Kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế (Trang 68 - 70)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.5. Kinh nghiệm quốc tế (Mỹ, Nhật Bản, Singapore) về phát triển nguồn

2.5.1. Kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các quốc gia phát triển đều như Mỹ, Nhật Bản, Singapore đều đặc biệt coi trọng giáo dục, ưu tiên đầu tư lớn cho giáo dục đào tạo, coi đó chìa khóa cho sự thành công.

Về mô hình đào tạo, Mỹ đã thực hiện rất thành công mô hình giáo dục đại học với hai đặc trưng cơ bản là tính đại chúng và tính khai phóng, phát triển song hành hệ thống những trường đại học cộng đồng và trường đại học nghiên cứu lớn, hướng tới mục tiêu tạo ra những con người tự do với cơ chế tự trị, tự chủ trong giáo dục đại học. Singapore, Nhật Bản cũng xây dựng cho mình được một hệ thống các trường quốc gia, quốc tế nổi tiếng phục vụ cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các quốc gia này hiện cũng đang sở hữu những trường nổi tiếng nhất thế giới. Theo công bố kết quả xếp hạng 200 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2015-2016 do Times Higher Education (THE), một tổ chức xếp hạng các trường đại học thế giới có uy tín thực hiện thì Mỹ có 63 trường, Singapore có 2 trường, Nhật có 2 trường15.

Xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục khoa học,

15 http://www.hdcdgsnn.gov.vn/index.php/tin-tuc/tin-qu-c-t/682-x-p-h-ng-cac-tru-ng-d-i-h-c-th-gi-i-nam- 2015-2016, Cập nhật lần cuối: 23 Tháng 6 2016

phù hợp là một kinh nghiệm quý của các quốc gia nêu trên. Các quốc gia này đều đặc biệt coi trọng đến việc phát triển cá tính, sở trường, tạo lập môi trường tự do học thuật để khuyến khích đam mê và sáng tạo. Mỹ thành công với mô hình giáo dục khai phóng, Singapore nổi tiếng với phương châm “Nhà trường tư duy, Quốc gia học tập” (Thinking Schools, Learning Nation) và năm 2005 với khẩu hiệu “Dạy ít (hơn), học nhiều (hơn)” (Teach less, Learn more), từ bỏ cách dạy máy móc, kinh viện, học vẹt, học vì thành tích... chuyển sang cách dạy đào tạo nên những con người có tinh thần dân tộc, có năng lực tư duy sáng tạo, biết độc lập suy nghĩ. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản đã quyết định cải cách giáo dục theo hướng: tăng cường giáo dục tinh thần (emotional education) để tạo ra say mê đối với cuộc sống và ý thức quốc tế cho thế hệ trẻ; hiện thực hóa một hệ thống giáo dục giúp trẻ em phát triển tính cá nhân của mình và cung cấp các cơ hội đa dạng bằng cách mở rộng các lựa chọn chương trình và hệ thống giáo dục đa tuyến (multi- channel); tổ chức lại hệ thống nhà trường hướng tới thúc đẩy tính tự chủ của từng nhà trường thông qua các hoạt động điều hành nhà trường độc lập; khuyến khích cải cách nhà trường đại học và các hoạt động nghiên cứu.

Chú trọng dạy ngoại ngữ, coi tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong các trường học để mở đường, kết nối quốc gia với thế giới bên ngoài. Đây là điểm nổi bật trong cải cách nội dung và phương pháp giảng dạy của Singapore. Chính phủ đã cho thống nhất bốn chương trình giáo dục đơn ngữ thành một chương trình giáo dục song ngữ áp dụng trên toàn quốc, trong đó, ngoài tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc.

Để phát huy tối đa khả năng thích ứng và sáng tạo của người học, các trường đại học đặc biệt quan tâm tới việc phát triển đội ngũ giáo sư xuất sắc của nhà trường, quan tâm phát triển nhân lực khoa học công nghệ. Mỹ, Nhật, Singapore là những quốc gia điển hình trong việc thực hiện những chính sách

này. Để đào tạo và tạo bệ đỡ cho đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, chính phủ Mỹ đã xây dựng rất nhiều các chương trình của Quỹ Khoa học quốc gia ở cấp đại học và trên đại học với mức đầu tư kinh phí khổng lồ, thực hiện các chương trình nghiên cứu đặc biệt, chương trình đào tạo khoa học và công nghệ tài năng (Building Engineering and Science Talent – BEST) nhằm mục tiêu thu hút những người giỏi nhất, thông minh nhất, mở rộng quy mô nhân lực khoa học công nghệ, tạo ra lực lượng khoa học công nghệ trẻ, thay thế những người già.

Để đạt được chất lượng cao trong giáo dục, các quốc gia này đặc biệt quan tâm đầu tư lớn về tài chính cho các trường đại học còn các trường đại học lại đặc biệt quan tâm tới vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Ngân sách nhà nước cấp riêng cho giáo dục đại học ở Mỹ chiếm 2,7% GDP (châu Âu là 1,1% GDP và Trung Quốc là 0,5% GDP), chiếm khoảng 60% tổng số nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục đại học [70, tr. 76]. Hiện nay, toàn bộ chi tiêu cho giáo dục đào tạo hằng năm xấp xỉ 1.000 tỉ USD, trong đó giáo dục đại học chiếm khoảng hơn 700 tỉ USD16. Singapore dành khoảng 3% GDP những năm 1990, đã tăng dần lên 3,6%, 4% và dự kiến tăng lên tới 5% (tương đương khoảng hơn 10 tỉ đô Singapore) trong những thập niên đầu thế kỷ XXI [70, tr. 83].

Nhờ coi trọng giáo dục, xây dựng được mô hình, nội dung, chương trình giáo dục khoa học, thu hút được những giáo sư giỏi vào lĩnh vực này cùng đầu tư lớn về tài chính mà các quốc gia đã đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)