7. Kết cấu của luận án
4.2. Các giải pháp nâng cao chất lƣợng vận dụng ngoại giao văn hoá Hồ
4.2.3. Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy, cán bộ
Về tổ chức bộ máy:
Ngoại giao văn hóa không phải chỉ là công việc của Bộ Ngoại giao hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Vai trò của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan ở trong và ngoài Bộ Ngoại giao trong công tác ngoại giao văn hóa cũng không nằm ngoài nhiệm vụ chung này. Vì vậy, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để triển khai hoạt động ngoại giao văn hoá nhằm phân định về chức năng, nhiệm vụ trong việc chủ trì, phối hợp tổ chức các chương trình, hoạt động văn hoá có yếu tố nước ngoài ở trong và ngoài nước. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 đã phân định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương như sau:
“- Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu và kiến nghị tổ chức các hoạt động văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài một cách có hiệu quả
và thiết thực, có trọng điểm và phù hợp với đối tượng trên địa bàn, tiếp thu tinh hoa của nước sở tại vào Việt Nam.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện các hoạt động văn hóa có yếu tố nước ngoài, các chương trình đón các đoàn văn hóa, nghệ thuật của nước ngoài vào Việt Nam và giới thiệu các di sản, danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng chủ trương cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
- Các hội hữu nghị, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội gắn các hoạt động ngoại giao văn hóa trong quá trình triển khai các hoạt động ngoại giao nhân dân” [166].
Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện cơ chế tổ chức bộ máy hoạt động ngoại giao văn hóa, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chú trọng đào tạo đội ngũ tùy viên văn hóa, tiến hành chọn các đại sứ văn hóa, nghệ thuật với mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam.
Xây dựng các mô hình triển khai công tác ngoại giao văn hóa như tổ chức các Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng các kênh truyền hình đối ngoại, tổ chức các cuộc triển lãm hội họa, lịch sử, văn hóa Việt Nam hay biểu diễn nghệ thuật... Xây dựng các Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa thông tin Việt Nam ở một số địa bàn trọng điểm, chú trọng các địa bàn có nhiều bà con Việt kiều sinh sống. Đây chính là nơi gặp gỡ, giao lưu hợp tác về văn hóa, là nơi quảng bá văn hóa Việt Nam, đưa tinh hoa văn hóa Việt Nam ra với thế giới.
Về tổ chức cán bộ:
Sinh thời, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác tổ chức, đào tạo cán bộ ngoại giao. Trên cương vị Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao mới với các thành phần công nông và trí thức cách mạng. Tại Hội nghị ngoại giao năm 1964, Hồ Chí Minh cũng đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ ngoại giao. Với người cán bộ ngoại giao, tiêu chuẩn
đầu tiên phải là giữ vững lập trường cách mạng: “Lập trường phải cho vững, tư tưởng phải cho thông suốt”. Nhiệm vụ của người cán bộ ngoại giao là “phải hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Người cán bộ ngoại giao muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình phải là những người thực sự “đủ đức, đủ tài”, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ và đặc biệt là phải biết giữ gìn hình ảnh của mình như giữ “thể diện” cho cả một dân tộc. Vì thế, Người từng căn dặn đội ngũ cán bộ ngoại giao nước ta là: “khi đi ra ngoài phải giữ đạo đức cách mạng cho xứng đáng” [130, tr.63]. Đây là những quan điểm hết sức sâu sắc và có giá trị to lớn để chúng ta tiếp thu trong việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao văn hóa hiện nay.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác tổ chức cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và những quan điểm của Người về xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao văn hoá với các nội dung chủ yếu sau:
Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa và ngoại giao văn hóa cho cán bộ làm công tác đối ngoại trong nước, cán bộ công tác tại các cơ quan đại diện của Việt Nam, các Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, phải có kế hoạch dài hạn đưa cán bộ ngoại giao văn hóa Việt Nam vào các tổ chức văn hóa quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm, triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.
Có chính sách gửi cán bộ đi học tập và nghiên cứu văn hóa ở nước ngoài. Đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi ngoại ngữ, am hiểu văn hóa Việt Nam để tuyên truyền, giới thiệu ở nước ngoài.
Chú trọng đội ngũ cộng tác viên là người nước ngoài nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các nhà Việt Nam học.
Nâng cao kiến thức về văn hóa đối ngoại cho các cán bộ làm công tác ngoại vụ và văn hóa thuộc các tỉnh, thành phố; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng
về kiến thức đối ngoại nói chung và văn hóa nói riêng, kiến thức về tổ chức sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài tại các địa phương.
Đưa nội dung ngoại giao văn hóa vào giảng dạy ở một số trường đại học chuyên ngành như Học viện Ngoại giao, Đại học Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường có chuyên ngành liên quan nhằm nâng cao kiến thức của sinh viên đối với công tác ngoại giao văn hóa. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao không chỉ chú ý đến đào tạo trình độ, nâng cao năng lực mà cần phải chú ý đến hình thức, phẩm chất, phong cách ngoại giao bởi những người làm công tác ngoại giao là những người đại diện đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới.
Có thể nói, đây là một trong những nhóm giải pháp quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động của ngoại giao văn hóa, bởi, trong tất cả các nguồn lực để phát triển ngoại giao văn hóa, nguồn lực con người là quan trọng và có ý nghĩa quyết định nhất. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đội ngũ cán bộ ngoại giao văn hóa cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động ngoại giao. Một lần nữa, chúng ta lại nhận thấy bài học kinh nghiệm mà Hồ Chí Minh để lại về đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao nước nhà vẫn còn nguyên giá trị.