Đặc trưng văn hóa làng vùng đồng bằng sông Hồng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 47 - 55)

7. Kết cấu của luận án

2.1. Quan niệm về văn hóa làng và văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng

2.1.2. Đặc trưng văn hóa làng vùng đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Hồng là một vùng đất rộng lớn của Bắc Bộ, Việt Nam. Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 số 795/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 05 năm 2013, vùng này gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và Quảng Ninh. Đây là vùng có diện tích dân số và mật độ dân cư đông đúc. (Xem Phụ lục 5). Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố quan trọng khác đã làm cho đồng bằng sông Hồng trở thành một trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của Việt Nam.

Quá trình bồi đắp phù xa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình đã tạo nên ưu thế nổi trội của vùng đồng bằng sông Hồng, là sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước trên những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” với sự điều tiết của hệ thống sông ngòi chằng chịt. Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp là lao động theo mùa vụ, nên ngoài nghề nông, cư dân nơi đây còn phát triển kinh tế dựa vào nghề thủ công. Chợ là điểm nhấn quan trọng đánh dấu sự phát triển kinh tế hàng hóa khá sớm, gắn với sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc nơi đây. Để phù hợp với kiểu tổ chức sản xuất nông nghiệp, cư dân đồng bằng sông Hồng sinh sống theo cách thức tổ chức của làng. Đây là đơn vị hành chính mang đậm tính tự quản với các mối quan hệ chằng chịt gắn kết mọi thành viên với nhau trong làng và lệ thuộc vào làng.

Làng đồng bằng sông Hồng cũng đồng thời là một đơn vị, một môi trường văn hóa đặc trưng cho văn hóa Việt Nam. Cho đến nay nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về bản sắc văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, các quan điểm khác nhau đó đều có sự thống nhất trong nhận diện đặc trưng của văn hóa làng đồng bằng sông Hồng. Đó là văn hóa gốc nông nghiệp trồng lúa nước. Văn hóa gốc nông nghiệp cũng chính là bản sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Vậy nên, có thể coi, văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng là đại diện cho văn hóa Việt Nam.

Thứ nhất, văn hóa làng đồng bằng sông Hồng thể hiện đậm nét nền văn hóa gốc nông nghiệp trồng lúa nước.

Do điều kiện địa tự nhiên của đồng bằng sông Hồng nằm trong vùng Đông Nam châu Á với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm thích hợp với việc trồng lúa

nước. Mặc dù là đồng bằng châu thổ lớn thứ hai ở nước ta, được bao bọc bởi rừng núi và vịnh biển, nhưng cư dân nơi đây không hoàn toàn dựa vào rừng và biển mà chủ yếu là dựa vào việc làm nông nghiệp. Đây là đồng bằng châu thổ phì nhiêu, có truyền thống trồng lúa nước lâu đời do điều kiện tự nhiên và tập quán, lại chịu mật độ dân số khá cao nên từ lâu cư dân đồng bằng sông Hồng đã đi vào hướng thâm canh cây lúa và trồng hoa màu để đạt năng suất cao, giải quyết bài toán về sự mất cân bằng giữa dân số với đất đai và lương thực. Do đó, sản xuất lúa gạo làm lương thực chính đã trở thành phương thức sản xuất và sinh sống truyền thống của hầu hết các làng xã trong lịch sử. Có thể nói, đồng bằng sông Hồng trở thành cái nôi hình thành nền văn minh lúa nước của Việt Nam, làng Việt truyền thống cơ bản là làng nông nghiệp với một nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Hầu như các làng đều có hoạt động sản xuất tương tự nhau, bao gồm các hoạt động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ, và khai thác sản vật tự nhiên để cung cấp những nhu cầu tiêu dùng cơ bản cho gia đình và cư dân trong làng thông qua sự trao đổi hàng hóa ở chợ làng. Vì thế, có thể thấy đặc trưng đầu tiên của nền văn minh nông nghiệp là sự trọng nông, trọng kinh nghiệm và rất thực tiễn. Chính điều này đã tạo nên tính ổn định, bền vững của làng Việt nói chung và làng vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng.

Ngày nay, sự phát triển của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu kinh tế và cách thức tổ chức lao động ở làng đều có sự thay đổi căn bản. Sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo lối sản xuất hàng hóa. Xuất hiện các làng chuyên canh cây trồng, vật nuôi cùng với sự duy trì các nghề thủ công truyền thống. Nguồn thu nhập của cư dân ngày càng đa dạng, từ sản xuất nông nghiệp và cả phi nông nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, phần lớn các làng xã ở đồng bằng sông Hồng vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước là chính, do lợi thế về đất đai, con người và các điều kiện địa tự nhiên.

Đặc trưng của một nền văn hóa gốc nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì cư dân nơi đây sống bằng nghề nông, phụ thuộc vào thiên nhiên và phải chờ cây cối đơm hoa, kết trái, từ đó ưa thích lối sống ổn định, “an cư lạc nghiệp”, luôn có ý thức tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với thiên nhiên.

Không những vậy, tính chất nông nghiệp, nông thôn còn biểu hiện ở tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa dân gian rất độc đáo. Bao trùm lên đời sống cư dân là

niềm tin tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hóa dân gian, các lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp. Trong các lễ hội như lễ hội xuống đồng, lễ hội cầu mưa, lễ hội tịch điền, lễ hội đua thuyền... có cả các trò chơi dân gian, các hoạt động ca múa và cả các nghi lễ tín ngưỡng. Tín ngưỡng là cội nguồn của lễ hội. Đây vừa là dịp tiến hành các nghi lễ, cầu thần linh giúp đỡ, xua đuổi tà ma, mong mưa thuận gió hòa, vừa là dịp để người dân vui chơi giải trí sau những ngày lao động nông nghiệp vất vả. Tín ngưỡng và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian luôn gắn với cuộc sống của cư dân nông nghiệp, phản ánh sâu sắc nhịp điệu lao động và đời sống tinh thần phong phú của cư dân nơi đây. Tính chất nông nghiệp in đậm không chỉ trong lễ hội mà còn ngay trong những câu hát dân gian, hò vè, tục ngữ ca dao... cũng thể hiện rất rõ đặc trưng này. Họ luôn nhắc nhau “Nhờ trời mưa thuận gió hòa. Nào cầy nào cấy, trẻ già đua nhau. Chim, gà, cá, lợn, cành cau. Mùa nào thức nấy giữ màu nhà quê.” Và “Chiêm xong lại đến vụ mùa. Hết mùa rau muống đến mùa cải hoa. Đừng khinh dưa muối tương cà. Tuy rằng ít bổ nhưng mà có luôn”. Vì nghề nông phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên nên về mặt nhận thức, cư dân làng thường có lối tư duy tổng hợp, nặng về kinh nghiệm chủ quan, cảm tính theo kiểu sống lâu lên lão làng với một kho kinh nghiệm đã tích lũy được.

Đặc trưng văn hóa lúa nước cũng thể hiện rõ thông qua các sinh hoạt văn hóa dân gian đồng bằng sông Hồng. Các hình thức hát đối, hát giao duyên, hát ru con, hát đồng dao với những điệu múa mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng, mang nhiều âm hưởng của nhịp điệu lao động, mô tả việc cày cấy, gặt hái... cũng khá phổ biến. Khác hẳn so với phương Tây, các nhạc cụ của người dân cũng được tạo ra từ các sản phẩm nông nghiệp (sáo, kèn, chiêng, trống...) và luôn mang âm hưởng đồng quê.

Trong nông nghiệp đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng cùng chống chọi thiên tai, lũ lụt, bảo vệ mùa màng nên dẫn đến tâm lý luôn coi trọng cộng đồng, coi trọng tập thể, làm việc gì cũng tính đến tập thể và có tập thể sau lưng. Bên cạnh đó, người dân luôn mong muốn mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn, con cái đông đúc đề huề nên sự kết hợp giữa cha và mẹ, trời và đất với vai trò của gia đình, của người phụ nữ rất quan trọng. Do đó, các nghi lễ cưới xin hay tang ma trở thành một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đời người và nó cũng đòi hỏi sự tham gia cả của cộng đồng làng xã .

Thứ hai, văn hóa làng đồng bằng sông Hồng thể hiện tính cố kết cộng đồng chặt chẽ từ gia đình, dòng họ đến làng xã.

Do đặc trưng của phương thức sản xuất nông nghiệp, cư dân đồng bằng sông Hồng phải định cư để cải tạo đất đai năm này qua năm khác, từ đó hình thành nên cộng đồng làng và sự gắn kết các thành viên trong cộng đồng ấy. Tính thời vụ trong nông nghiệp đòi hỏi các gia đình phải liên kết lại với nhau, mối quan hệ gia đình mở rộng thành mối quan hệ gia tộc, họ hàng, làng xã.

Đứng trước yêu cầu thích ứng với tự nhiên, chống lại sự khắc nghiệt của tự nhiên như bão tố, hạn hán, lụt lội, các thành viên trong làng phải cùng nhau chung sức, chung lòng để trị thủy và làm thủy lợi. Công việc này khiến cho các gia đình, dòng họ, làng xã phải liên kết lại với nhau thành quốc gia dân tộc. Nước là do mối liên kết giữa các làng tạo nên, là “liên làng” là “siêu làng”. Nhờ đó, gia đình - họ hàng - làng xã - tổ quốc là mối quan hệ cơ bản mang tính cộng đồng của người nông dân Việt Nam.

Do điều kiện lịch sử, Việt Nam nằm trên ngã ba của con đường thông thương quốc tế, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ biển vào lục địa. Do nằm bên cạnh một đế quốc hùng mạnh thời cổ trung đại (Trung Quốc) và nằm giữa hai nền văn hóa lớn (Hoa - Ấn), để tồn tại, con người nơi đây đã phải đoàn kết lại với nhau để cùng chống giặc ngoại xâm, vượt khỏi nạn đồng hóa, ách đô hộ của quân xâm lược. Do đó, tinh thần cố kết cộng đồng, tinh thần yêu nước, gắn bó chặt chẽ với đất, với làng trở thành “lẽ sống”, “đạo lý” của dân tộc, vì vậy, tác giả Lê Quý Đức đã đúng khi nhận định “... chủ nghĩa yêu nước, trách nhiệm cộng đồng đã trở thành chuẩn mực, giá trị đánh giá con người: đúng - sai, tốt - xấu, nên - chăng trong quan hệ ứng xử cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng”[48, tr.80].

Trong làng xã truyền thống, tính cộng đồng có cơ sở và thể hiện thông qua tính cộng đồng về lãnh thổ, cộng đồng về sản xuất. Cùng với đó, người dân trong làng cùng nhau chung sức chung lòng để vỡ hoang, xây dựng các công trình công cộng, các công trình thủy lợi, tưới tiêu, làm đường xá, cầu cống phục vụ cho nhu cầu sinh tồn của chính bản thân cũng như cộng đồng làng. Do đó, nếu nông thôn Nam Bộ được gọi là văn minh kinh xáng thì nông thôn truyền thống đồng bằng sông Hồng được gọi là văn minh xóm làng. Ấp ở đồng bằng sông Cửu Long phân bổ theo sông rạch khá dài, có khi lên đến 7 - 8 km. Kiểu quần cư này cũng khiến cho mối liên hệ giữa gia đình này với gia đình khác, giữa gia đình với ấp không chặt chẽ và cấu trúc rời rạc. Chính môi trường sống, lao động chinh phục tự nhiên, khai

phá ruộng hoang, khắc phục hiện tượng thiên nhiên đã tạo nên liên kết chặt chẽ, đùm bọc lẫn nhau của cư dân trong làng ở đồng bằng sông Hồng.

Từ cộng đồng tới cộng cảm và cộng mệnh, những thành viên trong làng buộc chung vào nhau về số mệnh, và số mệnh đó lại phụ thuộc vào thế lập đất của làng, vào hướng đình và việc thờ cúng thành hoàng làng theo kiểu “lụt thì lút cả làng”. Từ đó tạo nên một tâm lý hướng nội bền vững và mạnh mẽ như “đất lề, quê thói”, theo tư duy “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “ta về ta tắm ao ta”. Cái cột chặt những người trong làng xã không chỉ là những quan hệ hữu hình, như lãnh thổ, quyền sở hữu, quan hệ kinh tế, xã hội mà còn là hàng trăm nghìn các quan hệ vô hình khác, đó là thế giới tâm linh, những biểu tượng, thần tượng, những kỳ vọng vươn tới những chuẩn mực về chân, thiện, mỹ.

Tính cộng đồng làng thể hiện rõ nét nhất qua các phong tục cưới xin, ma chay, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội. Các hoạt động này đòi hỏi nhất thiết phải có sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng làng. Cư dân trong làng sợ nhất là không được làng thừa nhận, bị cô lập nên họ đều sống vì cộng đồng làng.

Quan hệ cộng đồng làng xã còn được củng cố chặt chẽ bởi đời sống tâm linh phong phú. Nó thể hiện ở ý thức hướng về cội nguồn gia đình, dòng họ qua việc thờ cúng Thành hoàng, thổ thần, những người “tiên hiền” có công lập làng. Từ đó mở rộng theo hướng khái quát hơn là cội nguồn đất nước, dân tộc qua việc thờ cúng, tôn thờ các vua Hùng và những người có đức, có công với dân, với nước thông qua ngôi đình làng. Đây là nơi thờ cúng các Thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi diễn ra các lễ hội trong năm. Từ ngày giỗ tổ tiên của gia tộc, dòng họ đến giỗ Thành Hoàng, mọi người dù ở làng hay phiêu bạt nơi đất khách cũng phải tìm về quê trong ngày giỗ tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng Ba”.

Làng xã đồng bằng sông Hồng còn là môi trường cộng cảm, cộng đồng văn hóa, thể hiện thông qua hội làng. Đây là một trong những dịp tập trung phô diễn những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như múa, hát giao duyên, hát cửa đình, tuồng, chèo... Trong ngày hội làng, mọi người đều tham gia trình diễn, vừa thưởng thức, hưởng thụ và trao đổi các giá trị văn hóa vật chất và giá trị tinh thần của làng. Với cộng đồng làng xã, lễ hội “... là môi trường nhập thân và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, không những đảm bảo sự cộng cảm văn hóa của cộng đồng, mà còn gìn giữ sự nhất quán, thống nhất văn hóa cộng đồng giữa các thế hệ già và trẻ. Những trẻ thơ cảm nhận văn hóa cộng đồng phần nhiều qua môi trường lễ hội, rồi từ đó kế thừa, phát huy và trao truyền lại cho thế hệ kế tiếp” [24, tr.62-63].

Thứ ba, văn hóa làng vùng đồng bằng sông Hồng thể hiện tính tự trị, tự quản cao.

Tính tự trị, tự quản của làng thể hiện ở sự tồn tại một cách biệt lập và độc lập tương đối giữa các làng với nhau và giữa làng với nhà nước. Mỗi làng là một “vương quốc” nhỏ khép kín với hương ước và hệ thống quản lý riêng. Tính tự trị, tự quản cho thấy sự khác biệt giữa cộng đồng làng này với cộng đồng làng khác. Sự khác biệt chính là cơ sở hình thành nên tính tự trị và tạo nên tinh thần tự lập cộng đồng, mỗi làng tự đảm bảo và đáp ứng nhu cầu cuộc sống của làng mình. Mỗi làng có lãnh thổ riêng, có bộ máy cai trị riêng, có luật pháp riêng, có cơ quan tuần phòng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, có đền thờ thành hoàng làng riêng và có phong tục tập quán riêng. Vì vậy, các làng cạnh nhau nhưng vẫn có những bản sắc riêng không giống nhau hoàn toàn. Tính tự trị, tự quản ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân trong làng đến mức “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”.

Tính cố kết chặt chẽ, không thể tách rời giữa các cá nhân, các tổ chức trong làng với thực thể làng là cơ sở quan trọng để duy trì tính tự quản. Không chỉ là tập hợp của một đơn vị cư trú, một tổ chức sản xuất, xã hội, quân sự mà còn là đan xen

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 47 - 55)