Nhóm giải pháp về nhận thức

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 144 - 148)

7. Kết cấu của luận án

4.2. Các giải pháp nâng cao chất lƣợng vận dụng ngoại giao văn hoá Hồ

4.2.1. Nhóm giải pháp về nhận thức

Thứ nhất, tăng cường phát triển lý luận, nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hoá và ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh

Đối với ngoại giao văn hóa: Hoàn thiện lý luận về ngoại giao văn hoá, bao gồm khái niệm, nội hàm cũng như xác định rõ vai trò, vị trí của ngoại giao văn hoá trong tổng thể nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam, gắn kết ngoại giao văn hoá với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo sức mạnh ngoại giao tổng hợp.

Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai trên thực tế, nội hàm của ngoại giao văn hóa trong tình hình mới đã dần được làm rõ với năm nội dung chính, đó là:

Mở đường: với vai trò là nền tảng tinh thần, vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển, ngoại giao văn hóa sẽ góp phần khai thông hoặc tạo bước đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam và một số nước, tạo thuận lợi cho quan hệ chính trị, kinh tế và các quan hệ khác phát triển.

Xúc tác: sử dụng các công cụ ngoại giao văn hóa làm chất xúc tác, keo dính về tinh thần thúc đẩy ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế mà điển hình là việc gắn nội dung văn hóa với các hoạt động chính trị và kinh tế đối ngoại của đất nước; sử dụng văn hóa để góp phần thực hiện các mục tiêu của chính trị, kinh tế và sử dụng chính trị, kinh tế để tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa.

Quảng bá: phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn

hóa, đất nước và con người Việt Nam, làm cho thế giới hiểu đúng và có thiện cảm với Việt Nam, ủng hộ công cuộc đổi mới và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đồng thời góp phần khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, từ đó, khuyến khích việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Vận động: vận động UNESCO công nhận mới các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam, các khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất, đưa hồ sơ, tư liệu quý của Việt Nam và chương trình Ký ức thế giới của UNESCO…, qua đó giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, bản sắc truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế và góp phần phát triển ngành du lịch của các địa phương nói riêng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước nói chung.

Tiếp thu: hỗ trợ việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tri thức, khoa học tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam để làm phong phú hơn kho tàng văn hóa và tri thức Việt Nam, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiến tới định hướng phát triển cho một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Những nội hàm trên của ngoại giao văn hóa là những gợi mở và cần được tiếp thu, tổng kết, hoàn chỉnh trong quá trình triển khai trên thực tiễn. Song, điều quan trọng trong ngoại giao văn hóa là phải xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia phù hợp với tình hình mới. Vấn đề này tiếp tục được đặt ra cho Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương quan tâm xây dựng, với mục tiêu làm cho bạn bè thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là một dân tộc anh hùng trong chiến tranh mà còn là một dân tộc có bề dày văn hóa - lịch sử, một đất nước có sức sống mãnh liệt, giàu tiềm năng và thành tựu trong đổi mới, người dân Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, tình nghĩa, thủy chung.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo những xu hướng phát triển của văn hoá và ngoại giao văn hoá trong khu vực và trên thế giới tác động đến Việt Nam thông qua các hội thảo, hội nghị, toạ đàm, trao đổi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Từ đó, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chính sách liên quan đến ngoại giao văn hoá. Công bố, xuất bản kết quả của những nghiên cứu, đề tài liên quan đến ngoại giao văn hoá trong phạm vị Bộ Ngoại giao và

các đơn vị có liên quan hoặc là rộng rãi cho quần chúng nhân dân (tùy thuộc vào yêu cầu và nhận định của các cơ quan có thẩm quyền). Hình thức công bố, xuất bản nên đa dạng như trên tạp chí, kỷ yếu, cẩm nang, phóng sự, hội thảo… nhằm nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hóa.

Tạo nhận thức chung và đồng thuận trong lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hoá, nhằm đưa công tác này trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của mọi cơ quan từ trung ương đến địa phương và của toàn xã hội.

Đối với ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn, nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, những đóng góp của Hồ Chí Minh đối với ngoại giao văn hóa Việt Nam là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách có hệ thống nội dung của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh, từ đó khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh đang là một vấn đề lý luận còn bỏ ngỏ, chưa được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Khẳng định những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, trước hết cần làm rõ nội hàm khái niệm ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung chủ yếu của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh thông qua các quan điểm và các hoạt động ngoại giao phong phú của Người. Đồng thời, khẳng định sự cần thiết phải vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần phải nghiên cứu một cách căn bản hệ thống các quan điểm cũng như các hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa của Hồ Chí Minh, nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển ngoại giao văn hóa thông qua sự vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở nhận thức nội dung và các giá trị của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh, Đảng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh đồng thời vận dụng các giá trị của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập. Cụ thể là:

Phát huy hơn nữa vai trò của ngoại giao văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị được xác định là ba trụ cột quan trọng của ngoại giao Việt Nam hiện nay. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng. Trong những năm qua, công tác ngoại giao văn hóa luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nên có những bước phát triển rõ rệt. Trên cơ sở đó, nhận thức của mọi người, mọi ngành, mọi cấp về công tác này được nâng lên một tầm cao mới, đem lại những lợi ích thiết thực cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Mặt khác, công tác ngoại giao văn hóa chỉ có thể thành công nếu huy động được sức mạnh tổng hợp, mọi lực lượng, mọi nguồn lực của đất nước. Để làm được điều này, cần nâng cao nhận thức về vai trò và nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa, trong đó nhấn mạnh ngoại giao văn hóa không phải là công việc riêng của một bộ, ngành nào mà phải là công việc và trách nhiệm chung của tất cả các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, người Việt Nam ở trong và ngoài nước, trong đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương theo một chiến lược và chương trình hành động thống nhất. Cần quán triệt phương châm của Bộ Ngoại giao là đồng hành, hỗ trợ, tham mưu và đôn đốc thực hiện; các cơ quan văn hóa, địa phương, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò chính trong các hoạt động ngoại giao văn hóa, đều trở thành sứ giả của ngoại giao văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo phải quán triệt quan điểm đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia

trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển.

Thứ ba, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân đối với các hoạt động ngoại giao văn hóa.

Hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ là lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, quần chúng nhân dân cũng là chủ thể quan trọng của ngoại giao văn hóa. Hồ Chí Minh coi nhân dân là một lực lượng quan trọng của mặt trận ngoại giao, trong đó có ngoại giao văn hóa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như lãnh đạo đường lối đối ngoại, Hồ Chí Minh luôn phát huy được sức mạnh của nhân dân để thực hiện tốt các mục tiêu của cách mạng. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng như hiện nay, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân trong các hoạt động ngoại giao văn hóa. Mỗi người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và xây hình ảnh tốt đẹp của văn hóa, đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Mỗi người dân phải trở thành một sứ giả văn hóa để tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu này, Đảng và Nhà nước cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức của các tầng lớp nhân dân về ngoại giao văn hóa; tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa gắn với mục đích phát triển kinh tế mà ở đó nhân dân được tham gia, qua đó để nhân dân nhận thức rõ hơn về vai trò của ngoại giao văn hóa…

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 144 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)