Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn đảm bảo hài hòa

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 137 - 140)

7. Kết cấu của luận án

4.2. Một số giải pháp chủ yếu định hướng sự biến đổi văn hóa làng

4.2.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn đảm bảo hài hòa

phát huy vai trò của các thành phần kinh tế với phát triển văn hóa làng ở đồng bằng sông Hồng

Xác định được vị trí và tầm quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như sự biến đổi của văn hóa làng Việt chưa tương xứng với sự biến đổi kinh tế nên trong quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/05/2013 của Thủ tướng chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 với mục tiêu “xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước, thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế, đảm đương vai trò lớn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (…) đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội” và phấn đấu đến năm 2020 có “95 - 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 85 - 90% số xã, thị trấn có nhà văn hóa; 65 - 70% số làng có nhà văn hóa” và “88% di tích quốc gia trên địa bàn được tu bổ, tôn tạo”, hơn nữa cần phải “…tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển làng nghề truyền thống và phát triển du lịch sinh thái với các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hướng xuất khẩu đặc trưng của từng địa phương”.

Hiện nay, sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế nông thôn sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có tốc độ chậm nếu xét trong mối tương quan với kinh tế đô thị. Sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa là nguyên nhân làm cho cơ cấu kinh tế ở các thôn làng ngoại thành có sự khác nhau. Sự khác nhau về tốc độ đô thị hóa, một mặt, do vị trí thuận lợi của các làng xã khác nhau, mặt khác, do chính sách đô thị hóa có những điểm bất hợp lý. Một phần lớn đất đai rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp đã được chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp. Trong khi đó, có thể chuyển diện tích đất đai ở các vùng không

thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp để xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp… như ở Sóc Sơn, Đông Anh. Mô hình kinh tế hỗn hợp như, chăn nuôi bò sữa, heo giống, phát triển các đàn gia súc, gia cầm theo hướng nuôi công nghiệp kết hợp với làm dịch vụ và phát triển công nghiệp, hình thành các vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái là những mô hình làm ăn có hiệu quả, thích hợp với việc chuyển từ nông thôn ra thành thị trên cơ sở phát huy, tận dụng thế mạnh của từng địa bàn.

Sự tác động tiêu cực của đô thị hóa làm chia cắt, cản trở hoạt động sản xuất, làm mất đi những sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đời sống tinh thần của người dân có nhiều biến động phức tạp, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên ngoại thành, vùng ven khu đô thị. Để khắc phục tình trạng này phải thông qua việc thực hiện quy hoạch kinh tế xã hội, coi đô thị hóa là một trong nội dung của quy hoạch, trước hết là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian phát triển kinh tế xã hội. Trong quá trình chuyển đổi sang xã hội đô thị - công nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp độc canh sang nông nghiệp đa canh, từ kinh tế thuần nông sang phát triển kinh tế tổng hợp công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, hoặc hình thành các cụm kinh tế trang trại gia đình đều là những hướng tích cực và phù hợp. Điều này sẽ tạo điều kiện để cư dân đồng bằng sông Hồng nâng cao chất lượng sống của mình. Đây là cơ hội để khắc phục những tác động tiêu cực của đô thị hóa diễn ra trong những năm vừa qua.

Cũng cần nhanh chóng khắc phục tính tự phát trong việc hình thành các vùng chuyên môn hóa. Bên cạnh các khu công nghiệp lớn tập trung, cần hình thành các khu công nghiệp vừa và nhỏ để thu hút các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt chú ý đến tiểu thủ công nghiệp, đây là tiềm năng rất lớn của khu vực nông thôn đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn sẽ góp phần giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên và những người dân mất đất sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng thất nghiệp và các tệ nạn xã hội khác.

Theo dự báo, vào những năm tới, dân số tăng tự nhiên ở đồng bằng sông Hồng có xu hướng giảm và ổn định ở mức thấp, nhưng cần phải cảnh báo khả năng di dân. Ngay trong vùng ngoại thành, cần có sự hướng dẫn điều tiết dòng di dân, ngăn chặn đến những vùng dân cư đã có mật độ cao đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đến huyện còn thưa dân và các vùng lân cận. Nhìn chung, cần có chính sách ngăn chặn dòng di dân vào những năm tới. Đối với nông thôn vùng đồng

bằng sông Hồng, vấn đề cần quan tâm nhất trong thời gian tới chính là chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của dân cư, giảm tỉ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch, điện, điện thoại, nhà ở và các dịch vụ thuận lợi, xây dựng gia đình văn hóa mới, các sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng đáp ứng, người dân có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của cá nhân cũng như cộng đồng của mình.

Hiện nay, vấn đề lao động và việc làm đang là vấn đề được chính quyền quan tâm lo lắng nhất bởi đây cũng là vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng đời sống. Đô thị hóa đã đẩy người nông dân đến không còn hoặc giảm đáng kể đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đó, lực lượng lao động không thay đổi khiến cho nhiều người dân không có việc làm, do họ không thể tìm được việc làm khác thích hợp. Hơn nữa, với số tiền đền bù đất, có nhiều người cho rằng không cần phải lao động vất vả nữa, họ tự cho phép mình tự do hưởng thụ số tiền đó thoải mái. Và đây là đối tượng để những kẻ xấu dụ dỗ lôi kéo vào tiêu dùng các sản phẩm văn hóa không lành mạnh và các tệ nạn xã hội, tạo gánh nặng cho cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt cần phải chú ý thực hiện những giải pháp sau:

Một là, phát huy thế mạnh của các làng nghề, cụm làng nghề truyền thống ở

nông thôn đồng bằng sông Hồng, sử dụng nhiều lao động, vốn để giải quyết lao động nông nghiệp dôi dư do ảnh hưởng của đô thị hóa. Để làm được việc này, cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất ưu đãi trong vay vốn, miễn giảm thuế, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ đào tạo để những ngành nghề truyền thống không bị mai một. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống không những giải quyết được việc làm cho lao động trong gia đình, trong làng xã mà còn thu hút được lao động từ các nơi khác đến làm thuê. Ví dụ: ở Bát Tràng, Kiêu Kỵ… một cơ sở sản xuất ít nhất có từ 4- 6 người làm việc. Đồng thời, làng nghề truyền thống phát triển còn kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động khác.

Việc phát triển làng nghề truyền thống cũng góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, củng cố giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc. Khi thu nhập của người dân làng nghề ngày một cao thì đời sống văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng cũng đổi khác. Diện mạo của nông thôn trở nên phong phú hơn, hoạt động của các câu lạc bộ, nhà văn hóa cũng diễn ra nhộn nhịp hơn, thu hút sự quan tâm của mọi người, mọi lứa tuổi. Hơn nữa, trong đời sống văn hóa, làng nghề

truyền thống là một cộng đồng cư dân sinh sống thành phường hội. Làng là một cộng đồng nhỏ về văn hóa mà các cá nhân trong đó cùng chung một phong tục, tập quán, có chung một tín niệm tâm linh và những thiết chế đình chùa, miếu mạo chung. Các giá trị văn hóa đó được thể hiện một cách hữu hình trên các sản phẩm truyền thống của làng, đặc biệt là các bức tranh thêu, các đường nét chạm khắc trên gỗ, trên đá, là dáng điệu, là sắc men của gốm sứ… Đồng thời, những sản phẩm này đã vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần, trở thành những sản phẩm mang tính truyền thống của dân tộc. Chính những sản phẩm của làng nghề truyền thống là dấu ấn của di sản văn hóa mà cha ông đã để lại cho các thế hệ mai sau. Nếu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà thiếu ý thức bảo tồn nghề thủ công mang đậm bản sắc dân tộc thì những nét văn hóa độc đáo ấy sẽ bị mai một.

Hai là, tích cực đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, bồi dưỡng

kiến thức cho người quản lý. Việc chuyển một bộ phận lớn lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ là rất cần thiết và tất yếu trong giai đoạn tới. Cần phải có chính sách đào tạo đi trước một bước. Trong thời gian qua, việc đào tạo lao động ngoại thành chưa được chú ý nên khi các công trình công nghiệp được xây dựng ở ngoại thành không thể thu hút được lao động ngoại thành mà phải thu hút từ nội thành hoặc các vùng lân cận. Do đó, cần tăng cường đầu tư cho các trung tâm đào tạo nghề hiện có của huyện, xã. Tiếp tục xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động đào tạo nghề, mở rộng các loại hình đào tạo nghề, như các cơ sở dạy nghề tư nhân, các lớp truyền nghề, các trường dạy nghề dân lập, tư thục.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn một cách hợp lý, sử dụng triệt để những cơ hội do quá trình đô thị hóa đem lại, vừa góp phần thay đổi đời sống của người dân, đời sống vật chất được nâng cao, từ đó, có điều kiện để chăm sóc và phát triển đời sống văn hóa mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông hồng hiện nay (Trang 137 - 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)