Giải quyết mối quan hệ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 117 - 120)

7. Kết cấu của luận án

3.3. Những vấn đề đặt ra trong vận dụng ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh

3.3.3. Giải quyết mối quan hệ giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính

chính trị và ngoại giao kinh tế

Ngoại giao văn hóa, ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, xuất phát từ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với chính trị và kinh tế. Với chủ trương hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực trên mọi lĩnh vực, Đảng và Nhà nước ta ngày càng coi trọng

hơn tới mối quan hệ của ba lĩnh vực ngoại giao quan trọng này, coi sự kết hợp chặt chẽ của ba lĩnh vực ngoại giao văn hóa, ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế sẽ tạo nên thế “chân kiềng” vững chắc cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Chính vì vậy, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 (năm 2006) đã xác định ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế là ba trụ cột chính của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong đó, ngoại giao chính trị có vai trò định hướng, ngoại giao kinh tế là nền tảng vật chất còn ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần, biện pháp, nội dung và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam, hỗ trợ cho ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế để tạo thành một tổng thể chính sách, phát huy tốt nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Với vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của ngoại giao văn hóa, Đảng và Nhà nước ta cần phải tích cực, chủ động thiết lập và mở rộng các quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế thế giới gắn liền với giao lưu, hợp tác văn hóa với thế giới.

Thực tế cho thấy, ngoại giao văn hóa chỉ có thể phát huy được sức mạnh và hiệu quả cao nhất trong điều kiện tình hình chính trị ổn định và kinh tế phát triển, bởi “Sự ổn định về chính trị - xã hội, sự tăng trưởng về kinh tế, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, đời sồng văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao… là môi trường thuận lợi để các nước “bắt tay”, hợp tác” [54, tr.153]. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển ngoại giao văn hóa, cần có sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, tạo tiền đề và hỗ trợ nhau phát triển chứ không phải là kìm hãm, bó buộc nhau trong quá trình thực hiện. Để làm được điều đó, đầu tiên cần có những quan điểm, đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các lĩnh vực ngoại giao. Trên cơ sở đó, Nhà nước đề ra những chính sách phát triển phù hợp, cụ thể nhằm phát huy hiệu quả tổng hợp của các lĩnh vực ngoại giao. Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ: “Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh” [35; tr.139]. Quan điểm này tiếp tục được Đảng ta nhấn mạnh tại Đại hội

XII của Đảng. Điều đó cho thấy, Đảng đã rất quan tâm đến việc phối hợp giữa các lĩnh vực ngoại giao nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong quá trình hội nhập quốc tế.

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đã trở thành xu thế tất yếu của sự phát triển. Một mặt, nó giúp cho quá trình liên kết toàn cầu, kết nối mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới với nhau. Mặt khác, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng làm lộ rõ hơn những khác biệt về nhiều mặt giữa các quốc gia, dân tộc - một trong những căn nguyên dẫn đến các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo... Do vậy mà, hơn lúc nào hết, ngoại giao với tư cách là phương thức hòa bình sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ những bất đồng, mâu thuẫn tiềm tàng hiện tồn trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt, sự chú trọng hơn đến ngoại giao văn hóa và phát huy thế mạnh của nó trong việc xây dựng lòng tin, giúp làm sâu sắc và thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ chính trị và kinh tế đang là sự ưu tiên lựa chọn của hầu khắp các nước trên thế giới hiện nay. Trên cơ sở giao lưu văn hóa, chúng ta tranh thủ sự hợp tác rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng “dân giàu, nước mạnh”. Đẩy mạnh giao lưu văn hóa giúp chúng ta tiếp thu các tri thức, thành tựu và phát minh khoa học - công nghệ của nhân loại, đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội. Thông qua ngoại giao văn hóa, tăng cường và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nước ta và các nước, qua đó tăng cường hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. Để thực hiện được yêu cầu này, trước hết, chúng ta phải chủ động và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, làm cho bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước. Đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của các tầng lớp nhân dân ta về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về tình hình thế giới và các vấn đề toàn cầu.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải xác định cụ thể hơn phương thức kết hợp giữa ba lĩnh vực và các biện pháp xây dựng, phát triển một cách đồng bộ,

phù hợp, hiệu quả để đạt đến mục tiêu chung của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (Trang 117 - 120)