Khái niệm ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 46 - 47)

7. Kết cấu của luận án

2.1. Các khái niệm: ngoại giao văn hóa và ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh

2.1.2. Khái niệm ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh

Trong lịch sử phát triển của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, Hồ Chí Minh chính là người khai sinh và có công lao to lớn đối với việc hoạch định những chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Bản thân Hồ Chí Minh đã từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên, kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người chính là nhà ngoại giao kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng được UNESCO ghi nhận là “nhà văn hóa kiệt xuất”. Chính vì vậy mà tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao của Người là sự kết hợp nhuần nhuyễn và hết sức tự nhiên giữa phẩm chất của một nhà ngoại giao với trí tuệ của một nhà văn hoá lớn. Ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh đã trở thành “tài sản tinh thần quý báu” và “kim chỉ nam” cho hành động của Đảng trong việc xây dựng và phát triển ngoại giao văn hoá Việt Nam hiện đại.

Sinh thời, Hồ Chí Minh không dùng khái niệm ngoại giao văn hóa, nhưng thông qua các hoạt động ngoại giao của Người chúng ta thấy toát lên tư tưởng, phong cách, phương pháp ngoại giao vô cùng độc đáo nhờ việc sử dụng có hiệu quả vốn văn hóa phong phú của mình. Những điều đó sau này được các nhà nghiên cứu khẳng định đó chính là ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống quan điểm và hoạt động thực tiễn của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là quá trình chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động ngoại giao, có thể thấy, ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh là một bộ phận trong toàn bộ hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh. Ngoại giao văn hoá cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế là các lĩnh vực hoạt động ngoại giao mà Người đã có những đóng góp vô cùng to lớn. Di sản trong các hoạt động ngoại giao đó đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng và chiến lược, sách lược ngoại giao của Nhà nước Việt Nam.

Ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh là sự tổng hợp những giá trị lý luận và hoạt động ngoại giao bằng văn hóa nhằm đạt được các mục tiêu đối ngoại của

Đảng và chính sách ngoại giao của Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng; thông qua đó thể hiện tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của Hồ Chí Minh.

Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh là kết quả của sự kế thừa, tiếp thu truyền thống ngoại giao văn hóa của dân tộc, tiếp thu các giá trị ngoại giao văn hóa của nhân loại và di sản ngoại giao văn hóa của chủ nghĩa Mác - Lênin; được kết hợp với các nhân tố chủ quan đó là: tố chất của một nhà ngoại giao thiên bẩm, trí tuệ vĩ đại của một nhà văn hóa lớn cùng với phẩm chất, ý chí của một vị lãnh tụ thiên tài. Tất cả những yếu tố đó được kết hợp với nhau và phát huy có hiệu quả ở Hồ Chí Minh nhằm đạt tới một mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Hiện nay, ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh mang những giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc. Những quan điểm về tính tất yếu của ngoại giao văn hóa; về mối quan hệ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao quân sự; về vai trò của ngoại giao văn hóa và về phương thức tiến hành ngoại giao văn hóa của Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng và Nhà nước ta đề ra những chủ trương, đường lối và hoạch định những chính sách phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam nói riêng và ngoại giao Việt Nam nói chung. Còn phong cách, nghệ thuật ngoại giao cùng những hoạt động ngoại giao văn hóa phong phú của Hồ Chí Minh đã trở thành những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho Đảng, Nhà nước, nhân dân, đặc biệt là các cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa tiếp thu, kế thừa và vận dụng.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)