô thị ở làng và những chính sách mới của Đảng và Nhà nước để thay đổi cuộc sống của mình. Trật tự xã hội, sĩ nông, công, thương không còn là một trật tự bất biến. Sự tồn tại và phát triển của cộng đồng phải tính đến lợi ích của từng cá nhân trong cộng đồng ấy. Bổn phận cá nhân đối với cộng đồng vẫn được tôn trọng. Song ý nghĩa tuân thủ tuyệt đối các lợi ích chung mà không tính đến lợi ích cá nhân không còn như xưa. Chủ nghĩa kinh nghiệm không còn vị trí độc tôn do sự phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề và hệ thống truyền thông đại chúng trong xã hội nông thôn, do đó vai trò của người già không còn vị trí là người quyết định mọi công việc của cộng đồng như trước. Truyền thống tình làng nghĩa xóm, trọng các giá trị cộng đồng vẫn là hạt nhân cơ bản, song sự áp chế của cộng đồng, sự thanh nhàn, bằng lòng với cái nghèo không còn hiệu lực.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 90 - 95)