Khái niệm biến đổi văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 65 - 68)

7. Kết cấu của luận án

2.3. Quan niệm về biến đổi văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng trong

2.3.1. Khái niệm biến đổi văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng

Biến đổi là một thuộc tính đồng thời cũng là một phương thức tồn tại của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực khách quan. Biến đổi là khái niệm nhằm để chỉ quá trình vận động, chuyển hóa từ dạng thức này sang dạng thức khác. Khi đề cập đến biến đổi, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến quá trình cái cũ được thay dần bằng cái mới, nghĩa là thể hiện sự vận động tiến dần của các đối tượng. Do đó, biến đổi văn hóa được hiểu “… theo nghĩa rộng là quá trình vận động của tất cả các xã hội, gồm cả biến đổi xã hội; theo nghĩa hẹp là những thay đổi của

các di tích thờ cúng, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục ở những làng quê được chuyển thành phường do tác động của đô thị hóa” [161, tr.37]. Biến đổi văn hóa cũng có thể hiểu là sự dịch chuyển, thay thế từng khía cạnh, toàn bộ một hay nhiều giá trị vốn có nào đó. Sự biến đổi văn hóa thể hiện ở sự bảo tồn những cái đã có trong quá khứ, đồng hóa chọn lọc những gì đã có trong hiện tại và sáng tạo những cái mới trong tương lai.

Trong lịch sử nghiên cứu có rất nhiều quan niệm khác nhau về biến đổi văn hóa. Các nhà nghiên cứu theo Thuyết truyền bá văn hóa như F.Graebner và W.Schmidr cho rằng biến đổi văn hóa là sự vay mượn văn hóa của xã hội này với xã hội khác. Còn các nhà nghiên cứu theo Thuyết vùng văn hóa như Franz Boas và C.L.Wissler cho rằng biến đổi văn hóa là sự lan truyền văn hóa từ trung tâm ra ngoại vi và ngược lại, trong đó nhấn mạnh vai trò của các vùng trung tâm. Trong khi đó, các nhà tư tưởng kinh điển như Auguste Comte, Karl Marx cho rằng sự biến đổi văn hóa gắn liền với quá trình chuyển biến từ xã hội nông nghiệp truyền thống, lạc hậu sang xã hội công nghiệp hiện đại. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng biến đổi văn hóa trong xã hội hiện nay là quá trình đa chiều và đa dạng. Nó phụ thuộc vào sự lựa chọn của từng xã hội cụ thể cũng như sự chi phối của văn hóa truyền thống. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống có thể mất đi hoặc bị phai nhạt, biến dạng cùng với sự trải rộng và chi phối mạnh mẽ của đô thị hóa. Ở mỗi một góc độ khác nhau, các nhà nghiên cứu lại có những quan điểm khác nhau nhưng dù thế nào đi nữa, khi xem xét sự biến đổi văn hóa cũng cần đặt nó trong mối quan hệ chặt chẽ với hiện đại hóa xã hội, trong đó cốt lõi là sự phát triển kinh tế.

Được xem như là dấu hiệu nổi bật của hiện đại hóa và là tác nhân quan trọng của sự chuyển đổi xã hội, công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai quá trình song hành hiện nay, nhất là ở các xã hội đang phát triển. Ngay từ khá sớm, trong “Một vài chú ý về công nghiệp hóa ở các làng thuộc khu vực đông và nam châu Á”, Manning Nash cho rằng làng là một đơn vị nhỏ đủ để việc miêu tả những mẫu hình của sự tác động được chi tiết, làng cũng có thể là một đơn vị biệt lập mà qua đó có thể nhận thấy những bước đi của lịch sử, làng là một xã hội thu nhỏ, nó là cấp độ nhỏ nhất trong nghiên cứu nhưng có khả năng mang đến những sự hiểu biết thú vị về tổng thể văn hóa. Vì vậy, có thể nhìn nhận rõ rệt những ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đến biến đổi văn hóa khi khảo sát thực tế tại các làng Việt. Cũng chính ở cấp độ làng - nơi mà truyền thống văn hóa địa phương được bảo lưu

lâu đời qua nhiều thế hệ - đã xảy ra sự va chạm khi tiếp xúc quá trình đô thị hóa. Sự va chạm này khiến cho hai phía đều có sự biến đổi và tìm ra những cách thức hợp lý để dung hòa, thích nghi với nhau.

Nói đến đô thị hóa là nói đến sự chuyển đổi, sự rút ngắn khoảng cách từ nông thôn đến thành thị. Quá trình này đưa đến hàng loạt sự biến đổi trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra, đã có những tác động mạnh mẽ tới nông nghiệp, nông thôn: di dân từ nông thôn ra thành thị ngày càng nhiều, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị tăng, người nông dân cũng chuyển đổi cuộc sống từ nông nghiệp sang đô thị. Tất cả điều này tất yếu sẽ kéo theo sự biến đổi về văn hóa.

Như vậy, nghiên cứu sự biến đổi văn hóa ở đây không phải dưới góc độ biến đổi văn hóa một cách tự nhiên mà là gắn với quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa cùng với những chính sách quy hoạch phát triển, sắp xếp, điều chỉnh, quản lý xã hội đã trở thành nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra sự biến đổi văn hóa. Biến đổi văn hóa ở các khu nông nghiệp, nông thôn là một xu hướng tất yếu trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Trong sự biến đổi văn hóa ấy, làng không còn như trước nữa, có làng nhanh chóng phát triển trở thành đô thị, có làng vẫn còn cơ cấu, hình thức là làng, song những đặc trưng cơ bản của làng cũng không còn được giữ nguyên nữa. Trong quá trình chuyển mình, làng đang thể hiện ra như cầu nối giữa nông thôn và đô thị, nó vẫn giữ tính tự trị tương đối nhưng đã rất cởi mở và linh hoạt, ở đó có sự tái cấu trúc từ không gian làng cho đến điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội.

Làng Việt nói chung và làng ở đồng bằng sông Hồng nói riêng là một thực thể vận động biến đổi không ngừng. Sự ổn định của làng chỉ mang tính chất tương đối nhưng bắt đầu từ khi đổi mới đất nước, nhất là khi Đảng và Nhà nước ta xác định: “Tăng cường sự chỉ đạo và phát huy các nguồn lực cấu thành để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục phát triển đưa nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp lên một trình độ mới bằng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học; đẩy mạnh thủy lợi hóa, cơ giới hóa, hiện đại hóa, quy hoạch sử dụng đất hợp lý; đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu được trên đơn vị diện tích, giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đầu tư hơn cho cơ cấu hạ tầng kinh tế và xã hội ở nông thôn. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, các ngành nghề đa dạng, chú trọng công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, các làng nghề, chuyển đổi bộ phận quan trọng trong lao

động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện việc làm mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện đời sống nông dân và dân cư nông thôn”[Dẫn theo 46, tr.15]. Do đó, biến đổi văn hóa làng khá đa dạng và phong phú nhưng vẫn có thể nắm bắt được bằng cách nghiên cứu thực trạng văn hóa làng.

Văn hóa làng được hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động và tương tác của mỗi cư dân trong làng. Nghiên cứu văn hóa làng là nghiên cứu những giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh hành vi, hoạt động và quan hệ văn hóa cơ bản trong làng. Vì vậy, theo tác giả, biến đổi văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa là quá trình thay đổi cách thức hoạt động và quan hệ văn hóa của người dân trong làng, nhờ đó có thể dẫn đến chỗ hình thành kiểu phát triển và cấu trúc văn hóa mới

của làng theo thời gian và những cấp độ khác nhau trong quá trình đô thị hóa.

Nghiên cứu sự biến đổi của văn hóa làng là đề cập đến quá trình chuyển dịch, thay đổi, kế thừa và cải tạo các giá trị, chuẩn mực văn hóa trong làng xã truyền thống ở đồng bằng sông Hồng, tiếp thu và chọn lọc những giá trị mới, hiện đại của văn hóa đô thị để hình thành nên hệ thống các giá trị, chuẩn mực văn hóa làng hiện đại. Trong giới hạn phạm vi của luận án, tác giả tập trung nghiên cứu sự biến đổi của

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 65 - 68)