Chương 4 BÌNH LUẬN NGOẠI ĐỀ MANG MÀU SẮC CHÂM BIẾM
4.2. Châm biếm mang màu sắc trữ tình
4.2.2. Trữ tình trong những chiêm nghiệm về sự đời
Chủ nghĩa nhân đạo của Thackeray thấm đẫm trong những trang viết về sự sống, cái chết. Có lẽ cả cuộc đời con người, sự phát triển của nhân loại cũng chỉ xoay quanh hai vấn đề nhân sinh ấy. Trong các câu chuyện của mình, Thackeray không quên đưa ra kết cục cái chết của các nhân vật (đó là điều duy nhất ông kết luận về các nhân vật của mình: nhưng kết thúc ấy ai mà chẳng biết?). Ông nói tới cái chết của ông già Sedley, cái chết của nhà tư sản Osborne, của vị quý tộc Pitt Crawley, cái chết của hầu tước Steyne. Ông Sedley vui tính và hiền hậu đã trút hơi thở nhẹ nhàng, lặng lẽ ra đi trong vòng tay yêu thương của con gái “để cho cuộc sống với hết thảy những nỗi ưu tư cũng như những chuyện phù hoa trút theo hơi thở cuối cùng của mình”, kẻ quý tộc nông dân nổi tiếng về gia sản và thói keo kiệt Pitt Crawley sống trong sa đoạ nay chết trong cảnh thảm hại đáng thương: “Sau hơn bảy mươi năm trời mưu mẹo, vật lộn, rượu chè, tội lỗi, vơ vét chỉ còn lại một lão già ngơ ngẩn, suốt ngày rền rĩ khóc lóc, ăn nằm tắm rửa đều phải có người giúp như một đứa trẻ con”, lão Osborn sau bao khôn ngoan lừa lọc cũng về với đất trong sự vật vã, cố gắng thê thảm để trối trăng lại điều gì, gợi cho ta nghĩ có lẽ là sự hối hận. Mọi người cũng hẳn còn nhớ cái chết đáng tiếc của nhà đại quý tộc hầu tước Steyne, ông ta nằm xuống, cả một tờ tuần báo dành cho sự xưng tụng hùng hồn, nhưng cái còn lại mà đời nhớ được ông ta đó là sự tranh cãi kịch liệt về tờ di chúc ngài hầu tước để lại, quả là cái chết đậm chất hài hước! Nếu cuộc sống trần thế của những con người trong Hội chợ phù hoa này rực rỡ ánh hào quang, một thời tung hoành, ghê gớm, nổi tiếng đại tài, người đỉnh cao tiền bạc, kẻ đứng đầu thiên hạ về danh vọng đến đâu... thì cuối cùng khi đến điểm cuối của cuộc đời họ cũng trở nên thảm hại, đau khổ. Qua đó tiểu thuyết bộc lộ cái nhìn của tác giả ái ngại và đáng thương. Chết là hết nhưng với con người tận tình với cuộc sống như Thackeray ông không thể quên giờ khắc cuối cùng ấy, đó là hình ảnh duy nhất còn lại ghi dấu sự tồn tại chốc lát thoảng qua của con người trên cuộc đời này. Ngụ ý triết lí Thackeray tâm đắc toát lên toàn bộ tiểu thuyết: cái chết chính là một minh chứng sắc
nét để thấy rằng những bon chen danh lợi, những quyền quý cao sang, những thói lịch sự cao quý hay tiền tài địa vị so với cái chết, sự sống ngắn ngủi của đời người rồi cũng là phù du mây nổi.
Ông đã trực tiếp phát biểu quan điểm ấy qua những lời suy ngẫm triết lý trong bình luận ngoại đề và không quên nhắn nhủ với người đời: “Những ngày cuối cùng của đời tôi hoàn toàn trơ trọi, nhục nhã. Tôi cầu xin Bề trên tha thứ cho những sự yếu đuối đã qua, và xin phủ phục dưới chân Đấng tối linh rộng lượng, lòng đầy hối hận”. Bạn thử nghĩ xem, câu nói nào thích hợp nhất đối với tang lễ của bạn nhỉ?”. Ở điểm xuất phát (sự sinh) có thể mỗi người khác nhau nhưng ở điểm dừng cuối cùng (cái chết) ai cũng giống nhau cả thôi, có lẽ lúc ấy mới có công bằng, bình đẳng?. Điều suy nghĩ ấy luôn trăn trở day dứt ông khôn nguôi. Chỉ nhìn cái cửa tò vò quen thuộc trong kiến trúc các nhà cổ, nhà văn nghĩ tới vấn đề nhân sinh của đời người. Một cái cửa tò vò nhỏ bé chứng kiến bao nhiêu dấu vết sự kiện cuộc đời: “cái vòm cửa sổ này đã soi sáng chiếc cầu thang để cho người ta đi lên đi xuống, bế những đứa trẻ sơ sinh, dìu những ông bà già, dẫn các vị khách xuống nhà dự tiệc, viên mục sư đến làm lễ rửa tội, ông thầy thuốc vào phòng người ốm nghe bệnh, các bác phu đám lên gác hộ việc tang, ai mà không phải đi qua… Nếu ngài ngồi khoảng giữa mà ngó lên nhìn xuống bạn sẽ thấy cái cửa tò vò và cái cầu thang chính là cuốn nhật ký của sự sống chết và sự phù hoa vậy!...” [65,433-434]. Đằng sau cái chết chỉ còn lại sự vô danh vô nghĩa, tình người bạc bẽo dễ quên, ngay khi nói đến vấn đề đau đớn nhất của nhân loại - thể hiện sắc thái bi kịch cuộc đời, Thackeray vẫn pha chất hài hước xót xa chua chát khi ông tự phân vân loại người nào chết được người ta khóc nhiều nhất?!. Thật trớ trêu thay! Cuộc đời, cũng chỉ có cái chết mới định vị được giá trị, giúp người ta nhận được chân giá trị mà họ mong ước: “Một ngày kia, đến tuổi già, già mà giàu có, hoặc già mà nghèo khổ cũng thế, rất có thể ngài sẽ tự nhủ thế này: “Xung quanh ta thiên hạ ai cũng tốt cả; nhưng ta chết đi họ cũng chẳng buồn rầu lắm đâu. Ta có của, họ chỉ nghĩ đến chuyện xâu xé thôi… hoặc ta nghèo quá, họ chịu đựng ta đã quá mệt rồi.”
Có lúc giọng văn da diết trữ tình bởi lời chiêm nghiệm của người thấu hiểu lẽ đời trước một mảnh đời ông Sedley, từng lăn lộn với danh vọng tiền bạc, nay tuổi già ập đến cuối đời lại vật vã trong cảnh sa cơ lỡ vận: “Nhưng thưa bạn đọc, thử hỏi rằng chết trong cảnh phú quý tiếng tăm và chết trong cảnh bần cùng đau khổ, đằng nào sung sướng hơn? Kẻ được của rồi bắt buộc phải nhả ra là khổ hay người đã chơi trọn canh bạc thua cháy túi rồi lặng lẽ bước ra ngoài cuộc sống mới đáng thương? Cứ kể cuộc
đời đến một ngày kia, khi chúng ta phải nói rằng: “Mai đây thắng lợi hay thất bại đối với mình đều vô nghĩa; mặt trời cứ mọc, cái nhân loại vô vàn hỗn độn kia vẫn cứ làm việc hoặc giải trí như lệ thường, nhưng riêng mình sẽ bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn thì âu cũng là một cảm giác kỳ lạ vậy”. Thế rồi một buổi sớm kia, mặt trời vẫn mọc, và thiên hạ trở dậy, kẻ lo làm, người lo chơi như thường ngày, riêng ông lão John Sedley mãi mãi không phải vật lộn với số mệnh, không phải tính toán và cũng không còn hy vọng được nữa. Ông lão chỉ phải làm công việc cuối cùng là đi về nghĩa trang Brompton kiếm lấy một chỗ ở lặng lẽ và không người biết đến bên cạnh bà vợ già [65,436-437]. Đây là những lời trữ tình thống thiết nhất về số phận con người, những cái còn - mất, cái hữu hạn - cái vĩnh cửu của cuộc đời. Chúng thể hiện “nỗi buồn thấm thía của kiếp làm người” (Hồ Anh Thái) ở một nhà văn sống hết mình với cuộc đời và nghệ thuật.
Là một vị triết nhân thấu hiểu lẽ đời, càng suy ngẫm về cái giá của sự chết, Thackeray càng nâng niu, trân trọng sự sống nơi tồn tại đích thực điều mơ ước của con người: Tình yêu và Hạnh phúc. Tuy nhiên đáng tiếc thay người đời không phải ai cũng thấu hiểu điều đó. Kẻ sẵn sàng đánh đổi tình yêu và hạnh phúc để lấy tiền tài danh vọng là những kẻ không hề biết đến giá trị của nó, người đeo đuổi nó bằng được lại thường ảo tưởng về nó: “Cặp trai gái này, mỗi người cũng đủ tiêu biểu cho sự phù phiếm của cuộc đời ta đang sống, vì hai bên cùng khao khát điều mình không đạt tới được” [65,146]. Vì thế Tình yêu - Hạnh phúc trong cuộc đời này chỉ như điều ước xa vời. Có lẽ chúng được xem là linh thiêng cao cả vì đã mấy ai chạm tới chúng, nhận ra chúng để giữ gìn cho riêng mình: “Phải chăng lúc đã chiếm được phần thưởng - tức là thiên đường trong cuộc sống - thì con người may mắn ấy lại bỗng cảm thấy hoài nghi và không thoả mãn? Thường thường sau khi đã để cho đôi nhân vật nam nữ của mình thành vợ thành chồng, nhà tiểu thuyết vẫn buông tấm màn xuống, coi như tấn kịch đã trọn; ấy là lúc những nỗi băn khoăn, những sự vật lộn trong cuộc đời đã chấm dứt, như thể một khi người ta leo lên được cõi niết bàn của cuộc sống gia đình, thì thấy cỏ cây tươi tốt bốn mùa, mọi sự đều đáng hài lòng cả. Hai vợ chồng chỉ còn một việc là ghì chặt lấy nhau mà thơ thẩn đi xuống cái dốc dẫn đến tuổi già, đầy hạnh phúc” [65,484]. Thackeray chế giễu sự nhìn nhận nông nổi của các nhà tiểu thuyết trong các phần kết, vội vàng trao phần thưởng cho nhân vật ngập tràn hai thứ tuyệt diệu của nhân gian và cứ thế nhân vật hưởng chúng đến suốt đời. Những thứ ấy, chúng là vĩnh cửu sao?. Xuyên suốt trong những lời bình luận Thackeray luôn đau đáu câu hỏi về nhân sinh,
thế sự. Con người luôn đeo đuổi khát vọng và nỗ lực tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, vì sao khó có thể đạt được chúng? Từ tinh thần toàn câu chuyện, Hội chợ phù hoa dường như là quá trình tự tìm câu trả lời của ông. Dục vọng con người quá lớn, họ không bằng lòng với những gì mình có. Cứ như một lực hút mãnh liệt, con người giống những con rối bị xoáy trong guồng quay bất tận của cuộc đời: “...Nhưng ai là người biết được mình đang có hạnh phúc? Liệu trong chúng ta, ai có thể chỉ cho rõ ràng rằng đâu là tột đỉnh của hạnh phúc loài người?” [65,468]. Thackeray giống như một nhà thông thái vui vẻ, thấu hiểu lẽ đời nên tĩnh tại ung dung khi tổng kết quy luật về lỗi lầm có tính chất “tiền kiếp”, “tiền định” của loài người.
Thành phần ngoại đề của Thackeray không phải là sự “phóng bút” của vốn hiểu biết giàu có hay sự “cất cánh” của một tâm hồn lãng mạn đầy chất thơ như ở tác phẩm V.Hugo, nó có cái đẹp triết lí và chất thơ của sự suy tưởng. Vì thế nhiều lúc nhà văn đã dẫn dắt linh hoạt đưa bạn đọc đến với những nhận định triết lý có tính chất phổ quát chiêm nghiệm, khi lại ngậm ngùi với giọng điệu da diết trong cảm xúc hồi tưởng hướng nội: “Chiếc cổng này cùng khu Hội chợ bây giờ đã lui vào bóng tối của dĩ vãng rồi. Một lúc sau xe chạy qua hiệu “Con gấu trắng” ở Piccadilly; sương sớm từ những khu vườn chợ ở Kwaibregio toả lên mờ mịt... rồi lại đi qua Tonham Gain, Brentford, Bagasot... ta chẳng cần nhắc lại làm gì. Nhưng ngày xưa, kẻ viết những dòng này cũng đã có dịp qua cùng một con đường, trong cùng một thời tiết sáng sủa như trong truyện, không thể nào nghĩ lại mà không cảm thấy đôi chút ngậm ngùi nhớ tiếc một cách êm đềm. Con đường và những chuyện vặt xảy ra hàng ngày của nó còn đâu nữa. Còn đâu nữa những Chelsea hay Greenwich và những bác xà ích thực thà mũi đỏ như cà chua? Không biết những anh chàng tốt bụng ấy bây giờ đâu cả rồi? Anh chàng Wenlock còn sống hay đã chết rồi? Và cả những quán rượu, cả những người hầu bàn dọn ăn trong đó, những khoanh thịt bò nguội cả cái anh bồi ngựa lùn tè có cái mũi tái xanh, xách cái thùng nước kêu lanh canh, bây giờ anh ta ở đâu, hoặc con cháu anh ta ở đâu? Đối với những thiên tài lớn hiện nay đang còn quấn tã - những người sẽ viết truyện cho con cháu yêu quý của các vị độc giả coi thì những nhân vật và sự việc trên đây sẽ có tính chất truyền kỳ chẳng khác gì chuyện Nineveh, hoặc Sư-tử-tâm hoặc Jack Sport. Đối với họ, chuyến xe ngựa sẽ thành tiểu thuyết... chuyện một bầy bốn con ngựa lồng cũng ly kỳ như chuyện Buxeflus hay chuyện Beck. Gớm, lông ngựa bóng nhẫy; mấy anh bồi ngựa cất áo ngựa đi, thế là ngựa đi thế ngựa phi nước đại; chao ôi, đuôi chúng cứ vẫy tít lên, lúc đến trạm nghỉ; mấy con ngựa yên lặng đi vào trong sân quán rượu, lưng
bốc hơi. Than ôi? Còn bao giờ chúng ta được nghe tiếng xà ích rúc còi lúc nửa đêm, và được trông thấy thoáng cánh cổng ghép bằng gỗ vát nhọn mở tung ra nữa? Giờ đây, chiếc xe ngựa nhỏ. Thôi, chúng ta cũng chẳng nên nghĩ ngợi lan man nữa” [65,156]. Những đoạn trữ tình như thế này tuy xuất hiện không nhiều nhưng nó đủ làm cho người ta xốn xang khôn nguôi, nỗi nuối tiếc đến u hoài. Câu chữ đầy chất thơ và mượt mà của nó để lộ vẻ duyên dáng thanh thoát của ngôn ngữ Anh gợi nhớ đến dáng vẻ hình thức văn học cổ xưa.
Trong lời bình luận ngoại đề dù tràn ngập niềm suy tưởng, Thackeray cũng luôn có một cái nhìn đau đáu về thời gian quá khứ. Con mắt nhìn hoài cổ của Thackeray, chắc chắn đã trở thành chuyện thường tình trong giới nhà văn và độc giả quen thuộc phong cách của ông. Những năm đầu của thế kỷ, Chesterton đã gọi ông ấy là tiểu thuyết gia của ký ức. Lật giở những trang trong tiểu thuyết Pendenis chúng ta cảm nhận rõ hơn nỗi da diết của ông trong dòng chảy của thời gian: “À, chúng ta đang nói về những khoảng thời gian xưa cũ ấy, khi người ta còn trẻ, khi hầu hết mọi người xung quanh còn trẻ. Những người khác vẫn còn trẻ, nhưng chúng ta thì đã già mất rồi” [119,173]. Không chỉ là tuổi trẻ và tuổi già, không chỉ là quá khứ và hiện tại đối nghịch nhau, nhưng ngay cả lý tưởng hóa và châm biếm; ảo mộng và thức tỉnh, những đam mê phóng đại và lý lẽ cứng rắn; tất cả đều được kết nối bởi một ý thức lan tỏa rằng ở đây chúng ta không chỉ có tuổi già hay càu nhàu đang phán xét tuổi trẻ hoang dại mà còn là những gã già nhìn lại quá khứ với cảm xúc thông cảm và khinh miệt lẫn lộn.
Ý thức về thời gian cũng luôn bị bắt gặp trong Henry Esmond. Dòng chảy của cuộc sống, ý niệm về sự trôi chảy của thời gian hiện rõ trên các trang viết của Thackeray. Có những nhân vật được miêu tả như thể trẻ mãi không già, sự trẻ trung dường như là vĩnh cửu, họ không hề bị tác động bởi sự chuyển động của thời gian. Đối với các nhà văn khác, thời gian vẫn trì trệ và tĩnh tại hoặc sẽ di chuyển bất ngờ như một bước nhảy vọt. Với Thackeray, thời gian trong truyện của ông chuyển động trôi chảy, mượt mà và tự nhiên hơn. Bạn đọc được chứng kiến Esmond từ tuổi ấu thơ đến tuổi trẻ, từ thanh niên đến tuổi trung niên, chứng kiến cả tình yêu của ông đối với Beatrix từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, và cuối cùng tình cảm của ông lại dành cho Lady Castlewood. Trong thực tế, cảm giác từ trong quá khứ xuất hiện khá mạnh mẽ và rõ rệt ở Thackeray là kết quả đến từ niềm tin bất diệt của ông về sự hư không và tính tạm thời về tham vọng của mỗi con người. Không thể có một tượng đài đẹp đẽ nào cho những nhân vật sớm lụi tàn trong thế gian đầy hư không này phù hợp hơn các bằng
chứng của quá khứ. Thời gian sẽ quét sạch những gì xuất hiện trên đường đi của mình, kể cả những gì được cho là vẻ vang nhất cũng như những gì chúng ta tự hào nhất. Mọi sự sẽ trở thành ảo ảnh và biến thành bong bóng, chỉ một cái chạm nhẹ sẽ vỡ tan ở phía cuối con đường thời gian. Những tiểu thuyết của Thackeray như một ánh sáng dịu nhẹ giúp tinh thần trở nên khoan khoái và trong lành, làm mờ nhạt đi mọi phiền muộn và những ký ức buồn đau trong quá khứ. Chúng giống như sự gợi nhắc lại ký ức và mở ra bức tranh toàn cảnh của một thời đã qua. Trong Thackeray – tiểu thuyết gia (Thackeray - the Novelist), Geoffrey Tilloston trích dẫn lời nhẫn xét của ngài Chesterton như sau: “Thackeray là quá khứ của mọi người” [102,267]”. Chắc chắn Thackeray là một người thực tế nhưng trên hết ông có một trái tim lãng mạn cần thiết và cách sắp xếp quá khứ