7. Kết cấu của luận án
2.2. Quan niệm về đô thị hóa và đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng
2.2.2. thị hóa ở đồng bằng sông Hồng hiện nay
Đô thị hóa là một xu thế tất yếu của mọi quốc gia trên con đường phát triển. Trong lịch sử, ở đồng bằng sông Hồng, quá trình đô thị hóa diễn ra chậm chạp và không đồng đều. Nhìn chung, các đô thị ở đây chưa thực sự là những đô thị điển hình. Đồng bằng sông Hồng đã xây dựng được một loạt khu công nghiệp như khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp sông Công, khu công nghiệp Việt Trì, khu hóa chất Lâm Thao, Đức Giang, Bắc Giang, giấy Bãi Bằng, nhiệt điện Ninh Bình, Phả Lại, Uông Bí, các khu công nghiệp tiêu dùng, cơ khí Hà Nội, Chí Linh, Hải Phòng, dệt Nam Định, khu công nghiệp vật liệu xây dựng Bỉm Sơn, Trại Cau (Thái Nguyên )… Dân số đô thị và lao động tập trung, các khu công nghiệp gia tăng làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt, nhịp sống và tính chất của nhiều đô thị ở nước ta.
Hiện nay, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự phát triển kinh tế thị trường, cùng với cả nước, đô thị hóa vùng đồng bằng sông Hồng đang được đẩy mạnh. Các trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ được xây dựng, phát triển và mở rộng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, đồng thời hình thành và phát triển nhanh, mạnh ở các khu vực như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh. Một số địa phương và vùng ngoại ô được nâng cấp thành đô thị, do đó, tính đến tháng 12/2016, đồng bằng sông Hồng có 13 thành phố trực thuộc tỉnh, 19 quận, 6 thị xã, 92 huyện, 440 thị trấn và 1901 xã (Xem Phụ lục 4). Hiện nay, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng dẫn đầu về tỷ lệ dân số thành thị: 33,6% và 61,9%, chiếm trên 50% dân số thành thị của cả nước, mặc dù tốc độ đô thị hóa bình quân ở đây không phải là cao nhất nhưng do đây là 2 vùng có mức nhập cư cao nhất cả nước với 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần làm tăng mức độ đô thị hóa ở 2 vùng này (xem Phụ lục 8).
Chính tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm qua đã tạo những thay đổi căn bản theo hướng tích cực. Sự biến đổi diễn ra từ kinh tế, xã hội, văn hóa mà trong đó rõ nhất là sự biến đổi về văn hóa nói chung và văn hóa làng nói riêng.
Quá trình hình thành, phát triển một loạt các trung tâm thương mại, dịch vụ cùng với các khu công nghiệp ở nhiều vùng ngoại ô và các địa phương sẽ đẩy nhanh việc thu hút và sử dụng tổng hợp các nguồn lực, tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại của cả vùng. Điều này đã được chứng minh, kinh tế các địa phương tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây; cơ cấu chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Ở địa phương nào có tốc độ đô thị hóa cao thì ở đó kinh tế phát triển nhanh hơn, cơ cấu kinh tế tiến bộ hơn. Bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng là những thành phố có tốc độ đô thị lớn thì Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh được coi là những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng nghĩa với việc có tốc độ tăng trưởng nhanh. Quá trình đô thị hóa thúc đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại. Theo đó, một loạt các hạng mục công trình được đầu tư xây dựng, như hệ thống giao thông, điện, cấp thóat nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, khu đô thị, trung tâm thương mại. Theo “Báo cáo tóm tắt chính thức kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016” của Ban chỉ đạo tổng điều
tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương do NXB Thông Kê phát hành vào tháng 10/2017: “tại thời điểm 01/07/2016, khu vực nông thôn cả nước có 8.978 và 79.989 thôn, ấp, bản (sau đây gọi chung là thôn), giảm 93 xã và 1006 thôn so với 01/07/2011. Số xã, thôn giảm chủ yếu là do quá trình đô thị hóa, có sự tách chuyển một số địa bàn nông thôn sang khu vực thành thị” (Xem Phụ lục 1)
Đô thị hóa đã có những tác động mạnh mẽ tới khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực chất, cần phải nhấn mạnh rằng, quá trình đô thị hóa không chỉ biểu hiện ở dân số đô thị tăng, số lượng thị trấn, thị tứ tăng, mà điều quan trọng hơn là đã làm thay đổi hoạt động kinh tế của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng từ thuần nông sang phát triển đa ngành, đa nghề, cùng với sự giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, xu hướng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và hoạt động dịch vụ ở nông thôn tăng nhanh. Điều đó được thể hiện ở số lượng làng nghề, giá trị sản xuất và lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng nhanh, các hoạt động dịch vụ, giao lưu buôn bán phát triển.
Quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng cũng làm cho nhiều khu đô thị mới được xây dựng. Đây là những khu đô thị đang được phát triển tập trung theo dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình sản xuất, công trình phúc lợi và nhà ở. Trong khu đô thị mới có ba thành phần chính, kết cấu hạ tầng, công trình sản xuất, công trình phúc lợi và nhà ở. Quy mô một khu đô thị mới có thể từ 5 - 10 ha trở lên được sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc không kinh doanh. Các khu đô thị mới thường được gắn với một đô thị hiện có hoặc với một đô thị mới đang hình thành. Kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đô thị hóa đất nước thực tế là xây dựng các đô thị mới, góp phần cải tạo, chỉnh trang những thành phố quá chật chội, quá tải về dân số, được xây dựng thiếu quy hoạch trong những năm trước đây.
Xây dựng các khu đô thị mới thực chất là quá trình đô thị hóa và theo Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23 tháng 1 năm 1998 của thủ tướng chính phủ phê duyệt định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 thì đô thị hóa là từng bước được xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị cả nước, có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, và phân bố kỹ thuật hiện đại, môi trường đô thị trong sạch, được phân bố và phát triển hợp lý trên địa bàn cả nước, đảm bảo cho mỗi đô thị cả nước, theo vị trí và chức năng của mình, phát huy được đầy đủ các thế mạnh góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh và mạnh trong những năm vừa qua đã tạo ra một sự chuyển dịch cơ cấu rất lớn trong hệ thống kinh tế của đồng bằng sông Hồng. Hệ thống dịch vụ trở nên sôi động, nhiều hàng quán mọc lên phục vụ sinh hoạt của cư dân địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất, nhà xưởng, công ty từ nơi khác đến hoạt động tại địa phương đã thu hút một lượng lớn lao động tại chỗ cũng như lao động tuyển dụng từ nơi khác đến. Những ngành nghề mới được mở ra, có sự tham gia tích cực của cư dân địa phương, vì thế mức sống của họ tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng đã biến nhiều người nông dân trở thành các nhà triệu phú nhưng không phải do chuyển đổi nghề nghiệp hay phát triển kinh doanh, sản xuất vì vậy, bộ mặt của làng xã được thay đổi từng ngày.
Việc xây dựng các đô thị cũng tạo nên làn sóng di cư giữa các khu vực trong cả nước, trong đó, có một dòng nhập cư lớn từ nông thôn ra thành thị. Thực tế, việc tăng cường các dòng nhập cư ra khỏi nông thôn đến các vùng đô thị có tác động hai mặt đến sự phát triển nông thôn. Một mặt, nó góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng mức sống cho cư dân nông nghiệp. Mặt khác, nó góp phần làm thay đổi, mở rộng tầm nhìn, đổi mới tư duy cho người nông dân đối với nền kinh tế hàng hóa, khiến họ năng động, tự chủ, tích cực trong mọi hoạt động. Đô thị hóa cũng tạo điều kiện truyền bá lối sống đô thị về các vùng nông thôn nhanh hơn. Tất nhiên, không thể không thấy tác động tiêu cực của hoạt động này là làm mất đi một nguồn nhân lực đáng kể, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng. Ngoài ra, cũng xuất hiện những bất ổn nhất định trong gia đình, và vấn đề giáo dục con cái khi nhà luôn thiếu vắng vai trò của người cha hoặc người mẹ đối với con nhỏ.
Đô thị hóa cũng làm tăng cường mối liên hệ giữa nông thôn và đô thị, tạo nên những nhu cầu mới trong cuộc sống, phát triển ngành nghề mới, phát huy tiềm năng sẵn có ở nông thôn. Thị trường được mở rộng, các làng nghề truyền thống có cơ hội được phục hồi, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao trở thành nhu cầu của cư dân đô thị. Như vậy, đô thị hóa không chỉ bó hẹp ở việc hình thành các khu đô thị, mà còn là công nghiệp hóa cả địa bàn nông thôn, đưa công nghiệp về nông thôn thông qua các doanh nghiệp, thu hút lao động nông thôn.
Những năm qua đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng cũng đặt ra rất nhiều vấn đề xã hội này sinh. Một bộ phận cư dân nông nghiệp chưa thích nghi được với những đòi hỏi của cuộc sống đô thị, hẫng hụt trước những chuyển biến đột ngột của nhịp sống, cơ cấu xã hội và mối quan hệ xã hội ở nông thôn. Đặc biệt có những thay
đổi sâu sắc về văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa, mặc dù cấu trúc văn hóa làng thay đổi không giống nhau. Có yếu tố dần biến mất, có yếu tố khác được bảo lưu và chuyển hóa để thích ứng với những điều kiện mới.
Mặc dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh trong những năm gần đây, song nhìn trên tổng thể, quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, đô thị hóa diễn ra trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
toàn cầu hóa nhanh và mạnh. Việt Nam tiến hành đô thị hóa trong khi thế giới bước vào giai đoạn toàn cầu hóa với những chính sách cởi mở hơn, một số rào cản về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia lần lượt được xóa bỏ. Đây là một xu thế tiến bộ và tất yếu, nhưng nó tạo ra cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, hợp tác và cạnh tranh. Chính quá trình toàn cầu hóa tạo điều kiện cho đô thị hóa phát triển trên tất cả các lĩnh vực khác nhau nhưng cũng gây nên những bất cập mà nền kinh tế chưa phát triển tương thích hoặc nhiều vấn đề phát sinh không phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam.
Thứ hai, đô thị hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng diễn ra theo chiều rộng là
căn bản và không tách rời kinh tế nông nghiệp. Khác so với các quốc gia trên thế giới, đô thị hóa là quá trình tích tụ vốn, tạo ra việc làm, trên cơ sở phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đồng bằng sông Hồng, đô thị hóa hiện nay lại gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hàng nghìn hecta ruộng đất ở nông thôn đồng bằng sông Hồng đang dần được hóan đổi thành các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề nhưng cái quan trọng nhất và trước mắt là không gian văn hóa làng, không gian định canh, định cư, không gian sinh sống của cư dân thuộc văn minh nông nghiệp, văn hóa xóm làng đang bị thu hẹp dần. Người nông dân bị tách dần khỏi tư liệu sản xuất truyền thống của mình là ruộng đất, sẽ phải nỗ lực phấn đấu vượt khó để tìm kế sinh tồn ở đô thị với các kinh nghiệm thuần túy nông nghiệp.
Thứ ba, đô thị phát triển với tốc độ nhanh chóng dẫn đến sự lệch pha giữa văn
hóa vật chất với văn hóa tinh thần, giữa văn hóa đô thị với văn hóa làng xã. Mặc dù đô thị hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng đã tạo ra sự xen lẫn giữa đô thị và nông thôn nhưng một số ít trong số đó đã phát triển đến mức phá vỡ cấu trúc văn hóa làng, để hình thành nên cấu trúc mới. Nhiều nông dân tuy chưa tốt nghiệp phổ thông nhưng đã trở thành “cư dân mạng”, trở thành thành viên của hệ thống toàn cầu nhờ
mạng internet và điện tử viễn thông. Nhiều thanh niên nông thôn chưa nắm vững luật pháp, công việc chưa ổn định, kinh tế khó khăn nhưng trở thành chủ nhân của căn hộ chung cư, làm quen với dịch vụ ăn nhanh hè phố, thanh toán qua thẻ tín dụng... Chính vì sự lệch pha giữa đời sống vật chất và tinh thần sẽ tạo những “cú sốc” về văn hóa, làm cho cư dân nơi đây chưa kịp thích nghi, tất yếu nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp.
Thứ tư, dân cư đô thị ở đồng bằng sông Hồng cũng như trên phạm vi cả nước
đã bị xáo trộn nhiều lần, tốc độ gia tăng dân số đô thị khá nhanh. Từ 1946 đến khi thực hiện toàn quốc kháng chiến với chiến lược “vườn không nhà trống” làm cho dân cư đô thị sơ tán về nông thôn. Từ 1954 đến khi hòa bình lập lại đất nước tạm chia cắt hai miền làm xáo trộn giữa dân cư nông thôn và dân cư đô thị, dân gốc Nam và dân gốc Bắc. Từ 1964 - 1974, chiến tranh hủy diệt xảy ra, hầu hết các đô thị ở miền Bắc bị phá hủy, một lần nữa, dân cư đô thị lại sơ tán về nông thôn. Từ 1975 đến thống nhất đất nước, có một bộ phận lớn di tản ra nước ngoài, nhiều người đi lên các khu kinh tế mới hoặc đi lao động ở nước ngoài. Điều này làm cho mức độ, nhịp độ phát triển của đô thị không bình thường, không cho phép nước ta áp dụng một cách máy móc những lý thuyết đô thị hóa như ở các nước châu Âu.
Thứ năm, mạng lưới đô thị hóa tương đối rải đều trên khắp các lãnh thổ quốc
gia, nhưng quy mô nhỏ bé và tính chất không thuần nhất. Đây là sản phẩm tất yếu của những xáo trộn liên tục, những sách lược nhất thời và khác nhau. Cho đến ngày nay, mặc dù đất nước ta đã thực hiện chính sách “mở”, với rất nhiều khu công nghiệp và dịch vụ song những đặc trưng trên vẫn còn in đậm nét trong đô thị ở đồng bằng sông Hồng.