Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 108 - 113)

7. Kết cấu của luận án

3.2. Thực trạng vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay

3.2.2. Những hạn chế và nguyên nhân

3.2.2.1. Những hạn chế

Mặc dù ngoại giao văn hóa Việt Nam trong những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu đối ngoại và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, ngoại giao văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu

của tình hình mới. Một trong những nguyên nhân của tồn tại đó là do sự vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam chưa thật sự hiệu quả, chưa phát huy hết những giá trị to lớn của di sản ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh. Cụ thể là:

Về mặt nhận thức

Nhận thức về vai trò của ngoại giao văn hóa và tầm quan trọng của sự vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh trong quá trình hội nhập quốc tế còn hạn chế và chưa đầy đủ dẫn tới hiệu quả vận dụng các giá trị ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh chưa cao, chưa phát huy được vai trò “nền tảng tư tưởng” và “kim chỉ nam” cho hành động của Đảng trong việc xây dựng các chủ trương, đường lối phát triển ngoại giao văn hóa.

Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu, là người đặt nền móng xây dựng ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện đại. Di sản ngoại giao Hồ Chí Minh nói chung và ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng chính là “tài sản tinh thần quý báu” của Đảng và nhân dân ta để phát triển ngoại giao văn hóa trong quá trình hội nhập. Trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, Hồ Chí Minh đã để lại hệ thống những quan điểm về ngoại giao văn hóa hết sức sâu sắc và độc đáo; để lại nhiều bài học kinh nghiệm, phong cách, nghệ thuật ngoại giao văn hóa… đó là những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để Đảng ta xây dựng các chủ trương, đường lối phát triển ngoại giao văn hóa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác hết các giá trị cũng như chưa vận dụng tốt các giá trị đó, thể hiện rõ nhất trong việc chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về di sản ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh; việc tổ chức học tập, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới chỉ dừng lại ở các cuộc vận động, chưa tạo thành phong trào sâu rộng và chưa biến các phong trào đó thành nhu cầu “tự nhận thức” của toàn Đảng, toàn dân.

Về hoạt động quảng bá

Quảng bá là một trong những hoạt động quan trọng của ngoại giao văn hóa. Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những mục đích quan trọng của ngoại giao là nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu cao cả đó? Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của

mình, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn nỗ lực làm cho thế giới biết đến Việt Nam nhiều nhất, với những hình ảnh tốt đẹp nhất nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam. Bản thân Người cũng đã trở thành một biểu tượng văn hóa cho dân tộc Việt Nam, là hiện thân của những giá trị cao cả, nhân văn để cả nhân loại tiến bộ ngưỡng mộ và khâm phục. Vận dụng những giá trị đó, ngoại giao văn hóa Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và gây được ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè thế giới về vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng việc quảng bá văn hóa ra nước ngoài thông các hoạt động ngoại giao văn hóa chưa thật sự hiệu quả. Khi tiến hành một hoạt động ngoại giao văn hóa nào đó ở nước ngoài, một trong những yêu cầu đặt ra là công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá phải được tiến hành hiệu quả để thông tin về hoạt động đó đến được với người dân của nước sở tại. Song, các chương trình quảng bá thường có quy mô nhỏ, mục đích biểu diễn, giao lưu đơn thuần, ít người biết đến… Ngay cả ở trong nước, chúng ta cũng chưa thực sự phát huy được những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của mình, chưa tạo ra được những sản phẩm văn hóa mang thương hiệu quốc gia, có sức mời gọi đối với bên ngoài. Chúng ta chưa thành công trong việc tìm ra cái đặc thù, đặc trưng nhất của dân tộc. Mặc dù nước ta có một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra được những giá trị văn hóa “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc. Trong một thế giới ngày càng đa dạng về văn hóa như hiện nay, cái để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác chính là bản sắc văn hóa, là những nét đặc trưng không thể trộn lẫn với văn hóa dân tộc khác. Nếu như nói đến Ai Cập người ta nhắc đến Kim tự tháp; nói đến nước Pháp người ta nhắc đến tháp Eiffel, bảo tàng Louvre; nói đến nước Anh người ta nhắc đến Tháp chuông đồng hồ Big-ben, Công viên Hoàng gia; nói đến nước Nga người ta nhắc đến điện Kremli, dòng sông Nêva; nói đến nước Nhật Bản ta nhắc đến núi Phú Sĩ, hoa anh đào, trà đạo; nói đến Trung Quốc là nhắc đến Vạn Lý trường thành, Cố cung, Di hòa viên… Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một thương hiệu văn hóa quốc gia. Điều này khiến các hoạt động

ngoại giao văn hóa Việt Nam tỏ ra lúng túng, tản mạn, không tập trung gợi lên được cái hồn tinh túy nhất của Việt Nam.

Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao văn hóa

Ngoại giao văn hóa là lĩnh vực quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại nhưng mới chỉ được chú trọng phát triển trong thời gian gần đây nên công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm ngoại giao văn hóa cũng tồn tại nhiều yếu kém như: trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa còn hạn chế, số lượng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao văn hoá chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là việc sử dụng hiệu quả vốn văn hóa vào các hoạt động ngoại giao chưa được phát huy. “Cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa vừa tinh thông nghiệp vụ vừa giỏi ngoại ngữ còn thiếu” [77, tr.515] đang là vấn đề tồn tại của công tác ngoại giao văn hóa. Một trong những nguyên nhân của tồn tại trên là do trước đây, chúng ta chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực là ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, nên cán bộ ngoại giao của Việt Nam thường chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng liên quan đến chính trị và kinh tế mà quên đi hay chưa chú trọng tới những kiến thức văn hóa.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như thiếu cơ sở đào tạo, nội dung chương trình đào tạo chưa hợp lý và chưa có sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực của ngoại giao văn hóa chưa cao. Do đó, nguồn nhân lực cho ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay vẫn bị thiếu hụt và không đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động ngoại giao văn hóa cũng chưa cao, chưa tranh thủ được hết những cơ hội và nguồn lực do ngoại giao văn hóa đem lại.

Về công tác phối hợp, triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tham gia hoạt động ngoại giao văn hoá chưa thực sự chặt chẽ. Cơ chế chỉ đạo và quản lý về ngoại giao văn hóa còn thiếu thống nhất. Việc phân công chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan này còn chồng chéo nên hiệu quả chưa cao. Chúng ta đã thực hiện nhiều kế hoạch, hoạt động ngoại giao văn hóa nhưng hầu hết đều tự

phát, ngắn hạn, không theo định hướng rõ ràng và thiếu sự nghiên cứu, đầu tư đúng mức ở tầm chiến lược. Ngân sách dành cho các hoạt động ngoại giao văn hóa còn hạn hẹp…

3.2.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế

Những hạn chế trên đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

Về mặt khách quan, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động ngoại giao văn hóa ngày càng diễn ra sôi động, dưới nhiều hình thức phong phú, các chủ thể tham gia hoạt động ngoại giao văn hóa cũng ngày càng đông đảo hơn. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước vẫn chưa có một cơ chế chỉ đạo và quản lý thống nhất về các hoạt động liên quan đến hoạt động ngoại giao văn hoá từ Trung ương đến các bộ, ngành và các địa phương trong và ngoài nước dẫn đễn tình trạng tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa một cách tự phát, phân tán, chồng chéo lẫn nhau.

Nguồn lực cho các hoạt động ngoại giao văn hoá còn hạn hẹp. Các hoạt động ngoại giao văn hóa hiện nay chủ yếu còn dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước, đặc biệt là các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài. Mặc dù chúng ta đã có chính sách “xã hội hóa các hoạt động văn hóa” hay kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào ngoại giao văn hóa nhưng hiệu quả chưa cao.

Về mặt chủ quan, cho đến nay, ở nước ta chưa có một văn bản có tính định hướng chung của Đảng, Nhà nước làm cơ sở cho việc thống nhất nhận thức về nhiệm vụ, cơ chế phối hợp và triển khai các hoạt động giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong việc vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào phát triển ngoại giao văn hóa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các văn bản pháp quy liên quan đến ngoại giao văn hóa, đến việc vận dụng các giá trị ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh, do đó, cũng còn thiếu hoặc chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình mới trong khi đặc thù của văn hóa là luôn thay đổi liên tục và rất đa dạng.

Trong khi đó, ngoại giao văn hoá là một lĩnh vực, khái niệm mới, nội hàm đang trong giai đoạn xác định, do đó, nhận thức về tầm quan trọng của

ngoại giao văn hoá chưa cao. Sự hiểu biết của người dân, một trong những chủ thể quan trọng của ngoại giao văn hóa, về ngoại giao văn hóa và vai trò của ngoại giao văn hóa chưa nhiều, dẫn đến ý thức phải gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế chưa tốt. Các hoạt động ngoại giao văn hóa chưa phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; phạm vi hoạt động chủ yếu bó trong khu vực Nhà nước, chưa chú ý đến khu vực tư nhân và đặc biệt chưa phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân và chưa khai thác hết những tiềm năng sẵn có nên hiệu quả hoạt động ngoại giao văn hóa chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới…

Trên đây là những thành tựu, hạn chế và các nguyên nhân chủ yếu của những thành tựu, hạn chế của hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ thực trạng đó, để phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước cần nhận ra và phát huy những thế mạnh, tận dụng những cơ hội, đồng thời khắc phục những hạn chế và các nhân tố ảnh hưởng bất lợi tới ngoại giao văn hóa trong quá trình hội nhập. Trên cơ sở xác định những yêu cầu đặt ra cho ngoại giao văn hóa Việt Nam trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước sẽ có những quyết sách phù hợp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập ngày càng mạnh mẽ của đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 108 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)