Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.4. Giải pháp về kinh tế, tài chính
Thứ nhất, cần xây dựng một nền kinh tế hiện đại, tạo môi trường, điều kiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh hội nhập, tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở khai thác các thành quả cách mạng khoa học - công nghệ, hiện đại hóa cơ cấu và thể chế quản lý gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa mô hình tăng trưởng theo chiều rộng với mô hình tăng trưởng theo chiều sâu nhưng cần đặc biệt chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu và phát triển bền vững. Với đặc thù một quốc gia đang phát triển, ở thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc kết hợp hài hòa mô hình tăng trưởng càng trở nên quan trọng. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất chủ yếu bằng tăng các yếu tố đầu vào: vốn, lao động và tiêu hao vật chất mà không kèm theo tiến bộ công nghệ. Tăng trưởng theo chiều rộng là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất, nó nhanh chóng khai thác được các nguồn tự nhiên, thu hẹp nạn thất nghiệp,... nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tới một thời điểm nào đó sẽ xuất hiện bế tắc xã hội... Chính vì vậy, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chủ yếu hướng tới giải quyết công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực phổ thông.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta cần đặc biệt coi trọng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Mô hình này có đặc trưng chủ yếu là nâng cao hiệu quả của tất cả các yếu tố truyền thống trên cơ sở tiến bộ kỹ thuật, còn được gọi là năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity). Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu có tính đặc thù và ưu điểm là: Tiến bộ khoa học kỹ thuật đóng vai trò chính trong quá trình tăng trưởng; không chỉ tăng tổng khối lượng mà còn tăng cả chất lượng sản phẩm; giảm chi phí lao động và tư liệu sản xuất tính trên một đơn vị thu nhập quốc dân, giảm giá trị một đơn vị sản phẩm. Trong tổng khối lượng sản xuất, tỷ trọng của các ngành có hàm lượng khoa học cao tăng lên; tỷ trọng sản phẩm trung gian giảm và tỷ trọng sản phẩm cuối cùng đi vào tiêu dùng tăng lên tương ứng, do vậy mà nâng cao được hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người lao động.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, Việt Nam cần xác đinh cho mình một cơ cấu kinh tế phù hợp, hướng tới đón nhận và khai thác những lợi thế cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế mang lại. Chính vì vậy, chúng ta cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu phát triển nguồn nhân
lực theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trước tiên, cần xác định đúng đắn lợi thế của đất nước để tập trung các nguồn lực phát huy lợi thế. Nhìn lại quá khứ, những năm 70 của thế kỳ XX, do không xác định đúng đắn lợi thế của đất nước, quá nhấn mạnh đến “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…” nên đất nước đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề về kinh tế xã hội, chỉ số lạm phát tăng vọt. Việc thực hiện ba chương trình mục tiêu “lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu” là một chủ trương đúng đắn, phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế của đất nước, trở thành cứu cánh đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và đi lên với những thành tựu to lớn. Năm 1996, Đại hội VIII đánh dấu bước chuyển mình của đất nước chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong các Đại hội tiếp theo, chúng ta xác định mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta cố gắng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Song thực tiễn phát triển đất nước từ 1996 đến nay, chúng ta thấy công nghiệp chưa thực sự phát huy được vai trò tương xứng với sự đầu tư, thậm chí mang lại nhiều hệ lụy vô cùng đáng tiếc. Trong khi đó, chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động tiếp tục bị dồn nén trong khu vực nông nghiệp. “Năm 2015, tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm 48% việc làm nhưng chỉ tạo ra khoảng 20% GDP. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp của Việt Nam xếp hàng những nước lạc hậu nhất trong khối ASEAN (Sau cả Lào, Ấn Độ, Myanmar)” [174, tr. 161]. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa có sự quan tâm, đầu tư tương xứng cho nông nghiệp, thiếu nhân lực chất lượng cao để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp. Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng, Chính phủ đặc biệt chú trọng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một sự chuyển hướng chỉ đạo đúng đắn và kịp thời trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy, bên cạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu
phát huy lợi thế đất nước và hội nhập quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh phát triển nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, chúng ta cần chú trọng hơn nữa phát triển thị trường lao động cho các ngành mũi nhọn, công nghệ cao yêu cầu lao động có trình độ kỹ thuật phù hợp (điện tử, cơ khí, vật liệu mới, năng lượng, y tế, tài nguyên môi trường…), các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đòi hỏi kỹ năng mới và trình độ lành nghề (bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để thực hiện tốt những giải pháp này, trước mắt, cần tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao nói riêng, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực. Cần hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực chất lượng cao trên địa bàn cả nước nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cơ quan này phải được đầu tư xứng tầm với vị trí, vai trò của nó trong công tác quản lí, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho hội nhập và phát triển.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển nhân lực chất lượng cao
Trong thực tế, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào công cuộc phát triển nhân lực chất lượng cao quốc gia. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao (đào tạo cấp thạc
sỹ, tiến sỹ) cho tất cả các lĩnh vực/ngành kinh tế. Trong đó, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hợp lý để đào tạo những nhóm nhân lực có vai trò quan trọng, then chốt, những ngành/lĩnh vực mũi nhọn ưu tiên như đội ngũ lãnh đạo, tham mưu (công chức, viên chức), khoa học, công nghệ, giáo viên, giảng viên, doanh nhân, y tế. Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đào tạo nhân lực chất lượng cao theo mục tiêu ưu tiên.
Bổ sung, sửa đổi những nội dung về sử dụng ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao theo hướng đa dạng hoá đối tượng thụ hưởng, chuyển mạnh sang cơ chế cấp ngân sách căn cứ vào kết quả đầu ra của phát triển nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực chất lượng cao.
* Đối với việc huy động vốn từ người dân
Nhà nước có cơ chế, chính sách mạnh để tăng cường huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực chất lượng cao bằng các hình thức: trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, góp vốn, mua công trái, hình thành các loại quỹ khuyến học của cộng đồng, học bổng, quỹ hỗ trợ nhân tài, các giải thưởng khoa học công nghệ...; kêu gộ đóng góp từ thiện (bằng tiền, đất đai, máy móc, thiết bị…) cho các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao và những người được đào tạo.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ghi công và khen thưởng xứng đáng để khuyến khích tất cả công dân, các tổ chức kinh tế, xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư tổ chức huy động và đóng góp tài lực, vật lực, đất đai... cho phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
* Đối với việc huy động vốn từ các doanh nghiệp và tổ chức.
Pháp lý hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển của nhân lực chất lượng cao Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo trong doanh nghiệp nhằm trực tiếp đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hoặc tăng nguồn kinh phí của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Mở rộng hình thức đào tạo nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trực tiếp thành lập các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp (bao gồm các trường đại học, trường cao đẳng và cơ sở dạy nghề) hoặc tham gia góp vốn vào các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao (FPT là một điển hình).
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi (vốn, đất đai, thuế, cơ chế, chính sách…) đối với các doanh nghiệp có cơ sở đào tạo hoặc phối hợp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo thực sự phù hợp và đáp ứng nhu cầu xã hội; thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các hãng, tập đoàn sản xuất - kinh doanh có khoa học và công nghệ, kỷ luật lao động, kỷ luật công nghệ, khả năng thích ứng và các phẩm chất khác của lao động quốc tế thông qua môi trường giáo dục huấn luyện, đào tạo và tạo ra các quy trình, tiêu chuẩn hoạt động tại các cơ sở.
* Đối với việc huy động các nguồn vốn nước ngoài
Tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, FDI, viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát triển nhân lực chất lượng cao. Tập trung các nguồn vốn ODA, FDI để
xây dựng các cơ sở đào tạo (trường đại học, trường dạy nghề) đạt trình độ quốc tế.
Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát triển nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở cam kết lộ trình ra nhập WTO và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chung, thực hiện bình đẳng những quy định pháp luật (kể cả hỗ trợ, ưu đãi) đối với tất cả các cơ sở đào tạo nhân lực trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài.
Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA để phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao, tập trung cho việc nâng cao chất lượng để đạt được tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Lồng ghép mục tiêu phát triển nhân lực chất lượng cao vào các dự án có nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác.
Tăng cường xúc tiến đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích các nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực để thực hiện những mục tiêu về nâng cao thể lực, đào tạo nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn ưu tiên (công nghệ thông tin, tự động hoá, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường), các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu lớn và năng lực (y học hiện đại, công nghệ biển) và quản lý (hoạch định chính sách, quản lý hành chính công, quản trị kinh doanh…).