Về thực trạng ngoại giao văn hóa Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 27 - 29)

7. Kết cấu của luận án

1.2. Tình hình nghiên cứu về thực trạng ngoại giao văn hóa Việt Nam

1.2.1. Về thực trạng ngoại giao văn hóa Việt Nam

Ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực còn tương đối mới, do đó, những công trình nghiên cứu về ngoại giao văn hóa nói chung và thực trạng ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay nói riêng, nhìn chung là chưa đáng kể. Đánh giá về thực trạng ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung trong các báo cáo tổng kết của một số bộ, ngành hoặc một vài công trình, bài viết nhỏ lẻ. Cho đến nay, chưa có một công trình nào đánh giá một cách công phu và tổng quát vấn đề trên. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng ngoại

giao văn hóa Việt Nam hiện nay, nếu chỉ dựa vào các tài liệu sẵn có để đánh giá một cách khách quan, toàn diện là một điều thực sự khó khăn cho người viết.

Tổng kết 30 năm thực hiện đường lối đối ngoại, trong cuốn “30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam”, Đảng ta đã khẳng định những thành tựu đã đạt được như sau: “Hội nhập trên lĩnh vực văn hóa - xã hội của nước ta với cộng đồng thế giới đã được đẩy mạnh, đa dạng về hình thức, phương thức, đối tác và có chuyển biến về chất lượng. Việt Nam đã ký hơn 100 thỏa thuận, điều ước quốc tế song phương có nội dung văn hóa. Hội nhập văn hóa - xã hội đi vào chiều sâu thực chất đã thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Chính điều này đã đưa tới việc hình thành nhiều dự án, nhiều công trình văn hóa ngay tại Việt Nam với quy mô ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện đề nhân dân ta có cơ hội tiếp cận và thưởng thức những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của nhân dân và khuyến khích giao lưu với cộng đồng quốc tế” [69, tr.235].

Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Nguyễn Hải Anh với đề tài “Ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế đương đại” [1] đã phân tích quá trình hình thành, đánh giá những thành tựu và hạn chế của ngoại giao văn hóa Việt Nam từ sau “chiến tranh lạnh”, đặc biệt kể từ khi được chính thức nhìn nhận là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại tại Hội nghị ngành Ngoại giao lần thứ 25 từ năm 2006 đến nay, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bài viết “Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Hội nhập quốc tế và lợi ích quốc gia” [3] của tác giả Phạm Ngọc Anh, bên cạnh việc khẳng định vai trò của ngoại giao văn hóa, tác giả đã đánh giá những thành tựu của ngoại giao văn hóa trong việc góp phần quảng bá văn hóa, tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế; góp phần tích cực vận động, mang lại nhiều danh hiệu văn hóa thế giới; các giá trị, tinh hoa văn hóa, tri thức của nhân loại được tiếp thu có chọn lọc nhằm góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam… Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế như: sự đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một quốc gia dân tộc có bề dày lịch sử văn hóa; việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam chưa

thực sự hiệu quả; hành lang pháp lý, những quy định trong hợp tác quốc tế về văn hóa chưa được hoàn thiện; biểu hiện sự xuống cấp các công trình văn hóa hoặc việc tiếp thu tràn lan văn hóa ngoại…

Bài viết “Ngoại giao văn hóa - Điểm sáng trên chặng đường 70 năm ngành ngoại giao” [174] của tác giả Lê Hoài Trung đã khẳng định ngoại giao văn hóa Việt Nam tự hào đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. Tác giả đã nêu lên những thành tựu nổi bật của ngoại giao văn hóa trong 70 năm sự nghiệp của ngành ngoại giao, từ đó, đi đến khẳng định: ngoại giao văn hóa là một trong những thành tố chính của ngoại giao hiện đại của thế kỷ XXI.

Trong bài “Ngoại giao văn hóa trong bối cảnh hội nhập” [4], tác giả Phạm Ngọc Anh sau khi phân tích vai trò của ngoại giao văn hóa trong việc thực hiện lợi ích quốc gia đã tổng kết một số thành tựu của ngoại giao văn hóa Việt Nam và khẳng định, trong những năm gần đây, ngoại giao văn hóa Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đóng góp vào thành công chung của ngoại giao; đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng và lợi thế của một quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa.

Các kết quả nghiên cứu của nhóm công trình này giúp cho nghiên cứu sinh có những căn cứ để đánh giá chính xác và cụ thể hơn thực trạng vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay. Từ đó, khẳng định các giá trị ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh đối với sự phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 27 - 29)