Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trong sinh hoạt và tổ chức lễ hội

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 95 - 100)

7. Kết cấu của luận án

3.2. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

3.2.1. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trong sinh hoạt và tổ chức lễ hội

Lễ hội ở đồng bằng sông Hồng có lịch sử lâu đời và thể hiện đậm nét văn hóa của một xã hội nông nghiệp trồng lúa nước. Đó là lễ hội của những cư dân nông nghiệp, thông qua các nghi thức tế, lễ thể hiện lòng tri ân và cầu mong thần linh phù trợ cho mưa thuận gió hòa. Nó luôn có sự hòa quyện giữa các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh với các nghi lễ của nghề trồng lúa nước. Đây là dịp duy nhất tập trung phô diễn những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ múa, hát giao duyên, hát thờ, hát cửa đình, sân khấu, chèo, tuồng, các cuộc thi tài qua các trò đấu võ, vật, bơi thuyền, kéo co, chọi trâu, chọi gà, đánh phết... từ đó, hun đúc nên tài năng, trí thông minh, tài khéo léo, sức khỏe của người dân. Trong các dịp lễ hội như vậy, mọi người đều tham gia, vừa trình diễn, vừa thưởng thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và có sức hấp dẫn đông đảo quần chúng, một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng làng xóm ở vùng đồng bằng sông Hồng. Lễ hội ở đồng bằng sông Hồng cũng là nơi thể hiện tính cộng đồng rất rõ rệt. Lễ hội nào “...cũng là của và thuộc về một cộng đồng người nhất định” [78, tr.148], đó có thể là cộng đồng làng xã, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân tộc... đã tạo nên chất kết dính các thành viên trong cộng đồng và biểu dương sức mạnh của cộng đồng thông qua sự cộng mệnh và cộng cảm. Có thể nói, sự phục hồi các lễ hội dân gian đã góp phần quan trọng làm cho diện mạo văn hóa làng quê thêm tươi vui, phong phú. Thông qua lễ hội, tinh thần yêu nước, yêu lao động, truyền thống thượng võ, giáo dục lý tưởng về cội nguồn, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng được đề cao. Lễ hội còn là dịp người nông dân thể hiện ý thức về việc làm đẹp cho mình, đồng nghĩa với việc làm đẹp cho cộng đồng, cho đời. Trong lễ hội, người giàu, người nghèo trong làng, người làm ăn xa quê và người ở làng có dịp gặp gỡ nhau trong ngày vui chung của làng. Việc duy trì định

hướng để lễ hội phát triển theo đúng giá trị truyền thống đồng thời phù hợp với xu thế thời đại mới, là nhiệm vụ hết sức quan trọng của quá trình xây dựng “Làng văn hóa” nói riêng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung ở đồng bằng sông Hồng. Theo khảo sát điều tra của tác giả Phan Hồng Giang trong Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước KX.05 cho thấy 65,7% người dân cảm thấy phấn khởi khi làng mở hội, 26,7% cảm thấy bình thường và chỉ có 5,4% là cảm thấy lo lắng vì phải đóng góp, chứ không phải không thích hội làng. Điều đó cho thấy “...tình cảm của người dân đối với lễ hội làng không hề có sự khác biệt bất kể họ giàu hay nghèo, trình độ học vấn cao hay thấp, nghề nghiệp của họ là gì” [55, tr.207]

Lễ hội vùng đồng bằng sông Hồng thường được tập trung vào mùa Xuân (từ sau Tết Nguyên Đán đến tháng ba Âm lịch). Đây là thời gian nông nhàn của cư dân nông nghiệp. Đồng thời tiết trời mát mẻ góp phần tạo sự thư giãn cho tinh thần, cho không khí lễ hội thêm sức hấp dẫn. Về không gian, nhìn chung, lễ hội thường là của riêng từng làng, mỗi làng đều muốn thể hiện bản sắc riêng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một hình thức “kết chạ” mới được hình thành, vì vậy, nhiều lễ hội có sức lan toả cả một vùng, thậm chí cả nước như lễ hội đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội), hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hội Lim (Tiên Sơn, Bắc Ninh), phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định), hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội),...

Trước đây, trong phong trào bài trừ tàn dư xã hội cũ ở miền Bắc nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng, lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo bị coi là di sản của chế độ xã hội phong kiến, là hủ tục cần dẹp bỏ. Nhiều đình, chùa, đền, miếu không được hoạt động, bị phá dỡ hoặc bị biến thành trụ sở Ủy ban nhân dân xã hoặc trụ sở hợp tác xã. Chỉ một vài lễ hội lớn là được phép duy trì nhưng đã biến dạng, không còn thuần túy là lễ hội dân gian, nội dung lễ hội thường đơn điệu, sơ sài, tẻ nhạt, thiếu sức hấp dẫn. Chỉ khoảng 15 năm trở lại đây, đường lối, chính sách đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục, từ đó đến nay các hoạt động lễ hội dân gian được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Quá trình đô thị hóa đã tạo nên mức sống cao và kéo theo nó là những nhu cầu tinh thần đòi hỏi được đáp ứng, bởi các sinh hoạt lễ hội cũng là nhu cầu chính đáng, nhu cầu tâm linh của người dân.

Ở lễ hội, một trong những sắc thái đặc trưng là hội làng. Nhìn chung, xét về mức sống, có nhiều cộng đồng có mức sống khá giả, tình trạng nhạt nông chuộng

nghề mặc dù chưa chiếm tỉ trọng ưu thế, nhưng lối sống đô thị đã trở thành một nét văn hóa được chấp nhận ở đây. Trong bối cảnh như thế, sự tồn tại của nếp cũ càng trở thành hiện tượng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Nếp cũ còn đọng lại ở khắp các lĩnh vực của đời sống trong làng. Có thể lấy hội làng là một bằng chứng cho quan hệ đó. Hội làng vùng đồng bằng sông Hồng đã bị đứt đoạn khá nhiều năm, có nơi lại thiếu vắng trung tâm sinh hoạt là ngôi đình, thế nhưng trong tâm thức của dân làng, thiết chế đình vẫn còn. Hội làng, ngôi đình vẫn là nhu cầu của cả làng. Đó là nguyên nhân giải thích sự hồi phục mau chóng của hội làng trong những năm gần đây.

Quá trình đô thị hóa làm xuất hiện các khu công nghiệp và nhiều ngành dịch vụ, nhiều làng cũng chuyển đổi thành khu đô thị dẫn tới các lễ hội truyền thống có nhiều thay đổi với mức độ khác nhau.

Nếu thời gian tổ chức lễ hội trước đây thường kéo dài, có lễ hội diễn ra hàng nửa tháng (như lễ hội Đền Đức Lý Thái hậu Ỷ Lan), thì nay, do nhịp sống công nghiệp, lễ hội thường chỉ diễn ra trong vòng một đến vài ngày, trong đó quan trọng nhất là ngày lễ chính. Không gian tổ chức lễ hội cũng có nhiều thay đổi. Trong lễ hội, các không gian thiêng hầu như vẫn được giữ nguyên, nhưng các không gian xã hội thì được nới rộng rất nhiều. Ít còn cảnh lễ hội mà “trống làng nào, làng ấy đánh”, việc tổ chức và tham dự của tất cả cộng đồng cư dân trong và ngoài làng đã trở thành một yếu tố văn hóa mở, sự tham gia của đông đảo cộng đồng như một hình thức “kết chạ”. Chính việc thay đổi quy mô tổ chức lễ hội là cơ hội để các làng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, là điều kiện để giới thiệu các đặc trưng văn hóa làng như phong cảnh, ẩm thực, nét truyền thống đến đông đảo các vùng miền trong và ngoài nước.

Ngay cả tính tự trị, tự quản của làng xã truyền thống trong việc tổ chức lễ hội cũng đang dần thay đổi do sự xuất hiện của các lễ hội mới, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhu cầu tiêu dùng các giá trị văn hóa mới. Bên cạnh những lễ hội truyền thống, trong những năm gần đây, xuất hiện các lễ hội mới do nhân dân sáng tạo ra. Tuy không có phần tế lễ và rước xách như lễ hội cổ truyền nhưng là lễ hội gắn liền với văn hóa - lịch sử - cách mạng, với cuộc sống và con người mới hiện nay. Những lễ hội này có thể chỉ là một lễ hội kỷ niệm thời điểm ra đời của một vùng đất, hoặc các festival - liên hoan du lịch - văn hóa - nghệ thuật ở những danh lam thắng cảnh, hay các di sản văn hóa như: lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội Hoa phượng đỏ ở Hải Phòng, carnaval Hạ long, lễ hội hoa Anh đào.

Nhìn chung, xu hướng vươn tới làm giàu, chú trọng đến lợi ích vật chất trong quá trình đô thị hóa ngày càng được phổ biến hơn trong xã hội nông thôn hiện nay. Tiêu dùng không còn là một giá trị bị xã hội lên án như trước. Tâm thế đồng nhất văn hóa, chủ nghĩa nông dân bình quân kiểu cào bằng đang đứng trước những thách thức của xu hướng khẳng định sự khác biệt, sự đa dạng văn hóa của một số nhóm có mức sống nổi trội hơn do có sự chuyển dịch nghề kịp thời và khả năng tận dụng các lợi thế mà họ tích tụ được. Quyền lực, vốn, vị trí địa lý, cơ may là những điểm khác biệt so với xã hội nông thôn truyền thống, “...tính thiêng liêng của các giá trị tinh thần chung của cộng đồng, các lễ hội, các hình thái tôn giáo và tín ngưỡng nông nghiệp, là những giá trị văn hóa được tôn trọng chung song đã bắt đầu bị giải thiêng ở một số nhóm xã hội có nghề nghiệp phi nông nghiệp, có sự di động xã hội cao, học vấn cao hơn truyền thống. Xu hướng thế tục hóa của xã hội hiện đại tuy chưa đủ sức phá vỡ các giá trị tinh thần truyền thống trên, song đó cũng là một thực tế cần phải tính đến” [73, tr.115-116].

Khi nền sản xuất nông nghiệp bị chi phối bởi các yếu tố của công nghiệp, của khoa học kỹ thuật trong quá trình đô thị hóa thì sự sùng bái các vị “thần nông” cũng không còn hoàn toàn thống trị trong tâm thức của người dân. Điều này là một tất yếu bởi cuộc sống của một bộ phận lớn nông dân không còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Ruộng nương còn ít, vì vậy, họ ít thực hành các nghi lễ đó và thay thế vào đó là các nghi lễ khác, gắn liền với công việc làm ăn hiện nay. Hơn nữa, một số nghi lễ dân gian đang có xu hướng giảm, các lễ hội lớn có xu hướng hiện đại hóa cả về quy mô, nội dung hoạt động, cùng với nó là tâm lý phục hồi những nghi lễ cầu kỳ với chi phí cao cũng bắt đầu xuất hiện. Mặt khác, sự tác động của yếu tố may rủi trong nền kinh tế thị trường và cuộc sống đô thị, mặt trái của những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cho đời sống tâm linh của người dân bị chi phối bởi một số yếu tố mang màu sắc mê tín dị đoan. Đó cũng là lý do tục lệ xem ngày, giờ, bói toán lại phát triển phổ biến trở lại.

Như vậy, mặc dù có những thay đổi tích cực nhưng lễ hội vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn những biểu hiện bất cập trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa mới đem lại những thay đổi cơ bản chủ yếu trên lĩnh vực đời sống vật chất, nhưng sự thay đổi về mặt nhận thức, trình độ dân trí chưa thực sự tương thích nên còn nhiều hạn chế trong tổ chức lễ hội, nhất là xu hướng phục cổ một cách máy móc, sự biến tướng của các hình thức lễ hội. Biểu hiện lệch lạc, đáng lo ngại nhất trong việc tổ chức lễ hội hiện nay là xu hướng

thương mại hóa các hoạt động lễ hội. Viện cớ tổ chức lễ hội, nhiều nơi thành lập ban vận động tài trợ và nghĩ ra nhiều cách huy động sức đóng góp của dân, đặt hòm công đức lan tràn nơi tổ chức lễ hội. Nhiều người dân được hỏi cho rằng:“rất thích tham gia lễ hội nhưng bây giờ lễ hội xô bồ thương mại lắm, đông người cũng vui nhưng hỗn loạn, chen lấn xô đẩy, ăn cắp nhiều. Nhiều người từ nơi khác đến, cả công nhân trong các khu công nghiệp cũng tham dự, gây mất trật tự” [PVS, Bà Đặng Cẩm Vân, 30 tuổi, Bắc Ninh].

Có địa phương còn tổ chức đấu thầu việc tổ chức lễ hội. Nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm không gian di tích, xây lều lán bán hàng làm mất vẻ tôn nghiêm của nơi thờ tự, lừa bịp, bắt chẹt, thậm chí trấn lột khách. Nhiều trò chơi mang tính cờ bạc không những hành nghề ngang nhiên mà còn phát loa với công suất cực lớn, át cả không khí lễ hội gây ức chế tâm lý du khách. Một số hoạt động văn hóa văn nghệ vốn thanh tao, nay cũng biến thành một kiểu xin tiền. Điển hình như ở chùa Hương, một bộ phận “buôn thần bán thánh” liều lĩnh xây dựng thêm hàng chục ngôi chùa mới với tên quen thuộc của các chùa cũ như, chùa Giải oan, chùa Hương Tích để lừa gạt người cả tin và du khách hành hương trẩy hội. Hoặc như ở Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hàng ngàn người kéo về đây cúng lễ thái quá, nhất là việc “vay - trả” tiền, lộc của những người mê tín, ham làm giàu nhanh chóng, họ bỏ tiền mua lễ vật tốn kém, hoặc tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù, đã có sự quan tâm của các ngành chức năng nhưng diễn biến và nhiều vấn đề bất cập vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Tại hội đền Hùng những năm qua, mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối kết hợp các ban ngành và chính quyền các cấp thành phố Việt Trì, Phú Thọ, về cơ bản là thành công, đạt hiệu quả thẩm mỹ, có tác dụng giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, các hiện tượng mê tín dị đoan, tranh cướp lộc, chen lấn xô đẩy, xin xăm, đổi tiền lẻ với giá chênh lệch cao, ăn xin vẫn còn đây đó. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các lễ hội truyền thống mà ngay cả trong các lễ hội mới. Tình trạng mất an ninh trật tự, không tuân thủ quy tắc của lễ hội, tranh cướp chỗ ngồi, lộc thánh vẫn là những hiện tượng tiêu cực cần được tiếp tục đấu tranh kiên quyết hơn nữa.

Như vậy, “...quá trình di động xã hội mạnh, cùng với tốc độ đô thị hóa, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nghề nghiệp đang diễn ra ở nông thôn sẽ là những tác nhân quan trọng phá vỡ tính chất “khép - kín” của làng xã làm chuyển

đổi các đặc điểm xã hội của nó từ một xã hội mang đặc điểm cộng đồng tính, sang một xã hội mang đặc điểm hiệp hội tính, tức là xã hội đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [Dẫn theo 114, tr.113]. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết thỏa đáng, nó thể hiện sự biến đổi của văn hóa làng với cả khía cạnh tích cực và tiêu cực đòi hỏi cần có sự thích ứng và chọn lọc những giá trị phù hợp trong bối cảnh mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 95 - 100)