Các giá trị truyền thống trong ngoại giao văn hóa Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 47 - 52)

7. Kết cấu của luận án

2.2. Cơ sở hình thành ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh

2.2.1. Các giá trị truyền thống trong ngoại giao văn hóa Việt Nam

Ngoại giao văn hóa Việt Nam đã có lịch sử phát triển lâu đời xuất phát từ đặc trưng văn hoá hàng nghìn năm của dân tộc và từ nhu cầu xây dựng và phát triển quan hệ bình đẳng, hữu nghị với các nước láng giềng và các nước xâm lược lớn. Việt Nam là một quốc gia có điều kiện địa chính trị, địa văn hóa hết sức đặc biệt. Do đó, ngay từ rất sớm, Việt Nam là nơi giao lưu, tiếp xúc và hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau: “Có thể đó là luồng văn hóa đến từ lục địa Trung Hoa, có thể đó lại là luồng văn hóa đến từ Ấn Độ, nhưng cũng có khi là

luồng văn hóa đến từ trời Tây hay bên kia bờ biển Thái Bình Dương xa xôi” [194, tr.278]. Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, Việt Nam có điều kiện tiếp nhận văn hóa nước ngoài, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhiều nền văn hóa để làm giàu có thêm nền văn hóa của mình. Bên cạnh đó, trong lịch sử, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với giặc ngoại xâm. Trong khoảng 2000 năm tồn tại, Việt Nam phải đương đầu với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của những đạo quân hùng mạnh nhất thời đại như: Tần, Hán, Lương, Tùy, Đường, Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Pháp, Mỹ. Điều kiện này đã hình thành cho dân tộc Việt Nam một truyền thống “bang giao” nhằm giữ vững độc lập, tự chủ nhưng vẫn hòa hiếu và hết sức nhân văn.

Trước hết, truyền thống ngoại giao văn hoá của Việt Nam là ngoại giao hoà bình, hữu nghị, nhân văn với các dân tộc khác. Nhà sử học Phan Huy Chú đã đúc kết lịch sử bang giao của nước ta là: “Trong việc trị nước, hoà hiếu với láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, không thể xem thường, cho nên nghĩa tu hiếu chép ở kinh Xuân thu, đạo giao lân chép ở huyền truyện, chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận” [21, tr.533]. Ông cha ta luôn đề cao chính sách đoàn kết “láng giềng thân thiện” và coi “việc bang giao các đời đều xem là quan trọng” [21, tr.533]; chính sách ngoại giao “nhu viễn”, thực thi chủ trương “ngoại giao tâm công” đánh vào lòng người; đề cao tư tưởng nhân nghĩa, hoà mục trong việc trị quốc yên dân. Trong tác phẩm Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn đã viết: “Hoà mục có công hiệu rất lớn cho cuộc trị an. Hoà ở trong nước thì ít dụng binh; hoà ở ngoài biên thì không sợ có báo động”. Hay trong bài Phú núi Chí Linh, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi viết:

“Nghĩ đến kế lâu dài của nước Thả cho về mười vạn tù binh Nối hai nước tình hoà hiếu Tắt muôn đời lửa chiến tranh Đất nước vẹn toàn là thượng sách Cốt sao cho dân được an ninh”.

Tư tưởng này của Nguyễn Trãi còn thể hiện nghệ thuật kết thúc chiến tranh của dân tộc Việt Nam đó là: giữ sĩ diện cho các nước lớn, để đổi lấy hoà bình, hữu nghị. Tinh thần hòa hiếu, coi trọng hòa bình đó còn được Nguyễn Trãi đúc kết trong Bình Ngô đại cáo sau khi cùng Lê Lợi lãnh đạo nhân dân chiến thắng giặc Minh: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Ý thức được mình là nước nhỏ, chính sách ngoại giao của đa số các triều đại phong kiến Việt Nam là nhún nhường, hoà mục. Đó là sự nhún nhường để giữ nền độc lập. Khi bị xâm lược thì kiên quyết kháng chiến bảo vệ chủ quyền đất nước, nhưng trong quan hệ với nước lớn, các triều đại phong kiến Việt Nam hết sức chú ý vấn đề thể diện để giữ hoà hiếu.

Chính vì ảnh hưởng bởi tư tưởng ngoại giao hoà bình, hữu nghị nên sau này trong quan hệ giữa Việt Nam với Pháp, Mỹ, Hồ Chí Minh luôn tỏ rõ quan điểm mong muốn giải quyết mọi vấn đề bằng con đường đàm phán hoà bình. Đối với Pháp, đó là việc nhân nhượng ký hai Hiệp định 6 - 3 và 14 - 9; tinh thần đó còn được thể hiện qua Thư gửi Quốc hội Pháp, Thư gửi các bà mẹ Pháp và đặc biệt là trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đối với Mỹ là các bức thư gửi nhân dân yêu chuộng hoà bình Mỹ, các bức thư gửi Giônxơn và Níchxơn…

Truyền thống ngoại giao văn hoá Việt Nam còn được thể hiện ở lòng yêu nước, ý thức độc lập chủ quyền, độc lập tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc. Đây chính là sức mạnh của văn hoá - thứ vũ khí quan trọng bậc nhất của nhân dân ta. Ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường chính là tư tưởng cốt lõi của các vị vua đầu tiên của các triều đại phong kiến Việt Nam từ Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng đến Lê Đại Hành. Ý thức độc lập tự chủ của dân tộc còn được thể hiện sâu sắc trong bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và sau này là trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ý thức độc lập tự chủ đó đã được truyền lại và thể hiện mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong

Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực

lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy” [119, tr.3]. Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, Hồ Chí Minh đã đại diện cho ý chí và quyết tâm của các dân tộc để khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Ý thức độc lập tự chủ của dân tộc ta thể hiện trong truyền thống giao lưu văn hóa đó là: bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nước ngoài, chúng ta vẫn luôn cố gắng gìn giữ những nét độc đáo của văn hóa dân tộc, chống lại sự lai tạp, đồng hóa văn hóa của nước ngoài, thể hiện tinh thần tự hào, tự tôn đối với văn hóa dân tộc mình. Điều này đã được Nguyễn Trãi khẳng định trong Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Hay trong tác phẩm Dư địa chí, Nguyễn Trãi viết: “Người trong nước không bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước” [176, tr.481]. Quan điểm này thể hiện thái độ ứng xử của nước Đại Việt ta đối với văn hóa của các nước láng giềng. Nguyễn Trãi cũng đã chỉ rõ lý do của việc “không bắt chước” đó là do sự không tương hợp các giá trị văn hóa:

Tiếng Ngô nói đầu lưỡi, phải dịch rồi mới biết; tiếng Lào nói trong họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp nói trong cổ như tiếng chim quẹt; nhưng đều không được bắt chước để loạn tiếng nói người nước nhà. Người Ngô bị chìm đắm đã lâu ở trong phong tục người Nguyên, bện tóc, răng trắng, áo ngắn có tay dài, mũ, xiêm rực rỡ như từng lớp lá. Người Minh tuy khôi phục lại lối ăn mặc cũ của thời Hán, thời Đường nhưng phong tục vẫn chưa biến đổi. Người Lào lấy vải lông quấn vào người như áo cà sa nhà Phật. Người Chiêm lấy khăn che đùi mà để lộ hình thể. Người Xiêm La, người Chân Lạp lấy vải bọc tay và gối như bó thây chết [176, tr.481].

Sau này, vua Quang Trung trước khi ra trận đánh đuổi nhà Thanh cũng đã nêu cao tinh thần tự chủ, quyết giữ vững nền độc lập và bản sắc văn hóa của dân tộc: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen” (Hịch ra trận). Có thể nói, tinh thần tự hào về văn hóa dân tộc là một đặc điểm nổi bật trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chính vì lẽ đó, trong suốt chiều dài lịch

sử, dân tộc ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước âm mưu đồng hóa văn hóa của kẻ thù. Chúng ta biết dung nạp những giá trị văn hóa phù hợp với truyền thống của mình nhưng vẫn giữ được thuần phong mỹ tục và những giá trị văn hóa riêng có của ta. Đó cũng chính là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của ý thức tự cường, tự tôn đối với văn hóa dân tộc.

Tinh thần độc lập tự chủ, đề cao danh dự dân tộc của các vương triều Đại Việt còn được thể hiện trong việc cử người đi sứ hoặc tiếp sứ. Những người thay mặt đất nước đi sứ hoặc tiếp sứ phải là những người học rộng, hiểu nhiều, thông minh hơn người, là người am hiểu văn hóa dân tộc đồng thời thông hiểu phong tục, văn hóa nước khác, có khả năng làm tỏa sáng văn hóa dân tộc và làm cho đối phương phải tôn trọng mình. Các triều đại phong kiến Việt Nam bấy giờ chưa có cơ quan chuyên trách ngoại giao hay những người làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp, khi cần người đi sứ hoặc tiếp sứ thì vua, chúa cử trong số các quan lại triều đình. Họ hầu hết là những người đỗ đại khoa (nhiều người là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa), thực hiện sứ mệnh cao cả mà triều đình giao phó, với tôn chỉ không được làm nhục mệnh vua, giữ gìn quốc thể, bảo vệ được lợi ích dân tộc. Có thể kể đến những vị sứ thần tiêu biểu trong lịch sử Đại Việt như: Lý Thường Kiệt, Lê Văn Thịnh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đăng Đạo, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…

Ngoài ra, ngoại giao văn hoá truyền thống Việt Nam đã hình thành nên các phương pháp và nghệ thuật ngoại giao tiêu biểu. Đó là phương pháp ngoại giao trong xưng đế, ngoài xưng vương, ngoại giao tâm công… và phong cách ngoại giao: kiên trì nguyên tắc, song rất linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo.

Để có thể giữ vững độc lập tự chủ, chống lại sự đồng hoá của phong kiến phương Bắc, ông cha ta đã thực hiện phương sách ngoại giao khôn khéo là “thần phục Thiên triều”, “ở trong thì xưng đế, mà đối với ngoài thì xưng vương”. Đồng thời đi liền với đường lối ngoại giao đó là cách ứng xử mềm mỏng, linh hoạt, uyển chuyển. Tuy nhiên, nhiều khi cần cũng rất cứng rắn, kiên quyết.

Phương pháp ngoại giao tâm công là phương pháp ngoại giao đặc thù của Việt Nam, nó được phát triển rực rỡ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo. Với chiến lược “tâm công”, Nguyễn Trãi đã thường xuyên đánh vào tâm lý của kẻ địch, vừa thuyết phục chúng bằng đạo lý, vừa phân tích cho chúng, vừa mở cho chúng một con đường rút lui để chấm dứt chiến tranh. Chính phương pháp ngoại giao tâm công này đã được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tóm lại, ngoại giao văn hoá của Việt Nam xuất hiện từ rất sớm và phát triển cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Truyền thống ngoại giao văn hoá của ông cha ta đã để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc thiết lập và duy trì mối quan hệ bang giao với các nước. Chính truyền thống đó đã trở thành một trong những cơ sở quan trọng để Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa để hình thành nên ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)