7. Kết cấu của luận án
2.2. Quan niệm về đô thị hóa và đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng
2.2.1. Quan niệm về đô thị và đô thị hóa
*Quan niệm về đô thị
Trong lịch sử xã hội loài người, đô thị đã xuất hiện rất sớm. C.Mác cho rằng quá trình hình thành các đô thị là do sự phân công lao động trong nội bộ một dân tộc trước sự tách rời giữa lao động nông nghiệp với thương nghiệp và công nghiệp, do đó gây ra sự tách rời giữa thành thị và nông thôn, sự khác biệt giữa lợi ích của thành thị và nông thôn. Lịch sử cổ đại là lịch sử của các đô thị, nhưng các đô thị này được xây dựng trên cơ sở chiếm hữu ruộng đất và trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp, nghĩa là có sự xâm nhập của các quan hệ nông thôn và thành thị. Sau này, V.I.Lênin cho rằng thành thị là nơi tập trung của đời sống kinh tế, chính trị, tinh thần của nhân dân và là động lực chủ yếu của sự tiến bộ xã hội.
Cho đến nay, có nhiều quan niệm khác nhau về đô thị. Có quan điểm cho rằng đô thị là một khu vực địa lý mà đại bộ phận dân cư sinh sống gắn liền với các hoạt động phi nông nghiệp. Có quan điểm khác lại nhấn mạnh vào mật độ dân cư cao hơn so với nơi khác hoặc so với mức trung bình của khu vực. Cũng có quan điểm lại tập trung nhấn mạnh vai trò đô thị là trung tâm hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, là nơi tập trung quyền lực của nhà nước, của giai cấp cầm quyền.
Do nhiều quan niệm khác nhau về đô thị, cho nên khó có thể có một khái niệm chung nhất về đô thị cho mọi thời đại. Khái niệm “đô thị” luôn gắn liền với sự vận động và phát triển của xã hội, nhất là về mặt công nghiệp, thương nghiệp. Đô
thị là nơi văn minh tiến bộ hơn các vùng nông thôn xung quanh, là nơi phát triển, thể hiện bộ mặt của tiến bộ xã hội.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, cho nên các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, tức đô thị ở nước ta được hình thành trước hết từ nhu cầu chính trị, xã hội hơn là nhu cầu kinh tế. Đô thị ở nước ta hầu hết đều mang chức năng tổng hợp, vừa là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế, vừa là trung tâm văn hóa.
Trong bối cảnh đó, cộng với lịch sử phát triển đô thị không dài và có tính chất không điển hình nên người dân đô thị không thể chỉ dựa vào đô thị để duy trì cuộc sống mà phải dựa thêm vào nông thôn với nền sản xuất nông nghiệp truyền thống. Sự liên hệ chặt chẽ với nông thôn trở thành một đặc điểm nổi bật của các đô thị Việt Nam, thể hiện ở các “tàn dư” của xã hội nông thôn trong đời sống đô thị. Làng trong phố phường với các thiết chế văn hóa truyền thống, nếp sống làng xã vẫn còn là một bộ phận hiện hữu của đô thị. Hiện nay, nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên nền của một xã hội mà cư dân nông thôn, nông nghiệp chiếm phần lớn. Vì vậy, đặc trưng của đô thị Việt Nam là chưa cắt đứt hoàn toàn với mô hình văn hóa nông thôn, nông nghiệp, là sự đan xen hòa trộn giữa nông thôn, thành thị ở mọi phương diện, không gian địa lý, cơ sở hạ tầng, dân cư, tôn giáo, văn hóa cũng như các hoạt động kinh tế. Thành phần cư dân nông thôn hoạt động nông nghiệp với phong cách làng xã truyền thống Việt Nam hiện diện ngay trong hầu hết các đô thị Việt Nam. Các đơn vị hành chính đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng có tỷ trọng nông nghiệp, nông dân rất lớn.
Với cách hiểu như vậy và xuất phát từ đặc điểm của nước ta, chúng tôi cho rằng đô thị là một vùng lãnh thổ nhất định có mật độ dân cư cao hơn so với các khu vực khác, đó là không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt động
kinh tế trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Đây là "... trung tâm kinh tế, văn hóa, chính
trị, xã hội của một địa phương, một vùng, hoặc một quốc gia; có sự phát triển tập trung về công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, giáo dục, khoa học - công nghệ. Đô thị là nơi có nhịp độ, tốc độ phát triển nhanh nhất, năng động, văn minh của đất nước, nhưng cũng chứa đựng những vấn đề phức tạp"[158, tr.15].
*Quan niệm về đô thị hóa
Một trong những nét đặc trưng nhất của thời đại hiện nay là hiện tượng đô thị hóa đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới với quy mô lớn và nhịp độ nhanh chóng chưa từng thấy. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là con đường tất yếu
của mọi quốc gia nhằm hướng tới một cuộc sống văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, con đường này diễn ra vào các thời điểm khác nhau và bằng những hình thức khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa của từng nước.
Bước vào thế kỷ XXI, nhiều nước ở châu Âu, Bắc Mỹ đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa, tạo dựng một nền kinh tế công thương nghiệp phát triển và chuyển sang thời kỳ khác mà nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler đã gọi đó là thời kỳ hậu công nghiệp. Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu bước vào quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa, với đặc điểm chung là đô thị hóa dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp và diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đô thị hóa là một quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế càng phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và nâng cao đời sống nhân dân. Việt Nam hiện nay đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa là con đường tất yếu sẽ xảy ra.
Lịch sử cho thấy, đô thị được hình thành từ nhiều con đường, cách thức khác nhau. Có đô thị được hình thành một cách tự phát, do một số nhân tố ngẫu nhiên nào đó, chẳng hạn như nguồn nước thuận lợi, vùng mỏ, đầu mối giao thông, mà người dân tập trung lại, không theo quy hoạch. Có đô thị lúc đầu là sự tập trung dân cư, sau đó mới phát triển kinh tế như các khu công nghiệp, các khu thương cảng, thương nghiệp. Nhưng, cũng có nhiều đô thị ra đời một cách tự giác, có chủ đích với đầu tư thoả đáng, nó gắn liền với quan điểm phát triển của giai cấp thống trị. Hiện nay, kiểu phát triển này là con đường chủ yếu để hình thành các cụm dân cư đô thị.
Quá trình đô thị hóa làm bộ mặt của xã hội biến đổi nhanh chóng, số lượng dân cư đô thị tăng nhanh cùng với sự xuất hiện nhiều nét mới trong sinh hoạt đời sống. Nhiều thành phố mọc lên, khu vực nông thôn dần biến thành thành thị với mật độ dân cư đông đúc, đời sống vật chất và tinh thần tương đối phong phú, đa dạng và đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng đã và đang phát sinh nhiều vấn đề hết sức phức tạp và gay gắt như vấn đề về dân số, việc làm, đói nghèo, lối sống, nếp sống, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội.
Hiện nay, có rất nhiều quan niệum khác nhau về đô thị hóa. Theo “Từ điển tiếng Việt”, đó là “...quá trình tập trung dân cư ngày càng đông đảo vào các vùng đô
thị và làm nâng cao vai trò của thành thị đối với sự phát triển của xã hội” [153, tr.354]. Tác giả Bernd Hamm cho rằng: “đô thị hóa được dùng theo ba nghĩa khác nhau: (1) sự tăng trưởng vượt mức trung bình số những người dân sống ở đô thị so với toàn bộ dân cư ở một nước hay một lục địa, (2) sự tăng trưởng về dân cư và/hoặc diện tích riêng; và (3) sự mở rộng văn hóa và lối sống thành thị” [120, tr.16].
Tác giả Lê Du Phong lại cho rằng đô thị hóa là “… quá trình biến đổi và phân bố các lực lượng sản xuất trong nền kinh tế quốc dân, bố trí dân cư, hình thành, phát triển các hình thức và điều kiện sống theo kiểu đô thị đồng thời phát triển đô thị hiện có theo chiều sâu trên cơ sở hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng quy mô dân số”[111, tr.16].
Khi bàn về một số vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, tác giả Võ Văn Đức và Đinh Ngọc Giang cho rằng đô thị hóa là sự di cư từ nông thôn vào thành thị, sự tập trung ngày càng nhiều cư dân sống trong lãnh thổ địa lý hạn chế được gọi là các đô thị. Đô thị hóa là quá trình tổ chức lại môi trường cư trú của con người. Đô thị hóa không chỉ thay đổi phương thức sản xuất và hoạt động kinh tế, mà còn là sự thay đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân, trong đó, các quan hệ xã hội, các mô hình hành vi và ứng xử phải thay đổi tương xứng với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Các quan điểm trên đều phản ánh tính nhiều mặt, đa dạng của đô thị hóa. Đô thị hóa là quá trình hình thành, phát triển và mở rộng các thành phố gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là “… quá trình hình thành và nâng cấp, mở rộng quy mô đô thị với kết cấu hạ tầng hiện đại. Không gian đô thị ngày càng mở rộng, cùng với nó là sự thu hẹp đất nông nghiệp để phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, chuyển từ lối sống nông thôn sang lối sống đô thị, từ văn hóa làng xã sang văn hóa đô thị, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp”[46, tr.15].
Kế thừa những quan điểm trên, chúng tôi cho rằng, đô thị hóa là quá trình chuyển dịch từ xã hội nông thôn với hoạt động nông nghiệp phân tán sang xã hội đô thị với hoạt động phi nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và dịch vụ là chủ yếu, là quá trình chuyển biến những vùng nghèo nàn, lạc hậu thành vùng có mật độ dân cư
đông đúc, hoạt động kinh tế tập trung, đời sống vật chất và tinh thần phong phú.
Đây là hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp, diễn ra trên một khoảng không gian rộng lớn và khoảng thời gian lâu dài.
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa diễn ra từ khá sớm và là kết quả của sự vận động lịch sử xã hội khá đặc thù. Ngay từ thời kỳ Trung đại với sự hình thành một số đô thị phong kiến, song do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình đó diễn ra chậm chạp, mức độ phát triển dân cư thành thị không cao. Các đô thị được hình thành chủ yếu là từ các trung tâm hành chính văn hóa, khác so với các đô thị châu Âu thường xuất hiện từ các trung tâm kinh tế ở ven sông và trên các trục đường giao thông chính. Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam không song hành cùng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như ở các nước châu Âu mà diễn ra chậm chạp, không hoàn chỉnh, thiếu quy hoạch đồng bộ. Trong tiến trình lịch sử của mình, do nền kinh tế chung của đất nước kéo theo sự phát triển chậm của các đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa và thương nghiệp. Nhìn chung, các đô thị ở nước ta chưa phải là những đô thị điển hình.
Giữa những năm 80 của thế kỷ XX mở ra bước phát triển mới của đô thị Việt Nam, đặc biệt sau khi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật doanh nghiệp năm 2000, Luật đất đai năm 2003, Luật đầu tư 2005… Chính phủ ban hành các Nghị định về quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất năm 1997, nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vọt, gắn theo đó là sự hình thành trên diện rộng, số lượng lớn, tốc độ nhanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới và sự cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng ở cả thành thị và nông thôn. Làn sóng đô thị hóa đã lan tỏa, lôi cuốn và tác động trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Sự hình thành trên địa bàn nông thôn những khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm dịch vụ, các khu đô thị mới đã nâng giá trị sử dụng của đất đai, tạo những ngành nghề và việc làm mới, tạo môi trường ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ. Đô thị hóa kích thích con người năng động, sáng tạo hơn trong tìm kiếm và lựa chọn các phương thức sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng”[46, tr.15-16].
Có thể nói, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra trên quy mô rộng trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, cũng mang đặc điểm chung như ở các nước đang phát triển mà nét nổi bật là tại những vùng trong diện đô thị hóa, cơ cấu kinh tế đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Do vậy, “… phương thức đô thị hóa vừa chịu ảnh hưởng rất đậm nét của yếu tố hành chính, vừa chịu ảnh hưởng của sự chuyển biến kinh tế. Đây là bối cảnh của việc chuyển một bộ phận lớn đất đai, dân cư làng quê
ven các thành phố lớn, các thành phố thuộc tỉnh, các thị xã và các thị trấn vào khu vực đô thị, theo phương thức chuyển xã thành phường”[163, tr.8].
Hình thức phổ biến với các đô thị của Việt Nam trong điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế chính là việc mở rộng quy mô diện tích các đô thị hiện có theo chiều rộng, tức là hình thành các khu đô thị mới, các quận, phường mới. Đây là sự mở đường của quan hệ sản xuất cho lực lượng sản xuất phát triển. Với hình thức này dân số và diện tích đô thị tăng nhanh chóng. Sự hình thành các đô thị mới được xây dựng trên cơ sở xây dựng các khu công nghiệp và các vùng kinh tế là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong nền kinh tế nước ta.
Quá trình đô thị hóa đã có những tác động tích cực trong việc làm thay đổi bộ mặt ven đô, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Song việc “… đột ngột thu hồi toàn bộ hoặc phần lớn diện tích đất nông nghiệp cho mục đích đô thị, không có quy hoạch tổng thể, thiếu chuẩn bị kỹ càng, biến các làng xã trở thành điểm đô thị theo phương thức hành chính hay đô thị hóa “cưỡng bức” (tức “chụp” lên trên làng, xã bộ máy hành chính cơ sở của đô thị - phường), người nông dân chỉ sau một đêm trở thành thị dân, đã và đang bộc lộ những khó khăn, bất cập, đặt ra những thách thức rất lớn cho làng quê trên bước đường phát triển, liên quan đến việc chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm an ninh, quản lý xã hội và quản lý hành chính, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống”[163, tr.9]. Do đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng vùng nông thôn khác nhau, những bất cập, khó khăn đó biểu hiện khác nhau và sẽ có tác động trở lại đến nội thành và các vùng ven đô.