7. Kết cấu của luận án
3.3. Những vấn đề đặt ra trong vận dụng ngoại giao văn hoá Hồ Chí Minh
3.3.1. Giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong xây dựng
Giải quyết mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại đang là vấn đề đặt ra cho tất cả các dân tộc, ở mọi lĩnh vực trong quá trình phát triển. Đặc biệt, do sự tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì việc gìn giữ các giá trị truyền thống bên cạnh việc tiếp thu các giá trị hiện đại đã trở thành một yêu cầu tất yếu, quyết định đến sự phát triển của mỗi dân tộc. Trong ngoại giao văn hóa, vấn đề này cũng được đặt ra một cách bức thiết. Ngoại giao văn hóa là lĩnh vực thể hiện rõ nhất và chịu tác động trực tiếp bởi mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngoại giao văn hóa chính là quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ra với thế giới; đồng thời tiếp thu các giá trị tiên tiến, hiện đại của nhân loại để phục vụ nhu cầu phát triển. Hoạt động ngoại giao văn hóa càng được đẩy mạnh và phát triển cũng đồng nghĩa với việc nền văn hóa dân tộc phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập ồ ạt bởi những yếu tố phản văn hóa, tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Giữa truyền thống và hiện đại có mối quan hệ biện chứng với nhau, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau. Sự thống nhất biểu hiện ở chỗ: truyền thống là cơ sở, là tiền đề của hiện đại; hiện đại được bắt nguồn từ truyền thống trên cơ sở chắt lọc, kế thừa, phát triển truyền thống; còn truyền thống được bảo tồn, phát triển một cách sinh động và phong phú nhờ tính hiện đại. Mâu thuẫn được biểu hiện ở chỗ: tính ổn định của truyền thống và một số yếu tố lạc hậu, bảo thủ của truyền thống trở thành lực cản của hiện đại; trong quá trình phát triển, có những yếu tố của hiện đại không phù hợp, xung đột, mâu thuẫn với truyền thống. Mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay thực chất việc bảo tồn và phát huy các giá trị ngoại giao văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa và các giá trị tiến bộ của nhân loại trong quá trình hội nhập quốc tế. Xử lý tốt mối quan hệ này, một mặt chúng ta tăng cường được sức mạnh nội sinh và bản lĩnh văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu và hội nhập, mặt khác, chúng ta có điều kiện tiếp thu và tận dụng những thành quả khoa học - công nghệ và kỹ thuật hiện đại và các giá trị tiến bộ của nhân loại, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn
hiện nay có nhiệm vụ quan trọng trọng việc tiếp thu các giá trị đó để làm giàu có, phong phú hơn vốn văn hóa của dân tộc; đồng thời tích cực quảng bá các giá trị truyền thống tốt đẹp của ngoại giao văn hóa, phát huy truyền thống đó như một thế mạnh trong quá trình phát triển.
Ngoại giao văn hóa Việt Nam có lịch sử phát triển từ rất sớm với nhiều giá trị và bài học kinh nghiệm quý báu để lại cho đời sau, trong đó, tinh thần hòa hiếu, nhân nghĩa, khoan dung là một trong những giá trị nổi bật của truyền thống ngoại giao văn hóa Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tinh thần hòa hiếu, nhân nghĩa, khoan dung đã trở thành “sức mạnh mềm” của dân tộc, được Hồ Chí Minh phát huy và vận dụng thành công trong đường lối đối ngoại của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại: “Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập” [91; tr.199] và truyền thống đó vẫn được thể hiện trong đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng ta, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” đối với các quốc gia trước đây từng xâm lược nước ta như Trung Quốc, Pháp, Mỹ. Hiện nay, với chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia đã trở thành đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Điều đó đã mở ra cơ hội lớn cho chúng ta mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, có điều kiện thuận lợi để tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra với thế giới.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng tiềm ẩn nhiều hơn những yếu tố bất trắc, khó lường như hiện nay, tinh thần khoan dung, hòa hiếu, nhân nghĩa trong ngoại giao văn hóa sẽ càng trở nên có giá trị trong việc xóa nhòa đi những hận thù, kéo gần khoảng cách giữa ta với thế giới bên ngoài cũng như trong việc giải quyết mọi va chạm, xung đột nảy sinh trong quan hệ quốc tế. Do đó, việc nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống các giá trị văn hóa và truyền thống ngoại giao văn hóa của dân tộc và các giá trị ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận và là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu để Đảng và Nhà nước đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách ngoại giao văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, việc tiếp thu các giá trị hiện đại từ bên ngoài cũng đặt ra vấn đề cần phải tiếp thu một cách có chọn lọc các giá trị nhằm phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhưng đồng thời phải tương hợp với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tránh sự xâm nhập một cách ồ ạt, không phân biệt được giữa giá trị văn hóa và phản văn hóa, dẫn đến tình trạng lai căng, mất gốc, tác động tiêu cực đến văn hóa truyền thồng và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
3.3.2. Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ, giữ gìn bản sắc dân tộc với tiếp biến, hội nhập quốc tế trong xây dựng ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay
Giữ vững độc lập, tự chủ, giữ gìn bản sắc dân tộc là một truyền thống đồng thời là một nguyên tắc trong đường lối đối ngoại về văn hóa của Đảng ta. Tinh thần độc lập, tự chủ thể hiện bản lĩnh của mỗi dân tộc, là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh - động lực quan trọng của quá trình phát triển. Trong ngoại giao văn hóa, tinh thần độc lập tự chủ thể hiện ở chỗ: bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nước ngoài, chúng ta vẫn luôn cố gắng gìn giữ những nét độc đáo của văn hóa dân tộc, chống lại sự lai tạp, đồng hóa văn hóa của nước ngoài, thể hiện tinh thần tự hào, tự tôn đối với văn hóa dân tộc mình.
Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa và hội nhập quốc tế giúp cho mỗi dân tộc tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhưng cũng đang làm cho các dân tộc phải đứng trước nguy cơ xâm nhập, bành trướng của văn hóa ngoại lai, làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam hiện nay đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới để làm phong phú nền văn hóa dân tộc; tăng thêm sự hiểu biết của chúng ta với thế giới bên ngoài và rút ngắn dần những khoảng cách văn hóa do sự khác biệt của các nền văn hóa tạo ra. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của văn hóa và lối sống phương Tây đến lối sống của nhân dân ta hiện nay cũng khá rõ rệt. Đây là biểu hiện của sự xa rời truyền thống, xa rời bản sắc dân tộc. Đảng ta đã nhận định: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống
thực dụng, cá nhân, vị kỷ… đang ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của dân tộc” [31, tr.46].
Nhận thức rõ vấn đề này, Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hội nghị còn đưa ra định nghĩa về bản sắc dân tộc nhằm xác định rõ nội hàm của “đối tượng” đang cần được bảo vệ, gìn giữ và phát huy: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo” [32, tr.56]. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Bởi, bản sắc văn hóa dân tộc vừa được ví là “bộ gien” di truyền của văn hóa dân tộc, vừa là cái “thẻ căn cước” của mỗi dân tộc trong quá trình hội nhập. Nếu trong quá trình giao lưu, hội nhập để dẫn đến thay đổi bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi lối sống, tức là dẫn tới sự thay đổi hệ giá trị, sẽ dẫn đến những nguy hại khôn lường cho cả một dân tộc. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện nay là, tích cực, chủ động hội nhập để tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới nhưng phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không được đánh mất mình hay trở thành cái bóng của kẻ khác. Làm được điều này có nghĩa là chúng ta đã xây dựng cho mình được thái độ tự tin, tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ với quốc gia, dân tộc khác trong ngoại giao văn hóa.