Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.3. Giải pháp về giáo dục đào tạo
Trước hết, cần đổi mới quan niệm, triết lý về giáo dục, đổi mới tiếp cận xây dựng nền giáo dục, thay đổi triết lý “học để biết” sang “học để làm việc”.
Trong thời gian gần đây, nhiều học giả cho rằng Việt Nam cần xác định cho mình một triết lí giáo dục, định hướng cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là việc làm rất quan trọng vì triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục, tổ chức giáo dục, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, trên đại học.
Đi tìm triết lý giáo dục, một số học giả lựa chọn các phương án như: “Tiên học Lễ. Hậu học Văn", “Học để biết”, "Con ngoan, trò giỏi" … Song, nhiều nhà khoa học lại cho rằng đó những phương châm này đã có từ hàng trăm năm, gắn với một xã hội thuần nông, hướng nội; nay thực tiễn đã thay đổi quá nhiều nên nó không còn là chuẩn mực nữa. Vì vậy, thiết nghĩ cần thay đổi triết lý giáo dục từ hướng đến ổn định chuyển sang hướng đến phát triển, từ “con ngoan trò giỏi” sang con có bản lĩnh, trò dám sáng tạo, từ “Học để biết” sang “Học để làm”, từ hướng nội đến hội nhập quốc tế, đào tào những “công dân toàn cầu”. Với triết lý đó, cần xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, chuyển mạnh từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực. Nhà trường, xã hội cần xác định đúng đắn mục đích của giáo dục và đào tạo là để nâng cao năng lực, tri thức chứ không phải vì điểm, vì bằng cấp. Phải quan niệm như vậy mới tránh được tình trạng mua điểm, mua bằng, bệnh thành tích, học giả thi thật…. như hiện nay. Cũng theo quan điểm chuyển từ truyền thụ tri thức sang phát triển năng lực thì phải chuyển từ cách học ghi nhớ lời thầy, nói và viết theo thầy sang khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo của người học, bởi sáng tạo chính là năng lực.
Kiểu triết lý giáo dục nào thì đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó. Để giáo dục có những bước đổi mới thực sự căn bản, toàn diện và đạt hiệu quả cao thì việc xác định một triết lí giáo dục đúng đắn phải được ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai, phải cải cách chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo phương châm thiết thực, bám sát yêu cầu của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế với những sản phẩm là những “công dân toàn cầu”, sáng tạo và thích ứng sự thay đổi.
+ Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu trang bị về kiến thức tiếp cận các chuẩn chung của thế giới (phần nội dung cứng) và phù
hợp với đặc điểm thực tế của đất nước, cũng như vùng, địa phương (phần nội dung mềm). Cải tiến phương thức tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
+ Đổi mới tổ chức xây dựng các chương trình đào tạo. Các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc soạn thảo và áp dụng chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập. Lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước, trước hết là trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, công nghệ-kỹ thuật, y học, nông nghiệp, một số ngành của khoa học kinh tế. Tạo dựng uy tín, trách nhiệm và thương hiệu cho mỗi cơ sở đào tạo thông qua nội dung chương trình, phương pháp và kết quả đào tạo.
+ Đẩy mạnh dạy và ứng dụng ngoại ngữ (trước hết là tiếng Anh), tin học trong các trường học. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu bởi ngoại ngữ, tin học chính là phương tiện, công cụ để kết nối, cập nhật, tiếp nhận và chuyển giao những thành tựu văn minh của nhân loại. Vì vậy, cần tổ chức dạy và học ngoại ngữ ngay từ cấp tiểu học, đồng thời cải tiến phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực45. Cải tiến nội dung và phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, học sinh có tư duy tốt, đồng thời có thể trực tiếp sử dụng ngoại ngữ để học tiếp ở các cấp học cao hơn và giao dịch thông thường bằng ngoại ngữ. Từng bước thí điểm và mở rộng việc dạy và học song ngữ trong trường phổ thông, trước hết là ở những nơi có điều kiện (khu vực đô thị, các thành phố lớn, khu kinh tế…). Thí điểm và tiến tới áp dụng rộng rãi việc giảng dạy bằng ngoại ngữ trong các trường đại học.
45 Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của CH Séc (soạn thảo năm 2000) coi việc phổ cập Tiếng Anh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Từ năm 2006, Hàn Quốc thực hiện cải tổ giáo dục, theo đó chủ trương mở rộng dạy tiếng Anh cho tất cả các cấp tiểu học từ năm 2008. Hiện nay Tiếng Anh được bắt đầu dạy từ lớp 3 đến lớp 6. Theo kế hoạch cải tổ, tiếng Anh sẽ được dạy ngay từ lớp 1. Học sinh ở các khu kinh tế tự do như Incheon, Busan, Chinhae, Kwangang và Jeju sẽ học các môn khoa học và Toán bằng tiếng Anh từ năm 2008.
Hiện nay, một số trường đại học đã có những bước đi tiên phong trong việc giảng dạy (hoặc kiểm soát chặt chuẩn đầu ra) bằng tiếng nước ngoài ở một số hệ, ngành, chuyên ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Hà Nội… Điển hình như Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức đào tạo 30 ngành đại học các hệ đặc biệt (4 ngành tài năng; 17 ngành chất lượng cao; 3 ngành tiên tiến; 6 ngành đạt chuẩn quốc tế) và 6 chuyên ngành sau đại học đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, sinh viên tài năng chỉ đào tạo ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên với 4 ngành là toán, vật lý, hóa học và sinh học với 263 sinh viên xuất sắc nhất của các ngành này đang theo học. Chuẩn đầu ra của chương trình về ngoại ngữ đòi hỏi sinh viên phải đạt C1 - tương đương 6.5 IELTS (tiếng Anh). Trường Đại học Kinh tế quốc dân hiện rất thành công với các chương trình đào tạo trong đó đặc biệt nhất là Chương trình tiên tiến (đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh) và Chương trình chất lượng cao (tiếng Anh chiếm 30%)… Sản phẩm của các hệ đào tạo này thực sự đạt chất lượng cao, được xã hội đánh giá và ghi nhận.
+ Đổi mới phương pháp giảng dạy trong toàn hệ thống giáo dục, đào tạo quốc gia theo hướng tùy thuộc từng cấp học, ngành học, loại hình đào tạo, đối tượng học viên... nhằm điều chỉnh chương trình giảng dạy. Phương pháp giảng dạy cần hướng tới bên cạnh truyền thụ tri thức thì việc trang bị cho người học những kỹ năng (tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm, ứng xử, giải quyết vấn đề, thuyết trình, xây dựng kế hoạch và tổ chức sự kiện, tư duy sáng tạo, lãnh đạo, quản lí…) là vấn đề vô cùng quan trọng. Cần thiết phải tăng cường thời gian thực hành, giảm thiểu lý thuyết, trao cơ hội chủ động học tập, nghiên cứu cho người học. Muốn vậy, cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo của người học trong quá trình học tập, trao cho họ cơ hội để tự nghiên cứu, tự học… dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, gợi mở của giáo viên để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo và người học chủ động trang bị kiến thức cho mình. Để phát huy được phương pháp thì cần thiết chế chương trình phù hợp,
giảm bớt lý thuyết, tăng thực hành, giảm giờ học lý thuyết để tăng cường giờ tự học, giờ thuyết trình, giờ tự khám phá kiến thức của học viên.
Nội dung giáo dục cần bảo đảm tính khoa học, cơ bản, hiện đại; nhưng tinh giản, dễ hiểu, lựa chọn những kiến thức có tính ứng dụng cao; chú trọng các môn khoa học xã hội - nhân văn; giảm gánh nặng học hành cho học sinh… Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy cần được cập nhật thường xuyên, bám sát thực tế, phù hợp/tiếp cận với hệ thống giáo dục khu vực và thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mỗi nhân lực chất lượng cao phải là một công dân toàn cầu song vẫn phải làm tròn vai của một đại sứ của Việt Nam. Vì thế, đổi mới nội dung giáo dục đồng nghĩa phải hình thành ở nguồn nhân lực chất lượng cao những tố chất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới như tố chất dân tộc, tố chất thích ứng và tố chất sáng tạo…
Tố chất dân tộc của nguồn nhân lực chất lượng cao thể hiện ở lòng yêu
nước và tinh thần tự hào tự tôn dân tộc. Tố chất dân tộc phải biến thành khát vọng thay đổi để thúc đẩy đội ngũ nhân lực chất lượng cao thực hiện những
hành động cụ thể, tạo lên sự chuyển mình thực sự cho đất nước. Vì thế, việc hình thành và phát huy tố chất dân tộc phải được coi là nội dung nền gốc trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nội hàm tố chất dân tộc gồm một số điểm như: (1) Sự quan tâm đến thực trạng lạc hậu của đất nước ở đội ngũ lãnh đạo quốc gia, (2) Sự dũng cảm của đội ngũ nhà khoa học xã hội trong việc đề xuất ý tưởng táo bạo nhằm tạo bước phát triển đột phá cho đất nước, (3) Mức độ trong sạch (thông qua chỉ số tham nhũng) của đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền, (4) Khát vọng của đội ngũ doanh nhân trong việc tạo lập văn hoá kinh doanh thích ứng với xu hướng phát triển của thời đại mới…
Thực tế Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá trình vực dậy nền kinh tế trên cơ sở phát huy trí tuệ và công sức của người lao động, của toàn dân tộc vẫn làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ. Những hình ảnh những công chức, cán bộ, nhân viên nhà nước sẵn sàng làm ngoài giờ mà không đòi trả công, sự hăng
say, miệt mài cống hiến của họ vì sự phục hưng của quốc gia thật đáng khâm phục. Điều đó chứng tỏ cả chính quyền lẫn người dân đều ý thức sâu sắc về tình trạng khó khăn, yếu kém và lạc hậu của đất nước. Với lòng tự hào tự tôn dân tộc, thực tế đó thật sự là một điều “sỉ nhục”. Chính vì vậy, cả chính quyền và hệ thống cán bộ, công chức đều làm việc theo tinh thần mỗi người đều gắng sức để cống hiến cho đất nước, để xây dựng và phát triển đất nước. Và kết quả, Nhật Bản, Hàn Quốc đã khôi phục và phát triển rất mạnh mẽ, trở thành những quốc gia có nền kinh tế phát triển rất mạnh mẽ.
Nhìn lại mình, chúng ta còn nhớ trong thời điểm lịch sử những năm 1945, khi dân tộc phải đối mặt với tình trạng đói rách và dốt nát cùng giặc ngoại xâm thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ với nhân dân: một dân tộc dốt, một dân tộc đói nghèo là một dân tộc yếu, một dân tộc hèn…
Tố chất thích ứng được biểu hiện ra ở khả năng tự điều chỉnh, khả năng
thích nghi để làm chủ trước sự thay đổi nhanh chóng của vốn tri thức nhân loại. Phải xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, hấp thụ vốn tri thức của thời đại mới, có khả năng thích ứng với sự thay đổi thì các quốc gia mới chủ động, tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế để tìm kiếm sự thành công. Điều đó có nghĩa là nguồn nhân lực chất lượng cao phải học cách chung sống với sự biến động và bất định, phải tìm cách thích nghi với nó, họ phải học cách tạo dựng một môi trường thực sự đón nhận sự đổi thay như là một cơ hội chứ không phải một mối đe doạ.
Tố chất sáng tạo thể hiện ở sự vượt trội, vượt trước hiệu quả cao trong
sáng tạo sản phẩm mới, trong tư duy, cách nghĩ, cách làm mới của nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp cho các quốc gia vượt lên trên, định hướng và làm chủ thời đại. Điều này có nghĩa là, xét về lâu dài, “chỉ đơn thuần bắt kịp cái mà người khác đã làm là cần thiết để tiếp tục sự có mặt trong cuộc chơi, nhưng cuối cùng thì kẻ chiến thắng sẽ là những ai có khả năng sáng tạo ra các cuộc chơi hoàn toàn mới” [139, tr. 137]. Ngày nay, sáng tạo và đổi mới đã trở thành một đặc tính văn hóa của những dân tộc biết vươn lên thích ứng với xu
hướng phát triển mới. Vì vậy, để hội nhập phát triển, các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam phải hình thành cho được tố chất sáng tạo ở đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phải tạo điều kiện tốt nhất cho sự đổi mới và sáng tạo, hình thành văn hoá đổi mới và sáng tạo.
Đổi mới các hoạt động kiểm tra, thi và đánh giá được coi là một mắt xích trọng yếu, một khâu cần “đột phá” của đổi mới giáo dục và đào tạo. Cần đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá một cách mạnh mẽ, nhằm bảo đảm độ tin cậy, chính xác, tính khách quan, trung thực về kết quả học tập của học sinh; làm cơ sở cho việc điều chỉnh cách dạy, cách học. Cụ thể là: Xác định đúng mục tiêu kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng và yêu cầu; xây dựng nội dung và hình thức kiểm tra, thi, đánh giá theo chuẩn năng lực; đánh giá được sự tiến bộ của người học; đổi mới việc ra đề thi, phương pháp xử lý kết quả và sử dụng kết quả. Cần làm rõ kiểm tra, đánh giá không chỉ tập trung vào việc xem học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không. Định hướng này buộc đề thi không thể chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo… Cần kết hợp kết quả của đánh giá thường xuyên với kết quả đánh giá cuối cùng. Học đến đâu kiểm tra, đánh giá đến đó, với các kỳ thi quan trọng, đề bài sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức và kỹ năng của nhiều lĩnh vực/môn học để giải quyết một vấn đề chung, liên quan nhiều đến thực tiễn.
Thứ ba, đổi mới công tác quản lý giáo dục
Theo quan điểm của nhiều nhà khoa học, công tác quản lí có tác động rất lớn tới chất lượng giáo dục đào tạo. Công tác này được ví như chiếc “Đầu tàu” kéo các toa phía sau là chương trình, nội dung, sách giáo khoa... Các toa sẽ không tiến lên được hoặc tiến lên rất chậm nếu chiếc đầu tàu không nhúc nhích hoặc nhúc nhích chậm chạp. Vì thế, nhiều người còn cho rằng, “khâu yếu kém nhất của giáo dục Việt Nam không phải là chương trình, nội dung,
sách giáo khoa... mà là quản lí giáo dục”46.
Chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng muốn giáo dục đào tạo phát triển được thì phải tăng cường công tác quản lí song đó phải là cách quản lí khoa học, tạo động lực, điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà trường, cho người dạy và người học. Trong một thời gian dài và ngay cả đến nay vẫn thế, thực trạng công tác quản lý giáo dục bộc lộ nhiều hạn chế. Xin đơn cử một vài nét sau đây: (1) Quản lí giáo dục quá chú trọng đến hồ sơ, sổ sách của trong khi đó, điều quan trọng nhất là kết quả, chất lượng, sự tiến bộ của người học thì chưa được quan tâm đúng mức và đúng cách; (2) Cơ chế đánh giá người dạy cứng nhắc, thiếu cơ sở, thiếu khoa học; (3) Bệnh thành tích còn quá nặng nề, trong lúc đó, kết quả và chất lượng giáo dục thực chất không kiểm soát được; (4) Đâu đó còn những cán bộ quản lí giáo dục có năng lực chuyên môn chưa tốt - nhưng "phán" các tiết dạy thì mang tính áp đặt chủ quan...