Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trên lĩnh vực tổ chức quản lý

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 104)

7. Kết cấu của luận án

3.3. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện trên lĩnh vực tổ chức quản lý

Nhìn nhận văn hóa làng, không chỉ thông qua phong tục - tập quán, văn hóa - nghệ thuật mà còn phải qua văn hóa tổ chức quản lý cộng đồng làng. Nói đến văn hóa tổ chức quản lý cộng đồng làng ở đồng bằng sông Hồng không thể không nhắc đến vai trò của dòng họ và hương ước. Đây là thiết chế vô cùng quan trọng góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử trong quan hệ xã hội ở làng xã, đồng thời cũng tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng. Nếu như ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta không thấy vai trò to lớn của dòng họ và cũng ít xây dựng hương ước thì ở làng vùng đồng bằng sông Hồng lại hoàn toàn khác. Trong mỗi giai đoạn, vai trò của dòng họ và hương ước lại mang những thông điệp lịch sử, văn hóa riêng. Nó phản ánh đặc trưng hướng nội và tính tự quản của làng vùng đồng bằng sông Hồng khá rõ nét.

3.3.1. Biến đổi văn hóa làng biểu hiện ở hương ước

Trong làng xã truyền thống, hương ước là bộ tổng luật - tục, góp phần tạo nên tính cộng đồng tự trị, tự quản và tính hướng nội của làng ở đồng bằng sông Hồng. Cho đến nay các nhà nghiên cứu đều cho rằng kể từ khi xuất hiện, hương ước đã có những chặng đường phát triển thăng trầm, có lúc nó trở thành một bộ luật - tục góp phần gìn giữ và xây dựng văn hóa làng nhưng cũng có lúc nó là công cụ chính trị đắc lực trong tay giai cấp thống trị và chính quyền thực dân. Tuy nhiên, dù ở trên phương diện nào thì không thể phủ nhận giá trị văn hóa của hương ước đối với công việc tổ chức quản lý làng xã.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình tập trung bao cấp với hợp tác xã nông nghiệp là chủ thể, do đó, hương ước mất dần vai trò và vị trí của mình trong tổ chức quản lý xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa ở nông thôn. Song, chính vào thời điểm này, trong một lần về thăm Thái Bình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định giá trị của hương ước “là những khóan ước trong làng, người ta quy định với nhau không để trâu bò phá hoại lúa, gà qué ăn rau, không được trộm cắp của nhau. Đó là những phong tục đẹp trong nông thôn ta trước đây. Từ sau Cách mạng, các chú bỏ hết tất cả, thế là không đúng. Cách mạng xóa bỏ cái dở, cái xấu, còn cái tốt, cái hay cần giữ gìn và phát huy chứ” [129, tr.67-68]

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã đưa ra nhiều chính sách đổi mới không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả đời sống văn hóa của nhân dân. Bên cạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, các chính sách về văn hóa đã được đề ra và coi nó như động lực và mục tiêu của sự phát triển, trong đó các cấp chính quyền đã đề cập đến việc xây dựng lại hương ước trên cơ sở có sự kế thừa hương ước cũ.

Tại Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VII ngày 10/6/1993 về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn”, Đảng đã đề ra nhiệm vụ: Phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, phát huy tình làng nghĩa xóm, khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước về nếp sống văn minh thôn, xã. Cũng tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh rằng Nhà nước cần sớm nghiên cứu đề ra quy chế thích hợp với chức năng, vai trò của xã, thôn, xóm,

làng, bản trong tình hình mới trong khuôn khổ pháp luật và dựa vào những quy định này có thể xây dựng hương ước làm cơ sở để tổ chức quản lý hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đã tạo sự thay đổi lớn trong đời sống nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng, sự phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần, tuy nhiên, cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội mới mà luật pháp chưa thể xử lý kịp thời. Do đó, giá trị của hương ước cũng được quan tâm đặc biệt. Ngày 31/03/2000, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam ra Thông tư liên tịch hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, cụm dân cư. Trong Thông tư liên tịch có khẳng định rằng ngày 11 tháng 05 năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Ngày 19 tháng 06 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Thực hiện Nghị định và Chỉ thị nói trên, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước (sau đây gọi chung là hương ước) ở cơ sở đã có chấn chỉnh, phù hợp với các quy định của pháp luật, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, hỗ trợ tích cực cho việc quản lý của Nhà nước.

Có thể nói, trong những năm qua, đứng trước làn sóng đô thị hóa, con người dường như cảm thấy mất mát và mai một những giá trị văn hóa truyền thống, chông chênh trong cuộc sống hối hả của nền kinh tế thị trường, những chủ trương chính sách trên đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hợp với lòng dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, đời sống nông thôn nước ta ngày càng được nâng cao. Sự kiện tái lập hương ước với nội dung mới, góp phần xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa, gia đình văn hóa hiện đang được tiến hành rộng rãi khắp trong phạm vi cả nước.

Xét tổng thể, cùng với sự thay đổi về cơ sở hạ tầng, diện mạo, cảnh quan nông thôn mới là các hình thức tổ chức và nội dung hoạt động văn hóa cũng thay đổi, bổ sung cho phù hợp với nếp nghĩ, nếp sống trong cơ chế mới. Điều đáng chú ý là từ khi Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc thì mỗi thôn làng, mỗi dòng họ đã nảy sinh tâm lý tìm về cội nguồn, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi. Tâm lý làng được đánh thức, tình cảm cộng đồng làng xã được củng cố, các thiết chế văn hóa làng xã được tu sửa, tôn tạo trong đó có hương ước làng.

Một trong những vai trò quan trọng của hương ước trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn Việt Nam là rèn luyện và phát huy tính dân chủ trực tiếp của người dân trong cộng đồng thôn xã. Trong quá trình mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhiều địa phương trong cả nước đã, đang, xây dựng và hoàn thiện hương ước, quy ước làng văn hóa trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của hương ước cũ, phù hợp với pháp luật hiện hành. Mặc dù có những bước phát triển thăng trầm nhưng hương ước luôn gắn với cộng đồng làng, là sản phẩm của văn hóa làng, là sản phẩm tự nhiên và kết quả của quá trình phát triển nội tại của làng xã, trở thành công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong làng. Trong những năm gần đây, hương ước đã được phục hồi nhưng mang nội dung mới, phù hợp với tính đa dạng của cuộc sống hiện đại và không thể trái với luật pháp.

Thông qua hương ước, có thể thấy một đặc trưng rất nổi bật của làng xã Việt Nam đó là tính tự trị, tự quản làng xã. Thực tế, khi nhắc đến làng, văn hóa làng vùng đồng bằng sông Hồng không thể không nhắc đến tính cộng đồng, tính tự trị, tự quản và tính hướng nội rất cao. Từ khi Đảng và Nhà nước khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh, các tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang đã chủ động tổ chức xây dựng hương ước dưới dạng quy ước làng văn hóa ở địa phương phù hợp với nhu cầu thực tiễn cuộc sống. Trong đó, có nhiều quy ước mới giúp cho làng mở rộng giao lưu và đón nhận những yếu tố văn hóa tiến bộ, không còn tính cục bộ địa phương, khắc phục phần nào mặt trái của tính tự trị làng xã.

Trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta chỉ đặt vấn đề khuyến khích xây dựng và thực hiện hương ước là cách đặt vấn đề đúng đắn và hợp lý. Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát sự vận hành và những điều kiện tối thiểu để hương ước có thể phát huy được tác dụng tích cực lại chính là những lúng túng vướng mắc ở khu vực nông thôn hiện nay.

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng hương ước chỉ làm “phép vua thua lệ làng”, thậm chí có người muốn vin vào đó để phủ nhận sạch trơn giá trị của hương ước và xem nó như một di sản độc hại. Nhưng “phép vua thua lệ làng” là sản phẩm của thời kỳ Nhà nước phong kiến suy yếu và bất lực không quản lý nổi làng xã, phó mặc cho làng xã tự quyết. Trong bối cảnh ấy, nhiều làng xã đã tự vận hành theo các

tục lệ riêng không thành văn, bất chấp phép nước mà không thể điều hành nổi. Nếu Nhà nước mạnh, có chính sách đúng đắn, biết cách quản lý chặt từ khâu xây dựng cho đến việc thi hành thì hương ước không những không thắng nổi “phép vua” mà còn “bổ trợ” cho “phép vua” [107, tr.95-96].

Cũng có những người cho rằng hương ước sẽ duy trì tính cục bộ với những truyền thống cổ hủ ngăn cản bước phát triển của làng xã khi bước vào thời kỳ đô thị hóa, hiện đại hóa. Nhưng thực tế, trong lịch sử, hương ước được tạo ra do nhu cầu tổ chức quản lý nông thôn của bản thân nhà nước thống trị nên họ nhất quán thực hiện chính sách “trọng nông, ức thương”, “vun gốc, đè ngọn”, chú tâm duy trì nông dân trong cấu trúc làng xã thuần túy tiểu nông, công điền đóng kín với ý thực hệ, thì đương nhiên, hương ước trở thành công cụ tạo nên tính cục bộ, bảo thủ giam hãm kìm kẹp những người nông dân vào làng xã, không dám bứt phá, vượt qua khỏi “cổng làng”. Công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay đang đặt ra cho chúng ta những mục tiêu, nội dung mới hoàn toàn khác so với xã hội trước, nên bản thân việc xây dựng hương ước cũng phải có những nội dung mới phù hợp, khắc phục triệt để những hạn chế trên.

Có một thực tế là trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như hiện nay, đời sống của người dân đang từng bước thay đổi, quá trình di cư và xen cư làm cho cuộc sống của người dân đồng bằng sông Hồng không còn gói gọn trong phạm vi làng, tính tự trị và tự quản của làng dường như đang mất dần, sự đa dạng về lối sống, sự tiếp nhận văn hóa phong phú từ bên ngoài và sự tự thay đổi văn hóa từ bên trong làng, liệu hương ước có còn là một phương sách hữu hiệu để quản lý nông thôn nữa không?

Thực tế, đời sống ở các làng vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay cho thấy, luật pháp không thể và cũng không cần thiết tác động và điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội. Hệ thống luật pháp hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nên nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn và khu vực nông thôn đang bị đô thị hóa có nhiều biểu hiện mới chưa bao quát hết. Khi xây dựng hương ước mới trên cơ sở pháp luật, chắc chắn sẽ trở thành công cụ quan trọng, bổ sung cho hệ thống luật pháp trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong làng xã. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ở làng xã hiện nay, trình độ văn hóa và pháp luật của người nông dân còn thấp, họ ít quan tâm đến pháp luật và chưa có lối sống theo luật pháp.

Việc xây dựng hương ước và khéo léo đưa luật nước vào trong lệ làng sẽ góp phần làm tăng hiệu quả thực thi luật pháp, mà vẫn bảo tồn và phát huy truyền thống của riêng mỗi địa phương, giữ được văn hóa làng trong bối cảnh mới. Hương ước có thể xem là hệ thống luật tục tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước nhưng không đối lập trực tiếp với luật pháp của Nhà nước. Hương ước đề cập tới những nội dung cụ thể gắn với hoàn cảnh, phong tục, tập quán lâu đời của làng, là những nội dung mà luật pháp của Nhà nước không và khó đề cập tới. Hương ước có ý nghĩa trong việc bổ sung cho luật pháp khi cần xử lý những vấn đề nảy sinh từ nếp sống đặc thù của làng xã. Hương ước không chỉ là biểu hiện của pháp luật mà còn giúp khắc phục các chỗ hổng của pháp luật hoặc pháp luật chưa quy định cụ thể, đưa pháp luật đi vào đời sống người dân một cách dễ dàng hơn. Hương ước - với vai trò là “luật tục” - một mặt, nó biến các quy định chung của pháp luật thành các quy định cụ thể của làng, đơn giản hóa các quy định của luật pháp, làm cho ý thức hệ pháp luật của Nhà nước trở nên gần gũi và thâm nhập vào cuộc sống, tâm lý, phong tục, tập quán của người dân, làm cho pháp luật trở nên dễ hiểu, dễ áp dụng; mặt khác nó góp phần biến cái khuôn khổ cứng nhắc, các quy tắc có tính nghiêm khắc lạnh lùng của luật pháp thành sự uyển chuyển, linh động và biến hóa trong lối sống cộng đồng làng xã với lối hành văn dung dị thấm sâu vào đời sống một cách tự nhiên, ít cần đến các phương tiện thông tin tuyên truyền.

Có thể xem hương ước như một “hiến pháp” của làng, nó bao gồm tổng thể các quy định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng làng. Hương ước không chỉ là một bộ tổng luật tục mà nó còn ý nghĩa như một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức, bởi nó “...chứa đựng những giá trị văn hóa dân gian, hàm chứa nhiều yếu tố tích cực. Việc phát huy tinh thần tự chủ, cùng với dư luận xã hội và các biện pháp thưởng phạt đã giúp cho trật tự kỷ cương làng xã được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, nhờ đó đã giúp rất nhiều cho sự phát triển trong quản lý của làng xã hôm nay. Hương ước hay các quy ước làng văn hóa hiện nay đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống kinh tế, chính trị ở nông thôn, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là những điều khoản liên quan đến văn hóa xã hội” [107, tr.98].

Có thể thấy, hương ước mới hay quy ước mới vẫn là một công cụ có hiệu quả để góp phần quản lý xã hội nông thôn, nhưng ở một số nơi, do quan niệm và tổ chức thực hiện chưa thống nhất nên còn gặp nhiều bất cập và tiêu cực cần phải chấn chỉnh kịp thời. Ở một số nơi khác, cách soạn thảo hương ước mang nặng tính hình

thức, chưa tập hợp được ý kiến của nhân dân, hương ước được một số cơ quan tư pháp soạn thảo, thông báo công khai nội dung để dân làng biết và góp ý chỉnh sửa. Nếu làm vậy, “...hương ước không còn là quy ước tự quản của cộng đồng mà mang ý nghĩa như một văn bản pháp lý của Nhà nước, do đó, vai trò của hương ước trong đời sống hiện đại nói chung còn mờ nhạt, có nơi còn mang tính hình thức làm cho

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)