Tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực và trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 88 - 92)

7. Kết cấu của luận án

3.1. Các nhân tố tác động đến việc vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí

3.1.1. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực và trong nước

Nếu trước năm 1991, cục diện quan hệ thế giới chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn, xung đột giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, thì sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, tình hình thế giới có những thay đổi to lớn. Xu thế đối thoại hòa

bình, hợp tác cùng phát triển lại trở thành xu thế chính trong mọi mối quan hệ quốc tế, chi phối sâu rộng đến đường lối đối ngoại của mỗi quốc gia dân tộc.

Tại khu vực Đông Nam Á, mục tiêu chung của các nước là xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, các nước đang nỗ lực thúc đẩy việc hình thành khu vực mậu dịch tự do (AFTA), phát huy vai trò của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, đấu tranh chống khủng bố, tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Nga… Đó là những nước mà Việt Nam có thể và cần tranh thủ để tăng cường quan hệ, tranh thủ các điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước trên mọi phương diện. Cộng đồng ASEAN cũng đã được hình thành với ba trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Trong đó, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN có mục tiêu cơ bản là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung, xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở trên cơ sở mức sống của người dân được nâng cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường giao lưu, hợp tác và đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa chung đối với cả Cộng đồng.

Với Việt Nam hiện nay, đa số các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế và khu vực, kể cả các nước lớn, đều mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt do trong những năm gần đây, bất chấp những biến động trên thế giới, Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đạt nhiều thành tựu to lớn và quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại, tạo cho Việt Nam vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới, trở thành một trong những điểm đến an toàn và tương đối hấp dẫn về hợp tác và đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Trên đây là những yếu tố thuận lợi do bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước đem lại, là điều kiện để Việt Nam phát huy đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ mà Hồ Chí Minh cùng Đảng ta xây dựng trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đối ngoại. Đồng thời, là cơ sở để Việt Nam phát huy những tiềm năng, thế mạnh của ngoại giao văn hóa, kế thừa và phát huy các giá trị ngoại giao văn hóa mà Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh cũng chịu sự ảnh hưởng và chi phối bởi nhiều nhân tố bất lợi từ tình hình chính trị, kinh tế quốc tế, khu vực và trong nước. Đó là:

Mặc dù xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển là xu thế chính của thời đại nhưng thế giới vẫn tồn tại nhiều nguy cơ gia tăng và nảy sinh các xung đột văn hóa, tôn giáo, sắc tộc. Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, bất trắc và khó lường. Quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục đan xen cả về hai mặt đấu tranh và hợp tác - thỏa hiệp. Xu hướng cường quyền trong quan hệ quốc tế cũng như cuộc đấu tranh giữa đơn cực và đa cực, đơn phương và đa phương vẫn tiếp diễn. Nhiều “điểm nóng” chưa được giải quyết và vẫn còn nguy cơ bùng nổ. Tuy chiến tranh thế giới ít có khả năng nổ ra, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột, chạy đua vũ trang, khủng bố… còn xảy ra ở nhiều nơi với quy mô, mức độ khác nhau. Đặc biệt, vấn đề khủng bố quốc tế và chống khủng bố, các vấn đề toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, đói nghèo, dịch bệnh, môi trường, tội phạm xuyên quốc gia… tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và ảnh hưởng nhiều tới hoạt động đối ngoại của các quốc gia. Do đó, để phát triển, mỗi quốc gia không chỉ cần chú trọng tới những chính sách phát triển riêng của mình mà còn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong việc xây dựng các chủ trương, đường lối và hoạch định chính sách đối ngoại, trong đó có đối ngoại văn hóa, các quốc gia cần phải chú ý đến xu thế này, như ý kiến của học giả Bành Tân Lương đã nhận định: “Cục diện quốc tế sau chiến tranh lạnh đã mở ra thời đại mới cho nhân tố văn hóa tham gia xung đột quốc tế hơn nữa” [95, tr.123].

Xu hướng cường quyền trong các quan hệ quốc tế, đặc biệt là các âm mưu bành trướng, áp đặt văn hóa để gia tăng sự ảnh hưởng của các quốc gia vẫn còn tồn tại. Các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng nhiều chiêu bài khác nhau như “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”… để mở rộng ảnh hưởng, gây sức ép, can thiệp vào đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta. Chẳng hạn như việc chúng áp đặt các giá trị dân chủ và nhân quyền phương Tây trong quan hệ quốc tế, đưa ra thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”… Chính vì vậy, hội nhập quốc tế ở nước ta không thể tách rời cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc do các cuộc “xâm lăng” văn hóa cũng đang trở thành vấn đề cần chúng ta đặc biệt quan tâm.

Kinh tế thế giới và khu vực phục hồi, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa những nguy cơ xuất phát từ mặt trái của toàn cầu hóa; khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới kéo dài, cạnh tranh gay gắt và thiếu công bằng giữa các quốc gia và các tập đoàn đa quốc gia; thị trường tài chính bấp bênh và giá nhiên liệu biến động… cũng ảnh hưởng không nhỏ tốc độ phát triển kinh tế và quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước. Mặc dù, trong những năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là phát triển ổn định nhưng vẫn ở mức thấp, sức thu hút đầu tư nước ngoài có chiều hướng giảm… làm ảnh hưởng đến xu thế hợp tác trong các lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa.

Ở trong nước, tuy thế và lực đã được tăng lên đáng kể nhưng đất nước ta vẫn phải đối phó với âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó có âm mưu diễn biến trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; đồng thời, luôn phải đối mặt với những nguy cơ đe dọa và những hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn về lãnh thổ. Chính những nguy cơ này có sự tác động không nhỏ đến quá trình thiết lập và nhận diện thực chất các mối quan hệ ngoại giao, trong đó có ngoại giao văn hóa. Việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn đằng sau những quan hệ ngoại giao luôn là vấn đề cần phải quan tâm và cảnh giác. Bên cạnh đó, sự khác biệt về thể chế chính trị, về chế độ và con đường phát triển của đất nước luôn là mục tiêu chống phá của bọn phản động và các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Mặc dù Liên Xô và các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã sụp đổ, mô hình

chủ nghĩa xã hội chỉ còn lại ở một số nước nhưng chủ nghĩa tư bản, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách xóa bỏ bằng được chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam là một trọng điểm. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với vai trò là “nền tảng tư tưởng” đã trở thành mục tiêu tấn công của chúng. Chúng sử dụng rất nhiều thủ đoạn, với nhiều hình thức, trong đó có việc lợi dụng ngoại giao văn hóa để thực hiện âm mưu chống phá. Chẳng hạn như việc lợi dụng việc phát hành các ấn phẩm văn hóa, báo chí và sức mạnh của truyền thông để tuyên truyền, nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ chính trị, thậm chí bôi nhọ hình tượng Hồ Chí Minh; kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động chống phá chính quyền Nhà nước, làm mất ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước. Hay thông qua các hình thức phong phú của hoạt động ngoại giao văn hóa, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình theo xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Đây là những nhân tố bất lợi tác động rất lớn vào quá trình vận dụng các giá trị ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay.

Trước những tác động đó, Đảng và Nhà nước ta không chỉ cần có những chủ trương, chính sách phát triển ngoại giao văn hóa phù hợp mà còn phải tích cực đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh, phát huy các giá trị lý luận và thực tiễn của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 88 - 92)