Sự nghiệp đổi mới và chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 95 - 98)

7. Kết cấu của luận án

3.1. Các nhân tố tác động đến việc vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí

3.1.3. Sự nghiệp đổi mới và chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều

nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa

Những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế trong những năm qua đã tạo những tiền đề quan trọng cho ngoại giao văn hóa nước ta được mở rộng và phát triển. Có thể nói, có được những thành tựu to lớn sau 30 đổi mới là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực, sự thống nhất ý chí của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong việc đề ra những chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn trong lĩnh vực văn hóa. Việc quán triệt và triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển” đã đem lại cho Việt Nam một tầm vóc mới và một vị thế mới. Chưa bao giờ sự giao lưu giữa Việt Nam với các nước ở khắp các châu lục, ở tất cả các cấp và trên tất cả các lĩnh vực lại diễn ra năng động như từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay. Đặc biệt, sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế trong quá trình đổi mới đất nước đã làm tăng cường hơn nữa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Mặt khác, ngoại giao văn hóa cũng làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, từ đó góp phần thúc đẩy các quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ đất nước.

Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và các chính sách phát triển của Nhà nước đối với ngoại giao văn hóa đã có tác động tích cực trong việc thúc đẩy và tham gia có hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhận thức rõ vai trò của văn hóa và giao lưu văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong xu thế phát triển của thế giới. Tất cả các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đều nhất quán theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo hướng khoa học, dân tộc, đại chúng đã sớm hình thành từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo năm 1943.

Đến những năm 60, 70 của thế kỷ trước, mỗi lần đề cập đến những vấn đề văn hóa, văn nghệ, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đều nhấn mạnh: “Phải học tập văn nghệ tiến bộ của các nước trên thế giới… Chúng ta phải học hỏi văn nghệ tiến bộ và cách mạng của các nước phương Tây nữa. Chúng ta nghiên cứu với con mắt phê bình, không thần thánh hóa kỹ thuật đó, cũng không bắt chước một cách nô lệ, mà nghiên cứu để giúp vào việc sáng tạo hình thức nghệ thuật dân tộc ta” [133, tr.172]. Sau này, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều đó được thể hiện rõ ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành riêng cho lĩnh vực văn hóa để bàn thảo một cách thấu đáo và có quyết sách lớn, nhằm thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành nền văn hóa phát triển theo hướng hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung Hội nghị cũng rất nhiều lần đề cập và yêu cầu phát triển văn hóa phải gắn với giao lưu văn hóa trong nước và giao lưu văn hóa quốc tế. Nghị quyết đã chỉ rõ: giao lưu văn hóa trong nước và giao lưu văn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng. Chúng ta có dịp tiếp xúc rộng rãi với các thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam; làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hóa các nước; ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy; giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà, thu nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước ra, nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Những nội dung trên của Nghị quyết được coi như những chỉ dẫn trong giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Có thể khẳng định, những quan điểm chỉ

đạo của Đảng ta về phát triển văn hóa và mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa qua các thời kỳ đều là sự kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa và ngoại giao văn hóa, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy ngoại giao văn hóa phát triển.

Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với ngoại giao văn hóa còn được thể hiện rõ trong “Chiến lược phát triển ngoại giao văn hóa đến năm 2020”. Với quan điểm coi ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam, ngoại giao văn hóa chính là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại. Do đó, Đảng và Nhà nước ta xác định mục tiêu “đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước” [166]. Chiến lược cũng đề ra những chính sách, biện pháp triển khai cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò của ngoại giao văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế. Có thể nói, Chiến lược phát triển ngoại giao văn hóa đến năm 2020

đã đánh giá đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Cũng từ đây, các hoạt động ngoại giao văn hóa đã đi vào chiều sâu, có tính định hướng rõ ràng hơn, thực chất hơn và phát huy hiệu quả cao hơn so với trước.

Quá trình mở rộng giao lưu hợp tác trên lĩnh vực văn hóa đã mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội hợp tác và đem lại những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực nhưng đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại. Hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa đã đặt nước ta trước nguy cơ bị các giá trị văn hóa ngoại lai (trong đó có lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền…), các yếu tố phản văn hóa, nhất là các giá trị phương Tây xâm nhập ồ ạt, làm tổn hại bản sắc văn hóa dân tộc. Văn

hóa Việt Nam cũng như văn hóa nhân loại đang đứng trước một nghịch lý phức tạp đó là: vừa có khả năng giao lưu rộng mở, vừa có nguy cơ bị nghèo văn hóa rất nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra cho ngoại giao văn hóa nước ta hiện nay là, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để phát triển đất nước đồng thời phải có những biện pháp tích cực và hữu hiệu làm tăng “sức đề kháng” cho văn hóa dân tộc nhằm chống lại những quan điểm thù địch, sai trái và sự “xâm lăng” của những yếu tố phản văn hóa làm ảnh hưởng đến sự phát triển, tiến bộ của văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập.

Bên cạnh đó, hoạt động ngoại giao văn hóa chưa phát huy hiệu quả và những tiềm năng sẵn có cũng là một hạn chế, kìm hãm sự phát triển, tiến bộ. Chúng ta luôn tự hào khi có một nền văn hóa đặc sắc, đa dạng nhưng những hình thức tổ chức, quảng bá, giới thiệu về văn hóa dân tộc còn tương đối đơn giản, chưa gây được ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ đối với du khách và bạn bè quốc tế. Đội ngũ cán bộ ngoại giao văn hóa có trình độ cao và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ còn ít; sự phối hợp hoạt động giữa các bộ, ban, ngành và cơ quan chủ quản hoạt động ngoại giao văn hóa chưa tốt; kinh phí đầu tư cho ngoại giao văn hóa còn hạn chế… Những yếu kém này cũng là một trong những biểu hiện của sự vận dụng chưa có hiệu quả ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trên đây là những nhân tố tác động đến sự vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh của Đảng vào phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay. Những yếu tố này đang tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hiệu quả hoạt động của ngoại giao văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ở cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Việc phân tích các yếu tố này có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các chủ thể ngoại giao văn hóa nhận thức rõ hơn các nhân tố tác động tích cực và tiêu cực; từ đó đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách phát triển ngoại giao văn hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị của ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 95 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)