7. Kết cấu của luận án
2.3. Nội dung cơ bản của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh
2.3.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về tính tất yếu của ngoại giao văn hóa
tích lũy, cùng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của bản thân đã làm nên những phẩm chất của một nhà ngoại giao văn hóa tiêu biểu cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Qua quá trình khảo sát thực tiễn, hoạt động cách mạng, sự tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới, Hồ Chí Minh đã tích lũy được tri thức và kinh nghiệm để từ đó vận dụng trong ứng xử, trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối chính sách ngoại giao đúng đắn, đem lại những thành quả to lớn cho cách mạng. Dấu ấn của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa đối với nền ngoại giao nước nhà mà nó đã vượt ra biên giới quốc gia để đến với thế giới và mang giá trị nhân loại. Với những đóng góp to lớn không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao mà còn cho sự nghiệp cách mạng, không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại, Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại ngay cả khi còn sống, là người đại diện tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam được nhân dân thế giới yêu mến và ngợi ca. Người đã trở thành biểu tượng văn hóa, là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc và đã làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam như trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi nhận: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
2.3. Nội dung cơ bản của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh
2.3.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về tính tất yếu của ngoại giao văn hóa văn hóa
Ngoại giao văn hóa Việt Nam xuất hiện từ rất sớm. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết sử dụng văn hóa như là một công cụ để đạt được mục tiêu của ngoại giao. Truyền thống ngoại giao văn hóa đó được Hồ Chí Minh tiếp thu một cách trọn vẹn và phát triển sáng tạo trong thời đại mới. Là một nhà văn hóa lớn, hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu được giá trị và vai trò to lớn của văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực ngoại giao. Bản chất của hoạt động ngoại giao là sự giao lưu và cọ xát các giá trị văn hóa. Ở ngoại giao, có sự xâm
nhập hết sức tự nhiên của yếu tố văn hóa. Do đó, hàm lượng văn hóa trong hoạt động ngoại giao càng nhiều thì hiệu quả của hoạt động ngoại giao càng lớn.
Ngoại giao văn hóa hình thành một cách tự nhiên trong hoạt động ngoại giao. Ngay từ đầu, hoạt động ngoại giao không mang chủ đích văn hóa mà mang chủ đích chính trị nhiều hơn. Nhưng càng về sau, con người càng sử dụng nhiều hơn các yếu tố văn hóa, các hệ giá trị văn hóa trong ngoại giao để đạt được mục tiêu của mình. Vì thế, sự tồn tại của ngoại giao văn hóa là một tất yếu trong toàn bộ hoạt động ngoại giao.
Nhà ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh luôn biết sử dụng văn hóa như một thứ vũ khí sắc bén trong hoạt động ngoại giao phong phú của mình bởi, tư tưởng và tài năng ngoại giao thiên bẩm của Người có nguồn gốc từ sự kết thừa, tiếp thu các giá trị của của truyền thống ngoại giao văn hóa Việt Nam và tinh hoa ngoại giao văn hóa của nhân loại. Chính vì thế, ở Hồ Chí Minh, luôn coi việc tiếp thu các giá trị văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc mình là một nhiệm vụ tất yếu của ngoại giao văn hóa.
Theo Người, ngoại giao có sứ mệnh cao cả trong việc truyền bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời, tiếp thu những giá trị văn minh tiến bộ của văn hóa thế giới. Do đó, khi xây dựng nền văn hóa mới cho dân tộc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và hấp thu những cái mới của văn hóa tiến bộ thể giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng” [122, tr.40].
Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của sự yếu đuối của các dân tộc phương Đông chính là do tình trạng cô lập, không có sự giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa tiến bộ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh rất đề cao vai trò của sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc với nhau để có thể học hỏi những cái hay, cái tốt và mở rộng kiến thức của dân tộc mình về văn hóa thế giới; đồng thời, giao lưu văn hóa còn là chiếc cầu nối để cho các dân tộc hiểu nhau, từ đó xích lại gần nhau trong mối quan hệ hữu nghị, chân thành. Hơn nữa, mối quan hệ ngoại giao giữa các dân tộc dựa trên những giá trị văn hóa
chung còn giúp các dân tộc đạt được lợi ích về nhiều mặt. Ví dụ như Người nói về mối quan hệ Việt - Pháp:
Tình hữu nghị Pháp - Việt là điều kiện cho sự chấn hưng nước ta, cũng như cho sự phát triển ảnh hưởng của Pháp ở Châu Á. Tôi tin chắc rằng một sự hợp tác chặt chẽ là có lợi cho cả hai bên. Chúng ta là hai dân tộc yêu chuộng công lý và tự do, quan tâm đến văn hóa, đến sự nảy nở của những tư tưởng đạo lý. Việc có chung những tình cảm trên làm hài hòa mối quan hệ của chúng ta, lý tưởng và lợi ích của chúng ta, tất cả đều khiến chúng ta xích lại gần nhau [119, tr.328].
Bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu trong việc tiếp thu các giá trị văn hóa của nhân loại và sử dụng thành công vốn văn hóa của mình vào giải quyết các nhiệm vụ cách mạng, trong đó có hoạt động ngoại giao. Văn hóa Hồ Chí Minh đã đạt đến đỉnh cao văn hóa nhân loại nhưng được Người sử dụng nó với tinh thần khoan dung, linh hoạt, mềm dẻo nên đã gây được ấn tượng mạnh đối với nhân dân thế giới. Một phóng viên Mỹ đã nhận xét về Người: “Cụ Hồ không phải là người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi mà Cụ là một người yêu mến văn hóa Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống Cách mạng Mỹ trong khi Mỹ phá hoại đất nước của Cụ” [148, tr.115]. Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định: “Trong văn hóa Hồ Chí Minh chứa đựng những nhân tố tích cực của tinh thần cộng hòa Pháp, khát vọng độc lập, dân chủ, nhân quyền Mỹ, tinh thần trọng đạo đức của Khổng giáo, phép biện chứng của Các Mác, tinh thần cách mạng của V.I.Lênin, chủ thuyết Tam dân của Tôn Trung Sơn”. Nhà thơ Xôviết, Ôxíp Manđenxtam đã nhận xét: “từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Và Người đã mang “thứ văn hóa” độc đáo đó của mình vào các hoạt động ngoại giao để đấu tranh, thu phục kẻ thù và chinh phục được cả nhân loại yêu chuộng hòa bình đứng lên ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
2.3.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao quân sự
Theo Hồ Chí Minh, ngoại giao là một mặt trận, một nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Nhưng chỉ riêng hoạt động ngoại giao thì không thể làm nên thắng lợi. Do đó, trong tư tưởng và trong quá trình lãnh đạo hoạt động ngoại giao, Người luôn kết hợp chặt chẽ ngoại giao với chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự, từ đó hình thành nên các quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao quân sự.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao quân sự xuất phát từ quan điểm về mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa với chính trị, kinh tế và quân sự trong tư tưởng của Người. Sự kết hợp chặt chẽ các lĩnh vực này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp cách mạng. Hoạt động ngoại giao chỉ có thể giành thắng lợi khi có chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự làm nền tảng.
Về mối quan hệ giữa các lĩnh vực văn hóa - chính trị - kinh tế, Hồ Chí Minh quán triệt sâu sắc quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh xác định văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, là thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Người nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được” [132, tr.11]. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh cần phải làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào tất cả các lĩnh vực của xã hội, bởi trong quan niệm của Hồ Chí Minh, văn hóa vừa là một lĩnh vực cụ thể, vừa là những giá trị thẩm thấu vào các lĩnh vực khác để góp phần tạo nên sự phát triển bền vững, toàn diện của các lĩnh vực đó trong đời sống xã hội.
Trong mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, chính trị có được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng. Chính trị giải phóng sẽ mở đường cho văn hóa phát triển. Do đó, để văn hóa phát triển, phải làm cách mạng chính trị
trước. Ở Việt Nam, tiến hành cách mạng chính trị thực chất là tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc để giành chính quyền, giải phóng chính trị, từ đó giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển. Do đó, đường lối đối ngoại trong các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, đều phải xuất phát từ đường lối chính trị và phục tùng đường lối chính trị.
Trong quan hệ văn hóa với kinh tế, Hồ Chí Minh chỉ rõ kinh tế là thuộc về cơ sở hạ tầng, là nền tảng của xây dựng văn hóa. Cho nên, phải chú trọng xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không nhấn mạnh sự phụ thuộc của văn hóa vào kinh tế, chờ cho kinh tế phát triển xong rồi mới phát triển văn hóa. Người cho rằng, văn hóa có tính tích cực, chủ động, đóng vai trò to lớn như một động lực, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và chính trị. Người cho rằng trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp cho chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Do đó, trong các lĩnh vực của văn hóa, văn hóa giáo dục là lĩnh vực được Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì thế, ngay sau khi tuyên bố độc lập, Người kêu gọi một chiến dịch diệt giặc dốt, ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, viết bài kêu gọi “Chống nạn thất học” để thể hiện đây là một nhiệm vụ vô cùng cần kíp của Chính phủ lâm thời cũng như của cách mạng Việt Nam lúc này: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí” [119, tr.40]. Người còn yêu cầu: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà” và để làm được điều đó thì “trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” [119, tr.40].
Như vậy, quan điểm về mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa với chính trị và kinh tế chính là cơ sở để Hồ Chí Minh vận dụng vào quá trình lãnh đạo công tác ngoại giao của mình sau này. Người luôn thấy được tầm quan trọng của việc kết hợp các lĩnh vực này trong hoạt động ngoại giao, chủ trương thiết
lập mối quan hệ ngoại giao rộng mở với các nước trên tất cả các lĩnh vực nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp cách mạng, vì mục tiêu giải phóng dân tộc và đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong lĩnh vực quân sự, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa quân sự đối với hoạt động ngoại giao. Thắng lợi về mặt quân sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả trên bàn đàm phán ngoại giao. Người khẳng định: “Ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ thắng lợi là vì Điện Biên Phủ đánh thắng lớn. Bao giờ cũng thế, đánh thắng lợi thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng, nhưng cái vốn chính là mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng” [130, tr.60 - 61]. Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1-1967) của Đảng cũng đã khẳng định:
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay, đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam là nhân tố quyết định giành thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn Hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất của cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động [39, tr.174].
Cũng với tinh thần đó, tháng 5 năm 1969, khi nêu nhiệm vụ cho đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Pari, Hồ Chí Minh đã khẳng định:
Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng và có ý nghĩa chiến lược lúc này. Nó có nhiệm vụ phát huy thế thắng và thế chủ động của ta, tiến công một kẻ địch đang thất bại, bị động về mọi mặt và phải xuống thang, phát huy mọi thắng lợi với quân sự và chính trị trên chiến trường quốc tế; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ lớn nhất của nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ; nắm vững thời cơ, phối hợp với tiến công quân sự và tiến công chính trị, tiến công liên tục và sắc bén, kiên trì nguyên tắc, khéo vận dụng sách
lược, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt, buộc Mỹ phải rút quân và nhận một giải pháp chính trị đáp ứng yêu cầu cơ bản của ta [135, tr.166 - 167]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quân sự và chính trị để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Ngoại giao đóng góp đắc lực trong việc tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Nhờ có đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động ngoại giao đã tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, tăng cường liên minh chiến đấu giữa các nước Đông Dương, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam… đặc biệt là buộc nước Mỹ phải ngồi vào