Nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế (Trang 39 - 44)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.1. Một số khái niệm liên quan đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực

2.1.1. Nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao

* Khái niệm nguồn nhân lực

Theo quan niệm của Ngân hàng thế giới (WB), nguồn nhân lực được coi là một nguồn vốn (vốn người) để phân biệt với các nguồn vốn khác như tài chính, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên. Nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người với thể lực, trí tuệ, kỹ năng nghề nghiệp mà cá nhân họ sở hữu. Cơ quan Phát triển của Liên hợp quốc - UNDP cũng cho rằng: “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước” [179, tr. 8]. GS. TS Hoàng Chí Bảo, GS.TS.VS. Phạm Minh Hạc, GS.TS. Lê Du Phong, TS Lê Thị Hồng Điệp cũng đồng quan điểm khi quan niệm: nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội thông qua những khả năng về thể lực (thể trạng sức khỏe), trí lực (trình độ chuyên môn, trí tuệ, tính sáng tạo, kỹ năng làm việc...) và tâm lực (tâm lí, phẩm chất đạo đức, mong muốn, nhu cầu...) cùng tính năng động xã hội của con người.

Tuy nhiên, một số quan niệm lại quan tâm đến kết cấu của nguồn nhân lực. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nguồn nhân lực là toàn bộ số người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động, được hiểu: Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển; theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế -

xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia quá trình lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân có thể tham gia quá trình lao động7. Các nhà quản lý thì cho rằng nguồn nhân lực bao gồm lực lượng lao động và lao động dự trữ, nó được xác định dựa trên quy mô dân số, cơ cấu lứa tuổi, giới tính và mức độ tham gia làm việc của các bộ phận dân cư. Tác giả Trần Thị Tâm Đan cũng cho rằng, nguồn nhân lực là tổng thể sức dự trữ, những tiềm năng, những lực lượng thể hiện sức mạnh và sự tác động của con người vào việc cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội.

Xuất phát từ những quan niệm trên đây, luận án xác định nội hàm nguồn nhân lực với một số đặc trưng cơ bản sau đây: (1) Nguồn nhân lực nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội bao gồm những người đang tham gia và sẽ tham gia vào quá trình lao động sản xuất; (2) Cấu trúc của nguồn nhân lực bao gồm thể lực (thể trạng sức khỏe), trí lực (trình độ chuyên môn, trí tuệ, tính sáng tạo, kỹ năng làm việc...) và tâm lực (tâm lí, phẩm chất đạo đức, mong muốn, nhu cầu...) của con người; (3) Nguồn nhân lực đóng vai trò động lực phát triển của quốc gia.

Trên thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận của nguồn nhân lực nên việc xác định những đặc trưng cơ bản của nguồn nhân lực là cơ sở rất quan trọng cho việc nghiên cứu những khái niệm như “nguồn nhân lực chất lượng cao”, “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

* Khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao

Đây là một khái niệm mang tính lịch sử bởi ở mỗi giai đoạn phát triển, theo yêu cầu của thực tiễn, con người lại có những tiêu chí và cách gọi tên khác nhau để chỉ bộ phận tinh túy, đóng vai trò “đầu tầu” định hướng, dẫn dắt lực lượng lao động còn lại. Ở Việt Nam, “Nguồn nhân lực chất lượng cao” là một thuật ngữ xuất hiện khá phổ biến trong những năm gần đây do những yêu

7 Tạp chí Cộng sản (2012), “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Báo cáo đề dẫn, Tổng thuật và kết luận Hội thảo khoa học, (839) (9), tr.39-51.

cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của một nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Bắt đầu từ Đại hội X (2006), sau đó là Đại hội XI (2011) và Đại hội XII (2016) Đảng ta đã chính thức sử dụng thuật ngữ “Nguồn nhân lực chất lượng cao” để khẳng định sự hiện diện của một bộ phận nhân lực đầu tàu, đóng vai trò quyết định, “khâu đột phá” trong quá trình phát triển của đất nước. Văn kiện nêu rõ: “Thông qua việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam” [60, tr. 34].

Khi bàn về nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta thấy có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Trong bài nghiên cứu của mình, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn đã đưa ra khái niệm: Nguồn nhân lực có chất lượng cao là khái niệm chỉ lực lượng lao động có học vấn, có trình độ chuyên môn cao và nhất là có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, là một yếu tố then chốt nhằm phát triển kinh tế bền vững.

Theo quan điểm của GS.TS. Nguyễn Văn Khánh thì "Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, bao gồm những người có học vấn từ trình độ cao đẳng, đại học trở lên, đang làm việc trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng nói riêng và cho toàn xã hội nói chung" [102, tr. 41].

PGS Đàm Đức Vượng thì cho rằng, nhân lực chất lượng cao là đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đội ngũ doanh nhân, các chuyên gia, tổng công trình sư, kỹ sư đầu ngành, công nhân có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực quản lí, nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, giải quyết những vấn đề cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước8.

8 http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/3663.nhan-luc-chat-luong-cao-quan-niem-va-nhu-cau-hien- nay-lien-he-voi-truong-hop-tinh-lam-dong.html, 08/03/2014

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm thì đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao từ 4 tiêu chí: (1) Có trình độ chuyên môn cao và năng lực thực tế để tạo ra kết quả cao, vượt trội, cạnh tranh; (2) Có khả năng thích ứng nhanh với môi trường lao động và tiến bộ khoa học công nghệ mới; (3) Có đạo đức và tác phong kỷ luật cao; (4) Có khả năng tư duy đột phá hay còn gọi là tính sáng tạo.9

Trong luận án tiến sĩ của mình, tác giả Lương Công Lý định nghĩa: Nguồn nhân lực chất lượng cao là "bộ phận chất lượng cao của nguồn nhân lực, thể hiện sức mạnh và vai trò "đầu tàu", nòng cốt trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước [118, tr. 28].

TS Bùi Đại Dũng và PGS.TS. Nguyễn Minh Phương quan niệm: Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường (yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước), có kiến thức chuyên môn, kinh tế, tin học, ngoại ngữ; có kỹ năng kỹ thuật, năng động, sáng tạo, hợp tác và thái độ, tác phong làm việc tốt... Nguồn nhân lực chất lượng cao là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, khả năng lao động và có những đóng góp cao hơn mặt bằng lao động xã hội ở mức độ nhất định [32, tr. 38].

Đối với nước ta hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng xác định rõ trong Đại hội XI, đó là bộ phận chất lượng cao của nguồn nhân lực, bao gồm những người không chỉ có tài năng, chuyên môn giỏi theo lĩnh vực hoạt động và chuyên môn của mình, mà còn có đầy đủ đạo đức của người cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thật sự “vừa hồng, vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy. Đó là những người “giỏi”, “đầu đàn” trên tất cả các mặt, các lĩnh vực hoạt động, đóng vai trò nòng cốt trong nguồn nhân lực quốc gia. Đại hội cũng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, song “Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo,

9 http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/3663.nhan-luc-chat-luong-cao-quan-niem-va-nhu-cau-hien- nay-lien-he-voi-truong-hop-tinh-lam-dong.html, 08/03/2014

quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn” [43, tr.130].

Như vậy, có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao song điểm chung ta thấy có hai xu hướng quan niệm chính: (1) Theo cách hiểu mang tính chất định tính thì nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của lực lượng lao động, có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc, có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của cộng đồng cũng như của toàn xã hội. (2) Theo cách hiểu mang tính chất định lượng thì nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu theo các cách khác nhau: Một là, nguồn nhân lực chất lượng cao là những người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hai là, coi nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách, nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng… Thậm chí, một số nhà nghiên cứu lại đưa ra cách hiểu hẹp hơn nữa, chỉ xem những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mới là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên cơ sở những cách quan niệm trên, tác giả cho rằng: Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận chất lượng cao, đang tham gia và sẽ tham gia vào quá trình lao động sản xuất, thể hiện vai trò "đầu tàu" của nguồn nhân lực; có thể lực tốt, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao, có tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với những biến đổi của quá trình hội nhập;có kỹ năng và những phẩm chất tâm lý xã hội chuẩn mực, đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với những đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Theo đánh giá của các nhà khoa học: Trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật của mỗi cá nhân ở một tổ chức, địa phương hay một quốc gia phản ánh tiềm năng khoa học và công nghệ của tổ chức, địa phương hay quốc gia đó.

Nước nào có tỷ lệ người có trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật cao sẽ có khả năng đáp ứng lao động có yêu cầu phức tạp và kỹ thuật cao10. Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phần lớn là những người được đào tạo trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng, đại học trở lên ứng với thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành phù hợp đáp ứng tính chất và yêu cầu công việc mà sau khi tốt nghiệp họ đảm nhận. Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập cũng phải đảm bảo tình trạng thể lực tốt, tính năng động, sáng tạo để thích ứng và làm chủ tình tình; có khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học tốt cùng với những kỹ năng và phẩm chất tâm lý xã hội chuẩn mực (kỹ năng: làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, quản lí công việc, lãnh đạo...; phẩm chất tâm lý xã hội: đạo đức trong sáng, ý chí, nghị lực, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng...) đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc để tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với những đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước...

Tuy cách hiểu này sẽ không bao hàm được một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao mặc dù không qua đào tạo nhưng bằng khả năng tự học, truyền nghề, họ trở thành những nghệ nhân, những con người có năng lực, hiểu biết chuyên sâu với những kỹ năng và bí quyết nghề mà ít người có được. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt thời gian, kinh phí, tài liệu... vấn đề lại liên quan đến địa bàn trải rộng trên cả nước nên luận án chưa có điều kiện thống kê được bộ phận này. Đây sẽ là một nhiệm vụ mà tác giả sẽ phải tiếp tục thực hiện để có cái nhìn đầy đủ và hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)