Những thành tựu và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 100 - 108)

7. Kết cấu của luận án

3.2. Thực trạng vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay

3.2.1. Những thành tựu và nguyên nhân

3.2.1.1. Những thành tựu

Khái quát những mặt hoạt động của ngoại giao văn hóa Việt Nam từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, có thể thấy sự vận dụng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam vào phát triển ngoại giao văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu nổi bật sau:

Về hoạt động mở rộng quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế về văn hóa

Kế thừa tư tưởng của Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng ta là chủ trương xây dựng đường lối đối ngoại rộng mở, hòa bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc, các lực lượng tiến bộ trên thế giới nhằm thúc đẩy sự phát triển trên mọi lĩnh vực và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế về văn hóa đã thực sự khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ chủ trương “Việt Nam muốn là bạn” đến “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và

phát triển” và hiện nay là “thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, trong đó, ngoại giao văn hóa được coi là một trong ba trụ cột chính của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trong quá trình hội nhập. Việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa cùng với giao lưu, hợp tác về kinh tế, chính trị trong 30 năm qua đã đem lại cho đất nước những thành quả to lớn, làm thay đổi diện mạo, tăng cường cả sức, lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp thu quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa, trong quá trình hội nhập, sự giao lưu, hợp tác quốc tế hàng năm trong lĩnh vực văn hóa không ngừng phát triển, điều đó được thể hiện ở số lượng các đoàn tham gia hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật ở trong và ngoài nước không ngừng tăng lên, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức các đoàn biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động mang tính đa phương về văn hóa như các liên hoan phim, âm nhạc, nghệ thuật quốc tế; triển lãm sách, tranh ảnh nghệ thuật tại các quốc gia… Qua các kênh hợp tác UNESCO, Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, ASEAN là các hoạt động điển hình như Liên hoan nghệ thuật ASEAN, Tàu thanh niên châu Á, Lễ hội Văn hóa - Du lịch - Thương mại ở Geneve, Thụy Sĩ và rất nhiều các lễ hội khác. Sự có mặt cũng như việc đạt các giải thưởng quốc tế tại những hoạt động trên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các nước tại Việt Nam được tổ chức thành công, trong đó có một số hoạt động lớn mang tính quốc tế như Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, tuần lễ phim châu Âu, các cuộc Hội thảo quốc tế của UNESCO, các hoạt động văn hóa của Cộng đồng Pháp ngữ, Liên hoan âm nhạc châu Âu… Gần đây, chúng ta liên tục tiếp đón các đoàn văn hóa, nghệ thuật của nước ngoài vào Việt Nam như sự kiện Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản (tổ chức thường niên), Những ngày châu Âu tại Việt Nam, Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam, Năm Pháp tại Việt Nam, Ngày quốc tế Yoga Ấn Độ… và đã được công chúng Việt Nam nhiệt tình đón nhận. Đây là bước phát triển mới,

mở ra triển vọng để Việt Nam trở thành một điểm đến tin cậy, một địa chỉ giao lưu văn hóa có uy tín ở khu vực và quốc tế.

Về hoạt động quảng bá

Sinh thời, trong các hoạt động ngoại giao phong phú của mình, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc, làm cho thế giới biết đến Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình lãnh đạo đường lối đối ngoại, Đảng ta cũng rất quan tâm chỉ đạo các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nhiều tác phẩm, công trình văn hóa, chương trình nghệ thuật có chất lượng được giới thiệu nhằm mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa. Thông qua các cuộc liên hoan, hội thi, triển lãm, hội chợ, giao lưu, các cuộc thi quốc tế về văn hóa, các loại hình nghệ thuật, các giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của Việt Nam được giới thiệu và khẳng định. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa với các hình thức đa dạng như phối hợp tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn định kỳ và thường niên như Lễ hội Trà quốc tế Thái Nguyên, Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương Phú Thọ, Festival Huế, Festival Dừa Bến Tre, Lễ hội Hoa Đà Lạt, Lễ Hội Hoa tam giác mạch Hà Giang, các lễ hội ẩm thực, văn hóa khác... Các hoạt động ngoại giao văn hóa đó đã và đang đóng góp trực tiếp vào công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra với thế giới; đồng thời thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra các nước và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và cả nước.

Đặc biệt, Đảng ta cũng rất thành công trong việc thực hiện quảng bá hình ảnh Việt Nam qua hình tượng Bác Hồ. Việc tiến hành các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài chính là sự triển khai đồng bộ các hoạt động ngoại giao toàn diện trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa cùng với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, với sự tham gia đông đảo các lực lượng ngoại giao Đảng, Nhà nước và nhân dân ở trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao văn hóa đã góp phần lưu giữ và bảo vệ những dấu tích của Bác ở nước ngoài; tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa, lịch sử, truyền thống và con người Việt Nam ra thế giới thông qua

hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và các nước; đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nâng cao lòng tự hào dân tộc; góp phần gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng bà con về quê hương, Tổ quốc. Tiêu biểu nhất là đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài” được thực hiện từ năm 2009. Đến nay, đề án đã được triển khai tại tất cả các châu lục trên thế giới dưới những hình thức phong phú, đạt nhiều kết quả quan trọng. Mục đích của đề án là thông qua hình ảnh “Anh hùng giải phóng dân tộc” Hồ Chí Minh, thế giới sẽ hiểu rõ hơn truyền thống yêu nước và ý chí vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam; thông qua hình ảnh “Người cha của các lực lượng vũ trang Việt Nam”, thế giới hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng dựng nước, giữ nước và nghệ thuật quân sự của nhân dân Việt Nam; thông qua hình ảnh “Nhà Ngoại giao Hồ Chí Minh”, thế giới sẽ biết rõ hơn truyền thống nhân văn, bản chất hòa hiếu, tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng như tinh thần rộng mở, luôn mong muốn và sẵn sàng làm bạn với nhân dân các nước của dân tộc Việt Nam và thông qua việc đề cao “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, thế giới nhận rõ hơn nữa về những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh đối với tiến trình phát triển của nhân loại. Sau hơn 6 năm thực hiện đề án, chúng ta không chỉ duy trì tốt việc lưu giữ và bảo vệ những dấu tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn đạt những kết quả nhất định trong việc sưu tầm tư liệu, di tích, bảo tồn, tôn tạo và mở rộng, phát triển, làm mới một số khu di tích, tưởng niệm.

Bên cạnh đó, thông qua việc phát huy mạnh mẽ vai trò của Đoàn ngoại giao ở Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động quảng bá về hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam được đẩy mạnh và hiệu quả hơn. Ngoại giao văn hóa ở nước ngoài luôn được các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài coi là một nhiệm vụ công tác trọng tâm. Các cơ quan đại diện đã chủ động và tích cực tiến hành hàng loạt hoạt động phong phú, đa dạng góp phần làm cho thế giới hiểu rõ, tôn trọng và yêu mến hơn đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nổi bật trong các hoạt động văn hóa ở

nước ngoài là các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và cơ quan đại diện của ta tổ chức. Nhiều chương trình đã đi vào tâm trí của người dân sở tại, trở thành thương hiệu và được người dân sở tại hưởng ứng và tham gia tích cực như Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Qatar; Tuần Việt Nam tại Italia, Hà Lan… Thành công của các sự kiện đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc triển khai những hoạt động tổng hợp văn hóa, chính trị, kinh tế có trọng tâm, trọng điểm nhằm góp phần thúc đẩy một cách thực chất và hiệu quả quan hệ toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước.

Với chức năng là cầu nối cho quan hệ của các nước ở Việt Nam, Đoàn ngoại giao và nhất là các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện của nước ngoài ở Việt Nam đã có dịp tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa và truyền thống của đất nước ta khi tham gia các hoạt động ngoại giao văn hóa tại các địa phương và giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam trên đất nước họ.

Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài

Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm thương yêu và quan tâm sâu sắc đối với kiều bào, coi đây là một lực lượng của khối đại đoàn kết dân tộc, có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Học tập Bác, Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm tới công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là đối tượng được Đảng và Nhà nước ta chú trọng và hướng tới. Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, gắn kết bà con Việt kiều với nhau và cùng hướng về quê hương, đất nước. Ngoại giao văn hóa còn đóng góp tích cực cho việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài duy trì bản sắc và văn hóa truyền thống của dân tộc, ổn định và hội nhập với nước sở tại. Đây cũng là một hình thức, biện pháp quan trọng nhằm quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc ra với thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay ngày càng gia tăng, sinh sống trên khắp thế giới, trong đó 2/3 tập trung ở các nước phát triển. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia sở tại mà còn là

một thành phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chính là những người tuyên truyền rộng rãi hình ảnh Việt Nam thường xuyên đến nhân dân các nước, vùng lãnh thổ nơi họ sinh sống, làm ăn, lao động hoặc học tập. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng tới các hoạt động ngoại giao văn hóa có liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chẳng hạn như việc tổ chức Những ngày Việt Nam ở nước ngoài đã giúp cộng đồng người Việt gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được sân chơi thu hút đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài tham gia, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam với nước sở tại và thắt chặt tình cảm gắn bó của cộng đồng người Việt với quê hương.

Về tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới

Trong quan điểm về các phương pháp tiến hành hoạt động ngoại giao văn hóa, Hồ Chí Minh luôn coi việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là một trong những biện pháp chủ yếu và hiệu quả nhất. Vận dụng và kế thừa quan điểm này của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo nhất quán về việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại qua các thời kỳ, đặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đối với ngoại giao văn hóa, việc tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế nhằm xây dựng và hoàn thiện chiến lược Ngoại giao văn hóa của đất nước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt trong thời gian qua. Nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo đã được tổ chức và thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà ngoại giao, nhà văn hóa, các chuyên gia, các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương. Qua đó, nhận thức về ngoại giao văn hóa ngày càng rõ ràng hơn, sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, từ việc phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa với các nước, chúng ta đã tiếp thu được kinh nghiệm, mô hình, cách thức tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa. Ngoại giao văn hóa không còn được hiểu đơn giản là dùng các biện pháp văn hóa để phục vụ mục tiêu chính trị, kinh tế của ngoại giao, mà đã được nhìn nhận là một mục tiêu quan trọng của chiến lược tổng thể về đối ngoại, là bộ phận cấu thành của chiến lược ngoại giao toàn diện và là “sức mạnh mềm” để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa, chúng ta đã tranh thủ tiếp nhận được nhiều tinh hoa văn hóa thế giới như: các thành tựu khoa học - công nghệ, các giá trị văn hóa nghệ thuật mới, kinh nghiệm làm giàu, kinh nghiệm cải cách xã hội, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin… Các giá trị đó đã bổ sung và góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển của văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới. Cũng thông qua việc đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, sự hiểu biết của thế giới về Việt Nam được tăng lên, qua đó, thúc đẩy quan hệ hợp tác và giao lưu trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Việc tiếp thu, lựa chọn giới thiệu văn hóa nghệ thuật nước ngoài tại Việt Nam có sự phát triển đáng kể, thể hiện ở số lượng sách dịch tăng lên khá nhanh, các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc nước ngoài không ngừng được du nhập vào Việt Nam tạo nên một không khí giao lưu văn hóa rất sôi động, góp phần giúp ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới. Thông qua việc giới thiệu các tác phẩm văn nghệ nước ngoài, chúng ta có điều kiện nâng cao hiểu biết, trình độ văn hóa và thẩm mỹ cho người xem, người đọc trong nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 100 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)