7. Kết cấu của luận án
2.2. Cơ sở hình thành ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh
2.2.4. Những phẩm chất nổi trội của nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà ngoại giao mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Chính những phẩm chất nổi trội trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh kết hợp với tài ngoại giao thiên bẩm đã tạo nên phong cách ngoại giao văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng của Hồ Chí Minh.
Với tư cách là một nhà văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh có những phẩm chất nổi trội của bậc vĩ nhân, thiên tài. Đó là khả năng tư duy và bản lĩnh trí tuệ, là khả năng phán đoán, tổng hợp và dự báo dựa trên nền tảng của trí thức phong phú và siêu việt, là sự tiếp thu vốn văn hóa của nhân loại để làm giàu có thêm vốn văn hóa của bản thân và vận dụng rất thành công vào hoạt động cải tạo thực tiễn. Hồ Chí Minh chính là một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự học và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Ở Người, có sự hội tụ đầy đủ tinh hoa văn hóa của cả phương Đông và phương Tây nhằm đạt đến đỉnh cao tri thức của văn hóa nhân loại. Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau và sử dụng thành thạo các ngôn ngữ đó để viết báo, viết văn, viết kịch, làm thơ và trong các hoạt động ngoại giao… Người đã tự mình học tập, rèn luyện để thâu thái những tầm cao trí tuệ của thời đại, từ đó, vận dụng và phát triển, sáng tạo và đổi mới, đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới những giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh.
Những phẩm chất tuyệt vời đó lại được kết hợp với tấm lòng yêu nước vô bờ bến, với một ý chí và hoài bão to lớn nhằm đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi tới thắng lợi cuối cùng. Người mang phong cách hiện đại của phương Tây nhưng lại ẩn chứa bên trong con người mình khí chất phương Đông, coi trọng việc nghĩa, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của bản thân vì hạnh phúc của nhân dân, dân tộc và nhân loại. Không thể vĩ đại hơn khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, Người vẫn hết sức bình dị, khiêm tốn, gần gũi với nhân dân và luôn chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” [130, tr.627]. Chính vì lẽ đó, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích duy nhất, đó là vì nước, vì dân.
Là một nhà ngoại giao, Hồ Chí Minh có những phẩm chất ngoại giao thiên bẩm: thông minh, lanh lợi, nhạy bén với cái mới, khả năng dự đoán thiên tài… Những phẩm chất này kết hợp với trí tuệ, vốn văn hóa phong phú được tích lũy, cùng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của bản thân đã làm nên những phẩm chất của một nhà ngoại giao văn hóa tiêu biểu cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Qua quá trình khảo sát thực tiễn, hoạt động cách mạng, sự tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới, Hồ Chí Minh đã tích lũy được tri thức và kinh nghiệm để từ đó vận dụng trong ứng xử, trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối chính sách ngoại giao đúng đắn, đem lại những thành quả to lớn cho cách mạng. Dấu ấn của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa đối với nền ngoại giao nước nhà mà nó đã vượt ra biên giới quốc gia để đến với thế giới và mang giá trị nhân loại. Với những đóng góp to lớn không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao mà còn cho sự nghiệp cách mạng, không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại, Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại ngay cả khi còn sống, là người đại diện tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam được nhân dân thế giới yêu mến và ngợi ca. Người đã trở thành biểu tượng văn hóa, là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc và đã làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam như trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi nhận: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.